Tại Hội thảo Huế, 14/5/2016 |
"Văn
học thiếu nhi là một bộ phận vừa mang những đặc điểm chung của hệ thống (văn học),
vừa có một số đặc điểm riêng. Lí thuyết về đối tượng hiện vẫn chưa được thể
hiện đầy đủ trong các giáo trình, bài giảng về văn học thiếu nhi...".
2. Văn học thiếu nhi là một bộ phận có vị trí đặc biệt
trong mọi nền văn học. Ngoài những đặc điểm chung của hệ thống, văn học thiếu
nhi còn có một số đặc điểm riêng, thể hiện trên nhiều khía cạnh khác nhau của
tác phẩm. Năm 1981, khi tổng kết “35 năm văn
học thiếu nhi”, nhà văn Nguyên Ngọc (đại diện Hội nhà văn Việt Nam) cho rằng,
“vấn đề lí luận văn học thiếu nhi cũng là một vấn đề có tầm quan trọng lớn, và
càng ngày càng trở nên cấp bách. Từ thực tế sáng tác cho các em của chúng ta, từ
những kinh nghiệm của các nước bạn, chúng ta cần gấp rút xây dựng dần những cơ
sở lí luận văn học cho thiếu nhi của chúng ta” [6, Tr.11]. Mới đây, khi trả lời
phỏng vấn báo chí, nhà văn Lê Phương Liên, một người trong cuộc, cũng khẳng định
“văn
học thiếu nhi có cơ sở lý luận riêng và có sự kết hợp của văn học nghệ thuật
với giáo dục học và tâm lý học trẻ em”[4]… Như vậy, văn học thiếu nhi có “cơ sở
lý luận” và việc xây dựng “những cơ sở lí luận văn học cho thiếu
nhi” là một câu chuyện từ lâu đã nằm sẵn trong nhận thức của nhiều người, cả về
sáng tác lẫn nghiên cứu, giảng dạy.
2.1.
Trong nhiều năm qua, nhà trường chúng ta
chưa thực sự làm tốt việc xây dựng và trang bị tri thức lí luận về văn học thiếu
nhi cho sinh viên. Quan sát các giáo trình, bài giảng hiện hành, chúng tôi thấy
văn học thiếu nhi chủ yếu được trình bày theo phong cách “văn học sử”. Nghĩa
là, giáo trình (hay bài giảng) hướng vào mô tả quá trình vận động, giới thiệu một
số tác giả - tác phẩm văn học thiếu nhi tiêu biểu ở Việt Nam và thế giới. Ưu điểm
của cách làm này là giúp người học dễ hình dung về bức tranh văn học thiếu nhi,
ghi nhớ về nền văn học thông qua một số sự kiện, tác giả tiêu biểu. Tuy nhiên,
những mô tả như vậy thường ít được khái quát, hệ thống hoá thành tri thức có
giá trị lí luận. Thành thử, người học vẫn thiếu một nền tảng tri thức lí luận cần
thiết về văn học thiếu nhi, dẫn tới hạn chế về khả năng cảm thụ, bình luận các
tác phẩm cụ thể - nhất là những tác phẩm mới, có vấn đề.
Đầu
năm 2015, chúng ta không ít lần chứng kiến phản ứng của dư luận về việc sách
giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 sử dụng đoạn
văn của Nguyễn Đình Thi nói chuyện ông hình dung Thánh Gióng xuống tắm ở Hồ Tây
trước khi rời xa đất mẹ [1]. Gần như cùng lúc, dư luận cũng ồn ào về truyện
tranh Sọ Dừa của nhà xuất bản Hồng Đức
[9], truyện Thạch Sanh của nhà Kim Đồng
[10]… Thiết nghĩ, hiểu biết lí luận có hệ thống thì các thầy cô giáo, các sinh
viên ngành giáo dục tiểu học sẽ không khó khăn trong việc giúp học sinh, phụ
huynh nhìn nhận, lí giải những hiện tượng nêu trên một cách đúng đắn, thuyết phục.
2.2.
Xây dựng bài học về lý luận văn học thiếu nhi, theo chúng tôi, là một việc làm
cần thiết, có tác dụng về nhiều mặt. Tuy nhiên, để khả thi, chúng ta cần phải
xem xét, giải quyết một số vấn đề liên quan về tổ chức lẫn chuyên môn.
Trước
hết, chúng tôi thấy không cần thiết phải lập thành một học phần mới, cũng không
ghép vào học phần “Lý luận văn học” (hay “Lý thuyết văn học”) mà bố trí thành
bài mở đầu của học phần “Văn học thiếu nhi”. Trong trường hợp này, số tiết của
học phần vẫn giữ nguyên, người dạy buộc phải tính toán co giãn nội dung kiến thức
thuộc các bài sau theo hướng gia tăng nội dung tự học cho sinh viên. Cách làm
này vừa phù hợp với tinh thần giáo dục đại học, vừa đảm bảo sự ổn định cho
chương trình, kế hoạch đào tạo của ngành học vốn đã được thống nhất áp dụng từ
trước.
Điều quan trọng, cố nhiên, đó là phải xây dựng
được một hệ thống tri thức lí luận văn học thiếu nhi khoa học, phù hợp. Làm được điều này không dễ, bởi cho đến
nay, ở Việt Nam vẫn chưa có một công trình lý luận văn học thiếu nhi nào được
thực hiện và xuất bản. Nguyên nhân của tình trạng này, như Hội nhà văn Việt Nam
nhận định, là do “những nhà chuyên nghiên cứu và phê bình văn học cho thiếu nhi
không đủ đếm trên đầu ngón tay” [6,Tr.11]. Trước năm 1975, ở miền Bắc, gần như chỉ có Vân Thanh (Viện Văn học)
“một mình một ngựa” rong ruổi trên dặm dài văn học thiếu nhi Việt Nam. Từ năm
1975 trở lại đây, số người quan tâm đến việc nghiên cứu văn học thiếu nhi tuy
có tăng lên nhưng chưa đủ để xoá đi cái ấn tượng của người sáng tác, đúng như
Tô Hoài đã từng phát biểu: “Từ nửa thế kỉ phát triển của văn học thiếu nhi
chúng ta chưa có lực lượng nghiên cứu phê bình về văn học cho thiếu nhi” [3].
Nhìn chung, xưa cũng như nay, những người làm công tác nghiên cứu văn học thiếu
nhi đều ít được chuẩn bị chuyên môn ngay từ khi học đại học. Do đó, họ phải mất
nhiều thời gian tự đào tạo mới có thể có được một kết quả nghiên cứu nhất định
nào đó về văn học thiếu nhi. Đây thực sự là một trở ngại không nhỏ đối với bản
thân người nghiên cứu lẫn nền văn học, giáo dục nước nhà.
Nguồn
tài liệu lí thuyết của nước ngoài cũng thực sự hiếm. Những gì đã được dịch ra
tiếng Việt chỉ mới dừng lại ở dạng sách kinh nghiệm sáng tác. Đầu thập niên 60
của thế kỉ XX, nhà xuất bản Văn học đã tổ chức dịch và ấn hành các tài liệu
sau: Sáng tác đồng thoại và một số vấn đề
khác (Kim Cận, Nxb Văn học, 1960), Kinh
nghiệm viết cho các em, Làm thơ cho
các em (Nhiều tác giả, Nxb Văn học, 1962). Điều lạ là, sau mấy tài liệu đó,
đến nay, chưa có thêm tài liệu nào tương tự được giới thiệu ở Việt Nam. Như vậy,
lí thuyết văn học của nước ngoài tuy được nhập vào nước ta rất nhiều, song
không trực tiếp dành cho lĩnh vực văn học thiếu nhi.
...
Công
việc này sẽ do giảng viên các bộ môn “Lý luận văn học” và “Văn học thiếu nhi” phối
hợp thực nhiệm. Khẳng định như vậy là xuất phát từ tính tự chủ cần có của nhà
trường đại học, phần nữa là do hiện nay không có ai chuyên tâm với văn học thiếu
nhi, kể cả cán bộ nghiên cứu của Viện Văn học.
Lý
thuyết về văn học thiếu nhi là một hệ thống các tri thức lý luận về bản chất, đặc
trưng của một bộ phận văn học dành cho các độc giả có tuổi đời dưới 15. Theo
đó, bài học sẽ hướng người học tới những vấn đề cụ thể, có tính bản chất, quy
luật của hoạt động sáng tạo và tiếp nhận, quan niệm về giá trị của tác phẩm, hệ
thống thể loại và mối quan hệ giữa văn chương và tâm lí, giáo dục học… Chúng
tôi cho rằng, với những vấn đề trên, có thể phát triển thành một công trình quy
mô về lí luận văn học thiếu nhi.
LÊ NHẬT KÝ
ĐỌC ĐẦY ĐỦ TRONG SÁCH TỪ BƯỚC CHÂN DẾ MÈN (NXB KHXH, 2024).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Yến Anh (2015), “Thánh Gióng tắm ở Hồ Tây” thể hiện trí tưởng tượng phong phú của nhà văn”, nld.com.vn, cập nhật ngày 17/3.
[2]. Hoàng Văn Cẩn (2005), Dạy học tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi, tập I, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[3]. Tô Hoài (1993), “Đôi điều về văn học cho thiếu nhi hiện nay”, Báo Văn nghệ, (số 52), ra ngày 25/12.
[4]. Lê Phương Liên (2016), “Không được hạ thấp giá trị của văn học thiếu nhi”, www.nxbkimdong.com.vn, cập nhật ngày 11/3.
[5]. Lã Thị Bắc Lý (2008), Văn học thiếu nhi với việc giáo dục trẻ em lứa tuổi mầm non, Nxb ĐHSP Hà Nội.
[6]. Nguyên Ngọc (1982), “35 năm văn học cho thiếu nhi”, Vì trẻ thơ, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội, tr.7 – 13.
[7]. Nhiều tác giả (2009), Thi pháp trong văn học thiếu nhi (Bùi Thanh Truyền chủ biên), Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
[8]. Võ Quảng (2008), “Nghĩ và viết cho các em”, Võ Quảng con người tác phẩm (Phương Thảo tuyển chọn), Nxb Đà Nẵng, tr.136 – 139.
[9]. Thất Sơn (2015), “Truyện cổ tích biến tấu “sọ dừa” thành “sọ người”, VnExpress, cập nhật ngày 27/3.
[10]. Viết Thịnh (2015), “Ngừng phát hành sách kể chuyện mẹ Thạch Sanh nhường quần cho con”, plo.vn, cập nhật ngày 24/3.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét