Thứ Hai, 4 tháng 1, 2016

TIỂU LUẬN PHÊ BÌNH VÕ QUẢNG



 



Võ Quảng cho rằng, văn học thiếu nhi rất coi trọng vấn đề giáo dục; có sự phân hóa thành nhiều bộ phận nhỏ, thích ứng với từng lứa tuổi cụ thể...
1. Tiểu luận phê bình, một di sản văn chương Võ Quảng
 
1.1. Một thể loại góp phần làm nên thành tựu và sự đa dạng của văn nghiệp Võ Quảng (1920 – 2007), đó là tiểu luận phê bình. Cố nhiên, tiểu luận phê bình không phải là ưu tiên số một, bởi ông là nhà văn có nhiệm vụ chính là sáng tác nên những tác phẩm thơ, truyện cho tuổi thơ. Nhưng trong hoàn cảnh “chúng ta chưa có lực lượng nghiên cứu, lí luận phê bình về văn học cho thiếu nhi”[1] nên những người viết như ông đã tham gia vào lĩnh vực này. Kết quả, ông viết gần 50 tiểu luận phê bình, bài nào cũng có những ý kiến, những nhận xét xác đáng, đủ sức lập thành một cuốn sách tương đối đầy đặn, có giá trị đối với người sáng tác lẫn nghiên cứu, giảng dạy văn học thiếu nhi.

Có giá trị là vậy song đến nay, tiểu luận phê bình của Võ Quảng chưa được quan tâm tìm hiểu một cách có hệ thống. Theo quan sát của chúng tôi, các nghiên cứu về Võ Quảng chủ yếu tập trung vào việc phân tích giá trị thơ, văn của ông; tiểu luận phê bình nếu có được nói đến cũng chỉ dừng lại ở tầm mức ghi nhận[2]. Do đó, thực hiện bài viết này, chúng tôi muốn góp phần khắc phục khoảng trống đáng tiếc trong hoạt động nghiên cứu về Võ Quảng.

1.2. Như thơ truyện, đề tài của tiểu luận phê bình Võ Quảng là những vấn đề văn học thiếu nhi. Viết về đề tài này, ông có nhiều thuận lợi nhờ bề dày trải nghiệm, các suy tư có thể đúc kết thành nhận thức lí luận. Ông cho rằng, văn học thiếu nhi có hai vấn đề chính yếu là giáo dục và người đọc, những vấn đề còn lại đều từ đó mà ra. Trong các bài viết của mình, ông thường trở đi trở lại nhiều lần hai vấn đề đó. Vì thế, giữa các bài viết như có một mạch ngầm liên kết, một mối quan hệ thừa tiếp rất tự nhiên. Nhờ thế, các luận điểm của nhà văn không ngừng được củng cố, nhấn mạnh, mỗi lúc một khắc sâu vào nhận thức của người đọc. Cách làm này giúp cho Võ Quảng vừa trực diện vào vấn đề, vừa có được sự mở rộng cần thiết để làm sáng tỏ thêm một số khía cạnh khác, liên quan của thực thể văn học thiếu nhi.

1.3. Tiểu luận phê bình của Võ Quảng có đặc điểm chung là ngắn gọn. Đó là kết quả của lối viết kiệm từ, trọng nhận định hơn là mô tả, phân tích dông dài. Mặt khác, Võ Quảng đề cao lối viết có văn, tức người viết phải “chuyển được màu sắc của tâm hồn mình, cách nhìn của mình vào mỗi từ, mỗi câu, mỗi hình tượng, tạo ra được một giọng nói không giống bất kì một người nào khác”[3]. Có thể nói, quan niệm như vậy là tích cực, phù hợp với yêu cầu chung về phẩm chất thẩm mĩ cần có của tiểu luận phê bình.

2. Tư tưởng và phê bình của Võ Quảng về văn học thiếu nhi

2.1. Là người trong cuộc, Võ Quảng luôn đề cao vai trò của văn học trong việc giáo dục thiếu niên nhi đồng. Theo ông, văn học thiếu nhi có lợi thế trong việc giáo dục các em trở thành người tốt. Lợi thế ấy là ở chỗ, văn học đến với các em không phải bằng những ngôn từ khô khan, sáo rỗng; lại càng không phải bằng những câu chuyện giật gân, bạo lực mà bằng những lời nói hay, những hình tượng đẹp. Văn học giúp các em sống được nhiều cuộc đời, có được nhiều trải nghiệm thú vị khác nhau. Nhờ vậy, đời sống tình cảm, thế giới tâm hồn các em mỗi lúc một thêm phong phú. Trên cơ sở tình cảm được tập dượt, tâm hồn được rèn luyện, các em sẽ biết cách cảm nhận hiện thực và ứng xử tinh tế hơn, nhân văn hơn trước mọi tình huống đời sống.

Công bằng mà nói, luận điểm trên đây của Võ Quảng không mới nhưng đúng đắn, phù hợp với quan niệm chung của nền văn học. Điểm khác của Võ Quảng là ông không phát biểu theo kiểu tuyên ngôn mà đi sâu phân tích, xác tín tư tưởng bằng những căn cứ khoa học. Ông cho rằng, sở dĩ nói văn học thiếu nhi có vai trò quan trọng vì nó tham gia tích cực vào việc giáo dục tâm hồn cho trẻ em. Ông viết trong Cần những sáng tác tốt hơn nữa cho thiếu nhi như sau: “Tâm hồn là một việc ta thường ít chú ý, nhưng chính là nơi xuất phát mọi việc làm tốt đẹp và mọi hành động vĩ đại”[4]. Ở bài Về người đọc sách viết cho thiếu nhi, ông nói rõ hơn: “Những năm đầu tiên của một đời người quyết định tính cách cho cả một đời người. Những năm sau thường là những bổ sung hoặc những sửa chữa”[5].

Khi bàn về vấn đề giáo dục của văn học thiếu nhi, Võ Quảng còn đạt được sự mở rộng cần thiết, thú vị. Nhà văn quả quyết rằng, mọi vấn đề liên quan đến thiếu nhi đều mang tính chất đồ sộ. Bởi vì, thiếu nhi là lực lượng đông đảo, quyết định số phận dân tộc trong tương lai. Vì thế, sẽ là sai lầm nếu xem văn học thiếu nhi là thứ văn học hạng hai, là sản phẩm “làm thêm” của nhà văn. Văn học thiếu nhi cần phải được đặt vào vị trí trân trọng và người viết cho thiếu nhi cần phải nghiêm túc, tâm huyết trong công việc của mình. Thông điệp này không chỉ có ý nghĩa trong buổi đầu xây dựng nền văn học cho thiếu nhi mà ngay cả hôm nay và mai sau…

2.2. Về tâm lí, thị hiếu văn học của thiếu nhi, Võ Quảng cũng có những phân tích sâu sắc qua hai bài viết Chung quanh vấn đề sáng tác văn thơ cho thiếu nhi và Nghĩ và viết cho các em. Theo Võ Quảng, thiếu nhi là một lứa tuổi nhưng trong lứa tuổi này lại có nhiều lứa tuổi nhỏ hơn. Khoảng cách năm tháng giữa các lứa tuổi rất gần nhưng khoảng cách về tâm lí lại rất xa nhau. Cụ thể, giữa một bé ba tuổi và một bé năm tuổi, cách nhau chỉ hai năm, nhưng có lúc không hiểu được nhau. Thực tế này đòi hỏi người sáng tác phải tìm hiểu kĩ đối tượng để xây dựng tác phẩm sao cho phù hợp với các em. Để làm được điều này, “người viết văn phải đủ sự nhạy bén, mới có thể phân thân, mới có thể nhập vào đối tượng lứa tuổi, mới có thể làm cho sáng tác trở nên sinh động, chân thật đối với mỗi đối tượng” [6]. Qua ý kiến trên, Võ Quảng như ngầm xác nhận hệ thống văn học thiếu nhi sẽ bao gồm nhiều bộ phận nhỏ, gắn với từng lứa tuổi cụ thể: văn học nhi đồng, văn học thiếu niên, văn học tuổi mới lớn… Quan sát thực tế, chúng ta thấy quan điểm trên đây của ông là hoàn toàn đúng đắn, có ý nghĩa đối với nhận thức của người sáng tác lẫn thưởng thức. Chẳng hạn, ở lứa tuổi nhi đồng, các em rất thích thơ, cổ tích, đồng thoại, truyện tranh; nhưng đến tuổi thiếu niên, thị hiếu văn chương đã nghiêng về những câu chuyện lịch sử, khoa học viễn tưởng… Về ngôn ngữ, mỗi lứa tuổi cũng có những yêu cầu riêng, tuổi càng bé thì càng phải chính xác, cụ thể và giàu nhạc điệu.

Như vậy, từ vị trí người đọc, Võ Quảng đã nhìn ra được nhiều vấn đề khác nhau về sáng tác, tiếp nhận và cấu trúc của hệ thống văn học thiếu nhi, sự khác nhau giữa văn học thiếu nhi và văn học người lớn. Kết quả này có tác dụng làm rõ hơn đặc trưng của văn học thiếu nhi, giúp cho công chúng nhìn nhận, đánh giá đúng hơn về đối tượng, về từng tác phẩm thơ, văn cụ thể của nhà văn.

2.3. Qua các tiểu luận phê bình, Võ Quảng cho thấy ông rất quan tâm tới vấn đề thể loại của văn học thiếu nhi. Chúng ta đều biết, thể loại là hình thức tồn tại của tác phẩm văn học, có ý nghĩa đối với người sáng tác lẫn tiếp nhận. Trong địa hạt văn chương người lớn, vấn đề thể loại được giới nghiên cứu quan tâm giải quyết từ lâu. Qua thời gian, các nhà khoa học đã cung cấp cho công chúng nhiều kết quả nghiên cứu rất có giá trị. Thế nhưng, ở lĩnh vực văn học thiếu nhi, việc nghiên cứu về thể loại lại diễn ra không được như ý, mới được quan tâm trong những năm gần đây [7]. Điểm qua như vậy để thấy, ở một khía cạnh nào đó, có thể ghi nhận vai trò tiên phong của Võ Quảng khi ông sớm có những bài viết bàn về thể loại văn học thiếu nhi: Về sách viết cho các em, Truyện đồng thoại cho thiếu nhi, Nói về các loại truyện sáng tác cho trẻ em, Làm thơ cho các em… Trong những bài viết này, Võ Quảng cho rằng thể loại văn học dành cho các em rất rộng, rộng hơn nhiều so với người lớn. Mỗi thể loại thơ, truyện có đặc trưng thi pháp riêng, làm nên diện mạo văn học thiếu nhi. Truyện cổ tích, đồng thoại, loài vật, phiêu lưu... là những thể loại như vậy. Trong các phát biểu của Võ Quảng, chúng tôi thấy ông tỏ ra rất hứng thú với thể loại truyện đồng thoại (hay đồng thoại).

Ở Việt Nam, thuật ngữ truyện đồng thoại được hiểu khá linh động. Theo nghĩa rộng, truyện đồng thoại là một loại truyện, bao gồm tất cả mọi tác phẩm có tính kể chuyện dành cho trẻ em. Theo nghĩa hẹp, đồng thoại là một thể loại tự sự hiện đại, sử dụng hình thức nhân cách hóa loài vật nhằm tạo nên một thế giới kì diệu nhưng gần gũi với các em. Hiện nay, truyện đồng thoại chủ yếu được hiểu theo nghĩa thứ hai[8].

Trong các bài viết của mình, Võ Quảng xem đồng thoại là “một loại hình văn học rất phù hợp với thiếu nhi”[9]. Tuy không đưa ra định nghĩa nhưng bằng việc nêu bật đặc trưng của đồng thoại, phân biệt đồng thoại với các thể truyện gần gũi, Võ Quảng vẫn thể hiện rõ quan niệm của ông về đối tượng. Năm 1961, khi Nói về các loại truyện sáng tác cho trẻ em (1961), ông cho rằng, ở truyện đồng thoại nhân vật chính ngoài các loài vật, “nhân vật chính cũng có thể là cỏ cây, đồ vật được biến thành người”[10]. Ở bài Về một số quyển truyện viết cho thiếu nhi, ông nói rõ hơn: “Đồng thoại là loại truyện trong đó nhân vật không phải là con người mà là loài vật hoặc cỏ cây hay đồ đạc được nhân cách hóa. Tất cả đều hoạt động như những con người, giữa những mối quan hệ của con người”[11]. Năm 1982, trên Tạp chí Văn học (số 1), ông có bài viết riêng về thể loại này với tiêu đề Lại nói về truyện đồng thoại cho thiếu nhi. Về sau, trong các tuyển tập về văn chương Võ Quảng, tiêu đề này được chỉnh lại thành Truyện đồng thoại cho thiếu nhi. Tuy gọn hơn nhưng tiêu đề như vậy lại vô tình làm mất đi niềm trăn trở của Võ Quảng về truyện đồng thoại. Bởi ở bài viết này, Võ Quảng không chỉ “nói thêm” mà còn “nói lại” nhằm làm rõ quan niệm của ông về đồng thoại. Ở hai bài trước, nhà văn quan niệm nhân vật đồng thoại là loài vật, cỏ cây, đồ đạc. Đến bài viết này, ông mở rộng quan niệm, thừa nhận có sự tham gia của con người: “Nhân vật đồng thoại không chỉ là người mà còn đủ các loài vật, loài có xương sống, hoặc không có xương sống, biết nhảy, biết bay, biết lội... Nhân vật đồng thoại còn là các loài cây cỏ hoa quả mọc ở bất cứ khí hậu nào. Cả từ cây kim sợi chỉ cho đến đoàn tàu, chiếc cầu sắt, đều có thể biến thành nhân vật của đồng thoại”[12]. Có chút băn khoăn ở đây là ông không nói rõ con người có được bố trí vào vị trí nhân vật chính hay không.

Để làm rõ khuôn mặt thể loại truyện đồng thoại, ông đã tiến hành so sánh với truyện cổ tích, ngụ ngôn, khoa học viễn tưởng – những thể loại gần gũi, mặt mũi hao hao không dễ phân biệt. Trên cơ sở so sánh như vậy, ông khẳng định đồng thoại phản ánh cuộc sống không theo quy luật tả thực, không đưa bài học giáo dục như ngụ ngôn... Thiết nghĩ, trong hoàn cảnh nền văn học chưa có nhiều thành tựu lí luận về thể loại văn học thiếu nhi nói chung, truyện đồng thoại nói riêng thì những ý kiến trên của Võ Quảng là rất đáng được ghi nhận, tham khảo phục vụ cho công tác nghiên cứu và giảng dạy văn học thiếu nhi.

2.4. Văn học thiếu nhi là một thực thể có nhiều nét đặc thù, thể hiện rõ trong hoạt động sáng tạo của nhà văn. Trong Chung quanh vấn đề sáng tác thơ văn cho thiếu nhi, Võ Quảng cho rằng nhà văn viết cho thiếu nhi là một nghệ sĩ nhưng đồng thời cũng là một nhà giáo muốn các em trở nên tốt đẹp. Ở họ, quan điểm nghệ thuật và giáo dục luôn gắn liền với nhau, không tách rời. Ông hiểu, đó là chỗ khó song cũng là vinh dự của người viết cho thiếu nhi. Mặt khác, người viết cho thiếu nhi cùng lúc phải sắm nhiều vai, phải vừa tầm để bầu bạn với các em song lại phải trên tầm để dìu dắt các em đi theo ánh sáng của cái đẹp. Xử lí hài hòa các mối quan hệ nói trên, nhà văn sẽ có cơ hội để tạo nên những tác phẩm tốt với nhiều nấc thang giá trị. Trong Làm thơ cho các em, ông viết như sau: “Thơ cho các em phải ngang tầm với các em nhưng đồng thời cũng phải tiến về phía trước một bước. Ngay cả triết lí của bài thơ cũng không phải để các em hiểu liền mà còn để thấm dần vào lòng các em sau khi hình tượng và nhạc thơ đã phát huy tác dụng”[13]. Có thể nói, tuy không diễn đạt một cách trực tiếp nhưng Võ Quảng quan niệm viết cho thiếu nhi là một hoạt động sáng tạo có tính hòa giải các mối quan hệ giữa nghệ sĩ và nhà giáo, giữa người lớn và trẻ em. Trong cuộc hòa giải này, nhà văn là người tôn trọng, yêu thương các em, tìm cách thỏa mãn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của các em trên cơ sở lưu ý đến các mục tiêu chung của nền văn hóa. Bằng ý kiến này, Võ Quảng không ngăn cản ai muốn trở thành nhà văn của các em nhưng đồng thời cũng khuyến cáo rằng, viết cho thiếu nhi là công việc không hề dễ dàng, không cứ cưa sừng thì thành nghé được.

2.5. Thành tựu văn học thiếu nhi cũng là một chủ đề của tiểu luận phê bình Võ Quảng. Tuy nhiên, ở chủ đề này, ông không có nhiều bài viết, nhất là những bài viết riêng về một tác giả, tác phẩm nào đó. Đáng nói nhất trong số này là bài Về một số quyển truyện viết cho thiếu nhi, đăng lần đầu tiên trên Tạp chí Tác phẩm mới (số 2/1974) của Hội Nhà văn Việt Nam. Trong bài viết có tính chất tổng kết một chặng đường phát triển của văn học thiếu nhi này, ông đánh giá cao những thành tựu văn xuôi. Người viết tỏ ra hồ hởi khi chỉ qua một thời gian không dài mà nền văn học đã gặt hái được rất nhiều thành tựu. Thành tựu đó thể hiện rõ ở khả năng khai thác nhiều đề tài và thể loại khác nhau. Cụ thể, đề tài nào, thể loại nào cũng có những tác giả, tác phẩm đạt được sự kết tinh nghệ thuật đặc sắc. Trong khi vừa bao quát diện, Võ Quảng vẫn không quên làm nổi bật điểm, trân trọng từng tác giả, tác phẩm xuất sắc. Võ Quảng đánh giá cao Tô Hoài qua những truyện đồng thoại đậm màu sắc “độc đáo”, “lộng lẫy”. Ông thừa nhận Lá cờ thêu sáu chữ vàng là “quyển truyện lịch sử viết đạt nhất cho thiếu nhi trong mấy năm gần đây”. Với Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi, ông lại thấy “có cái đẹp mãnh liệt chói chang”, có nỗi buồn “vang vọng như một điệu vọng cổ”... Bên cạnh đó, Võ Quảng cũng mạnh dạn chỉ một số hạn chế nghệ thuật cần phải khắc phục. Theo đó, văn học ta còn có không ít những tác phẩm khô khan, nghiêm trang, thiếu chất tưởng tượng bay bổng, diệu kì khiến cho bài học giáo dục không đến được tâm hồn các em...[14]. Nhìn chung, những nhận xét như vậy cho thấy cách viết phê bình của Võ Quảng, khách quan mà thiện chí, thiên về ghi nhận, cổ vũ hơn là chê bai, phủ nhận. Vì thế, các ý kiến của ông là những gợi ý tốt cho đồng nghiệp để họ nỗ lực tìm tòi đề tài cùng những hình thức nghệ thuật phù hợp nhằm đem đến cho các em ngày càng nhiều tác phẩm hay, hấp dẫn.

3. Tiểu luận phê bình Võ Quảng là một phần của lịch sử văn học thiếu nhi

Võ Quảng thuộc số những nhà văn, nhà thơ viết tiểu luận phê bình. Thế mạnh của ông là trải nghiệm và sự nhạy cảm nghề nghiệp của người sáng tác. Vì thế, ông đã viết đúng, viết trúng nhiều vấn đề cơ bản của văn học thiếu nhi. Không thể phủ nhận giá trị lí luận và thực tiễn của các tiểu luận phê bình mà nhà văn đã đóng góp cho nền văn học nước nhà.

Cũng cần nhớ rằng, Võ Quảng viết tiểu luận phê bình chủ yếu vào những năm 60, 70 của thế kỉ XX. Đó là lúc văn học thiếu nhi đang ở vào buổi đầu xây dựng, phát triển. Đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu, lí luận phê bình văn học thiếu nhi còn rất mỏng. Vì thế, nhiều vấn đề lí luận, nhiều hiện tượng văn học tuy đã được ý thức nhưng hoặc đã bị bỏ qua, hoặc giải quyết chưa triệt để. Người sáng tác ít nhận được sự khuyến khích, động viên kịp thời, luôn cảm thấy như đang đi trên con đường vắng, gọi hoài vẫn chẳng thấy ai đáp lời. Trong hoàn cảnh như vậy, Võ Quảng và một số cây bút khác như Phạm Hổ, Vũ Ngọc Bình… tham gia viết tiểu luận phê bình, trao đổi kinh nghiệm sáng tác đã góp phần dấy lên không khí học thuật, sáng tác rất sôi nổi. Thực tế này rất cần được ghi nhận, tổng kết khi viết về lịch sử văn học thiếu nhi Việt Nam…

Tháng 1/2013
Lê Nhật Ký
(Bài đã đăng trên Tạp chí Khoa học, Trường ĐH Quảng Nam)




Chú thích:
[1]. Tô Hoài: Đôi điều về văn học thiếu nhi hiện nay, in trong Bách khoa thư văn học thiếu nhi Việt Nam, tập I, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2003, tr.168.
[2]. Hai công trình sau có nhắc đến tiểu luận phê bình của Võ Quảng:
- Võ Quảng, 40 năm viết… của Phong Lê, in trong Tuyển tập Võ Quảng, tập II, Nxb Văn học, Hà Nội, 1998, tr.353.
- Văn học cho thiếu nhi của Châu Minh Hùng và Lê Nhật Ký, Đại học Quy Nhơn, 2003, tr.163.
[3]. Võ Quảng: Nói về ngôn ngữ văn học đi vào nhà trường, in trong Võ Quảng con người, tác phẩm (Phương Thảo tuyển chọn), Nxb Đà Nẵng, 2008, tr.151.
[4]. Võ Quảng: Cần những sáng tác tốt hơn nữa cho thiếu nhi, in trong Võ Quảng con người, tác phẩm (Phương Thảo tuyển chọn), Nxb Đà Nẵng, 2008, tr.129.
[5]. Võ Quảng: Về người đọc sách viết cho thiếu nhi, in trong Võ Quảng con người, tác phẩm (Phương Thảo tuyển chọn), Nxb Đà Nẵng, 2008, tr.144.
[6].Võ Quảng: Nghĩ và viết cho các em, in trong Võ Quảng con người, tác phẩm (Phương Thảo tuyển chọn), Nxb Đà Nẵng, 2008, tr.137-138.
[7]. Chúng tôi muốn nói đến các công trình sau:
- Truyện viết cho thiếu nhi sau năm 1975 của Lã Thị Bắc Lý, Nxb ĐHQG Hà Nội, 2000.
- Hệ thống thể loại văn học thiếu nhi của Châu Minh Hùng và Lê Nhật Ký, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2009.
[8]. Xin xem: Về cách hiểu truyện đồng thoại ở Việt Nam của Lê Nhật Ký, Tạp chí Khoa học xã hội (vùng Nam Bộ), số 11/2009, tr.52 – 59.
[9]. Võ Quảng: Truyện đồng thoại cho thiếu nhi, Tạp chí Văn học, số 1/1982, tr.75.
[10]. Võ Quảng: Nói về các loại truyện sáng tác cho trẻ em, in trong Võ Quảng con người, tác phẩm (Phương Thảo tuyển chọn), Nxb Đà Nẵng, 2008, tr.158.
[11]. Võ Quảng: Về một số quyển truyện viết cho thiếu nhi, Tạp chí Tác phẩm mới, số 34/1974, Hội Nhà văn Việt Nam.
[12]. Võ Quảng: Truyện đồng thoại cho thiếu nhi, Tạp chí Văn học, số 1/1982, tr.75.
[13]. Võ Quảng: Làm thơ cho các em, in trong Võ Quảng con người, tác phẩm (Phương Thảo tuyển chọn), Nxb Đà Nẵng, 2008, tr.174.
[14]. Võ Quảng: Về một số quyển truyện viết cho thiếu nhi, Tạp chí Tác phẩm mới, số 34/1974, Hội Nhà văn Việt Nam.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét