Xuân Quỳnh là một tâm hồn thơ nhiều trăn trở về tình yêu và hạnh phúc lứa đôi. “Lòng em nhớ đến anh/Cả trong mơ còn thức”(Sóng), “Nếu phải cách xa anh/Em chỉ còn bão tố”(Thuyền và biển)... – những câu thơ như vậy, có thể nói, đã bất tử cùng với tên tuổi của chị, một nhà thi sĩ tài cao, mệnh bạc.
Trong đời văn ngắn ngủi của mình, Xuân Quỳnh còn sáng tác cho thiếu nhi. Ngoài tập thơ Bầu trời trong quả trứng (Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam, 1982), chị còn là tác giả của các tập truyện: Mùa xuân trên cánh đồng (1981), Bến tàu trong thành phố (1984), Vẫn có ông trăng khác (1986). Sau ngày chị mất, nhà xuất bản Phụ nữ đã cho in lại toàn bộ mảng sáng tác này của chị trong Tuyển tập truyện thiếu nhi (1995). Tập truyện có tất cả 48 tác phẩm, cho thấy, vào những năm cuối đời, nhà thơ Xuân Quỳnh đã dồn toàn bộ hứng thú sáng tác sang lĩnh vực truyện ngắn cho thiếu nhi. Truyện của chị, theo nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú “đọc mà rưng rưng nước mắt”. Vân Thanh cũng ghi nhận, truyện Xuân Quỳnh “hiện đại mà đẹp như cổ tích, đầy những hứng thú bất ngờ”.
Sáng tác truyện cho thiếu nhi, Xuân Quỳnh khai thác nhiều hình thức khác nhau, trong đó có hình thức đồng thoại. Ở hình thức này, nhà thơ đã đạt được những thành công rất quan trọng. Thật vinh dự khi nhiều truyện đồng thoại của Xuân Quỳnh đã được chọn vào chương trình giáo dục ở trường mầm non và tiểu học. Đó là các truyện: Cá Chuối con, Hoa Râm Bụt, Mùa xuân trên cánh đồng và Hạt đỗ con. Trong Tuyển tập những truyện viết cho thiếu nhi từ sau cách mạng tháng Tám (Phong Thu tuyển chọn, Nxb Giáo dục, 1999), Xuân Quỳnh cũng có mặt trên tư cách một tác giả truyện ngắn với hai tác phẩm tiêu biểu là Hoa Râm Bụt và Mùa xuân trên cánh đồng. Bằng những tác phẩm như vậy, có thể nói, Xuân Quỳnh đã góp phần tích cực vào sự phát triển của thể loại truyện đồng thoại Việt Nam trong những năm 80 của thế kỉ XX, khoảng thời gian mà văn học thiếu nhi nước nhà đối mặt với không ít khó khăn do nền kinh tế bao cấp kéo dài, chưa lối thoát.
Trong thơ (thiếu nhi), Xuân Quỳnh nói nhiều đến tình mẫu tử (Con yêu mẹ, Vì sao gà con sinh ra, Mặt trăng luôn luôn tròn...). Chủ đề này vẫn tiếp tục được phát huy trong truyện đồng thoại, nhưng nhìn chung, tác giả đã mở rộng nội dung phản ánh, đè cập tới nhiều vấn đề khác nhau của cuộc sống, những vấn đề mà trẻ em quan tâm. Nhà thơ nói về niềm vui của cô Gió khi được đi khắp đó đây để giúp đỡ mọi người (Cô Gió mất tên), niềm vui sống giữa bè bạn của Đỗ Sót (Hạt Đỗ Sót), và cả chuyện đáng buồn của chú Diều khi tìm cách bứt ra khỏi cây gạo để rồi phải nhận lấy một kết quả đáng buồn (Chuyện của Diều)... Nhìn chung, nội dung truyện đồng thoại của Xuân Quỳnh đơn giản, nhưng đó là sự đơn giản cần thiết với các độc giả nhi đồng. Bởi qua những câu chuyện như vậy, các em sẽ nhận ra những điều giản dị nhất và cũng là cần thiết nhất của cuộc sống. Chẳng hạn, qua Chuyện của Diều, chân lí cuộc sống là mối liên hệ giữa các sự vật hiện tượng, cụ thể là Diều nếu không có sợi dây và cây gạo (theo truyện) thì không thể bay liệng được trên bầu trời cao rộng. Hay truyện Chú Niệc: lời hứa chỉ thực sự có giá trị khi được thực hiện, dù là muộn màng...
Nói đến truyện đồng thoại của Xuân Quỳnh là nói đến sản phẩm của một nhà thơ. Vì thế, những tác phẩm của Xuân Quỳnh rất giàu chất trữ tình, chất thơ. Trước hết, nó là những bài ca về tình yêu của con người và của muôn vật trong cuộc sống. Nếu ở Cá Chuối con, nhà thơ ngợi ca tình mẫu tử sâu nặng thì ở Mùa xuân trên cánh đồng, tác giả lại dành nói về vẻ đẹp của tình bạn. Mỗi truyện có một nội dung cụ thể, nhưng tựu trung, chúng thể hiện nhiệt tình khẳng định những giá trị cuộc sống của nhà thơ. Khi sáng tác truyện đồng thoại, nhà thơ dễ hóa thân thành con trẻ để nói lên tiếng nói của các em một cách chân thực, xúc động. Trong Hạt Đỗ Sót, nhân vật Đỗ Sót bị đặt vào cảnh ngộ không mong muốn: nó vô tình bị bỏ rơi trong chiếc hũ tối tăm, nơi có mụ Mọt lúc nào cũng nghiến răng kèn kẹt, kêu đói và xem Đỗ Sót là một miếng mồi ngon. Trong tình cảnh ấy, Đỗ Sót “rất buồn”. Đỗ Sót đã “khóc lên nức nở” vì biết các bạn vẫn còn nhớ đến mình. Nhờ các chú Kiến giúp sức, Đỗ Sót đã ra được với đất, không khỏi “nghẹn ngào” lúc chia tay những người bạn tốt; rồi “vui sướng” khi cuối cùng đã được hòa vào cuộc sống chung của bạn bè. Với hình tượng này, Xuân Quỳnh gần như tập trung khắc họa các trạng thái tâm lí buồn, vui, làm bật lên được khát vọng sống của Đỗ Sót. Tác phẩm được khép lại bằng việc nói tới niềm vui của Đỗ Sót “đã sống giữa bạn bè”, và kèm theo đó là một lời bình, thể hiện cách cảm nhận cuộc sống đầy thi vị của nhà thơ: “Cô Đỗ Sót, đáng lẽ cô là niềm vui muộn mằn, một niềm vui cuối cùng còn sót lại, thì bây giờ, sắc lá màu hoa của cô lại là mở đầu cho một niềm vui mới...”.
Cá tính nhà thơ trong truyện đồng thoại còn được biểu hiện qua việc đưa thơ vào truyện. Thơ trong truyện đồng thoại của Xuân Quỳnh do chính nhà thơ sáng tác chứ không vay mượn từ bất kì nguồn nào khác. Xuân Quỳnh có sự dụng công thật sự nên các câu thơ, đoạn thơ trong truyện đều hay và đẹp, nếu tách ra hoàn toàn đủ điều kiện để trở thành một thi phẩm hoàn chỉnh. Ví như bài hát sau đây của nhân vật cô Gió trong truyện Cô Gió mất tên:
“Tên tôi là Gió
Đi khắp mọi nơi
Công việc của tôi
Không bao giờ nghỉ
Tháng ngày chăm chỉ
Tôi dài hơn sóng
Suốt đời mênh mông
Rộng hơn biển cả
Tên tôi là Gió
Các bạn nhớ không?
Tôi không dáng hình
Tên tôi là Gió...”
Bài thơ được viết theo phong cách đồng dao, có âm hưởng rộn ràng và tươi vui, toát lên trong từng lời tự giới thiệu của nhân vật. Trong trường hợp sau đây, thơ mang vẻ đẹp của tiếng hát trữ tình sâu lắng, yêu thương:
“Ngủ đi nào, hãy ngủ đi!
Ngủ cho chóng lớn tròn xoe giữa trời
Ngủ đi nào, ngủ à ơi
Ngủ cho chắc hạt, mai rồi thành cây”
(Quả Bầu nhớ Đất)
Có thể ví những bài thơ nói trên là những bông hoa thơ đã được tác giả Xuân Quỳnh chủ động điểm xuyết vào tác phẩm văn xuôi của mình, làm tăng thêm vẻ đẹp, sự thi vị cho tác phẩm. Chúng ta có thể hình dung, khi đọc tới những câu thơ như vậy, các em thường khó giấu được sự hào hứng của mình và sẽ cất tiếng hát cùng nhân vật. Thơ đã làm được điều cần thiết: dẫn truyện đi vào tâm trí các em, đánh thức tâm hồn ca hát của các em...
Đọc truyện của Xuân Quỳnh, chúng ta không thấy có biểu hiện về sự gò bó của câu chữ. Có thể nói, Xuân Quỳnh viết truyện tự nhiên, dễ dàng như khi làm thơ. Lời ý hòa quyện, câu chữ gọi nhau, theo nhau mà sinh nở qua từng trang viết. Do hiểu rõ tâm lí các em nên Xuân Quỳnh chủ động viết câu ngắn, sử dụng nhiều biện pháp tu từ so sánh, nhân hóa, những động từ mạnh, những tính từ giàu khả năng miêu tả và biểu cảm để làm nổi bật từng nhân vật, từng sự kiện của câu chuyện.
Đoạn văn miêu tả cảnh Cá Chuối mẹ đi tìm mồi cho con trong truyện Cá Chuối con đã được Phạm Hổ bình rất hay là một ví dụ về tài năng miêu tả của Xuân Quỳnh.
Đoạn văn mở đầu truyện Mùa xuân trên cánh đồng cũng thật đặc sắc. Một loạt động từ, tính từ, từ láy như “nở vàng”, “trắng xóa”, “lêu đêu”, “xanh nõn”, “ngọt ngào”, “lũ lượt”, “đỏ thắm”, “thướt tha”, “ríu rít”... được huy động vào việc khắc họa khung cảnh mùa xuân tươi sáng, nhiều sắc màu và niềm vui hồ hởi của các cư dân trên cánh đồng khi ngày hội vui chơi sắp bắt đầu. Ngòi bút của Xuân Quỳnh chú ý khắc họa từng đối tượng cụ thể, ngắn gọn mà thâu tóm được thần thái của chúng: “Dưới nước, cá Rô con, cá Mài Mại tung tăng, bầy đuôi Cờ kéo đi như một đám rước. Ai cũng vui. Nhút nhát như anh Cuốc cũng mon men ra xem các cô Sên thi múa. Lâm li như anh Châu Chấu Ma cũng ngồi uống rượu với mấy bác Cà Cuống...”. Mùa xuân tràn đầy sinh khí khiến cho các con vật cũng tràn trề sinh lực, bộc lộ niềm ham sống, ham hoạt động. Có thể nói, đoạn văn tả cảnh mùa xuân trên cánh đồng này xứng đáng là một đoạn văn mẫu mực, cần được khai thác vào việc rèn luyện kĩ năng làm văn cho các em học sinh.
Xuân Quỳnh không phải là nhà thơ đầu tiên, cũng không phải là nhà thơ cuối cùng viết truyện đồng thoại cho các em. Nhưng Xuân Quỳnh đã biết vượt lên, khẳng định một tiếng nói riêng trong lĩnh vực mà bản thân chỉ mới gắn bó trong một thời gian ngắn. Đọc Xuân Quỳnh, chúng ta có thể cảm nhận được vẻ riêng của truyện đồng thoại do các nhà thơ sáng tác. Đọc Xuân Quỳnh cũng là để tiếp thu ở cây bút này bài học kinh nghiệm viết cho các em: “Muốn viết cho các em, điều đầu tiên là sự cảm thông với các em chứ không phải là sự áp đặt. Đừng bắt các em sống và nghĩ theo cách của mình. Nếu muốn giáo dục các em thì phải nhìn bằng con mắt của các em mà nhận xét đánh giá mọi việc. Cách giải quyết bắt đầu từ đây”.
Lê Nhật Ký
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét