Thứ Tư, 8 tháng 2, 2017

ĐOÀN GIỎI – ĐẤT VÀ RỪNG PHƯƠNG NAM





Có mảnh đất sinh ra những nhà văn, và ngược lại, có nhà văn từ trang viết đã biến miền quê riêng của mình thành miền quê chung quen thuộc trong tâm tưởng bao người.

Một đời văn, có lẽ chỉ cần được một điều như thế cũng là một hạnh phúc lớn lao.Với Đoàn Giỏi, tôi nghĩ rằng, ông đã đón nhận được cái hạnh phúc đó.

Ông sinh ngày 17 - 05 - 1925 tại xã Điều Hoà, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), trong một gia đình khá giả. Ngay từ lúc còn ngồi trên ghế lớp ba trường làng, Đoàn Giỏi đã có một thế giới phong phú của riêng mình bằng những cuộc phiêu lưu tưởng tượng kỳ thú trong sách vở, ngoài những trò chơi đá banh, bơi lội,… thường tình của lứa tuổi. Cuốn Du lịch hoàn cầu của Trương Vĩnh Ký thuở ấy là một trong những cuốn sách đã chắp thêm đôi cánh cho tuổi thơ Đoàn Giỏi.

Học xong ở quê nhà (Mỹ Tho), Đoàn Giỏi lên Sài Gòn học tiếp bậc trung học. Định hướng về con đường tương lai, gia đình muốn ông trở thành bác sĩ, luật sư nhưng ông thờ ơ trước những hứa hẹn của công danh mà đặc biệt say mê hội hoạ, văn chương. Đoàn Giỏi đã trốn gia đình thi vào học ở trường Mỹ thuật Gia Định. Cùng với Lương Đống, ông thường đứng đầu lớp học, nhưng chỉ được một năm, gia đình buộc ông phải nghỉ. Ước vọng về hội họa không thành, ông xoay qua viết văn. Năm 1943, truyện ngắn đầu tay Nhớ cố hương của Đoàn Giỏi được đăng trên số xuân của tờ Nam Kỳ Tuần Báo.

Nhưng thuở ấy, hấp lực mạnh mẽ của hội họa và văn chương vẫn không thể xoá mờ trong tâm hồn Đoàn Giỏi những tác động sâu sắc của tình hình đất nước đầy biến động ngổn ngang.

Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, mà quê hương ông là điểm nóng, là sự kiện lớn lao góp phần giúp Đoàn Giỏi sớm xác định hướng đi cho cuộc đời mình.

Khi cuộc Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, Đoàn Giỏi trở về quê nhà tham gia công tác. Lúc đầu, ông làm cán bộ Thông tin xã Tân Hiệp, sau đó làm Trưởng công an xã. Dạo ấy, sau chiến thắng ngắn ngủi, khi Pháp phản công, bộ đội ta chạy xuống U Minh cố thủ, chỉ còn lực lượng công an hoạt động “cài răng lược” vừa làm nhiệm vụ tiếp tế, liên lạc, vừa hoạt động trinh sát. Hình ảnh anh công an trẻ tuổi, gan góc và mưu trí, giắt súng rouleau trong người, ngồi bình thản uống cà phê với Tây trong quán, có cái gì đẹp đẽ, ngang tàng cũng khá gần gũi với những nhân vật yêng hùng mà Đoàn Giỏi đã mê trong tiểu thuyết.

Nhưng những hoạt động thực tiễn đầy gian khó ấy vẫn không làm Đoàn Giỏi quên đi giấc mộng văn chương, ông vẫn tiếp tục làm thơ đăng các báo trong vùng tạm chiến như Tư lương dân (Dân báo), Mười hai bến nước (Ánh sáng)… Như tựa đề, hầu hết các bài thơ giai đoạn này đều mang hơi hướng cổ xưa, hình ảnh còn khuôn sáo nhưng âm hưởng thơ chuyên chở được một tâm trạng thực và kĩ thuật khá điêu luyện :

Kinh thành ấm gối êm chăn

Gió lên mở rộng vầng trăng đương tròn

Lầu cao hoa thắm gót son

Hơi đâu mà nhắc dặm mòn quê xưa

Sá gì cái chuyện tóc tơ

Kẻ đi áo rách ngoài bờ cỏ khâu

Người ta thường nói mãi câu

Kẻ đi chinh chiến hơi đâu mà chờ

Đường về Phú Túc xa lơ

Trời mưa lá rụng, bùn sơ dấu giày.

Năm 1946, khi Pháp đánh Hà Nội, Đoàn Giỏi viết Hướng về Thủ Đô, in trên tờ Thông tin Mỹ Tho, một bài tùy bút giàu cảm xúc và sức tưởng tượng. Hình ảnh một Hà Nội đỏ rực hoa đào từ Tam Đảo đến Gia Lâm, Ba Vì … lại là một giấc mơ rất thực. Năm 1947, Đoàn Giỏi làm Trưởng công an, phụ trách mười xã, và năm 1948, ông làm Trưởng Trinh sát Công an huyện Châu Thành. Thời gian này, ông được đứng vào hàng ngũ những người Cộng sản. Thấy Đoàn Giỏi có trình độ văn hoá và khả năng văn chương, năm 1949, Tỉnh điều ông sang làm Phó ty Tuyên truyền tỉnh Mỹ Tho, phụ trách Phòng văn nghệ kiêm chủ bút báo Tiền Phong, cơ quan của Mặt trận Việt minh Mỹ Tho. Ông bắt đầu viết đều và khoẻ. Từ cốt truyện của tác phẩm đầu tay Nhớ cố hương, Đoàn Giỏi đã lấy bối cảnh của những ngày đầu kháng chiến viết lại thành truyện ngắn Đường về gia hương (1948). Ông viết ký sự lịch sử Khí hùng đất nước (1948), Những dòng chữ máu Nam Kỳ 40 (1940) và kịch thơ Chiến sĩ Tháp Mười, Người Nam thà chết không hàng với bút danh Nguyễn Thị Huyền Tư.

Năm 1950, ông làm Phó ty Thông tin Rạch Giá. Khi Chi hội văn nghệ Nam bộ được thành lập, Đoàn Giỏi gửi thư cho Nguyễn Văn Nguyễn, nói rõ nguyện vọng được về làm công việc sáng tác và đã được chấp thuận. Cùng về với ông có Nguyễn Bính, Lý Dũng Tâm và Bùi Đức Ái (Anh Đức).

Ngoài công việc viết lách, Đoàn Giỏi đã làm tất cả những công việc mà kháng chiến cần. Ở trong nhóm Văn nghệ Đồng Tháp Mười, ông đã đi khắp nơi cùng với anh em, nói chuyện, ngâm thơ, diễn kịch phục vụ đồng bào. Đoàn văn nghệ lưu động thiếu diễn viên, nhiều lần Đoàn Giỏi phải giả gái để diễn kịch.

Năm 1951, Đoàn Giỏi là Ủy viên thường vụ Ban chấp hành Hội Văn nghệ Nam bộ, phó phòng Văn nghệ Sở Thông tin Nam bộ, và Ủy viên biên tập tạp chí Lá Lúa.

Hưởng ứng chủ trương viết truyện giản đơn, dễ hiểu, dễ thuộc, Đoàn Giỏi viết Chuyện thằng Cồi và Cá bống mú (1952). Nhưng sau đó, nhận ra sớm tác hại của chủ trương này, Đoàn Giỏi viết trên Văn nghệ miền Nam loạt bài đề nghị văn chương kháng chiến phải đồng thời được tiến hành hai yêu cầu phổ cập và nâng cao. Ông đã gặp phải những phản ứng mạnh mẽ lúc bấy giờ.

Trong tình hình cốt truyện được coi là tiêu chí hàng đầu để đánh giá tác phẩm và câu chữ còn bị coi nhẹ, Đoàn Giỏi đã có ý thức sớm trong việc gọt dũa lời văn, học tập văn phong miền Bắc và thế giới để làm phong phú và chuẩn hoá vốn từ Nam bộ. Ông viết những bài chuyên giải thích của danh từ cho cán bộ trong kháng chiến chống Pháp với bút hiệu Nhất Thanh. Ông cũng là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam giới thiệu và dịch George Amado (Anh chỉ nói với em về niềm hi vọng, Thông tin Rạch Giá, 1950) và Pierre Gamara (Bà mẹ kiên nhẫn, Văn nghệ miền Nam, 1950).

Năm 1954, Đoàn Giỏi cùng với Viễn Phương về công tác ở vùng địch hậu Vĩnh Châu, và sau đó đi trong đoàn Tuyên truyền báo chí do Lưu Quý Kỳ dẫn đầu, ngày 14 - 10 -1954, Đoàn Giỏi đặt chân lên đất Hà Nội.

Theo chiều thời gian thông thường, chín năm kháng chiến chống Pháp là một đoạn đời đã khép lại sau lưng Đoàn Giỏi, từ khi ông rời xa Nam Bộ. Nhưng theo chiều tâm lý, đoạn đời ấy vẫn là một hiện thực diễn ra trước mắt ông, từng giờ phút tháng năm, mãi sôi động và tươi nguyên. Bởi từ ấy, trong ông có hai cuộc sống song song: một Hà Nội mời gọi háo hức nhập cuộc và tìm hiểu, một quê hương đã xa vời nhưng sống lại trong ông trước trang giấy, tràn trề mãnh liệt. Có người gọi Đoàn Giỏi là “nhà văn của kỉ niệm” vì hầu hết tác phẩm của ông từ Cây đước Cà Mau (1955) đến Đất rừng phương Nam (1957) và Rừng đêm xào xạc (1987) đều viết về Nam bộ trong kháng chiến chống Pháp.

Ông đã đem đến cho bạn đọc cả nước những hiểu biết và tình cảm về một vùng đất mà trước đó xa ngái, hoang sơ trong hình dung của mọi người. Một vùng đất mà chỉ trong cuộc kháng chiến chống Pháp thôi, từ thiên nhiên đến con người đã sáng lên biết bao điều kì diệu, đậm đà bản sắc và không thể một lúc mà cắt nghĩa hết được.

Những con người và cuộc sống Nam bộ hiện lên trên trang viết của Đoàn Giỏi bao giờ cũng có sức lay động, mạnh mẽ. Ông đã xây dựng những nhân vật lòng đầy nghĩa khí mà tinh tế và giàu chất văn hoá. Trong truyện của Đoàn Giỏi ít có những hình ảnh hoặc cường điệu, hoặc tự nhiên về con người Nam bộ, như ta thấy trong không ít tác phẩm.

Cuốn Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi đã được tái bản nhiều lần. Người ta thường nhắc đến một chi tiết cảm động về cuốn sách này. Theo lời kể của Phạm Ngọc Truyền, khi tìm gặp anh Vũ Hoàng – một diễn viên miền Nam tập kết về công tác ở một vùng núi rừng miền Bắc đang ốm nặng sắp chết - thì thấy trong ba lô của Vũ Hoàng ở đầu giường chỉ độc có cuốn Đất rừng phương Nam, như một vật bất ly thân !

Cho mãi đến bây giờ, dù đã có nhiều bài báo và sách được in ra, và lắm khi phải viết để kiếm sống, Đoàn Giỏi vẫn là một nhà văn có tinh thần trách nhiệm cao đối với ngòi bút của mình. Văn ông luôn giữ được sức trong sáng, thanh thoát, uyển chuyển và gợi cảm. Ở đó dấu ấn của thơ và họa đi vào làm tôn lên vẻ đẹp hài hoà phong phú của âm điệu câu văn và các bố cục tinh tế của các mảng màu đặc biệt là trong miêu tả thiên nhiên. Vì thế Đoàn Giỏi được chọn trích, in vào sách giáo khoa rất sớm.

Khi tiếp xúc với Đoàn Giỏi, người ta dễ nhận ra sự thống nhất giữa nhà văn và tác phẩm. Đoàn Giỏi có cái vẻ ngoài thô ráp, dày dạn của một người đi biển nhiều năm, người đã từng phải đứng nơi đầu sóng ngọn gió của cuộc đời và của một nội tâm không hề yên ả. Những trang viết của ông đã âm vang sức sống mạnh mẽ cộng với những rung động tinh tế của tâm hồn nhạy cảm và nhân hậu.

Những cuộc gặp gỡ rất đặc biệt trong đời văn và đời thực đã góp thành những nét riêng biệt của đời văn Đoàn Giỏi. Ông chọn dịch P. Gamara từ rất sớm, đó là một nhà văn đặc biệt yêu quý trẻ con và có những trang viết tuyệt vời cho lứa tuổi này. Ông đã dịch G. Amado, một cây bút tiểu thuyết nổi tiếng viết về những vùng đất hoang dã, ngang tàng. Ông phát hiện Pautốpxki, một bậc thầy về ngôn ngữ văn xuôi. Ông yêu mến và gần gũi Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng …

Trân trọng và gắn bó với những điều nhỏ nhoi, cụ thể của cuộc sống, đặc biệt là yêu quý trẻ con, loài vật, cỏ cây, từ đó ông tìm ra triết lý sống và những quy luật cuộc đời cho chính mình.

Con người ấy lại lận đận trong đời thực và trong đời cầm bút. Ngay từ Những dòng máu Nam kỳ 40, từ những bài báo trong Văn nghệ miền Nam: Đi đày đến Thao thức …, ông đều tạo ra dư luận. Với thời gian và cái nhìn hôm nay, ta có thể thấy được sự nhạy bén của một nhà văn trước những bất hợp lý trong cuộc sống mà bản chất mạnh mẽ trung thực đã không cho phép ông khứng chịu, lặng thinh. Thái độ ấy, giờ đây nhìn lại, ông tự phê phán là “cầm đèn chạy trước ô tô”. 

Dù vậy, những trang viết của ông vẫn ngày càng chan chứa lòng yêu thương cuộc sống, con người và ấm áp niềm lạc quan, tin tưởng.

Đoàn Giỏi được gọi là nhà văn thân thiết của tuổi thơ như ông đã từng tâm sự: “Tôi muốn qua những trang viết, thổi vào tâm hồn các em sinh khí cuộc đời”.

Nguyễn Thị Thanh Xuân

Báo Ấp bắc chủ nhật, 5-1989



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét