"Trong đời anh chưa bao giờ chứng kiến cảnh người đàn ông có vẻ ngoài bặm trợn nằm ôm xác chó nức nở khóc than. Nghề làm báo đi nhiều, anh cũng chưa từng gặp hay viết bài về tình Người với Người được như Vện và Hoan".
1.
1.
Văn Tân là cây bút phóng sự điều tra có hạng của tờ “Tin nóng buổi chiều”. Báo ra vào lúc 18 giờ. Thành phố có vụ việc nóng xảy ra trong ngày, đến giờ đó là các sạp báo lớn nhỏ đều đông người tìm đọc bài viết của anh. Sớm hôm sau, các báo bạn có bài đề cập thì tin đã nguội. Đó cũng là ngón nghề cạnh tranh do anh hiến kế cho ông bạn thân làm Tổng biên tập từ lúc đặt tên cho số báo đầu tiên của Tòa soạn. Chiêu này không mới, anh học được nhờ khi du học ở Mỹ đã công phu điều tra thị trường, giao du học hỏi bạn nghề.
Người ta tìm đọc anh, hả hê vì bài viết ngồn ngộn số liệu, chứng cứ khiến kẻ ác như con thú bị trói; còn Tổng biên tập gọi anh là con ngựa bất kham, muốn cắt gọt bớt câu chữ nào đều phải lựa lời thuyết phục để anh không nổi đóa. Có lẽ điểm yếu nhất của Văn Tân là dễ nổi đóa. Bình thường anh rất hiền, nhưng hiền thì hay cục và khi đã nổi đóa lên rồi dễ thành va chạm, vô tình mua thù chuốc oán…
2.
Hồi Văn Tân mới về nước, đất đai còn rẻ, vợ chồng dồn tiền mua được miếng đất khá rộng trong ngôi làng cổ, ở phía Tây thành phố. Vất vả suốt hai năm ròng, anh mới xây được cho vợ con ngôi nhà ba tầng, có sân rộng bày hòn non bộ và ít chậu cây cảnh. Khi nhà nước mở đường qua làng, ngôi nhà của anh chưa ra mặt phố, nhưng nối thông với khu biệt thự chia lô của thành phố, có đường trải nhựa đủ cho hai ô tô tránh nhau. Vợ anh tiếc đứt ruột, thi thoảng làu bàu ca cẩm:
– Lẽ ra nhà mình được ra mặt phố, nếu cắt một nửa sân bán đi là đủ tiền ăn tiêu đến già. Chỉ tại mấy ông quy hoạch nắn đường tùy tiện nên mới thế.
Anh cười hiền, an ủi chị:
– Em đừng vội nghĩ oan cho người ta. Vả lại nhà lui vào trong một chút cũng hay, được yên tĩnh và có hàng xóm tốt vì người có tiền mua biệt thự thường là bậc thượng lưu, ít gây phiền phức cho mình. Sống mà phải canh chừng hàng xóm mệt lắm.
– Để rồi xem…
Chị thủng thẳng buông lời lấp lửng, còn anh thì tếu táo vài câu cho vui cửa nhà, an lòng vợ. Hôm nay cũng vậy, ăn sáng xong hai vợ chồng ngồi uống trà, chị lại ca cẩm về nỗi khu biệt thự chia lô thi công bừa bãi, cản hết lối đi về. Mấy ông chủ, bà chủ lắm tiền hợm của cứ nhất quyết đòi đưa vào công trình nhiều chi tiết oái oăm, phản cảm. Có lần cậu kiến trúc sư trẻ làm nhà cho một đại gia đầu phố, cậu ta gặp chị thở dài vì can gián, thuyết phục mỏi mồm mà họ không nghe. Anh bảo, thây kệ người ta, bức bối làm gì thêm rách việc, rồi anh kể mấy câu chuyện vui làm chị cười rúc rích. Vện ở ngoài sân nghe tiếng cười cũng chạy vào góp vui, nô giỡn với chủ quanh bàn trà. Bước nhảy của nó linh hoạt, uyển chuyển như một nghệ sĩ xiếc thực thụ. Chị âu yếm gọi Vện lại gần, cúi xuống ray bàn tay lên hai má nó nói nựng mấy câu. Nó nằm ngửa, cào tay áo chị nũng nịu. Thói quen này Vện có từ cái lần nó bị ngộ độc thức ăn. Lần ấy, anh đi công tác vắng, mình chị ở nhà dùng thuốc tẩy ruột cho Vện, ân cần chăm sóc, dỗ nó uống sữa như dỗ đứa trẻ bị ốm. Mấy hôm liền như thế nên lúc đã tỉnh, thấy chủ ngồi bên cạnh, nó nằm ngửa cào vào tay áo chị, mắt long lanh ướt…
3. Chị đi làm trước vì còn phải đưa hai đứa trẻ đến lớp. Thường ngày anh vẫn đưa chúng đi, bữa nay chị giành việc ấy cho chồng đi làm muộn một chút để ngồi sửa bài, kịp trước giờ giao ban đến Tòa soạn nộp cho Tổng biên tập ký duyệt, đăng vào số báo buổi chiều. Vện tung tăng chạy theo, tiễn cô cậu chủ ra tận cửa. Nó chờ chị lách cách bấm khóa xong mới lui vào hiên nằm ở chỗ cố định, nhìn ra cửa canh chừng. Văn Tân ngồi nán lại bên bàn trà, ngắm con Vện bỗng nhiên nhớ Lực. Cái thằng bạn thân cùng ở trọ để ôn thi đại học năm nào giờ đã thành ông chủ trang trại nổi đình đám ở tận miền Tây Nghệ An. Lực học giỏi hơn anh, nhưng ôn thi dở chừng thì được tin bố mất phải về quê. Văn Tân may mắn trúng tuyển vào đại học, năm sau lại được gia đình lo cho xuất du học ở Mỹ. Hai đứa xa nhau biền biệt, một lần Văn Tân đi viết phóng sự điều tra tệ nạn đào đãi vàng trái phép, ghé xin nghỉ nhờ trang trại trồng mía và nuôi bò sữa mới té ngửa, hóa ra ông chủ là Lực. Mười ngày ở đó, anh có thêm bài viết về chân dung ông chủ đi lên từ hai bàn tay trắng. Nhưng có lẽ ấn tượng để lại sâu đậm trong ký ức Văn Tân là hình ảnh con chó trung thành của Lực. Nó đã từng ba lần liều mình cứu chủ thoát khỏi sự gây hấn lấn đất của tên Cai Bưởng khét tiếng ở bãi vàng. Hôm chia tay, Lực bảo:
– Con Vện của tao lại sắp đi tơ. Lần này tao sẽ mang nó sang bên kia biên giới lấy giống chó săn của Lào tại nhà ông bạn khá thân. Giống chó săn của Lào rất tuyệt, không thua gì chó Phú Quốc đâu. Mày thích thì tao cho một chú cún con oách nhất đàn.
– Thế thì nhất rồi. Tao thích nuôi chó từ thủa bé.
– Dân thành phố giờ sính ngoại, thích chó Tây cơ, tao sợ vợ con mày không khoái, ruồng rẫy nó thì uổng lắm.
– Yên tâm, bà xã tao cũng thích chó ta. Cô ấy bảo, nuôi chó ta đỡ tốn, lại thân thiện với hàng xóm hơn chó Tây. Có người đến nhà tao bàn việc nuôi chó, khen chó Tây thông minh, chê chó ta vừa ngu vừa bẩn, mày biết cô ấy đốp lại thế nào không?
– Ừ, nói thử tao nghe.
– Cô ấy nổ một tràng nghe sướng lỗ tai rằng, vật cũng như người, có con thông minh, có con ngu đần, còn tính tình do chủ mà nên, đừng khinh chó ta mà tội nghiệp cho nó.
- Quá đúng. Nếu mình khéo chọn cũng sẽ tìm được con chó ta thông minh, sạch hay bẩn do mình dạy dỗ. Tao cũng nghiệm ra, so với các loài vật nuôi trong nhà thì chó là con vật tinh khôn nhất, chỉ thua con người ở chỗ không biết nói thôi. Ở đời không có chủ ác nào nuôi được chó khôn cả. Bởi thế, con chó mẹ đẻ được lứa nào tao đều không bán chó con, chỉ kén người đem cho vì sợ lỡ gặp chủ không ra gì thì hoài một đời chó!…
4.
Khoảng nửa năm sau, Lực lái xe mang theo con cún đực đẹp nhất đàn cùng nhiều sản vật của trang trại ra thăm bạn. Hai người gặp nhau phấn khích, uống rượu tràn cung mây, nhắc lại cho vợ Văn Tân nghe bao kỷ niệm từ thời tám hoánh. Lũ trẻ thì mê mẩn, thích thú với món quà của Lực. Chúng quây lấy bác Lực hỏi nên đặt tên cún là gì? Lực bảo, nó vằn vện thì cứ gọi Vện như bác gọi mẹ nó ở nhà thôi, các con ạ! Từ ngày có Vện, không khí trong nhà ấm cúng hẳn lên. Càng lớn, Vện càng đẹp và thông minh. Nó thừa hưởng nòi giống chó săn của Lào: mình thon, chân cao, ức nở, mõm dài, lông nền màu vàng mơ và rất chặt lông. Tắm xong, Vện chỉ rũ mình vài cái là lông đã khô. Vện cũng giống mẹ không chỉ ở những lông vằn đen hài hòa trên lông nền mà còn có huyền đề ở chân trái phía sau. Dân gian có câu: “Dù ai buôn bán trăm bề - Không bằng nuôi chó huyền đề bốn chân”. Lực lại bảo, viên mãn thế chưa hẳn đã tốt. Chó huyền đề bốn chân khôn đấy, vẫn chưa thể gọi là của độc. Người sành nuôi chó chỉ chọn con có huyền đề ở chân trái, nếu ở chân trái phía sau lại càng hiếm. Một tướng quý khác nữa, theo chỉ dẫn của Lực là bộ lông vằn vện ấy có hai xoáy đối xứng bên hông và một xoáy nhỏ ở giữa trán. Lông ở chỗ xoáy ngắn và dày hơn những chỗ khác. Những tướng ấy mách bảo rằng Vện mắt tinh, tai thính như hiểu được tiếng người, đoán được cả ý chủ. Bà chủ của Vện thích nhất là từ khi có nó trong nhà không còn một bóng chuột; lũ trẻ thì có thêm bạn để trò chuyện, nô đùa khi bố mẹ đi vắng. Chị còn hả hê thấy Vện rất hiền, không sủa bậy, nhưng nhác thấy Hoan - anh hàng xóm người miền Nam mới thuê ngôi biệt thự liền kề đi qua cửa là nó xông ra xua đuổi. Tiếng sủa của Vện lúc đó gay gắt, đầy tức tối. Có lẽ Vện tức tối vì nhiều lần nó chứng kiến anh ta say xỉn vô cớ gây sự với bà chủ. Văn Tân không chấp, khuyên vợ đừng đôi co phí nhời, nhưng chị thì ấm ức, ghét bỏ anh hàng xóm ra mặt. Anh ta đã 40 tuổi vẫn độc thân, thỉnh thoảng tha về một cô bồ được vài tháng lại chửi bới, đuổi ả ra đường. Bạn bè của Hoan thì ăn mặc gớm ghiếc, đàn đúm hát hò, khiêu vũ toàn thứ nhạc quái dị… Một chiều đi làm về, đang bực mình vì bài viết trong số vừa ra bị Tổng biên tập cắt xén mà không nói trước, Văn Tân thấy vợ đang to tiếng với cô bồ mới của Hoan. Anh ta đang say xỉn, loạng choạng ra cửa, chửi tất cả cái thế giới đàn bà nhiễu sự, làm anh đau đầu, nhức óc. Vện thấy bất bình, xông vào cản lối sủa vang, bị Hoan bất ngờ co chân đá mũi giầy vào mõm khiến nó đau đớn. Không ghìm được, Văn Tân nổi đóa, túm ngực áo Hoan, tặng cho cái tát. Đôi bên xô xát kịch liệt. Vốn đã từng luyện võ để phòng thân khi viết phóng sự điều tra, nên hôm đó anh hàng xóm được một trận nhừ đòn. Mối hiềm khích giữa hai nhà càng thêm sâu sắc, ngỡ không thể hàn gắn. Văn Tân cũng cảm thấy ân hận vì lúc nổi đóa đã xuống tay quá nặng. Anh không muốn giữ lâu sự thù hận, định chờ dịp sẽ gặp Hoan giàn hòa, nói lời phải trái với anh hàng xóm trái nết của mình thì xảy ra một chuyện không ngờ.
Lần ấy, đúng vào một đêm mưa phùn gió bấc, vợ Văn Tân đi trực ca đêm ở bệnh viện về. Đường nội bộ trong khu biệt thự trơn như đổ mỡ vì vôi vữa rơi vãi, không một bóng người, nhà nhà im ỉm khóa, chị chẳng may để xe máy chờm lên đống gạch của ai đó xây nhà để rơi, chưa thu dọn hết. Chị ngã xe, nằm bất tỉnh trên đường, ngay trước cửa nhà anh hàng xóm. Hoan cũng đi đâu về khuya, thấy thế bế thốc chị sang đập cửa gọi Văn Tân, sau đó tất bật quay lại lấy xe cho chị. Đêm đó, Văn Tân phải đưa vợ đi cấp cứu, anh đành nhờ Hoan ở lại dỗ dành hai đứa con đang khóc vì hoảng sợ. Vện nhìn anh hàng xóm đầy vẻ hàm ơn, không còn tức tối xua đuổi như mọi khi. Nó ve vẩy đuôi, cúi đầu lẳng lặng theo khách vào phòng. Khi cô cậu chủ đã nín khóc, nó hớn hở chạy lại gần nô đùa với khách. Hoan thấy lạ, chìa tay ra xoa đầu Vện. Nó chỉ chờ có vậy, liền chồm hai chân trước lên đầu gối khách, vươn cổ hít hà vào ngực Hoan bày tỏ sự cảm kích thay cho ông bà chủ…
5.
Suốt cả tuần, Văn Tân tối mặt vì tất tưởi đưa đón con đi học, chăm sóc vợ ở bệnh viện, lại không thể bỏ công việc nơi Tòa soạn vì cuối năm, ngoài số báo ngày, lại phải lo bài vở cho số Tết. Anh cố tranh thủ sang nhà hàng xóm mấy lần, nhưng Hoan đều đi vắng. Lòng anh bối rối vì chưa gặp được ân nhân cứu mạng vợ mình. Chị vừa ra viện, hai vợ chồng phải thay nhau rình mãi mới thấy anh hàng xóm phóng xe về, đang lạch cạch mở khóa. Văn Tân xách túi nặng đựng chai rượu và cây thuốc lá ngoại, cùng vợ sang nhà của Hoan. Vện cũng theo sau ra chiều mừng rỡ. Hoan niềm nở tiếp khách, ân cần hỏi thăm sức khỏe của chị, nhưng nhất định không chịu nhận quà khiến hai vợ chồng càng thêm bối rối. Chỉ khi thấy Vện vẫy đuôi, chồm hai chân trước lên thành ghế, cắn tay áo mình, mắt cứ ngoái nhìn vào túi quà rít lên van vỉ, Hoan mới chịu cất túi quà vào tủ rượu. Vện ta khoái chí, nhẩy chồm quanh anh hàng xóm làm cả chủ và khách đều cười vang, xóa đi không khí ngượng ngùng ban đầu. Lúc này Văn Tân chợt giật mình phát hiện ra chiếc giá vẽ ở góc phòng, tranh sơn dầu treo kín ba mặt tường. Anh hỏi:
– Ông là họa sĩ mà kín tiếng thế?
– Mình vừa ở thành phố Hồ Chí Minh ra. Trong đó, dân văn nghệ sĩ ở 81 Trần Quốc Thảo gọi mình là Hoan khùng hay Hoan dị, nên cũng có lúc gây phiền hàng xóm, ông bà thông cảm cho mình nhé!
– Tại anh Hoan lập dị quá, hôm đầu gặp nhau, em nhìn mái tóc xù và chiếc quần bò te tua gấu phát khiếp - Chị tiếp lời chồng thanh minh.
– Chuyện vặt. Choảng nhau một trận, giờ chúng ta thành bạn bè là vui rồi - Hoan gạt đi.
– Nhưng mình thì lại quá đau và xấu hổ vì cái lần nổi đóa ra đòn với ông hơi bị nặng.
– Cũng là chuyện vặt nốt, Văn Tân ạ! Cứ xem con Vện đối xử, mình lại nghĩ đến con người mới lạ! Mình khoái cái vẻ phong trần mà vẫn lịch lãm như ông mà không theo được. Cái thằng Hoan rồ trong mình trót buông tuồng lập dị quen mất nết đi rồi, lại hơi bị nhiễm máu Trương Phi nên có lúc ăn đòn cũng chẳng oan.
– Thế mấy hôm rồi ông đi đâu miết, mình sang mấy lần không gặp?
– Đang bận ra mắt phòng tranh với bạn nghề và công chúng yêu hội họa ở Thủ đô dịp đầu xuân sắp tới. Mình đã có hàng chục cuộc triển lãm tranh ở Pháp, Mỹ, Hồng Kông mà chưa lần nào được có phòng tranh ở Hà Nội cứ thấy ấm ức. Phải gom tiền bán tranh ở tận xứ người ra đây thuê nhà, làm cuộc ra mắt muộn mằn nên lắm lúc sầu đời, mình kêu đám em út đến quậy phá chơi, bị ông thụi cho mấy nắm đấm mới thành bạn, ha ha!…
Hai người hàng xóm, một họa sĩ thành danh, một cây bút phóng sự điều tra có hạng vừa nhận ra nhau đã hòa nhập ngay, thao thao bất tuyệt. Chị chỉ biết nhìn chồng và Hoan nói cười ngả ngớn, bàn chuyện trên giời dưới bể. Hoan mở tủ lấy chai rượu mạnh ngoại loại xịn và ít đồ nguội, không quên rót thêm ly rượu vang Pháp dành cho chị, nài ép hai vợ chồng cùng uống. Vện nằm khoanh tròn dưới chân Hoan, lim dim mơ màng. Văn Tân đứng dậy ra về, Vện như vẫn còn nấn ná. Hoan mỉm cười, quỳ xuống sàn nhà, đưa tay âu yếm vuốt hai bầu má Vện, nói:
– Chú mày biết không? Cả đời cầm cọ ta đã vẽ nhiều chân dung Người mà chưa có bức nào thật ưng ý. Hay ta vẽ chân dung mày đưa thêm vào phòng tranh sắp tới, Vện ơi!…
6.
Từ buổi tối hôm đó hai nhà thành tri kỷ. Vện thường hay sang nhà hàng xóm đùa giỡn với Hoan những lúc anh buông cây cọ vẽ thư giãn huýt sáo gọi. Hoan cũng giữ ý, kiềm chế mình và bạn bè, không gây ồn cho Văn Tân ngồi viết. Khu biệt thự chia lô lại bỗng nhiên xuất hiện thêm gã hàng xóm gây phiền phức mới. Một ông chủ người Hoa bụng phệ, lạ hoắc từ đâu mò đến mua ngôi biệt thự đối diện với nhà Hoan, dắt theo con chó Tây thuần chủng giống Đức to như con bê, rất hung dữ. Ai đi qua nó cũng chồm lên cửa sắt sủa loạn, gầm gừ đe dọa. Những lúc xổng ra ngoài, nó hồng hộc vừa rít vừa chạy nhông khắp khu biệt thự chia lô, khiến người lớn, trẻ con phát khiếp không dám ra đường. Nhiều lần nó hăm hở chạy, xô đổ xe thồ của mấy chị bán hàng rong, hoa quả rơi tứ tung, rau xanh bị nó xéo nát. Con chó Tây này thông minh mức nào chưa rõ, nhưng có tật đái ỉa bậy. Sáng sớm, ông chủ của nó cứ thản nhiên dắt chó ra đường tập thể dục. Con chó Tây thoạt đầu ghếch chân lên tường các nhà đái tồ một bãi xối xả như vòi nước máy mở hết cỡ. Nước đái khai mù và bốc mùi khăn khẳn. Hình như chỗ nó quen “đổ dế” nhất lại là chân tường nhà của họa sĩ Hoan. Sau mấy vòng ông chủ dắt đi dạo, lúc về nó mới nửa đứng nửa ngồi, rặn ra một bãi to đùng và thường cũng lại nhằm đúng cửa nhà Hoan. Ông chủ của nó dường như khoái chí, luôn mồm: “Hảo lớ!… Hảo lớ!…” Hoan nghe mà tức lộn ruột, vốn máu Trương Phi nên thỉnh thoảng chống nạnh trước cửa nhà đối diện la thét, chửi bới om xòm. Ông chủ người Hoa của con chó ỉa bậy vẫn im lặng không đáp, cũng không chịu sai người giúp việc ra hót phân hay cọ rửa chân tường cho hàng xóm đối diện. Con chó Tây thì lồng lên sủa đáp lời Hoan. Nó xô mạnh cửa sắt như muốn ăn tươi nuốt sống người họa sĩ gầy gò, yếu đuối. Vện cũng lao ra trợ giúp ân nhân của bà chủ. Nó không thèm sủa nhiều, cứ gầm gừ thách thức con chó Tây qua khe cửa sắt. Vào buổi sáng chủ nhật, Hoan uống vài chén rượu, mắt đỏ vằn, cầm thanh sắt sang đập cửa la hét và chửi bới, đòi gia chủ khắc phục hậu quả con chó Tây vừa để lại. Không may cho anh, hôm đó không rõ cái ông chủ người Hoa kia quên hay cố tình không khóa cửa nên con chó vừa chồm lên thì cửa sắt bật mở. Nó hất tung thanh sắt, xô Hoan ngã ngửa. Vện nhanh như cắt nhảy vào chắn ngang tuyên chiến với con chó Tây to lớn gấp ba thân hình của nó, không hề nao núng. Hoan bị ngã đau không gượng dậy được, đành lăn ra mép đường đờ đẫn nhìn hai con chó chồm vào nhau cắn xé. Vện tuy thấp bé, nhưng lanh lẹ và thông minh, tránh được nhiều cú ra đòn của đối thủ. Nó chơi miếng cắn tạt ngang sườn khi đối thủ chưa kịp xoay cái thân hình cao to vật vã. Bất ngờ, nó luồn ra sau cắn một nhát đúng bừu con chó Tây máu chảy ròng ròng. Lúc này con chó Tây càng điên loạn, chồm lên ra đòn tới tấp. Vện đuối sức dần, bị đối thủ dồn vào sát tường, đè ngửa và cắn ngang cổ họng. Nó đau đớn lăn lộn, tru lên từng hồi thảm thiết. Khi gã hàng xóm người Hoa vác cái bụng tròn căng, khệnh khạng bước ra cửa thì Vện đã tắt thở. Hoan vẫn còn nằm co như một dấu hỏi, đầu đau nhức vì bị va mạnh xuống mặt đường. Anh ôm hận vì không thể giúp gì cho Vện. Chuyện xảy ra quá nhanh trong vài ba phút, nhưng thật khủng khiếp. Văn Tân cùng vợ con hốt hoảng chạy ra, kịp nhìn thấy Hoan lồm cồm bò tới, ôm xác Vện vào nhà của mình. Trong đời anh chưa bao giờ chứng kiến cảnh người đàn ông có vẻ ngoài bặm trợn nằm ôm xác chó nức nở khóc than. Nghề làm báo đi nhiều, anh cũng chưa từng gặp hay viết bài về tình Người với Người được như Vện và Hoan. Anh bủn rủn tay chân, đứng ngây chết lặng, nước mắt ứa tuôn giàn giụa mặn ướt làn môi. Bất giác anh nhớ lời Hoan hôm nào, bồi hồi chờ xem bức tranh mới của người bạn họa sĩ sẽ treo trong cuộc triển lãm. Tranh đặc tả ánh mắt Vện trong buổi tối hòa giải giữa hai thằng đàn ông kẻ Nam người Bắc hay vẽ cảnh cuộc chiến sinh tử giữa Vện với con chó hung dữ của gã hàng xón người Hoa?… Hoan vẽ Vện hay muốn nói gì với thế giới Người?…
Vũ Ngọc Tiến
Nguồn: sưu tầm trên mạng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét