Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2016

MỘT CUỐN SÁCH XẤU XÍ?

 "...khi các bạn xét đoán một cuốn sách có xấu xí, có không phù hợp hay không, hãy thử cho các em cùng tham gia bàn bạc, quyết định xem sao".

Có một câu mà tôi luôn hỏi những độc giả là phụ huynh rằng liệu họ chọn hết sách cho con mình hay để lũ trẻ tự lựa chọn. Phần lớn phụ huynh trả lời họ thường chọn hộ bọn trẻ, tin tưởng rằng người lớn mới đủ nhận thức để đánh giá, phân loại sách nào là tốt, là phù hợp cho con mình. Có một số ít bậc cha mẹ thì chọn phương án 50-50, cho phép trẻ con được chọn mua một nửa.
Vậy các ông bố bà mẹ dựa trên những tiêu chí nào, tiêu chuẩn ra sao để đánh giá một cuốn sách là tốt, là hay, rằng con mình sẽ thích đọc? Liệu có những sai lầm hay định kiến gì có thể tồn tại ở đây?

Những cuốn sách được coi là không thích hợp với trẻ nhỏ, trước hết thường do đề tài chúng đề cập tới. Ví như cái chết, bạo lực, tình dục… những câu chuyện có nhiều tình tiết quá đáng sợ, hoặc quá đau buồn, tiêu cực. Có không ít những cuốn sách thiếu nhi kinh điển của thế giới từng bị liệt vào danh sách “có hại” cho trẻ nhỏ. Ví dụ cuốn Ở nơi quỷ sứ giặc non (Where the wild things are) của tác giả Maurice Sendak, tác phẩm từng đoạt huân chương Caldecott năm 1964, bán được hơn 20 triệu bản trên toàn thế giới và đến nay vẫn luôn nằm trong danh sách bán chạy nhất. Bản thảo này ban đầu bị nhiều biên tập viên từ chối, cho rằng câu chuyện vô nghĩa, lại có quá nhiều yếu tố đáng sợ, kinh dị, trừng phạt… không phù hợp với trẻ em. Hay cuốn Alice ở xứ sở thần tiên bị đánh giá là chơi chữ quá phức tạp, có nhiều chi tiết ám chỉ sử dụng thuốc, và Alice thì thiếu cá tính, không có chính kiến. Hay cuốn Winnie the Pooh thì quá sướt mướt…
Vấn đề này phụ thuộc vào góc nhìn của người đọc, đặc biệt ở đây chính là những độc giả người lớn. Chúng ta nhìn vào tổng thể câu chuyện hay chỉ xét đoán trên một số chi tiết, khía cạnh nhỏ lẻ. Đạo diễn phim hoạt hình nổi tiếng Nhật Bản, người sáng lập ra hãng phim Ghibli – Hayao Miyazaki từng bày tỏ quan điểm kể chuyện cho trẻ em của ông: quan trọng là câu chuyện luôn mang tới một cơ hội thứ hai, một niềm hy vọng nào đó. Một tác phẩm dù có đau buồn, tăm tối đến mấy nhưng cuối cùng vẫn làm nổi bật lên những thông điệp tích cực thì chưa chắc đã là không phù hợp với trẻ nhỏ. Trong cuốn Ở nơi quỷ sứ giặc non, tuy rằng nhân vật chính – cậu bé Max là một đứa trẻ nghịch ngợm, có phần ngỗ ngược, dỗi mẹ và dám bỏ nhà đi nhưng cuối cùng, khi đã được tự do rong chơi bên những quỷ sứ giặc non y như mình, cậu lại nhớ nhung cảm giác được yêu thương. Và chi tiết đắt giá nhất của câu chuyện là khi cậu trở về nhà, có một bát súp còn nóng đang chờ sẵn. Điều đọng lại ở tác phẩm này không phải là sự nghịch phá của Max mà là sự bao dung, yêu thương vô bờ của mẹ cậu.
Không phải đề tài của câu chuyện mà chính là cách kể, cách truyền đạt quyết định việc tác phẩm có phù hợp với trẻ em hay không. Các tác giả muốn truyền đạt điều gì, muốn cho các em một cơ hội thứ hai, một niềm hy vọng hay không. Trẻ con cũng có nhiều trải nghiệm phong phú, tuy thời gian không thể bằng người lớn nhưng không có nghĩa chúng ta bỏ qua những trải nghiệm ấy. Ví dụ như câu chuyện về cái chết, trẻ con hoàn toàn có thể đã tiếp xúc với vấn đề này, mất mát người thân hoặc đơn giản là một chú chó. Vậy nên, vội vã quy kết các em sẽ sợ hãi khi đọc những câu chuyện về đề tài này thì thật thiếu thỏa đáng. Trong cuốn Vịt, Cái chết và hoa Tulip (Duck, Death and the Tulip) của tác giả người Đức Wolf Erlbruch, cái chết đã được diễn giải một cách vừa giản dị, dịu dàng vừa hết sức thơ mộng. Cái chết ở đây không mang hình ảnh đáng sợ, tăm tối mà trái lại nhẹ nhàng, âm thầm, luôn song hành với cuộc sống lúc buồn, lúc vui của chú vịt. Cho tới khi vịt đã sống trọn vẹn một cuộc đời thì cái chết tiễn vịt đi với một bông hoa tulip.
Quan điểm của tôi khi sáng tác lẫn biên tập sách cho thiếu nhi là trước hết cuốn sách ấy có gây được sự đồng cảm với các em không. Nếu các em buồn thì những nỗi buồn ấy cũng cần được thừa nhận, nếu các em mắc lỗi thì các em cũng xứng đáng được tha thứ, được thêm một cơ hội nữa. Đó hẳn là lý do cậu bé Max của Maurice Sendak được yêu quý đến vậy, vì Max không giả vờ là một cậu bé ngoan, nghe lời người lớn răm rắp. Max thành thật.Và chỉ những cuốn sách thành thật mới có thể được hiểu, được đồng cảm.
Trẻ em có cách nhìn nhận thế giới khác với người lớn. Người lớn thường hay lo lắng rằng các em sẽ không hiểu điều này, điều khác. Các em hiểu theo cách khác người lớn chưa chắc là các em đã sai. Tôi nghĩ rằng khi đọc một lượng sách đủ nhiều, tự mỗi người sẽ hình thành được một bộ lọc tương thích với bản thân mình, sẽ nhận định được cái gì phù hợp với mình cái gì không. Cũng giống như tiêm phòng, hệ miễn dịch phải được tiếp xúc với căn bệnh mới có thể biết cách chống lại được. Thêm nữa, không phải đọc xong một cuốn sách nói về lòng hiếu thảo là ngay lập tức các em sẽ hiếu thảo ngay, cũng như không phải lỡ đọc phải một cuốn sách dở là các em sẽ hư hỏng được luôn. Chưa kể, thu hút được sự tập trung, sự vui thích của trẻ con không hề đơn giản chút nào. Một cuốn sách các em không đồng cảm, không yêu quý thì các em cũng sẽ không nhớ. Và trẻ em đủ thông minh để biết chúng thích cái gì.
Đọc là một quá trình dài và kiên nhẫn. Tác dụng của việc đọc cũng phải được thẩm thấu qua thời gian. Điều quan trọng hơn cả là phải xây dựng được thói quen đọc cho trẻ con. Muốn làm được việc này cần phải để các em tìm cho được cuốn sách các em thích. Và càng đọc nhiều, đọc phong phú thì khả năng tìm thấy sẽ càng cao. Nếu gò ép các em đọc những cuốn sách mà chúng ta cho rằng hay (mà chưa chắc các em đã thấy hay) rồi cấm các em đọc những cuốn chúng ta nghĩ là dở thì sẽ dễ khiến các em cảm thấy rằng đọc chẳng có gì thích thú, đọc thật mệt mỏi. Việc tốt nhất người lớn có thể làm là tạo ra một môi trường mà trẻ em có thể tiếp cận với sách dễ dàng nhất, thoải mái nhất, tự do nhất.
Lần tới khi các bạn xét đoán một cuốn sách có xấu xí, có không phù hợp hay không, hãy thử cho các em cùng tham gia bàn bạc, quyết định xem sao.

Thuỳ Cốm

http://www.tiasang.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét