Mới đây, tôi có dịp đi viết ở Nhà sáng tác Đà Lạt. Khi về, ghé TP. Hồ Chí Minh vài ngày, một cô gái giúp việc cho bà chị tôi hỏi: "Chú có còn cuốn Văn Ngan tướng công nào không, cho con xin".
Thì ra cô bé suốt ngày lau nhà, giặt giũ và rửa bát này cũng ham đọc sách. Do sự nhiệt tình của độc giả đặc biệt ấy, tôi bỗng nhớ đến sự ra đời của nhân vật Văn Ngan.
Tôi viết Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công năm 1962, in trên Tạp chí Văn nghệ, kể chuyện chàng Ngan biết bay một tí, biết chạy một tí, biết bơi một tí, biết hát ồ ề một tí, nhưng làm gì cũng dối trá để rồi chuốc lấy tai hoạ ba lần trụi lông, mất áo, hai lần suýt chết. Sau đó, nhà xuất bản Kim Đồng in thành sách năm 1963. Mãi đến năm 1986, Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công mới được tái bản (in 81.000 bản) với bìa và minh hoạ của hoạ sĩ Trương Qua, y hệt lần in thứ nhất. Rồi sách được tiếp tục tái bản năm 1994, 1996.
Ngay sau khi Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công ra đời, anh Marian Tkasốp đã dịch ra tiếng Nga. Tôi có được xem cuốn sách dịch ấy. Điều buồn cười là dịch giả đã lầm cốc (một loài chim lớn bắt cá) thành cóc. Và hoạ sĩ Nga minh hoạ đã vẽ con cóc bé tí đang dìm gã Ngỗng kều xuống hồ!
Văn Ngan tướng công ra mắt bạn đọc đã gặp ngay sóng gió. Một tờ báo lớn cho là cuốn sách "có vấn đề", rằng nhà xuất bản đã "vơ bèo vạt tép"; tác giả bài báo thân ái thay mặt các em nhỏ "bắt đền" tôi. Không khí khá căng thẳng vì rất có thể còn có nhiều suy diễn nặng nề khác. Tôi viết thư ngay cho một số đồng chí lãnh đạo. Tôi cắt bài báo, gửi cho anh Nguyễn Chí Thanh. Rất may là anh Thanh đã đọc cái truyện nhỏ của tôi, anh đã bảo với vợ tôi: "Truyện của Tú Nam viết có ích, trẻ con hay người lớn đều đọc được".
Sau đó, Viện Văn học (do anh Hoài Thanh chủ trì) tổ chức một cuộc trao đổi về Văn Ngan tướng công. Được tin, tôi đòi được có mặt để lắng nghe. Sự có mặt của tôi chắc đã làm giảm bớt nhiệt tình đấu đá của một vài người nào đó, nhưng vẫn có ý kiến khá bất ngờ. Một nhà phê bình đáng kính đã trách tôi có thành kiến xấu với con ngan, có lẽ là do tôi không thích... ăn thịt ngan! Một đồng chí khác lên án tôi đã bôi nhọ loài ngan, vì thế mà "phá hoại chính sách chăn nuôi"! Một nhà lí luận thì cho rằng không nên viết cho các em về các nhân vật tiêu cực, sợ các em bắt chước Văn Ngan và Văn Ngỗng... Tôi được trình bày ý kiến của mình và anh Hoài Thanh đã kết luận một cách nhẹ nhàng.
Sau đó ít lâu, nhân cuộc họp với giới báo chí ở Thái Bình, anh Nguyễn Chí Thanh có nói với đại diện tờ báo đã có bài phê phán cuốn sách nhỏ của tôi rằng không nên viết tiếp nữa. Thế là Văn Ngan thoát tội.
Bây giờ xin nói về Văn Ngan tướng công đã hình thành từ đâu? Trước hết từ những quan sát của tôi về đời sống loài ngan; thứ hai là từ tính xấu của một số người sống quanh tôi thời đó, như hám danh, hám lợi, lười biếng, dối trá, hãnh tiến và cơ hội chủ nghĩa; cuối cùng là từ chính tác phẩm Đông Kisốt của Xécvăngtét đã làm một tia chớp giúp tôi tạo ra nhân vật bé nhỏ Văn Ngan. Số là năm 1955, tôi đã mua ở Trung Quốc một bộ Đông Kisốt dày cộp, bản dịch tiếng Pháp. Mãi đến năm 1962, tôi mới có thì giờ đọc hết. Thế là bỗng chốc những hình ảnh về con ngan, thói xấu của một số người, quy tụ thành Văn Ngan tướng công. Bạn đọc chắc đã thấy có chỗ Văn Ngan "bắt chước" Đông Kisốt, ví như Gà Thiến (Thiên Nga) chính là nàng Đuynxinê của Văn Ngan đấy!
35 năm sau (1963 - 1998), nhớ lại sự ra đời khá sóng gió của Văn Ngan tướng công, tôi không trách ai - vì đó là chuyện của trên 30 năm cũ, tôi chân thành cảm ơn sự công bằng của bạn đọc, nhất là bạn đọc tuổi nhỏ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét