Báo thiếu nhi Sài Gòn trong ký ức
Qua những trang báo dành cho độc giả thiếu nhi như Tuổi Xanh, Tuổi Hoa, Thiếu Nhi, Thằng Bờm... thế hệ tôi, những cậu học trò ở Đà Nẵng cũng đã ít nhiều hình dung ra Sài Gòn từ năm tháng ấy.Những tờ báo gắn liền với tuổi thơ
Khoảng thập niên 1960, khi đang học tiểu học, ở nhà tôi có mua thường kỳ tờ báo Tuổi Xanh, tòa soạn trong Chợ Lớn; Chủ nhiệm Trần Quang Khải, Thư ký tòa soạn Bảo Vân, ban biên tập còn có các nhà giáo quen thuộc như Hà Mai Anh, Bùi Văn Bảo, Nguyễn Khắc Lộc…
Đến lúc lên trung học, tôi mới thật sự “gắn bó” với Sài Gòn. Nói như thế vì năm học lớp 8, lần đầu tiên tôi được in thơ trên báo Thiếu Nhi. Có lẽ suốt đời tôi sẽ không bao giờ quên “159 Thiệu Trị, Phú Nhuận, Sài Gòn, ĐT: 42152”. Đó là địa chỉ tòa soạn của tờ báo mà ông chủ Nhà sách Khai Trí Nguyễn Hùng Trương là chủ nhiệm, nhà văn Nhật Tiến làm chủ bút. Địa chỉ ấy, tôi đã nhiều lần nắn nót ghi trên bì thư khi gửi thơ, văn cộng tác. Rồi thỉnh thoảng có đôi lần được đăng. Sướng đứt đuôi con nòng nọc.
Nhân đây nói luôn, các “mầm non văn nghệ” mà bây giờ đã “thành danh”, thời đó thường ký bút danh rất “oách”, như Nguyễn Nhật Ánh ký Hoài Mộng Diễm Thư, Nguyễn Thái Dương ký Nguyễn Mặt Trời, Phạm Sỹ Sáu ký Ngy Xuân Sơn, Nguyễn Văn Nhân ký Bạc Hà, Phan Vân Sơn ký Mừng Hoang Vu, còn tôi ký Thiên Bất Hủ… Nhà thơ Đoàn Vị Thượng lại ký tên thật Trần Quang Đoàn, còn nhà văn Khôi Vũ, ngay từ hồi đó đã “ngon lành” lắm rồi, vì anh phụ trách chuyên mục Khu vườn hạnh phúc trên báo Tuổi Hoa với tên thật Nguyễn Thái Hải. Nhắc lại để thấy, có nhiều thế hệ viết lách ở miền Trung đã tạo dựng “cơ nghiệp” ban đầu là từ các báo ấn hành tại Sài Gòn.
Một trong những điều khiến chúng tôi một thời say mê, là sự xuất hiện của nhiều cây bút nặng lòng với giáo dục, mà khi nhìn thấy tên của họ là các bậc phụ huynh yên tâm. Đến nay, thỉnh thoảng tôi vẫn đọc lại Thư chủ nhiệm do ông Nguyễn Hùng Trương in trên mỗi kỳ báo Thiếu Nhi. Đó là các bài viết về sống đẹp, ý thức công dân, kỹ năng sống… thông qua những câu chuyện triết lý nhẹ nhàng, tương tự như loại sách Hạt giống tâm hồn hiện nay. Rồi lại náo nức với tiểu thuyết phơi-dơ-tông (feuilleton) đăng từng kỳ như Tiếng hú trên đỉnh non Chà Hóc (Vũ Hạnh), Khi ông cậu quý bị đắm tàu (Minh Quân)… và nhất là Thuở mơ làm văn sĩ (Nhật Tiến). Chính các tác phẩm này đã dẫn dắt thế hệ tôi thêm sự quyết liệt khi… “dấn thân vào văn chương”. Bên cạnh đó, còn là các chuyên mục như Tay ngọc bên bếp hồng, Ảo thuật, Khéo tay, Thủ công, Sáng tác của em, Cuộc thi sáng tác, Vui cười…
Phải nói thêm sự yêu thích ấy còn là vì tranh bìa in ốp sét (offset) rất đẹp. Thời đó, họa sĩ Vi Vi “làm mưa làm gió” trên nhiều trang bìa của các báo thiếu nhi. Sức lao động của ông thật khủng khiếp. Tuần nào cũng có tranh bìa mới. Và thêm nữa là họa sĩ Nguyễn Tài cũng “hớp hồn” bọn tôi qua các truyện tranh dài kỳ như Mười ngày trên đảo Rồng, Cùng đi với tử thần, Tí Ti qua ống kính bác Sáu Râu… Riêng tờ báo Tuổi Hoa còn thực hiện tủ sách với 3 loại truyện dài theo chủ đề: Hoa Đỏ (phiêu lưu mạo hiểm, trinh thám), Hoa Xanh (tình cảm nhẹ nhàng về gia đình, bạn bè), Hoa Tím (dành cho lứa tuổi 16 - 18). Các cây bút thường hay viết cho tủ sách này là Hoàng Đăng Cấp, Thùy An, Quyên Di, Mỹ Lan, Nguyễn Thái Hải, Nguyễn Trường Sơn…
Sách bán “xon” ở Sài gòn
Còn nhớ, những tờ báo như Thằng Bờm, Thiếu Nhi đều thành lập những Thi văn đoàn, Bút nhóm nhằm quy tụ độc giả nhí tại các tỉnh, thành nơi đó cùng sinh hoạt chung. Ở Đà Nẵng, chúng tôi họp mặt vào mỗi sáng chủ nhật hằng tuần tại Nghĩa Trủng. Đồng phục đi sinh hoạt là quần xanh, áo trắng có phù hiệu trường, lớp đang theo học. Đôi lúc, các anh phụ trách tổ chức đi cắm trại nơi xa, đốt lửa trại, chơi mật mã… Sinh hoạt cộng đồng này diễn ra đều đặn, có quy củ. Phải nói thế hệ trẻ con chúng tôi trưởng thành và yêu thơ văn là từ đấy.
Làm sao có thể quên lúc báo Thiếu Nhi tổ chức thì làm “bích báo” tức “báo tường” dành cho Gia đình Thiếu Nhi ở các địa phương cùng tham gia. Quà thưởng ngày ấy, từ Sài Gòn gửi về cho chúng tôi là các tác phẩm thuộc Tủ sách Tuổi Thơ do Nhà sách Khai Trí tài trợ. Nhờ đó, chúng tôi đã được đọc Dinh Thầy (Phan Du), Thần điểu và hoa hồng (Thẩm Thệ Hà), Cái quai chèo (Nguyễn Văn Xuân), Người bạn mới (Nhật Tiến), Trung thu của bác đèn xếp (Lê Tất Điều)… Loại sách này mỏng, giấy đẹp, chỉ vài chục trang in, tương tự như loại Tủ sách Vàng của NXB Kim Đồng hiện nay.
Đến năm 1974, tôi quyết liệt phải vào Sài Gòn cho bằng được. Các anh phụ trách Gia đình Thiếu Nhi ở Đà Nẵng lúc đó chỉ mới học lớp 12 đã mua vé của Hãng xe đò Phi Long - Tiến Lực dẫn các cậu nhóc chúng tôi “hành phương Nam”. Phải đi để thỏa mơ ước mãnh liệt vì thèm khát phải biết Sài Gòn, do ma lực, hấp dẫn của vùng đất này mà mình chỉ mới biết qua các trang báo.
Nhất là bấy giờ, trên báo Thiếu Nhi có in bài Một vòng thị trường sách bán xon trên vỉa hè Sài Gòn của Bách Khoa. Càng đọc càng xốn xang, càng thèm thuồng bởi cái đoạn này: “Trung tâm của thị trường sách xon là lề đường Công Lý, khúc ngã tư Lê Lợi đến gần ngã tư Hàm Nghi. Một rừng sách báo tràn ngập hai bên vỉa hè: sách bày la liệt dưới đất, sách nằm ngổn ngang trên sạp gỗ đóng sơ sài, sách dựng hai bên bờ tường, sách nằm trong thùng sữa, sách chất thành đống, cao thành ngọn dưới gốc cây, bên miệng cống, không mái che, không thảm lót, sách chen chúc với chỗ đậu xe hơi, lấn át nơi dựng xe máy, choán cả đường đi của mọi người chen chúc. Lạc vào đây, người ta ngợp mắt vì sách, lách qua sách mà đi, giẫm lên sách mà lấn tới, bò lổm ngổm trên từng đống sách để bới, để tìm, gặp những cuốn không vừa ý thì liệng đại xuống rồi lại bới nữa, tìm nữa… dưới ánh nắng gay gắt như đổ lửa hay dưới bầu trời vần vũ đe dọa của cơn mưa. Những ai thích sách, yêu sách, ít tiền mà vẫn muốn có sách cất giữ, không thể ghé một lần. Đối với dân mọt sách, đã từng bỏ ra cả ngàn bạc mua một quyển sách mỏng teo trong tiệm sách, hẳn thấy giá cả sách ở đây quả là một… thiên đường” (báo Thiếu Nhi số 96 ngày 1.7.1973).
Thật hạnh phúc, một cậu học trò tỉnh lẻ năm học lớp 9 là tôi đã được đặt chân đến “thiên đàng” ấy. Và vẫn còn giữ lại ký ức tươi đẹp từ năm tháng tuổi thơ trong trẻo và đáng yêu.
Lê Minh Quốc
Nguồn: thanhnien.com.vn
Ngày 24/7/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét