Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2016

PHAN LÊ BẢO HÂN: GIỌNG VĂN LẠ TỪ TÂM HỒN ĐẸP



Tham gia Trại sáng tác văn học thiếu nhi (VHTN) tỉnh lần thứ 1- 2015, chủ nhân giải Nhất thể loại văn xuôi - cô học trò lớp 9A2 Trường THCS Ðống Ða (TP Quy Nhơn) Phan Lê Bảo Hân được Ban tổ chức đánh giá là phát hiện ngoài mong đợi! Truyện ngắn “Người bán mặt trời” (tác phẩm đoạt giải Nhất) tiêu biểu cho phong cách viết của giọng văn lạ và đẹp này.
 
Gây bất ngờ cho ban tổ chức
Với truyện ngắn “Người bán mặt trời” ra đời tại Trại sáng tác VHTN tỉnh - 2015, tác giả Phan Lê Bảo Hân đã gây ngạc nhiên cho Ban tổ chức. Sự ngạc nhiên đó, bao gồm cả nỗi vui mừng trước sự xuất hiện của một chồi non văn chương triển vọng xen lẫn cảm giác băn khoăn, “đặt dấu hỏi” về nguồn gốc tác phẩm. Bởi lẽ, đây là sáng tác được các thành viên giám khảo đánh giá là một chỉnh thể văn chương đầy sáng tạo vượt khỏi tầm tuổi tác giả.
Hai nhân vật chính trong “Người bán mặt trời”: cậu bé bị bệnh tim bẩm sinh, mồ côi cha mẹ, bản thân chỉ còn lại một cánh tay sau tai nạn giao thông, ước mơ trở thành nhà văn viết tiểu thuyết và cô bé mù (nằm gường bệnh bên cạnh), bản thân không hề biết mình chính là tác nhân vô tình gây nên vụ tai nạn đau lòng kia (tình huống truyện: cô bé mù làm rơi búp bê, người mẹ nhặt, vô tình dẫn đến tai nạn của gia đình cậu bé bị bệnh tim). Mỗi ngày, làm theo khẩn khoản của cô bé mù, cậu bé lại dắt người bạn mới này ra ban công cùng cậu ngắm mặt trời. Mỗi ngày, ánh nhìn cậu bé đối với cô bé, đi từ có vẻ như tức giận đến đượm buồn đến ấm áp hơn. Mỗi ngày, nơi ban công bệnh viện, cô bé mù - chỉ có thể cảm nhận mặt trời -  vẫn thường đưa những đồng xu năm trăm đồng cho bạn mình ngỏ ý mua mặt trời. Cho đến một ngày, cậu bé tình nguyện bán mặt trời cho cô bé mù, đổi lại, thứ mà cậu muốn cô bé phải trả để có được mặt trời chính là hãy mua luôn ước mơ của cậu. Cậu bé qua đời vì bệnh tim, bán mặt trời bằng cách hiến tặng đôi mắt mình cho cô bé mù; còn cô bé đã không quên lời dặn của “người bán mặt trời” là “phải có trách nhiệm với những gì mình mua” bằng việc sau này trở thành nhà văn nổi tiếng, tác giả tiểu thuyết “Người bán mặt trời” nổi tiếng!
Nhà văn Lê Hoài Lương (giám khảo mảng văn xuôi) cho hay: “Truyện là bài ca ngợi ca sự sống với những ước mơ, ngợi ca tâm hồn cao đẹp của con người. Chất nhân văn sáng ngời, lung linh của tác phẩm khiến người đọc liên tưởng đến những tác phẩm của bậc thầy truyện ngắn Mỹ O.Henry. Phải khi gặp trực tiếp tác giả, Ban giám khảo mới thật sự yên tâm và vui mừng trước một cây bút còn quá trẻ đã đọc nhiều và viết được tác phẩm ấn tượng như vậy”. 
Gửi cuộc đời thông điệp yêu thương
Truyện ngắn “Người bán mặt trời” ra đời sau một đêm thức trắng, trước khi nộp lên Ban tổ chức Trại sáng tác, tác giả đã mang cho cô giáo chủ nhiệm, cũng là cô giáo dạy Văn của mình xem qua. Lần này, cô giáo Hồ Thị Ái Hiền cũng chỉ mỉm cười, nhìn học trò khích lệ chứ không bất ngờ.
Mới đây thôi, với dạng đề mở “viết một câu chuyện về tình bạn” mà cô Ái Hiền cho cả lớp làm, chỉ mỗi lớp trưởng Bảo Hân là chọn viết về đề tài “hóc búa” - tình bạn trong chiến tranh, một chủ đề khó, vốn không gần gũi với cuộc sống hiện tại cũng như suy nghĩ lứa tuổi. Chọn nhân vật chính cho bài làm văn về tình bạn là “cô bé Nepal” Phan Thị Kim Phúc, những trang văn về tình bạn của trẻ em Việt Nam cứ tồn tại hồn nhiên, đẹp đẽ, lớn lên, chói sáng đối chọi với cảnh chiến tranh tàn khốc mà “giọng văn lạ” Bảo Hân viết nên luôn làm xúc động cô Ái Hiền mỗi khi nhắc lại…
Ấn tượng với Bảo Hân ngay từ lần đầu tiên nghe em phát biểu, thuyết trình khi dự giờ năm lớp 8, nay (lớp 9) trực tiếp dạy và làm giáo viên chủ nhiệm, cô Ái Hiền càng có cơ hội tiếp xúc, hiểu văn của cô học trò cưng này hơn. “Văn của Bảo Hân luôn tạo ấn tượng về độ sâu sắc ở nội dung và tính độc đáo, sáng tạo ở cách thể hiện. Em rất mạnh ở dạng văn nghị luận xã hội, đề mở, cho thấy kiến văn rộng, suy nghĩ sâu sắc, chính kiến riêng… Khi làm văn, từ ý tưởng nội dung đến hình thức trình bày, Bảo Hân đều rất sáng tạo, vượt khỏi suy nghĩ lứa tuổi cũng như những quy phạm thông thường của một bài văn trong nhà trường. Bảo Hân ở trong đội tuyển thi học sinh giỏi Văn cấp tỉnh, nhiều lúc tôi “lo” phong cách này có thể bất lợi nếu gặp những giám khảo chuộng cách làm văn kiểu truyền thống; song, tôi có niềm tin em sẽ còn gây bất ngờ nếu đam mê mạnh mẽ và chuyên cần sáng tác”, cô Ái Hiền chia sẻ.
Bảo Hân tâm sự, sau bức thư UPU của mình với tựa đề “Thế giới của sự lắng nghe” (tham gia Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 44 chủ đề “Hãy viết một bức thư nói về thế giới bạn muốn lớn lên trong đó”) thì truyện ngắn “Người bán mặt trời” là hai sáng tác mà em tâm đắc nhất. “Trong bức thư “Thế giới của sự lắng nghe”, em muốn nhắn gửi một điều là: mọi điều tốt đẹp đều có thể có được nếu biết lắng nghe nhau! Cũng như với truyện ngắn này, em muốn kể mọi người nghe một câu chuyện về lòng nhân ái, về tình người dành cho nhau, về cho và nhận… Ai cũng kêu em lớp 9 mà viết truyện gì “già” dữ, nếu có thể qua những trang viết này, góp phần lan tỏa điều thiện trong cuộc đời, em thật sự thấy hạnh phúc, lấy đó làm động lực để viết!”, Bảo Hân bộc bạch.
Sao Ly
Báo Bình Định, ngày 31/12/2015

P/s: Rất mong BTC cuộc thi sớm công bố văn bản truyện Người bán mặt trời và các tác phẩm đoạt giải khác để bạn đọc gần xa được thưởng thức, bình luận.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét