Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

NHỮNG BÀI HỌC TRONG TRUYỆN ĐỒNG THOẠI




"Bạn đọc nhỏ tuổi hay người lớn đọc đồng thoại? (...). Một sáng tác hay cho các em cũng làm cho cả người lớn thấy hay. Các em và người lớn đều thu nhận được ở tác phẩm ấy những thông cảm cho mỗi lứa tuổi khác nhau..." (Tô Hoài)

Viết cho trẻ em nhưng điều đó không có nghĩa là nhà văn không kí thác tâm sự, tư tưởng của mình vào trong truyện đồng thoại. Mặt khác, như đã nói, truyện thiếu nhi không đơn giản chỉ để đọc một lần, nó vẫn chứa đựng những vấn đề có ý nghĩa về lâu, về dài. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để cho rằng, có những bài học mà truyện đồng thoại đặt ra có ý nghĩa đối với độc giả người lớn. Vấn đề là, chúng ta có chịu quan tâm, suy ngẫm để tìm kiếm các bài học cho mình hay không.

Trước hết, truyện đồng thoại giúp cho người lớn nhận rõ trách nhiệm của mình trong việc trưởng thành nhân cách của trẻ em. Tô Hoài viết truyện Mèo già hóa cáo, phê phán hai mèo Mi Mi và Tam Thể nghịch ác, bị bà lão Mèo Mướp mắng cho một trận nên thân. Kết truyện tác giả viết: “Từ khi mẹ chúng chết, không được một lời dạy bảo nào. Hôm qua, lần này là lần thứ nhất, hai đứa trẻ nghe mấy câu răn dạy. Chúng ngẫm nghĩ lắm”. Đoạn văn này gợi lên hai điều. Thứ nhất, hoàn cảnh đáng thương của hai chú mèo (mẹ mất). Thứ hai, chúng là những đứa trẻ biết ăn lời (ngẫm nghĩ). Vậy thì, những hành động nghịch ác của chúng khiến cho chó Nhôm bị đánh đòn, hai gà bị chết... là do chúng không được dạy bảo, hành động theo bản năng, không biết hậu quả của việc làm.

Điều mà truyện đồng thoại khiến cho độc giả người lớn phải suy nghĩ nhiều hơn cả vẫn là những vấn đề thuộc về thái độ, tính cách và sự ứng xử... trong cuộc sống. Ở đây, thực sự có nhiều ví dụ để minh chứng cho điều vừa nói. Chúng ta đã nói đến tính hiếu thắng như một nét tính cách của trẻ em, nhưng hiếu danh, và kèm theo nó là thói sĩ diện lại gần như là căn bệnh của người lớn. Vậy nên, đọc Cuộc phiêu lưu của hòn sỏi của Nguyễn Kiên, chúng ta thấy truyện đồng thoại này gần như là để dành cho người lớn. Chỉ vì muốn nổi tiếng hơn người nên chị Sẻ Nâu âm thầm ra bờ sông tha về một hòn sỏi và loan tin mình đã đẻ hơn chị Sẻ Vàng một trứng. Cũng vì háo danh mà anh chàng Trống Tía quyết định mình “phải trở thành con gà khác mọi con gà”, bằng cách nuốt một hòn sỏi vào bụng. Người đọc dĩ nhiên sẽ đoán được cái kết cục buồn cười: quả trứng thứ năm của chị Sẻ Nâu không thể nở thành chim sẻ, anh Trống Tía bị hòn sỏi hành hạ... Người đời vốn háo danh, thích thiên hạ lác mắt nhìn mình, nhưng khốn nỗi, điều cần làm để hơn người, để được người kính trọng lại không chịu làm, chỉ lo làm những điều kì quặc, thật đáng chê trách.

Cũng vấn đề này, trước 1945, Tô Hoài chẳng đã bày tỏ thái độ phê phán gia đình Thử Ông khi bày trò đón rước, vinh quy bái tổ cho Chuột Nhắt linh đình đó sao. Nhà văn cũng phê phán thói đời a dua, xu nịnh, không ngớt lời tán tụng Thử ông, Thử bà và tân khoa Chuột Nhắt (Đám cưới chuột). Thật đúng như câu ca xưa, tương truyền là của Huyền Quang thi sĩ: “Khó khăn thì chẳng ai nhìn – đến khi đỗ trạng trăm nghìn nhân duyên”.

Một vấn đề khác cũng rất đáng suy ngẫm ở đây là thái độ đối với công việc mà mình đang làm. Người đời vốn hay “đứng núi này, trông núi nọ”, thích đứng vào công việc của người khác hơn là tiếp tục công việc hiện tại của mình. Chúng ta hãy xem nhà văn Võ Quảng thể hiện quan điểm của mình như thế nào qua truyện Đò Ngang. Nhân vật chính của truyện là Đò Ngang, “chăm chỉ làm việc nhưng có lúc (...) cũng suy nghĩ”, nhất là mỗi khi tiếp xúc với bác Thuyền Mành. Đò Ngang nghĩ, chắc ở những nơi Thuyền Mành đi qua có biết bao cái lạ, cái hay để học tập, để lớn lên. Và Đò Ngang thấy đôi bờ của mình chật hẹp, lắm lúc muốn vứt bỏ để đến một nơi nào đó mới mẻ. Võ Quảng trân trọng suy nghĩ, khát vọng này của Đò Ngang, nhưng không đồng tình ở chỗ, cái lớn không nằm ở kích thước mà ở hiệu quả của công việc. Chính Đò Ngang đã làm được việc có ích là “nối lại đôi bờ”, được mọi người ùa ra đón mừng mỗi khi cập bến. Hơn nữa, cuộc sống xung quanh mình chứa đựng biết bao điều mà mình chưa để tâm khám phá. Võ Quảng không phủ định việc mỗi người thực hiện những chuyến đi xa, hay đặt mình vào những công việc khác, tìm kiếm những cơ hội khác, nhưng rõ ràng, ông muốn trước tiên, hãy ý thức rõ ý nghĩa và làm tốt công việc hiện tại của mình, nhất là không được tự ti. Biết đem lại niềm vui cho mọi người thì tất yếu chúng ta sẽ được nhận về niềm vui, nhiều hơn những gì đã cho. Vũ Ngọc Bình đánh giá Đò Ngang là truyện có ý đẹp. Chúng tôi nghĩ, đó là nhận xét có cơ sở!

Trong kho tàng truyện đồng thoại Việt Nam hiện đại, có khá nhiều tác phẩm viết về các nhân vật nghệ sĩ. Do đó, vấn đề nghệ thuật, dù vô tình hay hữu ý cũng đã được đặt ra trong tác phẩm. Có thể nó không mới nhưng là cần thiết, góp phần tô đậm triết lí về bản chất của nghệ thuật, bản chất của hoạt động sáng tạo. Theo tìm hiểu của chúng tôi, có ba điều cơ bản được các tác giả đề cập tới trong truyện đồng thoại. Trước tiên, đó là triết lí về sự tự do trong sáng tạo nghệ thuật. Có thể quan sát nội dung này qua hai truyện sau đây là Cô Bé chân đất và anh Dế Mèn (Nguyễn Kiên) và Tiếng hót chim Họa Mi (Viễn Phương). Ở truyện của Nguyễn Kiên, ca sĩ Dế Mèn nói với Cô Bé Chân Đất rằng, “cái cách ăn cỏ thú nhất của loài dế chúng tôi là phải được đứng chống càng trên nền đất ẩm, vít từng ngọn cỏ xuống mà ngoạm”; “họ nàh dế vốn ở hang, sống cuộc đời bay nhảy, thích ngắm trăng khuya và ăn những nõn cỏ đẫm sương”. Cô Bé Chân Đất dường như hiểu được điều sâu xa trong lời nói của Dế Mèn, do đó, cô quyết định mở nắp hộp diêm, trả Dế Mèn về với không gian quen thuộc của nó với ý nghĩ: “Ở ngoài vườn cây, bạn sẽ hát hay hơn, nghe rộn ràng, tha thiết hơn”. Truyện của Viễn Phương có phần “dữ dội” hơn khi ông đặt ca sĩ Họa Mi vào tình huống bị Nhện Hùm giam giữa một mạng lưới dày và hôi hám. Nhện Hùm bắt Họa Mi phải hát cho nó nghe, nhưng Họa Mi dứt khoát chối từ: “Tôi chỉ hát được khi nhìn những vì sao lấp lánh trên bầu trời”. Trong câu chuyện này, xung đột giữa Họa Mi và Nhện Hùm có thể xem là xung đột giữa nghệ thuật và sự tàn bạo, và kết luận của nhà văn là, nghệ thuật không thể chung sống, không phụng sự cái ác. Tư tưởng này xem ra có chỗ gần gũi với Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân mà nhiều người đã biết.

Người nghệ sĩ cần phải có phong cách riêng, có giọng riêng. Đó cũng là thông điệp mà các tác giả Phong Thu, Nguyễn Phan Hách, Thu Hằng... muốn nói đến. Xin nêu một trường hợp – truyện Thi nhạc của Nguyễn Phan Hách. Truyện gồm có nhân vật Giáo sư dạy nhạc Vàng Anh và các học trò gồm: Ve Sầu, Gà Trống, Họa Mi và Vịt Bầu. Tình huống câu chuyện là các thí sinh thi hát kết thúc khóa học. Khi các thí sinh biểu diễn xong, Giáo sư Vàng Anh đã lặng đi vì xúc động. Điều hạnh phúc nhất mà ông có được là các học trò “tuy trình độ có khác nhau, người hơn kẻ kém, nhưng mỗi người đều có một phong cách khác nhau, không ai cóp nhặt ai, bắt chước ai...”. Trong bối cảnh hiện nay, khi mà các hiện tượng đạo văn, đạo nhạc, bắt chước nhau đang trở nên phổ biến, đang làm phiền lòng công chúng, thì nhắc lại bài học nhập môn nói trên quả là không thừa.

Nghệ thuật chỉ khiến cho người ta xúc động khi nó hát ca về nỗi đau, và bản thân người nghệ sĩ phải có những trải nghiệm thật sự. Vấn đề này được Trần Đức Tiến đề cập tới qua hình tượng nhân vật Dế Lửa trong truyện Nhạc sĩ Dế Lửa. Với tâm trạng của kẻ nhớ nhà, nhớ quê hương, và cả nỗi ân hận về những sai lầm của mình trong cuộc sống, chàng nhạc sĩ Dế Lửa đã cất lên tiếng hát, giãi bày tâm tư của mình qua bản Nỗi buồn dưới trăng. Lần đầu tiên, Dế Lửa đã chinh phục được cậu chủ, khiến cho cậu chủ “thấy buồn”, “thấy tội nghiệp”, thấy Dế Lửa là “một nhạc sĩ tài ba”. Và rất khó khăn, nhưng cậu chủ đã quyết định trả tự do cho nhạc sĩ Dế Lửa...

Chúng ta còn có thể tìm thấy nhiều vấn đề có ý nghĩa triết lí về cuộc sống qua những câu chuyện kể về loài vật mà các tác giả truyện đồng thoại đã viết. Thế giới tự nhiên, như Phạm Hổ nói, là một nhà sư phạm đại tài, không cần lên giọng dạy dỗ ai, nhưng tự thân cuộc sống của nó đã cho con người rút tỉa ra nhiều bài học quí giá. Sẽ rất đáng suy nghĩ về lối sống của loài mèo mà Tô Hoài và Trần Đức Tiến đã đề cập tới trong truyện của họ (Mèo già hóa cáo, Làm mèo). Đó là, khi về già, biết mình không còn có ích cho người, loài mèo sẽ tìm một nơi vắng vẻ nào đó để sống và trút hơi thở cuối cùng. Vận sang chuyện con người, chúng ta thấy, ở đời đâu phải ai cũng thấm nhuần được hai chữ “tri túc” mà Nho học đã dạy. Thế cho nên, bài học làm người muôn thuở vẫn còn được đặt ra, vẫn là nỗi khắc khoải của các nhà giáo dục, trong đó có các nhà văn...

Lại nữa, chuyện về anh chàng Văn Ngan của Vũ Tú Nam chẳng phải đã gợi cho chúng ta liên tưởng đến những kẻ cái gì cũng biết một tí, nhưng làm gì cũng dối trá vì hám danh, hám lợi, lười biếng, hãnh tiến và cơ hội chủ nghĩa? 

Vân vân và vân vân... 

Hẳn sẽ có những cách lí giải khác nhau về lớp nội dung này trong truyện đồng thoại. Chẳng hạn, có người sẽ cho đó là hệ quả của lối sáng tác “mượn nhi đồng nói người lớn”; hay do nhà văn chưa nắm kĩ những nhu cầu của lứa tuổi trẻ em... Trong sáng tác văn học cho thiếu nhi, không phải không có những hiện tượng như vậy. Song, thiết nghĩ, sự xuất hiện của lớp nội dung phù hợp với cả bạn đọc người nằm trong mục đích sáng tạo của nhà văn. Dựa vào khả năng của thể loại, các tác giả đã tìm cách nới rộng diện tích nghĩa của hình tượng, phú cho hình tượng nhiều nội dung, ý nghĩa khác nhau. Kết quả, truyện đồng thoại được nhiều đối tượng khác nhau tiếp nhận, tất yếu sẽ góp phần làm cho nội dung tác phẩm thêm phong phú...

Lê Nhật Ký 




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét