Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

TUỔI THƠ VÀ SÁCH TRUYỆN




Thiếu niên, nhi đồng là đối tượng bạn đọc có nhiều nhu cầu. nhu cầu của chính người đọc và cả nhu cầu có thể ở lứa tuổi ấy chưa cảm nhận được hết, nhưng lại rất cần.
 
Trong dự thảo báo cáo của BCH hội nhà văn khóa V trình các đại hội cơ sở có một câu về văn học với thiếu nhi: “quan tâm đến đời sống tâm hồn của trẻ thơ”. đó quả là mục tiêu quan trọng và chuẩn xác. bởi trẻ được nâng cao trình độ kiến thức mọi mặt qua các môn học ở nhà trường và các sinh hoạt khác, song nâng cao tâm hồn làm nền tảng cho nhân cách thì chủ yếu tiếp nhận trong đời sống tình cảm của gia đình và qua các tác phẩm văn học nghệ thuật. tâm hồn chính là cái gốc chỉ huy mọi cảm xúc và hành vi của con người. hành vi không xuất phát từ tâm hồn thì đó là hành vi bản năng mà loài vật cũng có.

Văn học dân tộc ta từ xa xưa đã rất quan tâm đến việc nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ. những lời hát ru, những truyện dân gian, cổ tích và trong thế kỷ XX, trên văn đàn việt nam xuất hiện những tác giả, tác phẩm mà nhiều thế hệ tuổi thơ đã mang những dấu ấn của tác phẩm đi theo với cả cuộc đời. dường như nhà văn nào cũng có lúc viết cho thiếu nhi (không kể những tác giả chỉ viết cho thiếu nhi), hoặc trong tác phẩm viết cho người lớn, khi xây dựng những nhân vật thiếu nhi đều đã để lại những ấn tượng khó quên. ý thức trước tuổi thơ được thể hiện nhất quán trong các cây bút Việt Nam, như một đối tượng mà người viết mang đầy ý thức trách nhiệm trong sự khám phá, với tấm lòng nhân hậu, nâng niu, thương cảm và sự trân trọng trước những tâm hồn trắng trong, mà bất kỳ một nhà văn nào cũng có một mẫu hình nào đó trong đời mình. đây là nét đẹp của đội ngũ viết văn nước ta, và cũng là hạnh phúc của mỗi đời văn. Vì vậy, đánh giá về văn học viết cho thiếu nhi, chúng ta không nên bỏ qua những nhân vật nhỏ tuổi trong các truyện viết cho người lớn có sức cuốn hút trẻ thơ, bởi các em hôm nay cũng như trước kia, vẫn luôn tìm đọc sách truyện của người lớn, kể cả truyện lịch sử, truyện cách mạng – đọc một cách say mê.
  
Đặc điểm này đặt ra một vấn đề mà hội nhà văn trong nhiệm khóa tới nên lưu tâm:
- Ban văn học thiếu nhi của hội thường theo dõi và đánh giá những tác phẩm, tác giả chỉ viết cho thiếu nhi, nay cần cộng tác với ban văn xuôi của hội phát hiện những tác giả viết cho người lớn mà trong tác phẩm đã xây dựng được những nhân vật thiếu nhi gây nhiều ấn tượng. các cuộc hội thảo về văn học thiếu nhi nên mở rộng với các tác giả này, làm phong phú hơn những nội dung hội thảo trong việc nghiên cứu và khám phá nhân vật cũng như vấn đề của tuổi thơ thời đại hôm nay.

- Báo Văn Nghệ, Văn Nghệ trẻ, NXB Hội Nhà văn cần dành tỷ lệ cho ra đời và giới thiệu các tác phẩm viết và dịch cho thiếu nhi, cũng như tái bản sách văn học việt nam có giá trị viết cho thiếu nhi.

- Tạo điều kiện cộng tác giữa các nhà khoa học và hoạt động xã hội với nhà văn viết cho thiếu nhi bằng nhiều hình thức sinh hoạt, có thể là những thông báo, tọa đàm về các thành tựu khoa học kỹ thuật, những dự báo nghiên cứu về gia đình, phụ nữ , thiếu nhi, để sức tưởng tượng trong sáng tạo của nhà văn hòa nhập được với quy luật phát triển. Tổ chức để các nhà văn viết cho thiếu nhi được đi thực tế nơi cần thiết, nư các nhà văn khác. Chăm chút đội ngũ nghiên cứu, phê bình mảng văn học này.

- Thời đại ta lấy việc đầu tư vào con người là mục tiêu quan trọng thì tạo dựng tâm hồn cho trẻ thơ chính là việc trồng người. trong những tiếp xúc của chúng tôi với bạn đọc nhỏ tuổi được biết, các em luôn luôn đầy ắp những nhu cầu về tinh thần. rất đáng mừng. Dù có vô tuyến truyền hình, băng video... trẻ vẫn ham mê đọc truyện. Các em thường chuyền cho nhau cùng đọc những cuốn truyện hay, bởi các em đều “khan hiếm của cải”, không thể có tiền mua được tất cả. Thư viện quá ít sách cho các em mượn. quầy sách cho thuê đọc, chỉ phần lớn là tranh truyện, truyện kiếm hiệp, hoặc các loại truyện khác mà theo các em, để lại những ấn tượng không thích hoặc không nên đọc. “Nhưng nếu đọc mãi rồi có thể quen”.

- “Đọc một cuốn truyện hết bao nhiêu thì giờ đâu, nhưng chúng em biết được thêm nhiều điều, bổ sung cụ thể cho những bài giảng ở trường. Mà qua văn học, chúng em có hình ảnh nhớ lâu, cùng với tình yêu ghét cảm phục. Câu chữ trong truyện giúp chúng em biết thể hiện suy nghĩ tình cảm của mình phong phú hơn, cho chúng em hiểu những từ ngữ cổ...”.

- “Cũng có truyện tranh với nhiều phép lạ, chúng em cũng thích, nhưng lời văn lại chán vì không hay. Tại sao thế?”

- “Mẹ thường kể, thời chiến tranh trường đi sơ tán, vất vả thật, nhưng lại tha hồ ngắm nhìn thiên nhiên, trăng sao, cây cỏ, được tận mắt hiểu biết về đàn gà, con bò, cây chuối, rặng tre, hạt lúa, bắp ngô. chúng em ở thành phố bây giờ thiệt thòi. Thiên nhiên cũng là kho báu vô tận nuôi dưỡng tâm hồn các em. không lẽ rời sách học, rời máy vi tính, vô tuyến truyền hình và các trò chơi điện tử, đến công viên lại cũng ngắm toàn núi giả, suối giả, con giống nhốt trong lồng. Nếu chúng em gom tiền và được xã hội và nhà trường tổ chức cho chúng em đến với núi rừng thật... Chúng em thấy làng quê, nhà máy, công trường thật... chúng em thấy mình được phổng phao, sức lực, tự tin và nhiều ao ước. Con chim nuôi trong lồng, không thể là con chim dám sải cánh giữa nắng mưa, giông bão”.

- “Chúng em mong các nhà văn viết nhiều truyện hay cho chúng em, các nhà xuất bản được tài trợ để sách giá rẻ, có nhiều quầy sách ở phường cho chúng em đến mượn như ở phố trần quốc toản. Các nhà văn hãy lên tiếng với xã hội và gia đình về những nhu cầu chính đáng của các em. vì nhà văn bao giờ cũng nhạy cảm nên biết chăm chút tâm hồn trẻ thơ, từ tuổi thơ các nhà văn đã đi qua và từ trẻ thơ đang là những người ruột thịt ở ngay trong gia đình nhà văn vậy”.

Hà nội 22 tháng 2 năm 2000


Nhà văn Lê Minh
(Báo Văn Nghệ số 13, ngày 25/3/2000)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét