Con người có cần trí tưởng tượng lắm
không? Thế giới khoa học và phát triển hiện đại có quy trình hôm nay có cần trí
tưởng tượng không? Đó là câu hỏi mà câu chuyện nhỏ dưới đây có thể giải đáp
phần nào.
***************************************
“Đừng
xiềng xích trẻ em bằng khái niệm giáo dục truyền thống. Đừng xiềng xích trí
tưởng tượng của trẻ em. Hãy giải phóng (...) sự tò mò của trẻ”.
******************************************************
Trong các điều kỳ dị có thể tìm thấy
trên mạng xã hội hôm nay, có câu chuyện bà mẹ kiện nhà trường mẫu giáo vì đã
dạy cho con bà biết quá sớm các mặt chữ.
Chuyện kể rằng năm 1968, một bà mẹ ở
bang Nevada, Hoa Kỳ phát hiện đứa con ba tuổi của mình, bé Edith, khi nhìn vào
chữ “open” đã reo lên và nói mình biết chữ “o” trong đó. Bé nói cô giáo trong
trường mới dạy cho bé biết chữ này.
Trái với thái độ của các bà mẹ thông
thường, mẹ của bé Edith đã buồn bực và gửi đơn kiện trường mẫu giáo Laura III,
với mức bồi thường tượng trưng là 1.000 USD. Lý do của vụ kiện gây xôn xao này,
là mẹ của Edith cho rằng nhà trường vì tham vọng giáo dục nhanh, đã bóp chết
trí tưởng tượng của con bà. Rằng từ đây, trong suy nghĩ của bé chỉ còn một thứ
được ấn định, chứ không còn là không gian tự chọn lựa theo trí tưởng tượng nữa.
Trước khi biết vòng tròn đó được áp
đặt là “o”, thì bé có thể nhìn thấy hình dạng đó là muôn vạn thứ, có thể là mặt
trời, có thể hồ nước hay có thể là một con mắt của con thú nào đó. Nhưng từ khi
bị ấn định theo huấn thị, đứa bé bị cầm tù trong không gian của người lớn, trí
tưởng tượng bị hủy diệt.
Đơn kiện của bà mẹ bé Edith, theo
câu chuyện mô tả, đã làm xôn xao các nhà giáo dục của bang Nevada, và gây tranh
cãi không thôi. Người thì nói bà mẹ đó chỉ là một kẻ cơ hội được mùa, kẻ lại
bảo suy nghĩ của bà mẹ đó là một cuộc cách mạng cho khoa học giáo dục. Tuy
nhiên, người ủng hộ bà không nhiều, thậm chí cả luật sư đại diện cho bà cũng
cảm thấy không được mạnh mẽ trong lập luận của mình.
Thế nhưng kết quả cuối cùng của vụ
kiện này thật bất ngờ: bé Edith được trường Laura III bồi thường 1.000 USD, sự
kiện này được ghi vào sách giáo khoa, vào luật bảo hộ giáo dục công dân về
quyền sử dụng trí tưởng tượng.
Theo mô tả, diễn giải của bà mẹ đó
trước tòa, bà từng nhìn thấy ở các nước phương Đông, người ta nhốt những con
thiên nga nhỏ vào các hồ không có chiều dài, để chúng không thể lấy đà bay lên,
dù được thả tự do. Việc áp đặt nhận định về một thế giới mở, quá sớm, sẽ dẫn
đến việc đứa trẻ không còn bay bổng nữa trong trí tưởng tượng. Tâm hồn của trẻ
thơ bị cầm tù trong trí thông minh đơn điệu của người lớn.
Điều người mẹ đó lo lắng, là khi bị
cướp mất đi trí tưởng tượng tự do, đứa trẻ sẽ không còn khả năng sáng tạo và
trở thành một lớp người chỉ là công cụ cho kẻ khác. Câu chuyện này làm nức lòng
những ai quan tâm đến con cái mình, đến nền giáo dục, thậm chí là đến tương lai
của một quốc gia.
Thế nhưng, bí mật của câu chuyện
này, là toàn bộ câu chuyện đó cũng là sản phẩm của trí tưởng tượng, dựa vào các
tiêu chí có thật của các điều luật về giáo dục tại Mỹ.
Đó là một nỗ lực tuyệt vọng của các
nhà báo và giáo dục Trung Quốc, như để nhằm vận động cho một chiến dịch chống
lại nền giáo dục đầy tính tuyên truyền và biến con người thành công cụ hiện nay
ở đất nước có hơn 7.000 năm văn hiến.
Câu chuyện giáo dục này, không tìm
thấy trong bất kỳ dữ liệu nào của bang Nevada, cũng như chỉ tìm thấy trên trang
tiếng Hoa http://www.guokr.com/question/464199, được nhiều báo giấy và báo điện
tử tiếng Hoa dẫn lại, kể từ năm 2014.
Đầu năm 2014, lời của cựu chủ tịch
của trường Đại học Vũ Hán, Trung Quốc, ông Lưu Đào Vũ (Liu Daoyu) được trích
dẫn nhiều trên các diễn đàn và thông tin giáo dục rằng: “Đừng xiềng xích trẻ em
bằng khái niệm giáo dục truyền thống. Đừng xiềng xích trí tưởng tượng của trẻ
em. Hãy giải phóng nền giáo dục của Trung Quốc bắt đầu từ sự giải phóng sự tò
mò của trẻ”.
Cuộc cách mạng âm thầm trong việc
muốn thay đổi khuynh hướng giáo dục ở Trung Quốc từ giới trí thức cấp tiến ngày
càng mạnh. Ngày càng nhiều ý kiến cho rằng nền giáo dục ở Trung Quốc đang bóp
chết sự tưởng tượng và sáng tạo của thế hệ mới, thay vào bằng một lớp người chỉ
biết sao chép và tuân lệnh.
Đánh giá quốc tế, khảo sát dựa trên
21 quốc gia trên toàn thế giới năm 2010, cho thấy Trung Quốc xếp hạng cuối cùng
về trí tưởng tượng, sáng tạo của trẻ. Ở khối tiểu học, sự tò mò và trí tưởng
tượng chỉ có 4,7%, khả năng phát triển trí tưởng tượng và sáng tạo chỉ có
14,9%. Chỉ số đó không tăng lên, mà dường như vẫn đang hạ xuống.
Rất nhiều người tin rằng câu chuyện
bà mẹ Mỹ với chữ “o”, là một câu chuyện ẩn dụ dành cho nền giáo dục Trung Quốc.
Người ta cũng bắt gặp câu chuyện này trong các bài nói chuyện của chủ tịch Lưu
Đào Vũ.
Nhà khoa học thiên tài Albert
Einstein từng nói: “Tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức vì kiến thức còn
hạn chế, nhưng trí tưởng tượng tóm tắt tất cả thế giới”.
Kinmen
và Matsu trong Lãng mạn thế kỷ 21 nói rằng “nếu cuộc sống vẫn tồn tại bởi
các định dạng khuôn mẫu, đó là đại lộ dẫn đến các thất bại”.
Trong thế giới này, sự tưởng tượng
mới vĩ đại làm sao. Và cũng thật buồn bã như bí mật của câu chuyện chữ “o” được
sáng tạo ở Trung Quốc bị tiết lộ: ngay cả mơ ước một sự đổi thay cho con người,
người ta cũng phải cậy nhờ, sống bằng trí tưởng tượng, và tiếp tục tưởng tượng.
Ở nơi đâu nuôi dưỡng trí tưởng tượng
như một lộ trình đi đến đời thật, nơi đó là tinh cầu của Hoàng tử bé, mà
những bông hồng không bao giờ cần phải ủ kín trong lồng thủy tinh, và cũng
không bao giờ héo tàn. Darrell Berry, người Mỹ, nhà nghiên cứu tiên phong về
mạng xã hội - người thể nghiệm trang mạng mang tên Matisse ở Tokyo vào năm 1995
- đã nói rằng ông luôn sống với trí tưởng tượng để có được thành quả đầu tiên.
Darell kể rằng khi ông còn nhỏ, mẹ
của ông đưa ra biển chơi. Nhìn ra tận cùng của đường chân trời, cậu bé Darrell
hỏi rằng “Mẹ ơi, sau biển là gì?”. Người mẹ đó đã trả lời bằng một lời
gợi mở tuyệt vời, ảnh hưởng mãi đến cậu về sau: “Là gì? Con thử tưởng tượng
xem?”.
Theo Tuấn Khanh
Người Đô Thị, ngày 2/1/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét