Trong cơn khói lửa, nhiều tập bản thảo của những anh em trong văn giới mà chúng tôi được giữ bị mất mát hết cả, không còn gì. Một sự tình cờ lạ lùng đã khiến cho chúng tôi lại thấy tập này: truyện Chuột thành phố của một cây bút rất quen thuộc trong tuần báo Tiểu thuyết Thứ bảy.
Bạn Tô Hoài
hiện giờ còn xa vắng, chúng ta ở đây mà có một quyển truyện như Chuột thành
phố đê đọc trong lúc này, thật quý.
Chúng tôi xin
nói thêm rằng truyện Chuột thành phố của Tô Hoài viết năm 1945 là lúc
quân phiệt Nhật đưong tràn lan sang đất nước ta.
(Mấy lời của NXB
Tân Dân 1949 ở Hà Nội)
I
Từng chặng đèn ở
khắp nơi, sáng rực lên. Thành phố Sài Gòn chói lọi trong ánh sáng. Mặt trời vừa
khuất sau những mái lầu bên phía tây, đèn điện bật lên như ngăn trở không muốn
cho đêm tối bén mảng đến. Người ở các ngả các xó lũ lượt ngổn ngang từng đoàn
từng lũ kéo ra ngoài đường. Họ đi hóng mát. Vào các tiệm, uống ly cà phê, ly
nước đá chanh, ly bốc la-de. Có người ăn hủ tíu, một đĩa bánh hỏi, bánh đập...
Người ta ăn và uống rầm rĩ, túi bụi lên. Cảnh sống ban đêm của cái thành phố
ánh sáng này đông đảo gấp mấy ban ngày.
Cùng với sự sinh
hoạt rầm rộ nọ, có một sinh hoạt khác, cũng tấp nập, cũng đông đảo chẳng kém.
Ấy là khi đêm lần lần về khuya, người dần dần vắng bớt đi. Ngoài đường, những
ngọn đèn nhiều nến được tắt bỏ, đem về cho thành phố những nét dịu dàng mới.
Bấy giờ, mặt đường tròn bóng. Người qua lại lác đác. Rồi thỉnh thoảng mới thấy
một hai người đi chơi về khuya hoặc vụt qua một bóng xe đạp của thầy mã tà.
Đó, lúc đó, một
thế giới hoạt động khác nổi lên. Trong các khe rãnh, các lối cống hai bên vệ
đường, họ ra nhiều không thể đếm xiết. Họ đi mò mò. Nhiều lúc, vụt một cái, nối
nhau chạy loắt nhoắt, loắt nhoắt vượt qua mặt đường cánh cung, bên này sang bên
kia. Đó là khi đi chơi tiêu khiển, hoặc cũng là khi đi uống ly cà phê, ăn đĩa
bánh hỏi, chững chạc như mọi người ta. Thành phố của loài người nhưng quá nửa
phần đêm về sáng nó thuộc về thành phố của họ.
Ấy là loài nào?
Thưa, loài chuột, họ chuột chúng tôi. Phải, chúng tôi gớm ghê như thế đó, chứ
sao. Chúng tôi thực xứng đáng với cái địa vị được đem ví von với loài người.
Này, thử để ý xem: khắp bốn bể năm châu, chỗ nào có vết chân người, tất chỗ đó
có vết chân chúng tôi. Người ở đâu, chúng tôi ở đây. Người ăn gì, chúng tôi ăn
nấy. Chúng tôi chỉ hơi khác khác với họ một điều. Như họ thì to lớn, mà chúng
tôi thì bé, chỉ bé bằng cái cẳng tay người ta. Tiện đây xin cải chính một điều.
Xưa nay, thiên hạ tưởng chúng tôi không biết nói. Xà! Bậy hết sức. Chúng tôi
đây cũng biết nói như ai chớ! Chí chí, chúng tôi nói đó. Chúng tôi nói tiếng
của chúng tôi. Cũng như người nói tiếng của người. Có cái ngôn ngữ bất đồng,
nên cứ tưởng lẫn như vậy. Mà nói về những điểm hơn loài người chúng tôi đây lại
còn hơn nhiều. Họ nói, chúng tôi nghe được rõ ràng từng tiếng và họ không nghe
được tiếng chúng tôi. Chúng tôi, mới sinh ra đã có râu, có răng. Trẻ con nhà
các người nứt mắt đâu đã có răng, đâu đã có râu! Ấy là chưa kể đến cái đuôi dài
và nuột nà rất mỹ thuật của chúng tôi, loài người không bao giờ có thể có được
rồi. Kém những chỗ ấy nhé!
Nhưng mà hỡi mọi
người, mọi người yêu quý của tôi, tôi nói khuếch khoác thế, tất ai đó hẳn đã
tức lắm. Chắc có người toan mắng: "Chuột nhép, sống núp bóng ngưòi ta,
bặng nhặng cái gì? Ông lại mua con mèo về thì có mà bỏ đời..." Thôi, thôi
xin ai đừng mua ông mèo về. Tôi nói đùa mà chơi đấy. Thực ra xưa nay chúng tôi
vẫn tôn phục loài người. Người đã làm nhà để cho chúng tôi có nơi ở ké. Người
lại làm ra cái bếp để nấu nướng thức ăn, khiến cho chúng tôi có chỗ ăn kẹ.
Thỉnh thoảng, người ta lại nuôi một vài chú gà con, để cho các chuột cụ trổ tài
quắp trộm.
Chúng tôi lại
biết rằng, loài người cũng chẳng khác loài chúng tôi. Ai ai cũng phải làm việc,
để mưu sự sống còn. Biết bao nhiêu chông gai đầy rẫy trong lối đi của con đường
đời. Vất vả quá, cực nhọc quá. Nhưng có vất vả, có cực nhọc mới đáng được sống
ở trên đời, phải không.
Nói chi ai, như
tôi đây. Tôi chỉ là một chàng chuột nhỏ bé trong cái quần chúng chuột ở khắp
thế giới. Đời sống của tôi cũng vất vả, cực nhọc lắm nhưng tôi không lấy điều
đó làm buồn, trái lại nữa. Tôi vui vì những luân lạc cũ. Tôi vui vì nỗi, có lăn
lóc, đời mới dạy cho mình được lắm điều hay.
Tôi chắc bạn đọc
yêu quý đương đợi tôi kể cho nghe một cuộc đời phiêu lưu, mạo hiểm chi đó. Bởi
tôi biết các bạn thích loại chuyện này lắm. Không, đây chỉ là chuyện của đời
tôi. Nó có được như những phiêu lưu, những mạo hiểm thì còn phải hỏi lại xem
thế nào đã. Tôi chỉ biết rằng tôi muốn nói về những sự gian nan của một cuộc
sống, khi ta phải tranh sống để
kiếm miếng ăn. Và tôi cũng muốn nói tới một sự giác ngộ cao cả mà tôi đã nhận
được, sau nửa đời lăn lóc.
Hôm nay, vui câu
chuyện với các bạn yêu quý, tôi xin kể.
II
Khi còn ít tuổi
hơn bây giờ, tinh tình tôi khá kỳ khôi. Tôi cũng không còn nhớ rành rọt mấy.
Nhưng có điều nhớ chắc là tôi rất huếnh hoáng và rất nóng nảy.
Tôi hay soi bóng
vào trong vại nước. Tôi gật gù cho tôi là một trang thiếu niên anh tuấn, là một
mã thượng phong lưu khách chi đó. Ôi chao, này này các chú thử ngắm tôi mà xem.
Đầu tôi nhỏ và nhọn hoắt. Những anh chuột đầu nhỏ, thường là thông minh. Tôi
thuộc vào hạng chuột nhỡ. Mình tôi phủ một lượt lông mượt bóng như nhung nõn.
Hai hàng ria mép của tôi dài vênh lên. Bốn chân tôi nhỏ nhắn. Đôi mắt tôi long
lanh.
Cả ngày, tôi soi
ngắm bóng mình, tôi lại nhởn đi đàn đúm với một lũ trong xóm, cũng trạc tuổi
với tôi. Tôi làm trùm bọn họ. Bởi tôi chạy nhanh, tôi nhảy, tôi khỏe mà lại
biết võ. Biết võ? Tôi biết võ. Rồi tôi rong chơi lu bù. Có khi tôi đi mất mặt
đến mấy ngày.
Thời đó, tôi ở
với anh chị tôi. Mỗi bận đi chơi về, chị dâu thường cằn nhằn, rầy la tôi. Tôi
lấy làm khó chịu. Tôi cho chị tôi là một ả lắm điều. Có một lần, anh tôi mắng
tôi :
- Mày chưa kiếm
nổi cơm ăn, thì tao bảo gì phải biết nghe? Sao lại cứ chơi nhông cho hư thân
mất nết đi.
Tôi cãi :
- Anh không được
bỉ tôi như thế. Sao anh lại bảo tôi là không kiếm nổi cơm ăn.
- À, mày cũng lý
sự giỏi nhỉ? Mày lý sự cùn, biết không? Mày giỏi nói, mày hãy đi mà kiếm cơm
lấy, tao xem!
Tôi hếch mõm,
cười nhạt :
- Anh đã đuổi,
tôi xin đi...
- Mày đừng nói
nặng. Tao không đuổi mày, nhưng...
- Nhưng anh đã
nghe xúi bẩy mà đuổi tôi thì cũng thế.
- Tao nghe ai?
Tôi đáp lừng
khừng :
- Nghe ai thì
anh biết.
Anh tôi cười
nhạt :
- Tao hiểu rồi.
Mày nghi cho chị dâu đã xui tao. Vì mỗi khi mày đi chơi lếu láo ở đâu về chị
thường nói này nói nọ. Đừng ngờ xằng như vậy. Cái gì phải nhìn tận mặt, vạch
tận trán hãy nên mở miệng. À, mày cũng khá nhỉ? Tao chỉ nói có thế, mà mày dám
bảo rằng "anh đuổi tôi". Được, đi hay không, tùy ý. Mày đã lớn rồi
đấy. Ra ngoài đường, trông cái nọ ngó cái kia, cho rạn bớt kẽ mắt ra. Cũng
phải.
Tôi quyết định
rồi. Tôi quyết định chẳng ở với anh. Tôi phải đi chứ. Dủ sao, tôi cũng cần có
một cuộc đời riêng của tôi, không ỷ lại. Hôm sau tôi xin phép đi, tôi đội ơn
công anh chị nuôi tôi bấy lâu. Tôi thành thật nói thế.
- Mày đi thực à?
- Xin anh chị
đừng tưởng tính tôi nóng nẩy hay tôi giận dỗi gì anh chị. Không phải thế. Tôi
đi là vì cuộc sống của tôi.
Anh tôi gật gù,
liếc mắt nhìn tôi :
- Được, mày muốn
đi thì đi. Nhưng tao cũng cứ dặn thêm mày rằng khi nào muốn về thì cứ trở về tự
nhiên.
Chị dâu tôi còn
tha đến cho tôi một miếng thịt gà. Có cái ý ngầm rằng chị chẳng lòng nào mà
ghét bỏ em đâu. Tôi biết thế. Tôi ơn chị và gặm miếng thịt ngon lành.
Kể từ hôm đó,
tôi đi khỏi nhà anh chị tôi. Lòng đầy hy vọng mới mẻ. Việc trước mắt, tôi đi
tìm các bạn chơi của tôi mọi ngày. Để báo tin cho họ biết rằng từ giờ thì lúc
nào tôi cũng có thể đi chơi với các anh em được. Tôi thấy họ hơi ngạc nhiên.
Rồi một anh hỏi :
- Mày bỏ nhà
thực chứ?
- Sao lại không
thực! Tao đi, một điều chúng mày chẳng vẫn ao ước đó sao?
Tôi đáp thẳng
thắn :
- Tao ăn với
chúng mày. Chúng mày vẫn thường mong được có tao ăn chung đó sao?
Một thằng đạo
mạo, thủng thẳng nói :
- Thưa quý hữu!
Bạn bỏ nhà đi như thế, thực là một điều dại dột. Mọi khi, chúng tôi vẫn nói láo
lếu thế chứ sự thực làm sao mà kiếm ăn, nuôi thêm được bạn. Các nhà ở xóm này,
người ta cất thức ăn kỹ quá. Chúng tôi gầy rụng cả lông đi đấy... Bạn hãy trở
về với anh chị của bạn. Ản cho no, ngủ cho kỹ. Rồi thỉnh thoảng, lại đây, anh
em ta khiêu vũ chơi, có phải thích biết bao nhiêu.
Tôi tức quá :
- Chúng bay là
những đồ tồi. Chúng bay sợ thiệt, đuổi tao đi đó phỏng? Thực tao không ngờ.
Nhưng mà, được được. Tao cũng không cần chúng bay. Trước khi tao đi, chúng bay
có giỏi, ra đây tỉ thí với tao một keo.
Tôi vồ một thằng
đứng gần tôi nhất, nhay cho nó một miếng. Lập tức, cả bọn chúng xúm lại chiến
tôi. Giá cứ đánh nhau tay đôi, tôi quyết chơi chết có thằng. Nhưng chúng đông quá.
Những tên nào xưa kia kể vào hàng thân nhất của tôi, thì bây giờ lại càng giả
tôi đau tợn. Đau quá, tôi ngã lăn chỏng bốn vó lên. Chúng bỏ chạy vào các hang,
rồi lẩn thẳng. Giá tôi có chết ở đấy, chắc cũng đành là thối mạng.
Bò dậy, tôi nhìn
quanh quất, không có bóng vía một tên nào. Tôi buồn và cũng nản hết sức. Buồn
cho tình bạn, chán cho cảnh đời, vời trông tương lai mờ mịt. Chao ôi! Tôi chắc
chúng nuôi tôi. Tôi chắc chúng quý tôi. Tôi chắc chúng...
Hão tất. Chúng
lại còn đánh tôi là đằng khác. Ra tranh sống với thiên hạ, không phải dễ dàng
đâu. Anh ơi! Lúc này em lưỡng lự muốn quay về.
Tôi tự gạt ngay
đi những ý tưởng đó. Xảy ra sự đáng tiếc này, chẳng qua là bấy lâu nay tôi mù,
tôi chọn lầm bạn. Không nên vì một thất bại mà đã ngã lòng.
- Phải đi chứ!
Phải đi!
Tôi nghĩ luôn
thế. Trong im lặng, tôi lồm cồm chui ra ngoài bãi cỏ trước ngõ.
III
Bấy giờ đương là
ban đêm vắng vẻ. Tôi bò đi dễ dàng qua một quãng dài, lần hết phố nàv tới phố
khác.
Tôi quyết đi
thực xa. Xa nhà của anh chị tôi. Và xa chỗ ở của lũ bạn xấu kia. Tôi muốn sống
riêng biệt.
Trong cái thành
phố đồ sộ này, tìm đâu mà chẳng ra một chỗ để nương náu tấm thân. Tôi kiếm, tôi
ra kiếm mãi. Nhà cửa, đường sá và bờ bãi thì rộng thực, nhưng tìm một chỗ nương
thân không phải dễ. Khắp nơi nơi, chỗ nào cũng đông nghịt. Có lẽ trên ván có
bao nhiêu người ngồi thì dưới gậm, trong xó, cũng có gấp đôi từng ấy chuột.
Mãi sau, tôi
cũng tìm được một nhà. Nhà này khá lắm, không ngờ mà tôi lại khéo tìm như vậy.
Căn nhà hai
tầng, tường vàng hoe, cửa chớp màu xanh nõn. Tôi thong thả bước vào, mát mẻ,
thánh mãnh lắm. Nhà ít người ở, mà lại rộng rãi, nên tôi tha hồ sạo sục, chẳng
một ai nhòm thấy. Nhưng có một điều lạ, không có dấu vết một nhách chuột nào đã
ở đây. Chẳng lẽ mà họ lại chưa tìm tới chỗ rộng rãi này, trong khi ở những nơi
khác phải từng đàn mấy chục mống chen chúc? Tôi chạy nhoăn nhoắt hết nhà trên
xuống nhà dưới. Tôi lại cố ý kêu lên mấy tiếng. Chẳng có ai đáp lời.
Ra sân, vục mõm
vào máng bể, tôi uống một ngụm nước lã. Nước bám lên hai bên mép ria tôi. Tôi
đứng rún rê, rung hai làn ria, ngẫm nghĩ.
- Cha chả là
sướng! Chưa ai đặt chân đến chỗ này. Ta là kẻ đến đây trước tiên. Tha hồ tung
hoành. Đứa nào đến sau, phải vào hàng tôi tớ của ta. Ta sẽ có biết bao nhiêu là
bộ hạ.
Tôi lừng khừng
bò vào. Tôi chui xuống gầm cầu thang, đánh một giấc ngủ ngon lành.
Đến chiều, tôi
thức dậy, bởi tiếng kèn hát kêu ọ ọ bên tai. À ra bữa cơm chiều đã xong, nhà
người ta đương mở máy kèn hát nghe chơi. Nhà này chỉ có hai vợ chổng, hai đứa
con và một anh bếp. Có con chó Ki Ki to bằng con bê lúc nào cũng nằm chồm chỗm
đầu hè. Tôi ở trong khe, trong ngách, dù có trông thấy tôi, Ki Ki cũng chẳng
làm gì tôi tốt.
Tiếng kèn hát
vui quá. Có lẽ tôi cũng bò ra nghe chơi. Nhưng bụng tôi đã đoi đói. Tôi nghĩ
mình cần phải ăn. Giờ ăn của người xong, bây giờ là giờ ăn của tôi. Tôi đủng
đỉnh xuống bếp. Còn cái gì tôi chén tuốt. Có ai vào đây nữa, mà ăn tranh. Con
Ki Ki đã có phần của Ki Ki. Chỉ một mẩu bánh, một miếng thịt là đủ bữa ăn ngon
của tôi.
Tôi vào bếp. Ồ,
cái bếp lạ dữ! Một căn buồng vuông vắn, chiếc ống khói cao ngút và một cái tủ
vuông chằng thép mắt cáo. Trong tủ, treo lủng lẳng mấy miếng thịt bò, lăn lóc
mấy cái củ đậu. Ngoài ra, trên gạch, trên tường, sạch như lau, không một thứ
khả dĩ có thể bỏ vào miệng được. Tôi tìm đến chậu nước vo gạo. Nước vo gạo
không có một giọt. Mà thùng đựng rác thì tịnh chẳng thấy đâu.
Tôi đành ôm bụng
móp, mò lên nhà trên. Lại đánh mấy ngụm nước lã, rồi ngủ kềnh ở một xó gậm
thang gác. Sáng hôm sau, tôi thức dậy sớm. Tôi đánh hơi được một mùi lạ lùng
ghê gớm. Hai cánh mũi tôi nở hếch. Cả những chiếc răng nhọn cũng thò ra. Tôi
hít vào những hơi thực dài. Ra đó là mùi thịt bò xào hành tày. Thịt bò xào hành
tây thì thơm hết nói, thơm điếc cả mũi. Tôi muốn nhảy ngay xuống bếp. Nhưng vừa
thoáng có con Ki Ki đi qua ngoài thang gác, tôi phải đứng nán lại. Ki Ki ra
ngay ngoài đầu thang, nằm ịch xuống ngủ gối đầu vào hai chân trước. Hết lối ra
của tôi. ức quá, tôi lầm bầm rủa nó. Nhưng sau tôi cũng tìm được một lối khác
trèo xuống bếp. Tôi thấy anh bếp vẫn đương khua hai đầu đũa vào chảo thịt. Khói
thơm bốc ngạt ngào. Tôi cứ đứng trong xó mà hít bằng mũi, hít bằng mõm và muốn
hít cả bằng mắt, bằng tai nữa. Chẳng bao lâu, anh bếp xào xáo đã xong. Anh đổ
thịt vào một cái đĩa to rồi bưng lên buồng ăn trên gác. Trước khi bưng đĩa thịt
lên, anh đem bỏ cái chảo ra ngoài vòi nước máy, vặn vòi nước chảy xuống ồ ồ.
Không nhẽ tôi lại đi theo anh lên buồng ăn. Có phải người ta làm cho tôi nhắm
đâu mà tôi dám đi theo. Cái khôn ngoan của tôi, nếu tôi hiểu, là phải đứng nguyên
dưới bếp, đợi khi anh mang đĩa thịt xuống, còn miếng nào tôi chén miếng ấy. Tôi
đứng yên mà đợi anh bếp.
Chàng đã xuống,
hai tay bưng khư khư cái đĩa. Tôi mừng quýnh, suýt nữa kêu bật ra thành tiếng.
Nhưng cái đĩa chỉ còn là cái đĩa không. Một chút nước mỡ, anh ta cũng ngửa cổ
liếm sạch. Rồi rửa bát, cất bát vào chạn.
Xét ra, ở trong
cái nhà này, cái gì có thể ăn được, họ đều cho vào cái chạn chăng lưới mắt cáo
khóa tách lại. Tôi mất đường làm ăn! Nhà này không có vại gạo, không có chĩnh
nước mắm, không có những đồ bếp núc như mọi nhà khác. Thực ra, tôi cũng chỉ mới
biết được có cái nhà của anh chị tôi ở, từ tâm bé tới giờ.
Tôi lại bị đói
một bữa nữa. Tôi vốn háu đói. Mới chỉ đói thế vậy, mà đã nôn nao, choáng váng
cả người. Đói, lại uống nước lã, lại ngủ. Ngủ cũng là cách để quên đói. Nhưng
đói quá, rồi cũng không thể nhắm mắt mà ngủ được. Hai mắt tôi thao láo. Uống
mãi nước lã, bụng xót như cào. Cứ thế, liền ba bốn ngày không bói được vật nhỏ
gì bỏ vào miệng.
Cho đến ngày thứ
tư, tôi đành phải bỏ đi. Tiếc căn nhà rộng rãi, kín đáo, ngăn nắp quá. Nhà đẹp,
nhưng không có cái ăn, cũng chẳng thể ở được.
Tôi chui xuống
công, lủi thủi. Khốn nạn, còn mấy nả hơi sức mà chẳng bò lủi thủi. Bốn năm ngày
nhịn đói. Bụng tôi tóp xuống, giơ hai hàng xương sườn. Tai tôi rụng trắng cả
da. Bò được một quãng xa, tôi vừa đứng lại nghỉ, thì đụng đầu với một gã chuột.
Anh này cũng trạc tuổi tôi, nhưng béo mập đến cả đuôi. Anh ta hỏi tôi :
- Đi đâu mà cử
rử vậy?
Tôi không trả
lời, chỉ dùng đuôi mà trỏ vào căn nhà hai tầng phía sau lưng. Anh ta cười ha hả
:
- Nhịn đói
phỏng?
Tôi gật.
- Mấy ngày rồi?
- Bốn.
- Dáng hẳn đằng
ấy ở vùng khác đến?
Tôi gật.
- Thảo nào. Vùng
này, ai còn lạ cái nhà đó. Nhà gạch, mái ngói nhưng không thể xơ múi gì.
- Tại sao thế?
- Họ ăn com tây
chứ sao! Không có gạo. Không có nước mắm. Nghĩa là không có thứ gì ta lấy được.
Ở đấy thì chỉ chết đói nhăn răng ra.
- Tôi không
ngờ...
- Cũng nên ngờ
một chút chứ. Đằng ấy tính, cái nhà gạch đẹp đẽ thế kia, làm sao mà cánh ta
không có ai đến ở? Ắt cũng vì cớ gì chớ? Thôi, tôi kkuyên bác, từ giờ có đi
kiếm ăn, đừng bén mảng vào những cửa nhà giầu mà nguy hiểm.
Bỗng nhiên, tôi
run rẩy khắp người.
- Sao thế?
- Không... hề...
gi...
- Nóng lạnh
phỏng?
- Không...
- A, bệnh đói
rồi. Để tôi cho một miếng.
Nói xong, anh ta
chạy miết. Một chốc, anh tha đến cho tôi nửa quả chuối tây. Tôi ngoạm đâu có độ
ba miếng, hết nhẵn thì cũng tan cơn run rẩy, dạ đã nguôi nguôi.
- Thưa, tên anh
là gì?
- Họ kêu tôi là
Chuột Lốc, bởi tôi béo tròn lông lốc.
- Ơn này, không
bao giờ dám quên. Em mong có ngày tái ngộ.
Chuột Lốc cười :
- Có hề gì. Anh
em giúp nhau là sự thường.
IV
Tôi đã tìm được
một chỗ ở mới. Nơi này khác nơi trước, tôi đã biết sợ những cửa cao nhà rộng
rồi. Bây giờ tôi mò tới một cái ngõ hơi lầy lội. Tôi nghĩ: đất này ắt có thể
dung thân. Tôi vào núp ở một căn nhà trong ngõ.
Địa thế nơi ấy
phức tạp. Nhưng đứng ngắm nghía một lúc, cũng có thể nhận được. Đó là một căn
dài, chia từng gian một. Một con đường đi vào, rác rưởi nhớp nháp. Tôi đi qua
các cửa sau, nghe nhà nào cũng lích rích tiếng chuột và trông thấy lủng củng
những mẩu đuôi thò ra ở các khe chạn. Đông quá. Tôi đã ngán, tưởng có lẽ mình
không còn chỗ để ních đủ một bàn chân vào. Nhưng may sao, trong số những gian
nhà này cũng có một gian không có tiếng chuột kêu và không trông thấy đuôi
chuột ngoe nguẩy. Tôi vào.
Quả nhiên là nhà
vắng. Cũng văng vẳng đâu tiếng chuột lích rích tận sau nhà. Như vậy, có thể
biết trước rằng chỗ này có thể kiếm cách sinh nhai. Thú thực, kể ra giá có cố
bò đi nơi khác cũng đã mỏi cẳng lắm. Đành ở lại, muốn sao thì sao.
Chiều hôm ấy,
một trận mưa lớn giáng xuống. Nước mưa xối mạnh như nước lũ, chảy cuồn cuộn
trong ngõ. Bấy giờ đương là mùa mưa, ở Sài Gòn, thường có những trận mưa dữ như
vậy. Nước như đổ từng chậu nước xuống đầu. Chuột tôi nằm he hé cặp mắt, nghe
mưa đều đều. Tuy không có cái tâm hồn khác đời, để nghe mưa với một thú vị
riêng, nhưng tôi cũng nghĩ rằng trời mưa thi dễ ngủ. Tôi ngủ một giấc li bì
trong tiếng mưa ồ ạt.
Tôi chợt bừng
mắt. Nước lạnh ở đâu xói vào lưng. Chưa kịp ngóc đầu, nước dội luôn vào tai.
Trời, sao thế này? Xung quanh tôi, nước dâng lên mênh mông. Mẹ ơi, lụt rồi. Mà
lụt ở trong nhà. Nước ngoài phía cửa tuôn vào ồ ồ. Trời đã tối. Trong nhà mờ
mịt, không trông rõ gì cả. Trên chiếc giường giữa nhà, nghe có tiếng ngáy kho
kho. Dáng hẳn chủ nhà đã ngủ. Tôi không thể trù trừ nán lại được. Những đồ đạc
nhẹ trong nhà như guốc, như chổi đã bắt đầu trôi loanh quanh, đụng cả vào bụng
tôi. Mà nước óc ách vào hai bên tai tôi rồi. Đứng lại đây, chết đuối mất. Tôi
co bốn cẳng, bơi lờ lờ đi. Nước lạnh thấm vào người, rét quá. Tôi phải tìm một
cái gì đê leo lên. Bốn phía những nước. Nước đánh sóng vào bốn bề tường, như
tiếng ếch kêu. Tôi vẫn chưa bíu được vào đâu. Tôi leo lên một chiếc guốc, mảnh
guốc lộn đi, hất trả tôi xuống nước. Mãi sau, tôi chui lên được một cái bục gỗ.
Vừa lên tới nơi,
tôi cụng đầu vào một gã chuột. Tuy trời tối, nhưng tôi quắc mắt, cũng trông
thấy rõ. Gã chuột đã đứng tuổi, mình gầy như cái que nứa, đuôi tuột hết cả
lông.
Tôi hỏi :
- Bác ở nhà này?
Gã thưa :
- Vâng.
- Ở một mình?
- Trước có cả vợ
và con tôi.
- Bây giờ ở đâu?
- Ở đây đói quá,
vợ con tôi bồng nhau đi nơi khác rồi.
- Khổ mà bác
cũng cứ ở?
- Đành vậy, chứ
biết tính sao. Tôi ốm yếu, không đi được xa. Bác là người đâu ta?
- Tôi ở trên
kia, xa lắm.
- Bác xuống làm
ăn ở đây?
- Tôi cũng định
thế. Bác bảo ở đây khổ sở là nghĩa thế nào?
- Bác muốn biết,
thì cứ ở đây ít bữa. Còn bây giờ tôi buồn ngủ lắm.
Nói xong, chuột
nhắm mắt và ngủ ngay tức thì. Tôi đứng đơ ra, rồi luẩn quẩn, cũng nằm phục
xuống, gậm nhấm, vuốt lông cho đỡ ướt. Rồi cũng chợp mắt lúc nào.
° ° °
Sáng hôm sau,
mặt trời vừa ló ánh sáng vào đầu tường, nước ở trong nhà đã rút cạn hết. Trên
nền gạch, đó đây ngổn ngang mấy chiếc guốc bơ vơ. Gã chuột gầy đã đi đâu mất,
không biết. Tôi bắt đầu cuộc dò xét trong nhà.
Nhà vắng. Chủ
nhà đã vác xe đạp đi đâu từ sáng sớm. Giữa gian buồng, có một cái giường nhỏ.
Bên cạnh một chiếc tủ cao khóa kín. Gần đấy, một cái mắc áo, trên tường có một
bức địa đồ. Dưới đất, xê cửa, một chiếc bàn con con, trên để mươi thứ lặt vặt
và lủng củng mấy đôi giầy vải. Trong nhà, chỉ có thế. Không thể tìm ra một vật
gì hơn nữa. Chĩnh gạo không. Chai nước mắm không. Đến mấy ông vua bếp cũng
không có nốt. Chăng hiểu chủ nhà này họ sống ra sao? Quái thực.
Tôi lần ra bãi
cỏ, phía cửa sau, thấy gã chuột gầy đương đứng ngẩn ngơ, vêu mõm, nhìn xuống
rãnh. Anh ta vừa nói vừa khóc :
- Bác ấy ơi! Đêm
hôm qua, tôi mất một người anh em họ... hi... hi... Chú Chuột Chù nhà tôi...
- Chú ta đi đâu?
- Chết đuối.
Nước lụt vào nhà, chết rồi.
Chuột Chù không
biết leo, phải nước ngập mà chết, có lý lắm. Tôi khuyên anh chuột gầy không nên
khóc nữa.
- Chết rồi, khóc
cũng bằng thừa.
- Từ đây mà đi,
một mình tôi thui thủi trong cái nhà này...
- Có tôi nữa
chứ!
Anh ta ngước mắt
nhìn tôi, hơi ngạc nhiên :
- Bác bằng lòng
sống ở đây?
- Chúng ta nhận
nhau làm anh em, ở chung cho vui nhà.
- Ở đây khổ lắm.
- Chả mùi gì.
Tôi chịu khổ đã quen. Bây giờ bác dẫn tôi đi kiếm cái ăn. Tới giờ ăn rồi.
Gà dẫn tôi đi.
Gã gầy lắm, lại thọt một chân sau.
- Tôi có tật từ
khi mới sinh. Bởi vậy, tôi biệt hiệu là Chuột Thọt.
Chuột Thọt tập
tễnh đưa tôi đến cái bàn nhỏ, bảo tôi cùng leo qua mặt bàn. Tôi leo. Mặt bàn có
một cái đĩa trong đựng một bánh sà boong. Tôi hỏi :
- Thức ăn đâu?
- Đó.
- Bánh sà boong
này a?
- Phải chớ.
- Mẹ ơi! Ai lại
ăn sà boong!
- Hai năm nay,
tôi chỉ ăn sà boong.
- Hèn chi, anh
gầy như con mắm. Sà boong để giặt quần áo, ăn vào bụng, nó nạo ruột nạo gan ra,
có mà chết toi.
- Ăn mãi cũng
quen. Vả lại, ở đây chỉ có một thức này để ăn. Tôi chưa biết thịt là gì cả.
Rồi anh cắm đầu
xuống miếng sà boong. Hai chân gãi gãi, mõm húc húc, nhai nhỏ nhẻ từng ít một.
Tôi cười bảo Chuột Thọt :
- Anh đừng ăn
nhảm nhí vậy nữa. Rồi tôi kiếm gạo kiếm thịt cho anh cùng chén.
Nhưng gã cũng đã
chén xong bữa sà boong hắc nhức mũi. Tôi đi kiếm. Nhưng trong nhà không có một
thức gì ăn, ngoài bánh sà boong đó. Tôi hỏi :
- Vậy chủ nhà ăn
gì?
- Họ không ăn
cơm đây. Chỗ này chỉ là chỗ nằm ngủ.
Mò mãi không ra
một thức gì ăn, tôi cũng phải húc mõm ăn sà boong, cắn miếng sà boong vào
miệng, khó ăn thì ít - vì tôi đã quá đói - mà ngượng với anh Chuột Thọt nhiều.
Đã trót khoác lác với anh. Sà boong đắng quá mà tôi cũng xơi được đúng một nửa.
Thấy thế, Chuột Thọt sợ, bảo :
- Chết tôi rồi!
Ăn lắm thế này, người ta biết.
- Sợ quái gì?
- Rồi người ta
cất đi thì mất ăn.
Nhưng mà đói thì
không đừng được. Tôi ăn khỏe gấp mấy Chuột Thọt. Buổi chiều, tôi lại đánh hết
một góc bánh sà boong, mặc dầu buồn nôn quá và bụng tôi cứ sôi lên ùng ục. Bánh
sà boong to, bây giờ chỉ còn như một quả cau. Chuột Thọt sợ xanh mắt, run từ
râu xuống đuôi. Hôm sau, chủ nhà, buổi sáng rửa mặt, nhìn đến bánh sà boong.
Chủ nhà là một chàng trẻ tuổi, đi làm cho một xưởng máy. Chàng ngắm nghía bánh
sà boong có những vết chân, vết răng chuột. Chàng cau mặt, lẩm bẩm:
- À, mấy con
chuột nhãi! Phải cất sà boong vào tủ mới được.
Lập tức, chàng
ta bỏ bánh sà boong vào tủ và khóa tách lại. Tôi nghe tiếng anh Chuột Thọt tấm
tức khóc dưới gậm giường. Chắc anh oán tôi lắm. Mọi khi có một mình anh ăn -
anh lại ăn yếu - nên chẳng thấm thía vào đâu. Tôi nhá hai bữa thì bằng anh rỉ
rả mười bữa lọn. Chao ôi, khổ anh chuột tàn tật này. Tôi lại tìm lời an ủi anh.
Và để an ủi cả tôi nữa. Vì tôi cũng đương lo lắng về vấn đề ăn không kém gì anh
ta. Các nhà bên hàng xóm cũng đông chuột lắm. Và xem chừng cũng nghèo khổ, bữa
no bữa đói như nhau. Vì dường như xóm này là xóm của những người đi làm, không
mấy ai ăn cơm nhà.
Chúng tôi bắt
đầu nhịn đói. Đêm đến, nghe tiếng anh bạn nhai giấy ken két. Bỗng dưng, tôi ở
đâu mò đến đây để làm khổ anh. Một đêm, tôi gọi Chuột Thọt :
- Đi theo tôi.
- Đi đâu?
- Ăn.
Anh theo tôi
liền. Xuống dưới gậm bàn, tôi nhìn đôi giầy, nói :
- Những cái này
ăn được. Còn ngon hơn giấy.
Tôi ngậm chiếc
dây giầy. Có đoạn tôi nuốt chửng. Đoạn thì tôi nhả ra cho anh bạn ăn. Ăn dây
giầy chẳng khác ăn đất. Vậy mà chúng tôi cứ nhấm, cứ nhai lấy được. Song dù sao
cũng có vị hơn giấy vụn. Chúng tôi đỡ đói được một phần ngày.
Nhưng, sự đỡ đói
trong một lúc lại làm hại chủng tôi nhiều, mà lúc ăn chiếc dây giầy nhạt nhẽo,
tôi không nghĩ tới. Sáng hôm sau anh chàng chủ nhà trở dậy đi làm, vớ giầy để
đi, thấy đứt mất một chiếc dây. Chàng ta cau mặt, lẩm bẩm "Chắc, lại
chuột!". Nhưng chàng vẫn xỏ đôi giầy đứt dây vào chân, rồi đóng cửa lại,
đạp xe đi làm như thường.
Ở nhà, chúng tôi
lại đói. Bởi vậy, lẽ cố nhiên chúng tôi lôi đôi giầy vải trắng ra gậm. Chúng
tôi vật giầy ra cắn rách toạc mép một chiếc.
Chẳng may, chiều
về anh chủ nhà biết ngay. Anh ta gầm lên :
- Lại chuột!
Chuột làm hại tôi!
Rồi anh cất cả
hai đôi giầy vào tủ, khóa lại. Thôi thế là xong.
Đứng trong gậm,
chúng tôi nhìn nhau, ngao ngán. Chúng tôi biết, nếu những đôi giầy cứu tinh đó
bị cất đi, không thể còn một cái gì mà ăn cho đỡ đói lòng được nữa.
° ° °
Anh Chuột Thọt
lại khóc ti ti. Tôi yên lặng nghĩ một mưu kế mà chẳng ra mưu kế gì. Đó là cái
cách của chúng tôi, hai ngày sau khi chủ nhà cất đôi giầy. Rồi tôi đi cầu cứu
các bạn láng giềng. Nhưng ông nào, bà nào cũng nghèo mướp, lo kiếm cơm cho đàn
con đông chưa đủ, thừa của đâu mà giúp cho ai được.
Tôi bảo Chuột
Thọt :
- Ta phải bỏ cái
nhà này, đi nơi khác. Trời đất rộng rãi bao la, chẳng nên chỉ rúc xó nhà mà
chịu đói.
Chuột Thọt bùi
ngùi :
- Một mình anh
đi thôi.
Anh giơ cái chân
tập tễnh lên. Tôi hăng hái :
- Anh cứ cố đi.
Anh cứ tin rằng có thể đi thì đi được. Chúng ta đi ngay chiều nay. Nếu trì hoãn
tới sáng mai, thì đến đói lả đi mất.
Tôi còn khuyến
khích Chuột Thọt nhiều câu nữa. Bùi tai và hứng chí, Thọt cũng bằng lòng. Ngay
chiều đó, chúng tôi đi.
Đi được một
quãng, Chuột Thọt rên la ầm ĩ. Bởi cái chân đau không thể bước được. Chuột khóc
:
- Chết đói thì
chết, tôi đành quay trở lại. Chân tôi đau thế này, không thể đi được nữa.
Chuột Thọt trở
về. Tôi đứng trông theo cái bóng thất thểu cho tới khi khuất hẳn, mới lừng
khừng đi. Từ đấy, không còn có lần nào gặp nữa. Không biết anh ta làm sao mà
sống được, hay chỉ ngắc ngoải được vài hôm.
V
Tôi còn trải qua
trăm cay nghìn đắng, nỗi cơ cực này đè lên nỗi cơ cực kia. Có khi nhịn ăn tới
năm bữa. Có khi đói luôn hai ngày. Thế rồi cũng quen. Ra ai cũng sống vì thói
quen. Và sở dĩ nên quen được cũng do một đức tính mà tôi đã luyện cho có được,
trong bước đường gian nan. Đó là sự kiên gan không nản chí. Bởi nếu không, kiên
gan, nếu nản chí, chắc tôi đã quay về với anh trai, chị dâu tôi từ lâu, cho
được sự no thân ấm cật. Nhưng không, tôi đã nghĩ trái lại. Tôi cứ đi. Thôi kể
chi nỗi khổ sở dọc đường, làm sao chỉ vài dòng mà hết được gian truân.
Trong đoạn đường
đã trải qua, chỉ một việc nhỏ này, cũng đủ khiến bạn đọc có thể phải kinh hãi.
Bữa ấy, tôi ngủ ở một nhà đầu phố. Chẳng may, lại trọ phải một nhà toàn chuột
giặc, chuột kẻ cướp. Nghĩa là chúng nó chuyên phá hại của người ta. cắn quần,
cắn áo. Cái gì cũng tha. Cái gì cũng gặm. Thậm chí, chúng đùa nhau, nhảy qua cả
ngực người ta đương nằm ngủ. Rồi khi buồn răng, muốn gặm nhấm, chúng lẩn thẩn
kéo ra gặm cả chân những người đương nằm. Người ta triệt chúng bằng mọi cách.
Nuôi mèo. Bỏ bả, giăng bẫy không vào. Còn hễ trông thấy bác mèo dữ, chúng trốn
biệt. Nhưng không phải đi hẳn. Lúc nào trời đất thái bình chúng lại trở về như
thường.
Tôi trọ, đúng
vào cái đêm người ta sửa soạn một cuộc đánh đuổi chúng kịch liệt. Nghe tiếng ầm
ầm. Rồi tiếng chí chí. Chuột bị khua ở các khe nhà, chạy ra hàng đàn. Những ánh
đèn rọi theo. Các cửa ngõ đều khép chặt. Chí nguy. Song, chỉ một loáng, lũ
chuột ranh đã tẩu thoát, một cách rất nhẹn. Không một con nào bị chết vì một
ngọn roi, vì một cán dao. Chúng đã khoét cái ngách riêng, dù bít hết cửa, cũng
có thể chuồn được.
Tôi luống cuống.
Tôi luýnh quýnh. Những ngọn roi của người đập vun vút xuống xung quanh tôi. Tôi
đã tưởng phen này thì chết oan. Trong lúc hỗn loạn, tôi nghe tiếng chí chí ở
đâu khe cửa bên cạnh. Tôi nhảy phóc một cái.
Vút, một ngọn
roi sắt trượt từ lưng tôi xuống. Tôi đau nhói. Nhưng tôi cũng thoát và ngã xoài
ra ngoài cửa. Tôi bò dậy, chạy miết, quên cả hình như mình bị thương. Mãi đến
khi tôi ngoái lại, mới biết đuôi mình bị ngọn roi giáng xuống xé rách một mẩu.
Máu chảy loe loét. Tôi đau thì ít, mà lo lắng thì nhiều. Nhưng lũ chuột vô hạnh
kia cứ rởn tôi hoài. Chúng coi sự đau đớn của ai khác là một trò đùa. Bởi chúng
đùa với cái chết cũng đã quen. Chúng hô :
- Đặt tên cho
anh này là thằng Chuột Cộc.
- Chí chí chí!
Tôi đấy, biệt
hiệu mới của tôi là Chuột Cộc. Tôi mỉm cười. Tôi nghĩ có cái biệt hiệu như vậy,
cũng hay hay. Nó gợi mãi cho ta một kỷ niệm. Ngay đêm hôm xảy ra cái tai nạn
khiến cho tôi bị cộc đuôi, tôi chia tay với bọn chuột nghịch ngợm kia. Ở đấy có
khi chết oan.
Tôi đi luẩn quẩn
trong các cống ngầm của thành phố. Những ngõ cống của thành phố này dài thăm
thẳm, sâu hun hút, không bao giờ cùng đường. Tôi chịu khó lội trong bùn lầy.
Nhưng cũng do những nơi bùn lội bẩn thỉu đó mà tôi lùng được một vài thức ăn,
những mẩu xương, mẩu bánh gậm cho đỡ đói lòng.
Một ngày kia,
tôi tìm được một chỗ ở tốt. Nơi này là một xóm lao động. Mà xung quanh có những
đầm nước và công rãnh lầy lội. Tôi đã biết sợ những căn nhà có cái vỏ sang
trọng rồi. Bởi vậy, tôi lần đến những nơi nghèo, có đàn bà và có trẻ con ở. Ở
những nơi này mới có những vại nước, có chạn thức ăn, có những hạt cơm quăng
vãi.
Nơi tôi tìm đến,
trước tôi tới, chỉ có vài mống chuột. Cuộc sống êm đềm thong dong. Các bạn tiếp
đón tôi rất niềm nở. Tôi kết thân ngay. Một đống cơm nguội thay cho cái lễ gặp
mặt. Mấy anh em ăn uống hể hả.
Cuộc đời tôi,
đến quãng này, cũng tạm là êm đềm.
VI
Không những êm
đềm, tôi lại còn được nên danh giá nữa. Xóm nhà lá ấy, chỉ có đúng năm mông
chuột. Cả năm mông đều hiền lành, xưa nay không biết sinh sự với ai bao giờ.
Tôi có vẻ hoạt bát, lanh lợi và khỏe mạnh là khác. Bởi vậy, họ phục tôi lắm.
Sau khi giao thiệp qua loa, họ đã biết tôi ít ra cũng là một tay hảo hớn chi
đây. Họ có ý muốn tôn tôi làm trưởng thôn. Tôi phải bảo:
- Đừng làm thế.
Tôi đây, đối sức ra ngoài thiên hạ chưa đáng kể mùi gì. Xin anh em, có lòng yêu
cho được ở đây cùng quây quần giúp đỡ lẫn nhau.
Họ cũng nghe,
nhưng không nghe hẳn. Họ quyết tôn tôi làm anh cả, nghĩa là tay đầu đàn. Tôi
phải bằng lòng vậy. Nghĩa là từ đây, tôi là anh Hai - nói theo lối Sài Gòn. Còn
các chú chuột kia, cứ thứ tự mà gọi, anh hai, rồi anh ba, cho tới út. Sáu anh
em ở trong một khu nhà lá rộng, tha hồ đi kiếm mồi, chẳng ai dòm ngó tới. Người
ta, những người chủ nhà, thì không làm hại đến chúng tôi. Bởi chúng tôi biết
điều. Chúng tôi chẳng ăn uống vụng trộm gi đến quá miệng để người ta phải lên
tiếng than phiền, kêu ca. Chúng tôi chỉ ăn cho vừa đủ no bụng thì thôi. Đất
này, người hiếm, của nhiều, không ai phải đến nỗi khổ sở bởi miếng ăn ngụm
uống.
Chúng tôi sống
trong cảnh Bồng Lai. Ngày tháng êm đềm trôi đi. Ngày lại ngày.
Chao ôi! Có thể
bình yên như thế mãi? Nhưng cuộc đời không chỉ dễ như ta kể chuyện, đặt thế nào
nên thế ấy.
Tôi không nhớ
hôm ấy là sau cái ngày tôi tới đây được bao nhiêu lâu. Chú Tư hớt hải báo tin :
- Có một đứa vào
nhà.
- Có quen mặt
không?
- Chưa trông
thấy bao giờ. Nó đương lẩn vẩn ngoài bậu cửa, coi bộ ngơ ngác lắm, anh ra
coi...
Tôi chạy ra. Có
một gã chuột lạ thực. Gã chuột cũng trạc tuổi tôi và khổ người như tôi. Có điều
cái mõm anh vuông bè bè, lông trên mình nhỏ, ngắn và lưa thưa. Cái đuôi cũng
hơi ngắn. Tôi cất tiếng hỏi :
- Bác kia, đi
đâu?
- Tôi đi chơi
lạc vào đây.
Rồi gã cúi hai
chân trước, vuốt râu chào mà quay ra. Chúng tôi cũng trịnh trọng đáp lễ và khen
với nhau rằng con người ấy lịch sự, nho nhã.
Mươi hôm sau,
tôi đương nhằn mấy hạt thóc ở đằng sau nhà, bỗng chú ba và chú tư, hốt hoảng
chạy vào.
- Chí nguy! Chí
nguy!
- Có việc gì đó?
- Anh ơi! Đương
đánh nhau to ở ngoài kia!
- Mấy đứa?
- Hai.
- Đừng hốt
hoảng!
- Nhưng chúng nó
khỏe lắm!
Tôi lật đật ra.
Đến nơi, thì hai con chuột lạ đã bị bại trận mà chạy xa rồi. Ba anh chuột nhà
đánh hăng quá, mồ hôi toát đầm đìa. Câu chuyện đầu đuôi thế này:
Hai nhách chuột
lạ lò dò vào trong nhà. Hai con chuột này cũng hình dáng như hai con chuột bữa
nọ, mõm vuông và lông thưa, đuôi ngắn. Chúng chỉ hình dáng nho nhã mà rất
bướng. Hỏi đi đâu? Chúng đáp: đi chơi. Lại hỏi: Đi chơi sao dám dò dẫm vào tận
đây? Chúng gân cổ lên, đáp rằng chỗ nào cũng là đất của trời sinh ra, đâu cũng
đi được. Chúng đáp xằng như vậy có khác gì chẹn gạch vào họng? Có mà chúng tôi
đả liền. Hai thằng kẻ cướp, không thể địch lại với ba anh em chúng tôi.
Quả nhiên rồi
bọn chuột kéo đến đông thực. Không phải hai tên thua, mà vô số chuột của cánh
chúng nó rầm rộ đến. Con nào cũng như con nào, mõm vuông và đuôi ngắn. Chúng xô
vào trong cống, làm nhặng lên. Cả thẩy có độ hơn một chục con. Có một con đầu
đàn, lớn tiếng gọi chúng tôi. Chúng tôi ra, tôi đi đầu. Con chuột đầu đàn gật
gù định nói, tôi đã nhận ra tên chuột mõm vuông vờ lạc đường hôm đầu tiên. Tôi
lên tiếng trước:
- Chúng bay vô
cớ đến đất của anh em ta, lại còn sinh sự đánh nhau, thiệt là to gan. Có muốn
sống thì bước ngay.
- Chúng ta đến
đây không có chủ ý đánh nhau đánh nhiếc gì hết. Chỗ này rộng rãi quá, mát mẻ
quá. Anh em hãy cho chúng tớ đến ở chung.
Tôi quát :
- Những quân năm
cha ba mẹ kia, cút ngay đi, không có thì tan xương bây giờ. Nhà ta ở không phải
là cái lều hoang.
Chúng đáp rất
vênh :
- Đã đến thì
không đi.
Chúng tôi kêu :
- Cút đi! Cút
đi!
Biết không thể
điều đình được, nhưng bọn kia cũng không chịu lùi bước. Chẳng những thế, chúng
lại còn hò nhau xông vào đánh. Chúng tôi quần chúng nó một trận mê tơi. Tuy ít,
nhưng cánh tôi lợi thế hơn. Đường vào trong nhà, có mỗi một cái ống nhỏ năm anh
em tôi chắn ngay đó. Rút cục, chỉ bùn rãnh bắn tứ tung, tất cả lấm như vùi.
Song quả chúng
là những tay can trường. Chúng tôi nhờ cái cửa cống hẹp, chỉ thò nửa mõm ra,
giơ hai chân trước lên, đã đủ chơi với bọn hung hăng. Chúng tôi đâm ra khinh
chiến. Nhưng phàm cái gì cứ coi thường, hay bị quật lại đáo để. Chúng tôi gặp
đúng như vậy. Trong bọn kia, có đứa ranh mánh, luồn theo mép cống vào tìm được
khe hở ở một chỗ nối hai khúc cống. Chúng đã đánh tập hậu bất ngờ.
Chúng tôi thua
trận, bị mất đường ra cái cống. Bọn ăn cướp, đã có chỗ tạm ở. Nhưng chỉ ở trong
cống. Khi tới bữa nấu ăn, người ta đổ nước xuống cống, chúng nó ướt nhẵn từ đầu
đến chấm đuôi. Ấy là, cũng chưa kể, nếu trời đổ mưa, nước tràn cống, nếu không
ngoi ra, chắc phải chết đuối cả lũ. Chúng tôi cầu trời mưa. Chúng tôi cầu trời
mưa to. Nhưng nắng chang chang, búng trời cũng không rơi được một giọt nước
xuống.
VII
Cố nhiên, trời
không thể mưa theo ý muốn của chúng tôi, dù rằng độ ấy đương mùa mưa. Một buổi
chiều, tôi đương gặm mấy hạt ngô, chợt nghe tiếng lục cục đầu công, lố nhố mấy
bóng đen. Chúng nó. Nhưng chúng không xông tới như mọi khi. Chúng đứng nấp sau
những tảng gạch, nói chõ vào :
- Ra đây nói
chuyện phải trái.
- Cho chúng tao
vào đấy.
Tôi đáp :
- Bay cũng khôn
đấy. Ta đã biết tại sao bay kéo vào đây. Ta biết rồi. Mấy bữa nay trời u ám.
Ngày mai, ngày kia, thế nào cũng có mưa lớn. Mưa lớn chúng bay sẽ trôi ra sông,
chết mất xác hết.
Tôi đã nói một
câu trúng tim họ. Không dừng được, một tên nói :
- Không phải vì
trời sắp mưa.
Tôi gạt phắt :
- Vậy thì lại
đánh nhau.
Sợi dây căng đến
độ đứt. Chúng tôi xô ra.
Cuộc chiến lần
này thật dử dội. Bởi một bên thì cố thủ. Một bên thì liều đánh.
Cuộc chiến càng
tăng độ nóng. Tôi đánh dụi xuống được một tên. Bị thương, nó không leo lên được
nữa, cứ nằm dưới cống kêu choe chóe.
Chẳng may cho
anh em tôi. Chú Năm, chú Sáu lớ quớ bị ngã. Chú út thì chết, chú Năm phải nhuôi
người ra, giả cách hết thở, mới thoát chết. Chúng tôi, vừa đánh vừa lùi, lùi
mãi vào đến cửa buồng, chúng tôi giữ thế thủ trong khe cửa. Nhưng chúng cũng
không tiến thêm. Bởi, vào được trong nhà là thắng trận rồi, huống hồ chúng lại
đã dồn chúng tôi vào buồng. Chúng tôi ôm nhau, khóc chú Út đã tử trận, xác nằm
phơi ngoài đầu cống.
Tôi nói :
- Đứng khóc thế
này, nước mắt không đánh chết kẻ địch được.
Tôi đã nghĩ được
một kế. Tôi đi một lát. Thưa cùng bạn đọc yêu quý, bạn thử đoan toi đi đâu? Đến
lúc tôi trở về, bốn em reo đón. Tôi hô lớn :
- Ta vào cả đây.
Tức thì, lũ lượt
kéo vào một đàn chuột. Ai cũng đã nhận ra đấy là các bạn láng giềng bên phía
tây.
Anh em hăng hái
quá, toan xô cả ra đánh nhau ngay. Tôi phải cản lại. Tôi nói :
- Chẳng nên ra
bây giờ. Đợi khuya một chút, chúng ta đánh bất ngờ, chắc được.
Chúng tôi nán
đợi tới nửa đêm mới đổ ra. Tôi định bắt sống vài đứa. Nhưng quả là những đứa
lọc lõi trận mạc. Chúng tôi vừa ra, đã nghe tiếng quát :
- Có động! Có
động!
Cuộc quần thảo
lần này ở giữa nhà, dưới gậm giường, không núp ẩn chi hết. Choảng nhau bằng tất
cả sức khỏe, chẳng nhờ khe vách hố tường được. Giữa đêm, trong nhà yên tĩnh
quá. Mọi người đã ngủ yên. Cái đồng hồ treo trên tường vẫn còn thức. Nó đếm
tích tắc tích tắc như cầm nhịp cho cuộc chiến của chúng tôi. Nghe như hồi trống
thúc quân, càng hăng hái. Bên địch đã bị ngả mấy mạng. Chúng tôi càng hò hét
tợn.
Nhưng sự yên
tĩnh đã làm hại chúng tôi. Vì yên tĩnh quá, và chúng tôi hò hét loạn xạ người
ta thức giấc cả. Đánh nhau loạn xạ ở dưới đầu người ta, làm gì chẳng thức giấc.
Một người đàn ông mở mắt ra, lắng nghe. Đầu tiên, tưởng kẻ trộm khoét ngạch.
Nhưng sau, gã tặc lưỡi :
- À, chuột chạy.
Chuột chạy lục
cục ngay dưới gậm giường, gã không ngủ lại được. Gã trở dậy, cầm cái gậy và bật
đèn điện. Ánh sáng vừa lóe, cả đôi bên trận mạc bỏ chạy tan tác. Cho đến sáng,
không dám ra tái chiến nữa.
Ở trong gậm
phản, nhiều đêm sau còn xảy ra nhiều cuộc chiến kịch liệt nữa, ầm ĩ, ỏm tỏi cả
lên. Nhưng đều bất phân thắng bại. Bởi vì, lần nào cũng thế, đương đả nhau hăng
hái thì y như rằng có người trở dậy và người ta bật đèn, cầm cái gậy. Chỉ một
đầu gậy cũng đủ đập vỡ cả mặt trận đương hung hăng.
Một ngày kia, ở
trong buồng văng vẳng vang lên một tiếng lạ lắm.
- Meo... Meo...
Meo...
Nhà này mới đem
về một lão mèo, một lão mèo mướp. Lão ta dạo khắp quanh nhà, hai mắt sáng như
hai hòn bi ve.
- Meo... Meo...
Meo...
Chúng tôi chạy
rối rít, cuống cuồng. Trong lúc hỗn loạn, chúng tôi quáng quàng xô lẫn cả vào
nhau. Chúng tôi chạy về phía cuối phố. Văng vẳng sau lưng vẫn vang dội tiếng
"meo meo" đuổi theo. Chúng tôi cắm cổ chạy bán sống bán chết. Nhưng,
đàn chuột mõm vuông kia đã mau chân, đã chạy trốn lão mèo từ lúc nào. Khi chúng
tôi tới căn nhà trú ẩn cuối phố, thì chúng đã vào đó từ bao giờ. Chúng đẩy bọn
tôi ra. Chúng tôi không thể vào được, đành ra ngoài bụi cây trú.
VIII
Đêm ấy, ngoài
bãi cỏ, bụi cây, chân một bức tường đổ, dọc theo một cái rãnh ăn theo một căn
nhà, có cuộc họp to của một phố chuột. Đây là cuộc họp can hệ sống còn, đàn
chuột vô lại nọ chiếm nhà đã gây nên, đã khiến cả phố chuột tức giận. Huống hồ
lại vì chúng gây chuyện khiến nhà người ta rước về một lão mèo kếch xù.
Tất cả nhường
tôi ngồi làm chủ tọa. Tôi từ chối, nhưng một anh nói:
- Chuột Cộc phải
ngồi lên. Bởi vì sự xung đột xảy ra ở nhà anh trước. Anh biết rõ hơn ai hết đầu
đuôi câu chuyện.
- Hàng phố ta,
bao nhiêu năm nay, sống trong cảnh thái bình, không hề xảy ra một cuộc cãi lộn
nhỏ nào. Bỗng nhiên, có một lũ ở đâu đến, gây rối ren. Chúng ta phải ghép chặt
hàng ngũ, đi bắt sống chúng nó về đây hỏi tội thì mới mong tìm lại được sự thái
bình ngày xưa.
Cả mấy đàn chuột
kéo ngay vào khu nhà, giữa đêm tối mù mịt. Chúng tôi lặng lẽ đi sát mặt đất,
lổm ngổm như những củ khoai biết bò. Đã trông thấy lấp ló mấy kẻ địch chạy thậm
thọt phía bên trong. Thế là cuộc vây đánh bắt đầu.
Cuộc chiến không
có gì khó khăn. Bởi chúng tôi đông. Cuộc thắng nghiêng ngay về chúng tôi. Chúng
chết luôn mấy mạng, hoảng quá, còn lại bao nhiêu, ba chân bốn cẳng chạy. Chúng
tôi không đuổi theo, và cũng không chiếm cứ khu đất của chúng. Binh tướng rút
lui, đợi bận sau lại đánh nữa. Quyết đánh bao giờ chết đến tên thủ chỏm mới
thôi.
Một đêm, chúng
tôi lại tới bao vây khu nhà. Nhưng lạ thay, chúng tôi vào tận giữa nhà, sục sạo
mọi chỗ mà không thấy mõm mũi một tên nào. Mấy cái xác chuột chết nằm còng
queo, mùi hôi thối xông lên nồng nặc. Chúng tôi còn đương ngạc nhiên, bỗng nghe
tiếng chí chí ở ngoài rồi một gã chuột chạy tọt ngay vào. Chúng tôi hô lên:
"Đây rồi! Nó đây rồi!".
Chúng tôi chưa
kịp xông ra thì đã vang lên ba tiếng "Meo! Meo! Meo!" ghê gớm. Lão
Mèo hiện ra. Cả đàn tan chạy.
Tôi đã biết cái
cớ tại sao bữa đêm nọ lão Mèo đến đúng vào chỗ chúng tôi. Ra cũng cùng là một
mưu của bọn mũi vuông đuôi ngắn. Chúng biết là bọn tôi kéo đến rất đông, một
đứa đi báo lão Mèo. Chuột đi tìm mèo, thực là một sự lạ. Nó đã quên cả cái thù
truyền kiếp, mèo với chuột, nó muối mặt giết anh em rồi. Nhưng nó cũng tính
toán cẩn thận. Trông thấy Mèo, gã chạy miết. Lão Mèo lập tức đuổi theo. Nó chạy
về chỗ chúng tôi vừa kéo đến. Thế thì khác nào nó dẫn lão Mèo đến làm thịt
chúng tôi.
Trong khi ấy,
mùi thối chuột chết càng ghê gớm. Thế này thì bệnh dịch hạch nguy hiểm phát
sinh đến nơi.
Đùng một cái,
quả nhiên như thế. Và lão Mèo là nạn nhân đầu tiên. Lão Mèo ốm rên hừ hừ rồi
lăn quay ra chết.
Tôi bàn với anh
em :
- Phải đi gọi
mấy ông chuột Cống tới, để ông vác cho mấy cái xác chết trận kia đi, không thì
bệnh cả nút đây.
Anh em bảo tôi
đi tìm chuột Cống ở cách đây mấy phố. Cống là một chi họ chuột to lớn khỏe nhất
nhà chuột, chuột Cống chuyên nghề khuân vác.
Trời đất ơi!
Không ngờ, tôi đi tìm chuột Cống lại thoát một đại họa.
Trong nhà, có
một người chết, bệnh dịch hạch. Bao nhiêu đầu cống, ngách tường suốt một dãy
phố đều bị bịt lại hết. Các cửa ngõ, dán giấy kín mít. Nghĩa là chuột ở phố,
không còn lối nào mà thoát ra được. Bấy giờ người ta mới bơm vào những làn khói
vôi tẩy uế. Khói bay đến đâu, chuột ngửi phải, hắt hơi một cái, là lăn quay ra.
Người ta tẩy uế các phố, bỏ phố hoang trong hơi vôi độc đúng một tháng.
Bao nhiêu chuột
chết ráo. Có mỗi tôi thoát thân.
Sự thảm khốc
này, gây ra bởi bọn chuột khốn nạn. Chúng tôi đã sống êm đềm ở phố này bao
nhiêu năm nay mà.
Chiều hôm đó,
đứng trên một căn gác, vọng về phía dãy phố bị hun khói độc, tôi khóc :
- Thù này không
đội trời chung. Cộc tôi xin khắc cốt ghi tâm. Những quân mõm vuông đuôi ngắn
kia là kẻ thù số một của nhà chuột.
Tô Hoài
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét