Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016

NHỮNG CÂU CHUYỆN TUỔI THƠ TRONG TÁC PHẨM CỦA NHÀ VĂN NGỌC GIAO


Nhà văn Ngọc Giao (1911-1997) thuộc thế hệ những người cầm bút trưởng thành trong giai đoạn 1932-1945. Ông chuyên về văn xuôi, sáng tác cả cho người lớn lẫn thiếu nhi. Đóng góp của Ngọc Giao đối với văn học thiếu nhi rất quan trọng. Tuy nhiên, đóng góp ấy gần đây mới được nhiều người biết đến, nhất là khi tập truyện “Úm ba la hang thuồng luồng” của ông được tái bản (NXB Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, quý I/2016).

1.

Nếu Tô Hoài chuyên về đồng thoại thì Ngọc Giao lại tỏ ra hứng thú nhiều với thể loại cổ tích. Hầu hết các truyện trong tập “Úm ba la hang thuồng luồng” đều là cổ tích: “Hoàng Trừu”, “Bầu sữa dê”, “Úm ba la”, “Hang thuồng luồng”. Riêng “Ma Thiên Lãnh” có sự pha trộn giữa cổ tích và đồng thoại, khiến câu chuyện thêm phần lung linh huyền ảo, vừa rất xa lạ, song cũng lại hết sức đời thường, gần gũi. Với tuổi thơ, đó thực là một thế giới nghệ thuật đầy thú vị, mở ra nhiều cơ hội trải nghiệm và thâu nhận bài học làm người.

Trong thế giới nghệ thuật của Ngọc Giao, các em sẽ gặp lại những nhân vật cổ tích quen thuộc như hoàng tử, công chúa, nhà vua, thị tì, phù thủy, dân nghèo… Nhưng qua lời kể của ông, các nhân vật có một đời sống khác, số phận khác, vừa phảng phất sắc màu lịch sử, vừa đời thường dung dị.

Điểm nổi bật trong nghệ thuật kể chuyện của nhà văn là đi sâu khai thác các cảnh ngộ éo le, số phận đáng thương của nhân vật rồi từ đó làm nổi bật lên vẻ đẹp phẩm chất tâm hồn của họ. Đó là trường hợp nàng công chúa nước Việt mang nhiều khổ đau với vị hoàng tử Chiêm Thành trong truyện “Hoàng Trừu”. Đó còn là công chúa Hoàng Mai trong truyện “Bầu sữa hươu” bị vu oan, bị đẩy vào chỗ chết. Tuy nhiên, cả hai đều đã vượt qua thử thách, trở về với cuộc sống đoàn tụ hạnh phúc. 

Sức hấp dẫn của những truyện này chính là niềm đau khổ của con người và sự chiến thắng của cái đẹp, cái thiện. Chính cái đẹp, cái thiện ấy đã cảm hóa Trời, Phật, đã thức tỉnh lương tâm, khiến người ngay không bị xô ngã trên đường dây mong manh của số phận.

2.

Sự linh hoạt của ngòi bút Ngọc Giao đã phả vào “Ma Thiên Lãnh” một sắc màu đồng thoại và lịch sử. Câu chuyện liên quan đến nhân vật Hồ Quý Ly và bài học lịch sử được diễn đạt qua hình thức kỳ ảo là những cuộc gặp gỡ, đối đáp giữa người và Vượn, Cáo. So với “Cuộc đối đáp ở Đà Giang” của Nguyễn Dữ (thế kỷ XVI), truyện của Ngọc Giao tạo được điểm mới về tư tưởng. Thông qua lời than của Hồ Quý Ly: “Trời không hại ta! Chính ta tự hại ta đó thôi!”, nhà văn muốn nhấn mạnh với các em về nguyên nhân chủ quan trong mọi sự thành bại của đời người. Truyện “Ma Thiên Lãnh” giàu yếu tố lịch sử, cho thấy hình thức cổ tích và đồng thoại có khả năng truyền đạt lịch sử dân tộc nhẹ nhàng mà không kém phần hiệu quả.

Truyện cho các em xưa nay vẫn thường hay sử dụng các nhân vật loài vật để vừa biểu đạt thế giới tự nhiên, vừa nói về cuộc sống con người. Nhà văn Ngọc Giao cũng đã dành cho loài vật một vị trí xứng đáng trong sáng tác của mình. Các con vật của ông nhìn chung tốt bụng, luôn tìm cách trả ơn con người. Trong trường hợp này, chúng cũng là một tấm gương về đạo lý…

3.

Sức hấp dẫn của truyện thiếu nhi Ngọc Giao còn ở lời văn đẹp và lối kể chuyện có duyên. Ông không chỉ kể mà còn tả, đem đến cho bạn đọc những câu, đoạn miêu tả giàu chất thơ. Chẳng hạn: “Một đêm kia, trăng trong gió mát, hương sen dưới ao đưa lên ngào ngạt, công chúa tựa lan can mà thiu thiu nhắm mắt” (Hoàng Trừu). Hay: “Vào những đêm trăng sáng, giữa tiếng suối chảy róc rách trong khe núi âm u và tiếng gió reo xào xạc, lá cây rừng loáng bóng dưới ánh trăng xanh, bọn quân lính được vua cho phép đàn hát vang cả một khoảng lâm tuyền hoang tịch” (Ma Thiên Lãnh)… Sự hiện diện của những đoạn văn như thế tuy có làm chậm nhịp kể nhưng bù lại, mở ra khung cảnh thiên nhiên mang hồn sự sống - tình cảm của người trong cuộc và tấm lòng của nhà văn.

***

Thành tựu viết cho thiếu nhi của Ngọc Giao không dừng lại ở năm tác phẩm được giới thiệu trong tập “Úm ba la hang thuồng luồng” này. Tuy nhiên, qua tập sách, bạn đọc biết thêm về một phương diện sáng tạo của Ngọc Giao; đặc biệt là tài năng và tình cảm của ông dành cho các độc giả nhỏ tuổi.

LÊ NHẬT KÝ
Nguồn: Báo Bình Định ngày 02.6.2016


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét