Ngày nay, đi ngược lại với sự phát triển của khoa học công nghệ thì đạo đức con người ngày càng xuống dốc; trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật ngày càng tăng. Đó là điều quan ngại hiện nay.
Người xưa có nói: “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Trẻ em sinh ra như một tờ giấy trắng và chúng ta là những người vẽ lên tờ giấy ấy những nét đầu tiên. Đủ thấy những người đi trước, bậc làm cha mẹ và đặc biệt là những người trực tiếp đứng trên bục giảng có vai trò quan trọng như thế nào trong việc phát triển nhân cách của một con người. Người giáo viên – nhất là giáo viên tiểu học – có thể giáo dục đạo đức học sinh một cách tốt nhất bằng phương pháp làm gương.
Đặc điểm tâm lí của học sinh tiểu học là rất hay bắt chước. Trẻ sẽ hành động như những gì nó thấy hơn là làm theo những gì nó nghe. Trẻ có thể bắt chước bạn, bắt chước thầy cô, cha mẹ, những người gần gũi với trẻ, bắt chước những gì trẻ xem được trên ti vi, môi trường xung quanh, … Các em chưa tự ý thức được việc nào nên làm, việc nào không nên làm mà chỉ muốn làm theo những gì các em thấy được. Vì vậy, chúng ta có thể thấy việc làm gương khá là quan trọng trong giáo dục đạo đức học sinh. Thế nên người giáo viên tiểu học phải sống, học tập và làm việc thật gương mẫu để học sinh xem đó là tấm gương sáng mà noi theo. Gương mẫu trong từng lời nói, cử chỉ, hành động trước học sinh cũng như đối với mọi người xung quanh. Theo đó, tôi thấy người giáo viên cần:
- Có tác phong của một nhà giáo, chững chạc, đàng hoàng. Ngay trong kiểu chào khi lên lớp cũng có điều để nói. Đã có không ít giáo viên tiểu học, khi bước vào lớp đã đi thẳng đến bàn giáo viên và ngồi xuống trong khi học sinh đứng dậy lễ phép chào mình. Làm vậy sẽ không tránh khỏi trường hợp lần khác giáo viên vào lớp sẽ có học sinh không đứng dậy chào hoặc chào không nghiêm túc. Nếu khi bước vào lớp, giáo viên dừng ở giữa lớp chào lại học sinh rồi mới đến bàn giáo viên thì ắt rằng chúng ta thấy hành động ấy đẹp hơn hẳn, học sinh sẽ quý mình hơn và sẽ làm theo.
- Có lời nói, cử chỉ, hành động mẫu mực. Đặc biệt là khi đứng trước học sinh, từng lời nói, hành động của giáo viên sẽ được học sinh chú ý và làm theo. Vì thế người giáo viên cần hết sức thận trọng. Không phải chỉ khi đứng trước học sinh mà phải là thói quen, là phong cách của người giáo viên. Nếu giáo viên nói hay làm gì chưa đúng thì thẳng thắn nhận lỗi trước học sinh.
- Trong quá trình giảng dạy, giáo viên cần chú ý đến những lời nói, hành động của mình, dù là nhỏ, học sinh cũng sẽ làm theo. Ví dụ: Khi viết bảng, giáo viên cần viết chữ đúng mẫu, cẩn thận. Khi cần vạch, kẻ thì phải dùng thước chứ không tùy tiện gạch bằng tay, … Có như thế thì học sinh mới làm theo, nghe theo lời dạy của mình được. Người giáo viên phải biết làm sao để giúp học sinh tự biết được việc nào tốt, việc nào xấu, việc nào nên làm theo và việc nào không nên làm theo, tại sao lại như vậy. Từ sự nhận thức ấy, học sinh sẽ có hành động đúng. Làm được điều đó tức là giáo viên đã giúp học sinh tự giác thực hiện chứ không phải là những bài học triết lí khô khan mà có thể học sinh nói lại được nhưng không làm được; hoặc có thể học sinh biết điều đúng, điều sai nhưng không vận dụng được vào thực tế đời sống.
- Học để biết, để vận dụng. Nhưng từ “biết” đến “vận dụng” được không phải là điều dễ. Trong nội dung chương trình dạy học ở tiểu học có riêng môn Đạo đức để hình thành nhân cách ban đầu cho học sinh. Tuy nhiên, người giáo viên tiểu học không chỉ giáo dục đạo đức học sinh trong môn học đó mà còn tích hợp trong tất cả các môn học khác, trong những buổi chào cờ đầu tuần, những tiết Hoạt động ngoài giờ và mọi lúc, mọi nơi có thể. Cần tạo tình huống bất ngờ, thực tế để thử khả năng vận dụng của học sinh. Ví dụ: Khi dạy bài: Cảm ơn, xin lỗi (Phân môn Tập làm văn lớp 2, tiết 4) , giáo viên sẽ giúp học sinh biết khi nào cần nói lời cảm ơn, xin lỗi; nói lời cảm ơn, xin lỗi với thái độ như thế nào, với đối tượng nào, … Ngoài ra, giáo viên cần tự tạo tình huống rồi cùng học sinh đối đáp lời cảm ơn, xin lỗi. Giáo viên có thể làm rơi chiếc bút, học sinh thấy sẽ nhặt lên cho giáo viên; khi đó giáo viên nói lời cảm ơn học sinh, học sinh đáp lại lời cảm ơn đó. Như vậy là giáo viên đã làm gương cho học sinh rồi. Rồi giáo viên có thể cho học sinh mượn bút khi học sinh quên mang, học sinh sẽ biết nói lời cảm ơn… Những việc làm đó, có thể các bạn xem là nó nhỏ nhặt nhưng thực sự là rất quan trọng và không thể thiếu. Làm như vậy, giáo viên sẽ giúp học sinh tự nhiên và dễ dàng hơn khi nói – đáp lời cảm ơn, xin lỗi chứ không gượng gạo. Bởi tôi thấy, khi mời học sinh đóng vai tình huống nói – đáp lời cảm ơn, xin lỗi, phần lớn học sinh đều tỏ ra e dè, bẽn lẽn. Do đó, giáo viên cần tạo những tình huống tự nhiên, cùng học sinh vận dụng thì chắc chắn điều đó sẽ dần đi vào tiềm thức các em, sẽ thành thói quen mà sau này, khi gặp phải, các em sẽ vận dụng ngay mà không bỡ ngỡ.
Chúng ta phải làm sao cho xứng với vai trò của nhà sư phạm. Biết làm gương, biết học hỏi, luôn trau dồi kiến thức cũng như đạo đức tác phong. Vì mục tiêu của chúng ta là đào tạo ra những con người mới đủ đức, đủ tài để góp phần xây dựng dất nước.
Trần Thị Xuân Mai
Trường TH số 2 Thị trấn Tuy Phước, Tuy Phước, Bình Định
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét