Thứ Năm, 28 tháng 12, 2017

NHÀ VĂN BÌNH ĐỊNH VỚI TRUYỆN ĐỒNG THOẠI




Truyện đồng thoại (hay Đồng thoại) là một thể văn tự sự hiện đại, thường được biết đến qua những tác phẩm như Dế Mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài), Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công (Vũ Tú Nam), Cái Tết của Mèo con (Nguyễn Đình Thi)…, và gần đây là Làm mèo (Trần Đức Tiến), Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng (Nguyễn Nhật Ánh)… Đặc trưng của thể truyện này là sử dụng loài vật làm nhân vật, nhân hoá chúng nhằm mục đích kể chuyện vật mà gợi chuyện người. 

Lâu nay, đồng thoại được quy ước là thể truyện dành cho trẻ em. Nhưng trên thực tế, có không ít trường hợp lại hướng vào bạn đọc người lớn, như Cuộc đời của một đôi dép (Phùng Quán), Đêm núm sen (Trần Dần)... Vì thế, bức tranh đồng thoại Việt Nam rất đa dạng, nhiều màu sắc, được bạn đọc yêu thích một cách rộng rãi.

Theo dõi quá trình vận động của thể loại trong hơn ¾ thế kỉ qua, chúng tôi nhận thấy có sự đóng góp nhất định của các nhà văn Bình Định. Đóng góp ấy thể hiện ở cả ba phương diện: sáng tác, dịch và nghiên cứu phê bình.

1. Từ đồng thoại người lớn đến đồng thoại cho trẻ thơ

Đồng thoại đầu tiên do nhà văn Bình Định thực hiện là Truyện Cái Giường. Đó là một sáng tác của nhà thơ Xuân Diệu, in trong tập Phấn thông vàng, xuất bản vào năm 1938. Đương thời, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan cho rằng, đó là một truyện “thật cảm động”, “rất nên thơ”, chan chứa cảm xúc “tủi phận mình”(Nhà văn hiện đại). Nhân vật chính của truyện là Cái Giường đã hết thời vận. Nó nằm trong xó tối mà ngẫm nghĩ số phận, hoài nhớ những năm tháng tươi đẹp khi được con người nâng niu, trân quý. Nhưng cũng chính con người đã hắt hủi nó, khi nó ngày một cũ đi, xấu đi, “gỗ kêu răng rắc như một ông cụ rũ xương”. Sự hoài nhớ đã khiến cho hiện tại và quá khứ hiện ra trong trạng thái đối lập gay gắt, phơi bày đầy đủ tình cảnh đáng thương và nỗi niềm của Cái Giường. Kẻ bạc phận ước ao về một ngọn lửa hồng để hoá thân mà về với rừng xanh, về với “quê hương chung của muôn vật, muôn loài, ở đó tất cả đều như nhau, không phân biệt gì nữa”. Đọc Truyện Cái Giường, chúng ta không khó nhận ra tư tưởng của Xuân Diệu về số phận của một đồ vật trong sự vần xoay nghiệt ngã của thời gian và thị hiếu thẩm mĩ của con người. Tư tưởng đó hẳn nhiên chưa phải dành cho trẻ em, nhưng câu chuyện thăng trầm của một đồ vật vẫn đủ sức hình thành nên ở bạn đọc nhỏ tuổi ý niệm về “hoạ, phúc đều trong tay người”. Nói cách khác, bạn đọc dù ở lứa tuổi nào cũng đều có thể tìm thấy những lợi ích cho bản thân mình khi tiếp xúc với thiên truyện này của nhà thơ Xuân Diệu. 

Trước năm 1945, hình thức đồng thoại chưa được khai thác nhiều; và nếu có, đều diễn ra vào những năm 1940 – 1945. Lưu ý điều này là để ghi nhận thêm vai trò tiên phong của nhà thơ Xuân Diệu đối với lịch sử phát triển của thể loại.

Sau Xuân Diệu, những nhà văn Bình Định khác gồm Phạm Hổ, Nguyễn Văn Chương, Hoàng Trọng Thắng và Nguyễn Trần Thiên Lộc sáng tác đồng thoại theo hướng phục vụ bạn đọc trẻ em. Những tác giả này xuất hiện vào những giai đoạn lịch sử khác nhau, tạo nên sự thừa tiếp thú vị, đảm bảo dấu ấn Bình Định luôn hiện hữu trên bức tranh đồng thoại Việt. 

Sau năm 1945, văn học thiếu nhi Việt Nam được quan tâm phát triển, nhanh chóng trở thành một bộ phận hữu cơ của nền văn học mới. Hoàn cảnh đó đã thu hút, khuyến khích nhiều cây bút tham gia viết cho các em. Trong số những cây bút nổi lên ngay từ buổi ban đầu ấy, chúng ta tự hào có nhà văn quê gốc An Nhơn Phạm Hổ (1926 – 2007). Ông là nhà văn coi việc “viết cho các em là một hạnh phúc”, đã sáng tác cho các em đủ mọi thể loại: thơ, truyện và kịch. Nói riêng về thể đồng thoại, ông có truyện Bê và Sáo, Chú Sẻ con và bông hoa Bằng Lăng, Chú Sẻ con và các anh bộ đội và Chú Sẻ con và nàng công chúa. Đặt trong thành tựu chung của một đời văn kéo dài 70 năm, có thể nói, số lượng tác phẩm đồng thoại nói trên quả là khiêm tốn. Nguyên nhân của hiện tượng trên là do Phạm Hổ muốn tạo một lối đi riêng, quyết định chuyên tâm vào thể loại truyện cổ tích hiện đại. Vì vậy, đồng thoại như một sáng tạo ngẫu hứng của người nghệ sĩ khi bắt gặp sự hoà điệu giữa con người và loài vật khiến cho cái đẹp nhân văn bật lên một cách tươi tắn, rạng rỡ. Trong đồng thoại Bê và Sáo, người đọc không chỉ thấy tình bạn cảm động giữa hai con vật Bê vàng và Sáo nghệ mà còn có cả sự thức tỉnh của bé Nam khi “không có ý gì muốn phá hoại, muốn chia rẽ” đôi bạn kia nữa. Đặc biệt, Chú Sẻ con và bông hoa Bằng Lăng là một đồng thoại xinh xắn, giàu chất thơ, có khả năng gây xúc động mạnh đối với bạn đọc qua hình ảnh chú Sẻ con dùng sức lực nhỏ bé của mình nhằm làm cho “bông hoa Bằng Lăng cuối cùng chúc xuống và nằm gọn trong khung cửa sổ của bé Thơ”. Ở đây, có hai cái đẹp hiện hữu: một, cây Bằng Lăng cố tình chậm nở một bông hoa để đợi bé Thơ từ bệnh viên trở về; hai, chú Sẻ con cố sức đưa bông hoa đến gần bé Thơ hơn. Đồng thoại này quả có phảng phất tứ truyện Chiếc lá cuối cùng của nhà văn Mỹ nổi tiếng O. Henry. Cả hai đều nói về vai trò của thiên nhiên trong việc đánh thức năng lượng sống cho con người. Tuy nhiên, khác với O. Henry, Phạm Hổ tập trung khắc hoạ những nỗ lực của thiên nhiên (cây Bằng Lăng, Sẻ con) và niềm vui bất ngờ của bé Thơ. Truyện Chú Sẻ con và bông hoa Bằng Lăng là một thành công quan trọng của nhà văn Phạm Hổ ở lĩnh vực đồng thoại. Truyện đã được chọn vào sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 3, được các bậc phụ huynh và học sinh đánh giá cao.

Năm 1986, bạn đọc ở Bình Định và cả nước cùng lúc đón nhận hai tập truyện đồng thoại của nhà văn Nguyễn Văn Chương là Chú Mầm măng (Nxb Đồng Nai) và Hiệp sĩ Bọ Ngựa (Sở VH&TT Nghĩa Bình). Sau hai tập nói trên, nhà văn quê gốc Hà Tây này còn có thêm một số tập đồng thoại khác viết dưới dạng văn xuôi hoặc thơ: Lớp học xây nhà (Nxb Giáo dục, 1996), Kiến nâu và hạt gạo (Nxb Giáo dục, 1997) và Tai dài tai bé (Nxb Giáo dục, 2006). Tổng gộp lại, ông có tất thảy 25 tác phẩm, trở thành nhà văn Bình Định có nhiều truyện đồng thoại nhất tính cho đến thời điểm này. Đồng thoại của Nguyễn Văn Chương có đặc điểm ngắn gọn, giàu chất ngụ ngôn, khá gần với phong cách đồng thoại Võ Quảng (1920 – 2007). Có lẽ, ngòi bút ông đã chịu sự chi phối sâu sắc của đối tượng tiếp nhận là các em ở lứa tuổi nhi đồng. Ở lứa tuổi ấy, các em rất cần mở rộng đồng thời cả về nhận thức lẫn tâm hồn, ứng xử lẫn đạo đức. Vì thế, ông nối tiếp đồng thoại dân gian bằng một số câu chuyện về sự tích: Sự tích chàng Hiu, Sự tích con Lọ Đèn, Sự tích hoa Ngọc Lan… Ở những tác phẩm này, thế giới đồng thoại được bao bọc bởi chất huyền thoại, thực thực hư hư rất phù hợp với thị hiếu của các em. Với Nguyễn Văn Chương, dù viết về điều gì, ông đều rất chú trọng tới việc đưa bài học giáo dục cho các em. Như ở Ai giỏi hơn, ông “uỷ nhiệm” cho nhân vật Ông Mặt Trời nói với Gió, với Tia Nắng, Gà Trống… rằng: “Các cháu ạ, ở trên đời này, ai giỏi nhất? Bác bảo không có, vì rằng không ai tự mình làm được mọi việc. Mỗi người chỉ làm giỏi vài việc thôi”. Hay ở truyện Chú Mầm măng, ông kể về một chú Mầm măng vì không nghe lời mẹ nên đã bị “bão quật tơi bời, thân vẹo, lá tướp xơ hết”. Chú Mầm măng đã trưởng thành lên, “trở thành cây tre cứng cáp, dẻo dai” chính là đã tự biết rút ra bài học tốt từ sau lần không ngoan ấy. Nhìn chung, truyện của Nguyễn Văn Chương có sự, có việc nên tác động của các bài học giáo dục đối với trẻ em khá tự nhiên, tránh được sự áp đặt, khiên cưỡng vẫn thường thấy ở không ít truyện đồng thoại dành cho lứa tuổi này.

Ở vị trí nối tiếp, tác giả trẻ Nguyễn Trần Thiên Lộc tạo được cách tiếp cận riêng với bạn đọc khi trình ra một đồng thoại dài hơi viết theo kiểu truyện loài vật phiêu lưu – Những cuộc phiêu lưu của Mũi đỏ và Răng nhỏ (Nxb Văn học, 2012). Tác giả cho biết, anh viết đồng thoại này xuất phát từ mục đích mong muốn “chia sẻ một phần tuổi thơ mình với mọi người”, đồng thời “góp một đốm lửa nhỏ vào tình yêu chương đang lớn dần trong mỗi tâm hồn thơ bé”. Khi viết Những cuộc phiêu lưu của Mũi đỏ và Răng nhỏ, Nguyễn Trần Thiên Lộc (sinh năm 1990) xa rời tuổi thơ chưa bao lâu nên thực tế “miền thơ ấu” không phải cứ nghĩ mãi mới ra. Trái lại, tất cả như đã nằm sẵn giữa say mê, tạo nên sức mạnh cho rất nhiều trang viết. Sức hấp dẫn của thiên truyện trước hết là ở tên gọi các nhân vật, ngộ nghĩnh và ấn tượng: Răng nhỏ, Mũi đỏ, Thầy Cóc Cọt, Thỏ Ngố, Tắc Kè Bông… Mỗi nhân vật được phú cho những đường nét tính cách riêng, có khả năng gợi dẫn người đọc dịch chuyển liên tưởng từ trường tự nhiên sang trường xã hội. Cố nhiên, đó chủ yếu vẫn là xã hội của tuổi thơ với hình ảnh bà ngồi kể chuyện, thầy giáo và cây roi dạy học trò, là những cuộc chơi trốn tìm mà bản thân tác giả từng biết, từng trải nghiệm. Có thể nói, cốt truyện phiêu lưu được tác giả sử dụng khá nhuần nhuyễn, tạo ra các lớp truyện một cách tự nhiên với nhiều sự kiện bất ngờ, thú vị và lắm lúc căng thẳng đến nghẹt thở. Thiên truyện Những cuộc phiêu lưu của Mũi đỏ và Răng nhỏ của Nguyễn Trần Thiên Lộc là một giá trị của văn chương đồng thoại những năm đầu thế XXI, sẽ được bạn đọc tiếp tục yêu thích bởi sự hồn nhiên, đáng yêu của thế giới con trẻ. Nói chung, kiểu truyện đồng thoại loài vật phiêu lưu – điển hình là Dế Mèn phiêu lưu kí (Tô Hoài) – luôn có thế mạnh riêng, rất cần được tiếp tục phát huy.

Như vậy, từ Truyện Cái Giường đến Những cuộc phiêu lưu của Mũi đỏ và Răng nhỏ, sáng tác đồng thoại của các nhà văn Bình Định diễn ra khá liên tục, tập trung chủ yếu vào việc phục vụ đối tượng bạn đọc nhỏ tuổi. Nhiều tác phẩm đồng thoại của Phạm Hổ, Nguyễn Văn Chương, Hoàng Trọng Thắng đã được sử dụng trong nhà trường. Đó thực sự là chỗ đáng tự hào về văn chương Bình Định!


2. Mở rộng thế giới đồng thoại cho tuổi thơ 

Một đóng góp khác của các nhà văn Bình Định, đó là dịch, giới thiệu những tác phẩm đồng thoại đặc sắc của văn học nước ngoài. Ở đây, công lao thuộc về hai dịch giả Hoàng Trọng Thắng và Phan Trọng Cầu. 

Tác giả Hoàng Trọng Thắng quê ở xã Nhơn Khánh, huyện An Nhơn; tập kết ra Bắc và làm việc trong ngành công nghiệp. Ông đam mê văn chương, sáng tác khá nhiều thơ truyện – trong đó đáng chú ý có hai tập đồng thoại Bambi trong rừng và Ong Mai và những cuộc phiêu lưu. Truyện Bambi trong rừng là một tác phẩm của nhà văn Áo Fe’lix Salten, được Hoàng Trọng Thắng dịch, nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2001. Truyện kể về cuộc đời của chú nai Bambi trưởng thành giữa chốn rừng xanh. Sau thời gian hạnh phúc ngắn ngủi bên mẹ, nai Bambi bước vào cuộc sống tự lập với biết bao nhiêu khó khăn, thử thách. Có thể nói, Hoàng Trọng Thắng đã chọn được tác phẩm hay và “viết lại” bằng một thứ ngôn ngữ Việt mượt mà, đằm thắm. Từ thành công của Bambi trong rừng, Hoàng Trọng Thắng chuyển sang sáng tác, viết Ong Mai và những cuộc phiêu lưu với độ dài gần 150 trang. Sách được nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 2008 với số lượng 5.000 bản, và đưa vào hệ thống sách truyện đọc bổ trợ giáo dục đạo đức cho học sinh tiểu học.

Nhà văn Phan Trọng Cầu chọn dịch cuốn Chuyện kể của chú Ngựa Đen của Anna Sewell. Đó là tác phẩm nổi tiếng của văn học Anh thế kỉ XIX viết về loài vật. Trong cuốn sách này, nữ văn sĩ Anna Sewell đã để cho chú Ngựa Đen kể lại toàn bộ cuộc đời của mình kể từ lúc ra đời cho đến khi về già. Nhân vật Ngựa Đen đã trải qua nhiều cuộc sống khác nhau, đã nhận được rất nhiều yêu thương cũng như hắt hủi của con người. Niềm hạnh phúc cuối đời của Ngựa Đen là được bà chủ “hứa là sẽ không bao giờ bán tôi và do đó tôi chẳng có gì lo lắng cả”. Câu chuyện kết thúc có hậu, phù hợp với niềm mong ước của tuổi thơ.

Hai tác phẩm Bambi trong rừng và Chuyện kể của chú Ngựa Đen đều là những đồng thoại đặc sắc, có ảnh hưởng sâu rộng ở nhiều nền văn học khác nhau. Bằng việc chuyển ngữ nói trên, các dịch giả đã góp phần tích cực trong việc làm phong phú đời sống tinh thần, nâng cao thị hiếu thẩm mĩ cho các em.

3. Nghiên cứu, phê bình truyện đồng thoại

Lĩnh vực này thực sự là một đóng góp quan trọng của các nhà văn Bình Định, cụ thể là hai cây bút chuyên nghiên cứu, phê bình văn học thiếu nhi Châu Minh Hùng và Lê Nhật Ký. 

Kết quả nghiên cứu đồng thoại của Châu Minh Hùng được thể hiện trong giáo trình Văn học cho thiếu nhi (viết chung với Lê Nhật Ký), xuất bản năm 2003. Trong cuốn sách này, Châu Minh Hùng viết về đồng thoại dân gian và đồng thoại hiện đại, đưa ra những nhận định có giá trị về mặt lí luận thể loại. Chương viết về Võ Quảng cũng có những phân tích xác đáng về giá trị đồng thoại của nhà văn này.

Tác giả Lê Nhật Ký có nhiều bài viết về truyện đồng thoại của Tô Hoài, Võ Quảng, Trần Hoài Dương, Xuân Quỳnh, Trần Đức Tiến…, và tổng kết, đánh giá các cách hiểu khác nhau về đồng thoại ở Việt Nam. Năm 2016, chuyên luận Truyện đồng thoại trong văn học Việt Nam hiện đại của anh đã được nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành, giới thiệu một cách hệ thống thành tựu và đặc điểm thi pháp truyện đồng thoại Việt Nam. Cuốn sách được ghi nhận là một tham khảo tốt cho sinh viên và những ai quan tâm tới văn học thiếu nhi Việt Nam.

Ở Việt Nam, thành tựu nghiên cứu, phê bình về truyện đồng thoại chưa nhiều. Do đó, những giáo trình, chuyên luận và bài báo khoa học của hai tác giả Châu Minh Hùng và Lê Nhật Ký thực sự có ý nghĩa, làm nên thế mạnh của nhà văn Bình Định trong việc nghiên cứu và phổ biến các giá trị văn học thiếu nhi nói chung, truyện đồng thoại nói riêng.



Từ những mô tả nói trên, có thể thấy sự đóng góp của các nhà văn Bình Định đối với thể loại truyện đồng thoại là đa dạng. Trong sáng tác, dịch thuật hay nghiên cứu phê bình, họ đều rất nỗ lực nhằm đạt được những sáng tạo đích thực, có ý nghĩa đối với công chúng cả về thưởng thức lẫn tri thức. Trong bước đường phát triển sắp tới của thể loại, chúng tôi nghĩ, vẫn rất cần tới sự tham gia của các cây bút tỉnh nhà…


Hà Nhật Lê
(Bài đăng trên Tạp chí Văn nghệ Bình Định, số tháng 11/2017)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét