Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2016

KHÔNG ĐƯỢC HẠ THẤP GIÁ TRỊ CỦA VĂN HỌC THIẾU NHI



Thời Nay - Sự xuất hiện chương trình thơ thiếu nhi tại ngày thơ Việt Nam lần thứ 14 đánh dấu sự trở lại của Ban văn học thiếu nhi (Hội nhà văn Việt Nam) sau một thời gian vắng bóng. Thời Nay đã có cuộc trò chuyện cùng nhà thơ Lê Phương Liên, Phó trưởng Ban Văn học thiếu nhi.

Nhà văn đánh giá như thế nào về sự phát triển của văn học thiếu nhi những năm gần đây?

- Năm 2005 tôi làm Trưởng ban văn học thiếu nhi, khi đó văn học thiếu nhi đứng trước một tình hình: thế hệ các nhà văn hàng đầu viết cho thiếu nhi đã ở lứa tuổi 60, 70, 80 và lần lượt “ra đi”. Thời điểm này trên văn đàn xuất hiện xu hướng đổi mới văn học trẻ thu hút khá đông đảo những cây bút ở lứa tuổi từ 18-19 đến 30-35 tuổi. Khuynh hướng viết mới này đi sâu vào khía cạnh riêng tư của đời sống con người. Do đó nhiều tác phẩm gần như đã xa rời nhu cầu thưởng thức văn học trong sáng của trẻ em. Vốn từ một nền văn học thiếu nhi phát triển toàn diện với các tác giả nổi tiếng cả văn và thơ được nhiều thế hệ thiếu nhi mến mộ khi bước sang thế kỷ 21, một sự phát triển thiếu cân đối giữa văn xuôi và thơ ca thiếu nhi đã khiến nhiều nhà văn tâm huyết với văn học thiếu nhi nhiều lần lên tiếng cảnh báo, lo lắng, bi quan đến mức cho rằng văn học thiếu nhi đặc biệt là thơ thiếu nhi đã rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng!

Bà đánh giá như thế nào về những tiếng nói đó?

- Những ý kiến lo lắng đó không phải là không có cơ sở. Khi nhìn lại 15 năm đầu tiên của thế kỷ 21, đánh giá những thành tựu của văn học thiếu nhi, người ta dễ dàng nhìn thấy sự nổi bật của tranh truyện và văn xuôi cho thiếu nhi, trong khi đó một nội dung cần thiết cho tâm hồn tuổi thơ là thơ thiếu nhi thì gần như không có sự xuất hiện một tác giả mới nào, một giọng thơ mới nào được các em thiếu nhi yêu thích, các em thiếu nhi xa rời việc đọc thơ, các vị phụ huynh không mặn mà với sách thơ.

Đâu là những nỗ lực nhằm “cứu vãn” tình hình như bà phân tích?

- Có những hoạt động khác nhau của người cầm bút và cơ quan xuất bản, Nhưng phải nhấn mạnh, vào năm 2009, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã có một chủ trương đúng đắn là tổ chức việc ký kết Chương trình hành động phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam trong việc đảy mạnh sáng tác cho thiếu nhi, hàng năm tổ chức các Trại sáng tác và trao giải thưởng Cây bút Tuổi Hồng, đơn vị thực hiện phong trào này là Báo Thiếu niên Tiền phong. Từ 2009 đến năm 2015, hàng năm đến mùa hè các trại sáng tác đã được tổ chức lần lượt tổ chức tại Hà Nội, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Huế, Quảng Ninh. Nhiều nhà văn nổi tiếng có kinh nghiệm sáng tác cho thiếu nhi như Trần Đăng Khoa, Phan Thị Thanh Nhàn, Lê Phương Liên, Nguyễn Đức Quang, Trần Quốc Toàn, Nguyễn Thái Hải, Vũ Quang Vinh… đã sát cánh cùng với các bạn cán bộ Đoàn tham gia bồi dưỡng phát hiện các mầm non văn học mới.

Sự trở lại của Ban văn học thiếu nhi thuộc Hội nhà văn Việt Nam thời gian qua đã thành hiện thực. Bà có kỳ vọng gì từ việc này?

- Văn học thiếu nhi là một thể loại văn học đặc thù với đối tượng thưởng thức chính là thiếu nhi từ 0 tuổi đến 15-16 tuổi. Theo suy nghĩ của tôi, văn học thiếu nhi có cơ sở lý luận riêng và có sự kết hợp của văn học nghệ thuật với giáo dục học và tâm lý học trẻ em. Văn học thiếu nhi trước hết là để phục vụ thiếu nhi nhưng tất cả các tác phẩm văn học thiếu nhi kinh điển nổi tiếng của thế giới và Việt Nam đã có chức năng cao hơn nữa là để phục vụ toàn thể bạn đọc ở tất cá các lứa tuổi “ những người đã từng là trẻ thơ”. Văn học thiếu nhi đem lại cảm hứng trong sáng, thanh lọc lại tâm hồn con người, khởi động lại niềm hưng phấn trẻ thơ trong tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi. Sự tồn tại và phát triển văn học thiếu nhi không chỉ đem lại hạnh phúc riêng cho các em thiếu nhi mà chính là đem lại hạnh phúc cho tất cả mọi gia đình, mọi người lớn tuổi và cho cả xã hội loài người. Hội Nhà văn Việt Nam quan tâm đến văn học thiếu nhi chính là quan tâm đến sự phát triển bền vững của cả nền văn học hiện đại Việt Nam. 

Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện.

Thi Phong (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét