Thứ Năm, 15 tháng 2, 2018

KÝ ỨC CỦA CON VỆN - PHẦN I



Cuốn truyện giàu chất nhân văn viết bằng một giọng văn đã điêu luyện. Có thể ông đã viết trong tình cảm nhớ thương con Vện già đã sống như thân thích trong gia đình, nay ra đi phải bỏ lại ở quê nhà” (Trần Bảng, Cha tôi – nhà văn Trần Tiêu, 2004).



PHẦN THỨ NHẤT

          Động một tí gì: Cậu bé làm sai phép tính, thằng nhỏ làm hỏng công việc, con đỏ thổi sống niêu cơm, là người ta quát: “Ngu như cầy”.
          “Ngu như cầy” tôi hiểu lắm, đó là người ta chủ tâm ám chỉ nòi giống chúng tôi khi người ta muốn nói: “Ngu như chó!”.
          Vì thế mà bắt buộc tôi phải đem tâm sự ra bày tỏ. Rồi đây sau khi hiểu rõ những nỗi vui sướng cùng những điều đau khổ của chúng tôi, người hãy đem tất cả những lý tính mà suy xét một cách sáng suốt và công bằng để xem chúng tôi có thực là ngu không?
          Tôi không thể biết tôi sinh ra đời vào ngày nào. Nhưng khi tôi đã trơn lông sáng mắt thì tôi thấy rõ ràng tôi ra đời không phải chỉ một mình, nhưng mà một lứa năm bảy đứa, nào vàng, nào vện, nào mực, chen chúc nhau trên cái ổ rơm trong chuồng trâu tối tăm và bẩn thỉu. Hết ngày ấy sang ngày khác, chúng tôi chỉ chen chúc, nô đùa hoặc giỡn cợt nội quanh cái ổ.
          Mẹ chúng tôi không chịu ở luôn luôn với chúng tôi, nhưng mỗi lúc trở về nằm đềnh ra là lúc chúng tôi tranh giành nhau vú, đứa nó đè lên đứa kia, mõm thúc, chân đạp. Nhưng rồi, rút cục, vú của anh nào lại vẫn hoàn của anh ấy. Khi chúng tôi vừa no nê thì mẹ chúng tôi đã vội vàng đứng dậy và đi thẳng để mặc chúng tôi. Thực ra, nào có phải mẹ chúng tôi ghét bỏ chúng tôi đâu! Không, mẹ chúng tôi rất yêu thương và quý báu chúng tôi! Chả thế mà, mỗi khi chúng tôi mải miết với cái vú thì mẹ chúng tôi cúi xuống liếm lông, nhấn rận cho từng đứa một. Mẹ chúng tôi quý mến chúng tôi quá đến nỗi đâm ghen tuông, dữ tợn, không cho ai lại gần, có khi cắn cả người nhà.
          Người ta đã ví: “Ghen như chó đẻ!” cũng chẳng sai chút nào. Vì thế mà những người lạ không dám bén mảng tới gần. Chuồng trâu trở nên một giang sơn riêng biệt của chúng tôi. Trừ cậu bé con bà chủ là ghê gớm thật! Trước mặt mẹ chúng tôi, một người mẹ ghen tuông, dữ tợn như thế, mà cậu cứ thản nhiên dày vò chúng tôi: cậu xách tai, lôi chân, kéo đuôi, làm đủ tình đủ tội. Mẹ chúng tôi chỉ nhìn cậu và thở dài não ruột.
          May sao, cậu vì bận học, bận chạy nhảy với chúng bạn nên cũng ít có thì giờ rảnh mà hành hạ chúng tôi.
          Thế rồi, một ngày một khôn lớn, đỏ da thắm thịt và không bao lâu chúng tôi đã trở thành lũ chó con xinh xẻo, chạy lăng xăng khắp nơi. Chúng tôi đương sung sướng với cái đời vô tư lự thì, chao ôi! Có ngờ đâu, một hôm, buổi sáng sớm, nhằm vào ngày phiên chợ, bà chủ nhìn vào cái ổ của chúng tôi, gọi vú già và bảo:
          - Này vú ơi! Để cái lũ bọ chỉ tổ bẩn nhà. Hay là vú đem mà bán quách đi. Được đồng nào thì được.
          Mụ vú nghe theo, xách tai từng đứa bỏ vào một chiếc thúng. Chúng tôi kêu la ầm ĩ, mẹ tôi đứng thừ ra, hết nhìn chủ lại nhìn chòng chọc vào chúng tôi, cặp mắt ươn ướt như có vẻ van lơn.
          Bà chủ vẫn thản nhiên như thường, còn vú già thì hớn hở cắp thúng vào nách, vội vàng bước ra cổng. Mụ cẩn thận, đậy thêm chiếc vỉ lên trên chúng tôi…
          Tôi kiễng hai chân trước lên vành thúng, có thúc mép vỉ ra nhìn. Mẹ tôi lững thững theo sau rồi đứng ở cổng, cặp mắt đầy thất vọng, đăm đăm nhìn chiếc thúng.
          Chao ôi! Tôi vừa thương hại mẹ vừa chua xót cho số phận của chúng tôi. Bỗng dưng thành tan cửa nát nhà, mẹ một nơi, đàn con một nẻo. Không biết rồi đây sẽ ra sao? Tôi uất ức bật lên những tiếng kêu thảm thiết. Bọn tôi ý chừng cũng cảm thấy thế, nên cũng ầm ỹ kêu theo. Mụ vú không chút cảm động nói gắt: “Làm gì ăng ẳng ầm lên thế! À, cái con này định chuồn phỏng?”. Nói rồi, mụ dí thêm chiếc vỉ xuống, làm chúng tôi nghẹn thở.
          Tới chợ, mụ ngồi vào chỗ bán súc vật, sẽ mở vỉ ra coi. Thừa dịp, tôi định nhảy tọt xuống chạy về. Mụ liền cốc cho mấy cái vào giữa đỉnh đầu làm tôi váng cả óc. Thế là cả lũ sợ sệt, ngồi im trong lòng thúng. Kẻ đi người lại, người nhấc lên, kẻ đặt xuống, so kè bớt một thêm hai.
          Tan chợ về, chỉ còn trơ lại tôi với anh mực tí hon.
          Trời ơi! Quên sao được cái ngày vĩnh biệt ấy. Chúng tôi kêu những tiếng bi ai thảm thiết mà loài người lầm tưởng là chúng tôi cắn. Phải, với loài người thì là những tiếng ăng ẳng tinh ta nhức óc. Họ có thấu đâu đến nỗi đau khổ của lũ chúng tôi…
          Mụ vừa đặt cái thúng xuống thềm, nhấc cái vỉ lên thì hỏi bà chủ đã hỏi dồn: “Sao vú còn để lại hai con quỷ này làm gì? Bao nhiêu thì bao nhiêu cũng cứ bán tống bán tháo đi cho xong cái được không?”.
          Mụ vú vội chống chế: “Thưa bà, một con họ chê đen. Còn con này, mụ dí ngón tay vào mõm tôi, họ chê đốm đuôi, hay ăn vụng, nên chẳng ai buồn mặc cả”.
          Bà chủ sẽ thở dài: “Thôi được, để rồi có ai xin cho bớt đi một con. Còn một con thì nuôi lớn để bán hàng thịt”. Bỗng bà tươi hẳn nét mặt và tiếp thêm: “À mà chị Tý sắp ở cữ. Rồi cũng phải cần đến chúng nó. Thôi được, vú cứ thả ra”.
          Hai chúng tôi chạy mãi xuống chuồng trâu. Mẹ chúng tôi nằm uể oải trên ổ, đầu đặt nặng nề lên hai chân trước, cặp mắt lừ đừ, buồn thỉu.
          Trời ơi! Tả sao xiết những phút mừng tủi này! Chúng tôi quấn quýt, nhảy nhót như điên cuồng. Mẹ chúng tôi nghẹn lời, liếm hết đứa nọ đến đứa kia, hết đứa kia đến đứa nọ.
          Ngửi thấy mùi sữa, chúng tôi ngoạm lấy vú. Suốt từ sáng đến giờ, không một giọt sữa vào bụng thì làm gì chúng tôi không háu đói. Yên lặng, mẹ chúng tôi đặt mình năm xuống ổ. Sữa nhiều quá, nhiều quá, hàng vú căng lên. Chúng tôi chẳng cần phải thúc mõm, đạp chân mà anh nào anh nấy no phềnh cả bụng. Chả bù những ngày chúng tôi còn hàng đàn hàng lũ, nào day, nào kéo, hành hạ mẹ đủ trò mà sữa vẫn chẳng ra. Nghĩ đến đây tôi lại thương hại cho những anh em xấu số. Hôm nay mẹ chúng tôi mê mải chăm sóc chúng tôi quá, quên cả bữa ăn hằng ngày. Vú già phải gọi năm bảy lượt mới chịu rời khỏi ổ. Khác hẳn mọi ngày, chỉ một lát, mẹ chúng tôi đã trở xuống nằm với chúng tôi. Hình như mẹ chúng tôi vẫn còn nơm nớp sợ người ta lại cướp mất con.
          Dù là loài chó, chúng tôi cũng chẳng thoát khỏi cái tuổi thơ ngây dại dột, vì thế mà no nê rồi chúng tôi lại đùa giỡn, quên bẵng hẳn cái tai nạn vừa xảy ra ban nãy.
          Cậu bé, cậu bé ranh mãnh và quai ác, càng quái ác thêm. Thấy chúng tôi luôn luôn quấn quýt lấy mẹ, cậu nghịch, xách mỗi đứa đặt vào một góc bếp. Nhưng cậu vừa buông tay thì chúng tôi đã chạy như bay vào chỗ mẹ. Nào đã thôi đâu, cậu chạy theo, xách tai chúng tôi, lần này cậu đem đi thật xa, đặt chúng tôi xuống thềm nhà trên. Chúng tôi lân la đến mép thềm. Thềm thì thềm cao, sân thì sân gạch. Chúng tôi kêu la rên rỉ, hết thò chân trước lại duỗi chân sau. Cậu bé thích chí vỗ tay reo và cười sằng sặc. Thôi, đến lúc đành phải liều vậy chứ cứ thế này mãi thì chịu làm sao được. Liều này! Tôi nhắm mắt, co bốn giò, và lăn phứa. Bịch! Ồ, sung sướng quá! Không đau, chẳng đau tí nào cả, anh em ạ. Tôi nhổm dậy, chạy vụt qua sân, xuống thẳng dưới ổ. Người thường nói: “Giống chó rất thích mũi”. Người ta nói đúng đấy. Mũi chúng tôi rất thính, dù xa đến đâu, chúng tôi cũng đánh hơi và lần đến bằng được. Chốc lát đã thấy cu cậu tí hon. Thì ra cu cậu thấy mình liều cũng bắt chước liều nốt. Mẹ chúng tôi đương buồn thỉu buồn thiu, vùng đứng dậy mừng cuốn quýt, liếm la liếm liệt khắp mình chúng tôi. May sao, cậu bé bận đi học, nên mẹ con tôi lại được gần gũi để âu yếm, ôm ấp lấy nhau. Tuy vậy, lắm lúc chợt nhớ đến vẫn nơm nớp sợ…
          Một hôm, một buổi sáng, chúng tôi nằm sóng soài ra đương bú thoải thích, cậu chạy đến, lôi chúng tôi đi biệt. Mẹ chúng tôi chỉ thở ngắn thở dài. Biết làm thế nào? Không nhẽ mẹ chúng tôi lại cắn chủ để bênh vực lũ con. Mà cắn thì rồi lại hại cả nhà cả ổ.
          Cậu lại đặt chúng tôi xuống thềm chăng? Đừng có hòng. Cậu thừa hiểu chúng tôi sẽ lăn xuống sân như bỡn. Cái con người tinh quái ấy khi nào lại chịu để chúng tôi thoát nạn một cách quá dễ dàng. Tôi còn đương loay hoay với ý nghĩ, thì cậu đã trèo lên chiếc chạn đựng bát đĩa và các thức ăn. Một tay cậu bám vào thành chạn, một tay xách tai và đặt chúng tôi lên tận nóc. Rồi cầu tụt xuống xoa tay, nhe răng, híp mắt nhìn chúng tôi một cách khoái trá. Chắc hẳn cậu tự nghĩ: “Lần này thì chúng mày có đi đằng trời!”.
          Tôi đoán đúng. Cậu nghĩ thế thật, vì cậu cười nói: “Xuống đi! Ông thách đấy! Lần này ông cho thì vỡ sọ!”.
          Tôi vừa lân la đến mép chạn. Trời ơi! Cao quá chừng! Chỉ thoáng nhìn xuống cũng đủ chóng mày chóng mặt. Cố nhiên là chúng tôi lại bắt đầu la thét, rên rỉ trước cặp mắt ranh mãnh của cậu. Biết rằng vô ích mà chúng tôi vẫn cứ ló đầu ra, thụt đầu vào, thò chân xuống, lại rút chân lên. Cậu khoái chí cười ngặt nghẽo… Thế rồi sợ trễ giờ, cậu vội cắp sách đi trường, để mặc chúng tôi xoay trở. Kêu chán mỏi mồm, chúng tôi nằm thở để rồi lại kêu, cứ thế không biết bao nhiêu lần.
          Vú già làm cơm trong bếp nghe mãi sốt ruột chạy lại, thấy chúng tôi đương loay hoay, mụ quát: “Gớm thật! Hai con chó bọ này gớm thật! Mới bằng cái nhãi ranh mà biết leo trèo để ăn vụng.” Mụ cầm tai tôi, xách bổng lên: “Ừ, thảo nào mà họ chê đốm đuôi, hay ăn vụng. Ăn vụng này! Ăn vụng này...”. Cứ mỗi câu, mụ lại phát mạnh vào hai mông tôi. Khốn nạn, tôi chỉ còn biết giãy giụa và kêu ăng ẳng. Phát chán tay rồi, mụ quẳng ra xa như người ta quẳng một vật vô ích. Thật là trời giáng! Tôi đau lịm đi rồi khấp khểnh lại chỗ mẹ, trong khi mụ nắm tai bạn tôi và quát: “Lại con nữa, cũng bắt chước con đốm đuôi phỏng?” Mụ phát cho mấy cái rồi lại quẳng như quẳng tôi vậy. Chúng tôi nằm ép vào nhau rên rỉ. Mẹ chúng tôi nằm sát lại gần, ôm lấy chúng tôi, liếm đi liếm lại những sợi lông dựng lên vì sợ hãi để an ủi và làm dịu bớt nỗi đau đớn của hai đứa khốn nạn của chúng tôi.

***

         Đã đến ngày chúng tôi không còn thiết tha với cái vú, nên cũng ít quấn quýt lấy mẹ, nhất là cái ổ, cái ổ mà trước kia không lúc nào chúng tôi chịu rời xa. Bây giờ chúng tôi có trở lại cũng không còn thấy cái tổ êm ấm ấy nữa. Mụ vú đã đem nó vứt xuống chuồng lợn để làm phân bón rồi.
          Tình mẹ con phai lạt dần, Đẹn và tôi đã nghiễm nhiên thành đôi bạn nối... đuôi. Thật vậy chúng tôi quý mến, khăng khít với nhau quá. Chỗ nào có Đẹn là có tôi, chỗ nào có tôi, tất không khỏi có Đẹn, xa nhau một phút là một phút buồn tênh, chúng tôi chạy loăng quăng. Chẳng sót xó xỉnh nào là chúng tôi không la cà đến. Có khi rủ rê nhau sang cả hàng xóm hoặc nhởn nhơ ngoài đường.
Nhưng chúng tôi phải cái tật, là bạ cái gì hoặc miếng giẻ rách, hoặc chiếc khăn rơi, chiếc áo bỏ quên trên ngưỡng cửa, chúng tôi bèn tranh cướp nhau, giằng co, lôi kéo, nhai cho đến nhừ tử. Lại còn cái tật rất xấu xa, nói ra mà hổ thẹn: cái tật đái rông, ỉa vãi làm cho mụ vũ phải quét dọn xuống ngày. Lắm lúc mụ phát cáu, xách tai chúng tôi lên. Sẵn chổi cầm tay, mụ phết lấy phết để kỳ cho chúng tôi lịm đi mới chịu quẳng mỗi đứa một chỗ. Thế mà rồi chứng nào vẫn tật ấy, chúng tôi có chừa cho đâu!
           Dù bị roi vọt, bị hành hạ, miễn lúc nào cũng gần gũi nhau là đủ sung sướng rồi. Giá cứ được thế mãi...
Nhưng một buổi sáng, chúng tôi đương nô đùa thỏa thích trên bãi cỏ tươi, thình lình mụ vú chạy đến, xác tai chúng tôi chụm vào nhau như người ta xách những vật vô tri vô giác. Mụ đi thẩng lên nhà trên.
Bà chủ quay lại phía khách nói: “Hai con đây, bác muốn chọn con nào thì chọn. Theo ý tôi thì bác lấy con này hơn - Bà vừa nói vừa túm lấy gáy tôi, nhấc bổng lên trước mặt khách - Con này to mập, lanh lẹn hơn con Đẹn kia nhiều, bác ạ”.
Khách đỡ lấy, ngắm nghía. Tôi không còn cách nào là co bốn vó lại. Biết làm thế nào? Một khi người ta đã túm lấy gáy, thì bao nhiêu da dẻ khắp mình cũng bị kéo lên cả một loạt. Vậy chẳng co cũng chẳng xong. Ngắm nghía chán rồi, khách đặt tôi xuống và nói: “To mập, nhưng phải cái đốm đuôi. Thôi, thím cho tôi con Đẹn kia cũng được. Tôi còn nuôi mãi mãi, chứ thím thì chỉ nuôi lớn để bán cho hàng thịt, cần gì đốm đuôi với chẳng đốm đuôi”.
Bà chủ khẽ thở dài: “Vâng, tùy bác đấy!”.
Thế là khách vớ lấy chú Đẹn, và đứng dậy, thoái thác: “Xin lỗi thím, ngồi lâu rồi tôi phải về kẻo cháu nó quấy”. Ra đến cổng, khách còn ngoái cổ lại, nói: “À này, thím ạ... Hay là chặt quách cái đuôi nó đi làm con chó cộc. Ừ phải đấy, thím ạ!”.
Bà chủ đứng trên thềm, không trả lời, nhưng mặt có vẻ suy nghĩ.
Tôi lủi thủi xuống ngồi lì ở một góc bếp. Mẹ tôi lại liếm láp lên những mảng lông. Tôi đương buồn, có để ý đâu đến những sự âu yếm của mẹ.
Thấy tôi chẳng vồn vã, mẹ tôi lảng đi để mặc tôi đau khổ. Dù sao, cái tuổi của tôi vẫn là cái tuổi nghịch ngợm và chóng quên. Chẳng bao lâu tôi lại hồn nhiên, vui vẻ như thường. Không còn bạn, tôi trở lại quấn quýt lấy mẹ và có khi cả với cậu bé mà trước kia tôi nơm nớp sợ. Hình như cậu cũng không ghét tôi. Có lúc cậu ôm tôi vào lòng vuốt ve tôi, cầm hai chân trước nâng lên để dạy tôi đi bằng hai chân sau.
Suốt ngày ấy sang ngày khác, tôi chỉ nghĩ đến ăn với chơi, có ngờ đâu bà chủ tôi vẫn luôn băn khoăn về cái đuôi đốm. Một lần, tôi đương giỡn với cái đuôi của mẹ thì bà cũng chợt nhớ đến cái đuôi của tôi. Bà cất tiếng gọi: “Vú ơi!”. Vú già vừa thổi xong niêu cơm, chạy vội lên thưa:
- Dạ, bà gọi gì con?
- Này vú ạ, bác Điện, bác ấy nói thế mà phải. Chặt quách cái đuôi nó đi làm con cộc lại hóa hay cơ đấy! Nói rồi bà làm thật. Bà vớ lấy tôi và nói tiếp: “Vú xuống cầm cái thớt và con dao phay lên đây. Bảo cả thằng Mịch nữa”. Mịch là đứa chăn trâu. Ít khi tôi gặp vì luôn luôn nó ở ngoài đồng.
Bà chủ lấy hai tay đè tôi xuống, thằng Mịch cầm đuôi kéo thẳng trên mặt thớt. Nó vừa cười vừa nói mỉa: “Thôi, từ giờ trở đi thì cu cậu mất ngoe nguẩy. Hì, sắp sửa lãnh cái chức “Chú cộc” rồi, sướng nhỉ!”.
- Còn con dao, để con mài cho sắc thì chặt nó mới bén. - Vừa nói mụ vừa liếc đi, liếc lại lưỡi dao xoèn xoẹt trên thành vại.
Trời ơi! Tả sao xiết cái cảm giác rùng rợn của tôi trong lúc chờ đợi.
Mụ cầm dao sắp sửa hạ thì cậu bé cũng ở đâu chạy đến. Cậu ôm chầm lấy tôi, vừa khóc vừa nói: “Không , không, chó của tôi đấy. Thầy tôi bảo thầy tôi cho tôi rồi cơ mà!”
- Ừ, thì của mày. Nhưng để tao chặt đuôi đi nó đi làm con cộc càng đẹp chứ sao!
- Không, tôi không thích chó cụt đuôi. Rồi cậu ôm tôi chạy tuốt lên nhà.
Vú già nói đến vào: “Cứ chặt đi bà ạ. Để rồi có thức gì nó ăn vụng hết mất!”
Bà chủ nghe lời vú, theo vội lên. Cậu bé đứng nép vào ông chủ đương ngồi xem sách, và nằn nì, hai tay vẫn ôm ghì lấy tôi: “Thầy bảo thầy cho con rồi phải không, thầy?”.
- Ừ, sao?
Bà chủ đã tới gần:
- Thằng bé ương ngạnh quá. Mình bảo hộ tôi tí, chứ ai lại nuôi chó đốm đuôi bao giờ, người ta quở chết!
Cậu bé nằng nặc theo ý cậu: “Không, không, con không thích chó cụt đuôi đâu, cụt đuôi xấu lắm cơ”.
Ông chủ chiều con, ngoảnh ra nói với bà chủ:
- Thôi mình ạ, đừng chặt đuôi nó, tội nghiệp. Hẵn cứ để thí nghiệm xem sao? Đã chắc đâu rằng: đốm đuôi hay ăn vụng.
Bà chủ bĩu môi:
- Không chắc mà lại có câu ví. Ông nghĩ nuông con làm hỏng cả việc. Bà bực bội trở xuống bếp và nói tiếp: “Được rồi, sau này ông đừng có trách”.
Thế rồi tôi thoát nạn. Và từ đấy tôi trở nên người bạn thân của cậu. Cậu trở nên người bạn thân của tôi thì đúng hơn. Ngày hai buổi, tôi nằm ở cổng đợi cậu đi học về. Tôi quấn quýt chung quanh cậu, cái đuôi đốm của tôi ngoe nguẩy quay tít như chong chóng. Tôi rú, tôi hít, tôi liếm chân, liếm tay, tôi khẽ ngoạm lấy gấu quần, tôi lôi, tôi kéo, tôi làm đủ cách, đủ trò để tỏ rằng: tôi yêu cậu hết sức.
Lần nào cậu khoan khoái vì được thầy khen hay được nhiều điểm thì cậu trả lời tôi ngay. Cậu vội quẳng sách vào một chỗ. Chúng tôi đuổi nhau khắp sân. Được vài vòng, cậu mệt, ngồi thở hổn hển. Tôi còn dai sức chạy đi chạy lại trước mặt để khiêu khích. Sẵn có sáng kiến, cậu bèn đổi sang trò khác. Cậu lấy một vật tròn trặn, buộc vào sợi dây, nhấc lên thả xuống, nhử tôi như người nhử cá. Chắc là món quà gì đây. Tôi hết sức chồm lên để cướp lấy. Cậu rất nhanh nhẹn làm tôi vồ hụt luôn. Lại đến lượt tôi ngồi thở. Cậu đắc chí cười ha hả. Một lát sau cậu trở lại trò cũ. Lần này tôi ngồi yên, chăm chú rình miếng mồi nhẩy lên nhẩy xuống trước mắt. Thình lình, trong lúc bất ngờ tôi chộp ngay được và chạy biến ra vườn sau... Cậu tệ thật, đánh lừa mình. Nó chỉ là hòn đất gói trong mảnh giấy.
Nhưng lần nào cậu đương bực điều gì thì cậu trả lời sự âu yếm của tôi bằng cái đá nên thân. Thật, quả banh bắn lên thế nào thì tôi cũng bắn lên thế vậy. Tôi đau điếng người đi. Song chỉ một lát hết đau, tôi lại hết giận cậu. Tôi vẫn không quên cái ngày cậu cứu tôi thoát nạn.
Một lần, cậu tinh nghịch quá. Hình như bao nhiêu sự quái ác lại nổi lên trong con người cậu. Cậu kiếm đâu được chiếc lá khoai bịt chặt lấy đầu tôi và buộc rất kỹ lưỡng. Tôi bỗng thấy tối sầm. Tôi cố lắc mạnh, tiến lên, lùi xuống hết đập đầu vào cột, lại thích mông vào ngưỡng cửa. Tôi lăn lộn, giơ bốn vó lên, cào cấu bâng quơ, mãi mãi mãi rồi chiếc lá mới chịu buông tôi ra ngoài ánh sáng. Cậu đương loay hoay nghĩ sang trò khác thú vị hơn, không may cho tôi chút nào, cái thúng không của mụ vú đi chợ về, dựa ngay vào chiếc cột gần đấy. Cái thúng ác nghiệt, đã giúp cậu thêm sáng kiến. Cậu liền, một tay xách tai tôi, chạy ra giữa sân, dè tôi xuống và úp chụp lấy tôi. Thật tôi nhân trong “xà lim” không khổ bằng. Tôi cố lấy mõm thúc, mỗi lần thúc cái thúng quái gở lại dịch đi một ít. Cậu sung sướng, reo: “Các người ơi! Ra mà xem cái thúng nó đi!”. Mọi người xúm lại, cười la ầm ĩ. Tức quá tôi ngồi kêu.
Tiếng kêu vang trong lòng thúng, đập vào hai tai, càng làm tôi thêm khó chịu. Không thể cứ ngồi kêu mãi như thế. Tối quá và ngạt thở quá! Đành lại phải thúc. Nhưng thúc cái thúng khốn nạn càng dịch đi, và tiếng cười, tiếng la, càng thêm náo nhiệt. May sao, chủ tôi xem sách, vội ra và lật ngửa thúng lên. Tôi chạy vụt xuống bếp, tai còn nghe thấy ông trách cậu bé: “Mày chơi ác vừa chứ!”. Các trò ấy tuy vậy, chỉ làm tôi khó chịu. Lại một lần nữa, lần này cậu mới thật tai ác. Cậu vớ được cái xoong thủng trôn, buộc vào đuôi tôi rồi cầm roi vụt, bắt tôi chạy vòng quanh sân. Khốn nạn! Cậu vụt đau quá, tôi phải cố hết sức lôi đi mặc dầu cái đuôi của tôi hết sức kéo lại để làm giãn cả một loạt xương sống, xương sườn. Cậu chưa thỏa, hãy còn thấy chậm, và chiếc roi vụt xuống càng mạnh thêm. Chỉ còn cách liều. Tôi chồm lên, cái xoong cũng nẩy lên vật xuống kêu loong coong inh nhà... Đương gặp đà thì bỗng mép xoong vướng phải viên gạch lớn. Cái đuôi của tôi bị giật mạnh, đứt hẳn đầu và kèm thêm một chùm lông. Tôi kêu ăng ẳng mấy tiếng rồi chạy ẩn vào một góc bếp. Đầu đuôi rơm rớm máu, rát như phải bỏng. Nỗi uất ức đã lên tới cực điểm, tôi tìm cách trả thù. Không may lúc ấy chiếc mũ trắng của cậu lại ở ngay dưới chân bàn. Thừa dịp không có ai, tôi liền cắn lấy vành mũ, vừa kéo vừa lùi, kiên nhẫn như con kiến tha mồi, lâu lâu, mãi mãi, rồi sau cùng đến một cái rãnh bùn. Tôi lấy mõm đẩy mạnh cái mũ vô tội xuống. Giá làm xong công việc trả thù, tôi chạy biến đi nơi khác thì đã chả nên chuyện. Ai dám ngờ rằng một con chó bọ lại có thể vác được cái mũ ra mãi tận rãnh. Đằng này tôi lại còn tò mò, muốn kéo nó lên để đùa nghịch với nó nữa cơ!
Giờ học đã đến. Cậu cuống cuồng về cái mũ, chạy lên nhà trên, chạy xuống nhà dưới, vào cả bếp, ra cả vườn, rồi bỗng thấy tôi đương loay hoay trên bờ rãnh. Cậu hớt hải chạy lại chiếc mũ đang bị nhào lộn dưới bùn. Cậu mím môi, trợn mắt, đá vào bụng tôi đánh ức một cái. Tôi lịm người đi. Chưa kịp chạy trốn, cậu đã túm lấy gáy và cùng với cái mũ lấm lem lấm lể, cậu giơ lên cho mọi người xem.
Vú già đương giặt áo ở cạnh bể, cười nói: “Chú cứ trói ghì nó vào cột, đánh cho nó một trân nhừ tử”. Cả nhà hùa theo: “Phải đấy, cứ đánh cho chết đi!”. Thế là tôi bị ghì vào chiếc cột và không biết bao nhiêu ngọn roi vào mình mẩy đầu óc. Tôi đương quằn quại thì một ý nghĩ tàn ác bỗng nảy trong óc cậu và bật ra lời nói:
- Được rồi! Ông cũng cho mày xuống rãnh.
Sẵn cái dây tròng cổ, cậu lôi tôi đi như lôi con chuột chết, vì lúc ấy tôi cũng chẳng khác cái thây chết vậy. Cậu chọn chỗ rãnh sâu ngập bùn và quẳng tôi xuống đấy.
Tôi đã đau nhừ, mệt lử mà cũng phải dùng hết toàn lực để cố ngoi ngóp lên. Khắp người tôi đầy bùn đến nỗi không còn thành hình con vật nữa. Không một tiếng kêu, không một ý nghĩ oán giận tôi chỉ nằm rên rỉ trên bờ rãnh.
                                  
***

Khốn khổ, sao mà ngứa ngáy thế này? Gãi chỗ nọ chưa xong, chỗ kia đã lại ngứa ran. Hai chân sau mỏi rời, cái đầu cũng mỏi nốt. Thôi thì bậy, chỗ nào cọ xát được là tôi cọ, tôi xát. Mà, ồ quái lạ! Những chỗ sất sát thành những vết đỏ hỏn và rỉ nước vàng trông ghê tởm quá. Chết thật! Cứ thế này mãi thì nguy mất! Bốn năm hôm liền ngoài những bữa ăn, tôi chỉ luôn luôn bận rộn với cái ngứa, chẳng còn làm được trò trống gì.
Một hôm, tôi đương hết sức cọ xát vào cột hiên. Cậu ở đâu đi lại, hết lên: “Mẹ ơi mẹ, con chó của con ghẻ to rồi. Trông nó gớm khiếp! Hay con mang nó đi tắm nhé, mẹ nhé!”.
Bà chủ ở trên nhà nói vọng xuống: “Mẹ cũng chẳng để ý đến nữa. Chỉ tại mày cứ giày vò, mân mê nó luôn đấy mà! Ừ, con muốn tắm cho nó thì tắm”.
Cậu bé, một tay xách tai tôi, một tay cầm tấm xà phòng đi ra ao.
Bà chủ đứng trên thềm, nói: “Này, ao sâu và cầu trơn lắm đấy, cẩn thận nhé, con ạ”.
Tôi giãy giụa, sợ quá quên cả ngứa. Nhưng càng giãy, cái tai càng căng thẳng như có người kéo xuống, rát như xé thịt...
Cậu dìm tôi xuống nước cho ướt lông, rồi đặt tôi nằm sấp trên tấm ván. Cậu xát một lượt xà phòng và kỳ cọ. Xà phòng sùi bọt trắng xóa trên khắp mình. Đôi mắt cay như bị xát ớt, hai lỗ mũi nổi bong bóng, mồm đắng như bồ hòn.
Kỳ cọ chán chê, cậu lại dìm tôi xuống nước làm tôi uống mất vài ngụm. Cậu lại xách tai tôi về, để tôi ngồi chồm chỗm ở giữa sân. Tôi rét run cầm cập. Những giọt nước đọng trên lông rỏ xuống thành vũng. Tôi đứng dậy, lắc đầu, rùng mình mấy cái. Nước bắn cả vào quần áo cậu. Có lẽ vì thương hại tôi, cậu không nỡ đánh đập.
Tôi ngồi sưởi nắng và thấy dễ chịu. Buổi chiều tôi cũng đương cọ xát thì cậu ở trường về. Một lát cậu đi đến chỗ tôi. Chừng cậu lại đem tôi đi tắm? Cậu nắm gáy, lôi tôi ra sân. Với miếng giẻ ướt cầm tay, cậu sát vào các chỗ đau. Ôi trời ơi! Lần này mới thật là xót, xót tê, xót tái, xót mê mẩn cả người và nóng nữa, nóng như thiêu như đốt. Tôi vùng dậy, chạy bán sống, bán chết. Tôi ngoái cổ thè lưỡi liếm vào chỗ đau. Đầu lưỡi liền bị tê buốt. Hơi ở người bốc ra hăng sè sè. Quái ác! Chẳng biết cậu dùng cái thứ nước gì mà ghê gớm thế!... Nhưng rồi sau cơn nóng xót dịu dần. Tôi đã ngồi yên được và nhận thấy các vết ghẻ khô đi, se lại. Cái ngứa cũng giảm đi nhiều.
Bốn năm hôm liền, cứ trưa tắm, chiều hôi. Tắm thì tôi chẳng ngại. Tôi đã quen với nước, với xà phòng. Nhất là tôi lại biết bơi nữa. Ấy cũng vì một hôm, kỳ cọ xong, cậu ném tôi ra tận giữa ao. Tôi bị chìm lỉm, cố hết sức mới ngóc được mõm lên. Hai chân trước cào cào như khi tôi nghịch bới đất, hai chân sau đạp liều đạp lĩnh. Cậu đứng trên bờ nhìn tôi vật lộn với làn nước. Nét mặt cậu có vẻ lo lắng và hối hận. Tôi vào được bờ nhưng sức đã gần kiệt. Thấy không nguy hiểm, hôm sau, hôm sau nữa, rồi cứ thỉnh thoảng cậu lại quẳng tôi xuống ao để nhìn tôi bơi lội.
Bị xách tai? Tôi cũng chẳng sợ. Tôi đã có cách, nghiệm thấy càng giãy càng đau thêm, một lần tôi thử cố co cả bốn vó lần đuôi lên thấy nhẹ hẳn người. Từ đấy, cậu động xách tai là tôi cứ việc co bốn vó. Tôi chỉ còn nơm nớp sợ buổi chiều, sợ cái nước ghê gớm của cậu. Biết trước giờ cậu về, tôi đã tìm ra chỗ ẩn rất kín mà cậu vẫn khám phá ra được...
Tôi vừa lành mạnh thì lại đền lượt cậu ghẻ. Vú già cho là cậu bị lây tôi. Bà chủ, mẹ cậu, bắt mụ lột truồng cậu ra, rồi mỗi người cầm một tay, họ cọ xát lên những mụn lở bằng những lá mơ mết. Cậu đau quá, kêu khóc ầm ĩ. Tôi sung sướng, vừa chạy nhảy vừa cắn chung quanh. Mẹ cậu nhìn tôi cười: “Nó đến bênh chủ nó đấy vú ạ”.
- Để con té cho nó chạy.
Nói đoạn mụ té tôi ướt sạch từ đầu chí đuôi.
Những sợi lông tơ đã lần lượt phủ kín những làn da mỏng bị phô ra vì ghẻ. Rồi vài tháng sau, bao nhiêu lông cũ đều được thay thế bằng một loại lông mới ống mượt. Những nét đen sẫm, đen nhạt xuất hiên rõ rệt trên nền vàng ối. Cái đuôi bị đứt đầu vì cái xoong, đã mất hẳn đốm và cong vọt lên chiếc vòi đàn. Những vằn đen ngang dọc trên vầng trán lốm đốm trắng làm cho nét mặt tôi dữ tợn như con hổ. Vì thế mà ông chủ đã định đổi cái tên vện xấu xí của tôi sang tên cọp, con cọp. Nhưng bà chủ quá kiêng, nhất định không cho đổi.
Tôi đã thành con chó lở, đi đứng nghiêm trang. Bộ óc non nớt của tôi đã rạng dần. Tôi đã hiểu nhiều hơn trước. Một cớ rõ rệt là tôi không hề đái rông, ỉa vãi, nhai bậy, nhất là không bao giờ cắn nhảm. Tôi nhớ thời còn chú Đẹn, chúng tôi dại dột ngờ nghệch quá. Bạ cái gì, con cóc, con nhái nhảy dưới chân tường, chúng tôi cũng chõ mõm vào cắn, đàn gà qua sân, đàn bướm bay lượn, chùm hoa rung rinh, chiếc lá rơi rụng, chúng tôi cũng chõ mõm ra cắn. Chúng tôi cắn chỉ để cắn, không cắn không sao chịu được.
Một buổi tối, chúng tôi ngồi trên thềm nhìn ra xa. Bỗng một quái vật, tròn như cái mâm, đỏ lòm, từ phía chân trời hiện lên. Chúng tôi thi nhau chõ mõm lên cắn vang cả xóm. Ông chủ khó chịu vì những tiếng ăng ẳng inh tai nhức óc, cầm roi đuổi chúng tôi ra tận ngõ xóm. Nhưng một lát sau, chúng tôi đã lại đến chỗ cũ và cắn to hơn trước. Đến nỗi ông phải quát: “Tống cổ lũ chó bọ này đi thôi. Qúa lắm! Không thể nào chịu được!”.
Bây giờ tôi đã hiểu. Con quái vật ấy chỉ là ông trăng. Và mỗi lần ông hiện lên thì bao nhiêu cảnh vật chìm đắm trong bóng tối liền hiện ra sáng rực.
        Bây giờ tôi đã hiểu kẻ nào đáng cắn, kẻ nào nên vồ vập và kẻ nào nên lánh xa. Càng biết suy xét tôi lại càng ghét bọn ăn xin thậm tệ. Mẹ tôi cũng vậy. Mỗi khi bọn ấy đến cổng là chúng tôi sồ ra cắn. Nhưng họ có những cái gậy khá chắc để hộ thân. Một lần mẹ tôi táo bạo, định xông vào đớp chân họ, bị ngay đầu đập mạnh vào mồm. Từ đấy chúng tôi chỉ dám cắn chung quanh và lúc nào cũng phải để ý đến chiếc gậy ghê gớm ấy.
Tức nhất là lúc mụ vú cầm bát cơm đầy có ngọn, chia sẻ vào những cái bị của họ. Chúng tôi lăn xả vào, mẹ tôi ngoạm lấy đầu gậy, nhưng rút cục cũng chẳng làm gì được họ. Cái gậy đáng ghét ấy cứ luôn luôn lia đi lia lại trước mặt hoặc sau lưng khi học xách bị cơm ra khỏi cổng.
Rồi chúng tôi ghét đến những anh gian tà trộm vặt mà chỉ riêng chúng tôi biết. Mẹ tôi có một môn cắn rất lợi hại. Người ta gọi là cắn trộm. Mẹ tôi đi lừ lừ... lừa lúc họ không để ý, đợp một cái rồi chạy biến mất. Cái đợp nhanh như chớp ấy, chẳng đúng bắp chân thì cũng đúng gót, ít khi sai.
Cả nhà đều biết, nên mỗi khi khách đến, họ thường nhắc nhở khách để đề phòng. Họ rất ghét cái thói cắn trộm. Thấy thế, tôi cũng chẳng học làm gì.
Cậu bé không còn bé bỏng nữa. Cậu đã bỏ cái trò nghịch ngợm trẻ con khi trước. Cậu rủ tôi đi chơi xa. Rời khỏi nhà, tôi bắt đầu hiểu rằng: Không phải chỉ vài ba con chó ở chung quanh hàng xóm mà còn nhan nhản những chó khác. Lắm con mập mạp, khỏe mạnh, đẹp đẽ hơn tôi nhiều. Chúng tôi nhởn nhơ, lúc cậu đi trước, lúc cậu theo sau, lúc đi song đôi như đôi bạn.
Gặp cái ao hay cái hồ rộng, cậu cầm thanh tre ném xuống. Tức thì tôi nhẩy òa, nhẹ nhàng bơi trên làn sóng. Tôi ngoạm lấy thanh tre bơi vào để đưa trả cậu. Lũ trẻ chạy xúm lại khoe tôi tài quá. Cậu được thể nói khoác: “Nếu có thằng bé ngã xuống đầm, nó cũng vớt lên được cơ”. Lũ trẻ trợn mắt, há hốc mồm ra vẻ ngạc nhiên làm tôi sướng phổng mũi.
Gặp bụi rặm, cậu cầm hòn đất ném vào. Tôi nhảy theo và sục sạo. Lắm khi anh chuột, trong lúc bất ngờ, bị tôi vồ được.
        Có lần cậu cầm súng “cao su” cậu đi trước, tôi theo sau. Cậu nghiêng bên nọ, ngoảnh bên kia, trông có vẻ thạo nghề lắm. Cậu vuốt ve tôi và dặn: “Hễ tao bắn rơi con nào thì mày phải vồ ngay lấy nhé. Vồ thật nhanh cơ, như mày vồ chuột ấy”. Tôi ve vẩy đuổi để trả lời cậu. Chúng tôi rủ nhau vào những khóm tre rậm rạp. Nhiều chim quá. Cậu bắn liên tiếp... Nhưng đều sai cả, nên tôi chả vồ được mống nào. Tuy vậy chúng tôi trở về, anh nào anh nấy rất rất khoan khoái vì đã làm xong một công việc bổ ích.
Những hôm chủ nhật, thứ năm, cậu được nghỉ, chúng tôi đi lang thang suốt ngày. Vì thế mà trong khắp làng, khắp xóm, chẳng xó nào là tôi không biết, cũng vì thế mà tôi quen được nhiều chó và tôi thú thực rằng: Lắm anh còn khôn ngoan, tài giỏi, quỷ quyệt bằng vạn tôi.
Tôi nhớ một lần cậu ném thanh tre xuống một cái hồ thật rộng. Tôi vừa nhảy xuống thì một anh chó khác cũng nhảy theo, bởi lên trước ngoạm lấy thanh tre, bơi về rồi chạy biến mất. Cậu nhìn ngơ ngác. Tôi vác mõm không vào bờ. Lần ấy tôi vừa bực mình vừa xấu hổ. Nhất lại có một vài đứa trẻ và một anh chó nữa đứng đấy.

***

Mấy hôm nay khí hậu đổi khác, ấm áp chứ không rét mướt, ẩm thấp như xưa. Da trời một màu trắng sữa. Những giọt mưa lâm râm rủ xuống như màn sương thưa mỏng. Rặng bưởi trồng quanh nhà trở nên xanh tốt. Từng chùm hoa như bột nặn, nở dưới khe lá, hương thơm ngào ngạt. Trên những đóa hồng đỏ thắm, mượt như nhung, hoặc phơn phớt vàng như màu lụa bạch, hàng đàn bướm sặc sỡ bay lượn nhởn nhơ. Trên bãi cỏ trước nhà, bãi cỏ mà những ngày tạnh ráo chúng tôi thường rủ nhau nô đùa lăn lộn, những vầng cỏ úa đã biến đâu mất. Bây giờ chỉ thấy một màu xanh mát rượi. Những con chim im hơi lặng tiếng đã lâu, nay cũng thi nhau ca hát vang lừng.
Mẹ tôi cũng đổi khác. Hàng vú xệ đã thu gọn thành những núm hồng ẩn dưới làn lông tơ trắng. Hai hàng xương sườn đã biến vào trong lần thịt. Bộ lông xơ xác đã trở lại óng mượt và làm tươi hẳn màu vàng nhạt lên. Dáng đi cũng không còn nặng nề, chậm chạp. Mẹ tôi đã hoàn toàn đổi lốt nái xề để trở nên một ả đỏm dáng.
Tâm tính mẹ tôi lại càng đổi khác hơn. Không những không vồn vã, mẹ tôi còn hất hủi mỗi khi tôi tỏ vẻ âu yếm. Cặp mắt có lúc long lanh, cái mõm đen ướt phập phồng, cái đuôi cong tớn. Mẹ tôi đi đi lại lại bồn chồn. Có lúc ngồi thừ ra, mắt nhìn đâu đâu như đương mãi nghĩ sự gì. Tôi đã cố tìm hiểu mà không sao hiểu được. Một hôm, hôm ấy trời tạnh ráo, mẹ tôi nằm mơ mộng trên đám cỏ xanh tươi. Tôi, lòng bỗng thấy khoan khoái, nhẩy nhót chung quanh. Một anh chó vàng béo mập ở đâu đến. Gần chỗ mẹ tôi anh dừng lại. Hai bên nhìn nhau. Anh chó vàng đi đến dẫy tường hoa, dạng cẳng ra đái. Mẹ tôi đến đấy ngửi rồi cũng làm theo. Thế là hai anh chị lại ngồi sát cạnh nhau, liếm mõm nhau, nhấm rận nhau. Rồi họ đùa giỡn, vật lộn như lũ chó con vậy. Chán rồi họ rủ nhau đi. Tôi lẽo đẽo theo sau, nhưng ra đến cổng, thấy họ mải quyến luyến, chẳng để ý gì đến mình, tôi quay gót trở vào.
Ông chủ bà chủ đi vắng. Cậu bé đi học. Mụ vú bận làm cơm dưới bếp. Nhà trên nhà dưới vắng tanh. Đương lúc bồng bột, tôi bèn trở lại tính xưa. Không còn ai để nghịch ngợm, tôi lảng ra vườn sau nghịch với lũ gà vịt. Tôi nghịch đuổi hết con nọ đến con kia chạy toán loạn. Lũ vịt chạy lạch bạch trông đến buồn cười. Tôi ngoạm đuôi một chú, kéo lùi lại, làm chú hoảng sợ kêu cạc cạc ầm ĩ. Được thể tôi quay lại, đuổi đến gà mẹ đương bới đống rác tìm kiếm sâu bọ cho đàn con. Tôi rất ngạc nhiên, gà mẹ không chạy mà còn xù lông xoè cánh, dương mỏ ra mổ. Hắn cứ tiến bừa. Tôi hốt hoảng bỏ chạy, chẳng may lại đâm choàng vào lũ ngan, ngỗng. Chúng dữ tợn quá. Nhất là lũ ngan, mặt chúng xù xì và đỏ hỏn trông rất ghê sợ. Nhưng mà chúng vác cái mình đã nặng còn đuổi thế nào được tôi. Bỗng có tiếng gáy vang. Tôi ngửng lên nhìn. Một anh gà trống lẫm liệt, oai phong như một vị tướng chỉ huy, đậu trên nóc chuồng. Anh ưỡn ngực, giương mào, cong đuôi lên gáy một hồi dài như điệu kèn thắng trận. Tôi xấu hổ, lủi mất.
Nghĩ chẳng còn gì để tiêu khiển, tôi vớ ngay được cái xương ống lợn, phơi đi phơi lại ngoài mưa nắng, đã nhợt nhạt và khô đét. Ngày thường tôi vẫn nhìn thấy, nhưng hôm nay, dù biết chẳng mùi mẽ gì, tôi cũng vác vào khe cổng gặm chơi cho đỡ buồn.
Mãi sâm sẩm tối mới thấy mẹ tôi về. Tôi chạy lại tỏ vẻ âu yếm. Mẹ tôi ve vẩy đuôi, liếm láp qua loa lên mõm tôi rồi lững thững đến nằm trên bãi cỏ. Tôi lại gần, mẹ tôi nhe răng ra gừ. Biết rằng không phải lúc, tôi lảng đi.
Một lát đã thấy anh chàng ban nãy lảng vảng tới. Mẹ tôi chạy vội ra. Anh chị lại cùng nhau biến vào bóng tối.
Rồi hôm nào cũng vậy, có chị là có anh. Họ quyến luyến nhau dữ quá.
Một hôm, hai anh chị đương ngồi nhấm rận cho nhau thì một anh trắng lững thững đi lại. Vàng, Trắng hai bên cùng nhe răng ra gừ. Anh Trắng lượn đi, anh Vàng lượn lại, bốn mắt long lên nhìn sói vào nhau, giữ miếng. Tiếng gừ mỗi lúc một tăng. Trông họ dữ tợn ghê gớm... Bỗng hai anh nhảy xổ vào nhau, cùng chồm lên, hai chân trước anh nọ bá chặt lấy hai vai anh kia. Hai cái đầu lắc lư. Những chiếc răng nanh nhọn hoắt chỉ chực hở cơ là ngoạm. Bỗng Vàng kêu ẳng một tiếng. Trắng đã ngoạm được vai. Vàng hăng máu, ẩy mạnh. Trắng ngã ngửa, mồm Trắng còn ngậm một chùm lông. Hai bên vật lộn, lúc anh này đè lên, lúc anh kia dằn xuống. Cuộc ẩu đả chưa phân thắng phụ Vàng xem chừng đã mệt nhoài. Trắng còn dai sức, thừa thế cắn bừa. Vàng mỏi quá, ngả đầu xuống để phô cổ họng. Trắng sắp sửa ngoạm thì mẹ tôi chạy xổ đến cắn vào đùi Trắng. Tôi bắt chước chạy lại cắn hôi. Trắng bị ba đánh một, đau quá, buông Vàng ra và đi thất thểu bằng ba chân, vì một cẳng bị thương khá nặng, không duỗi ra được. Vàng gần kiệt sức, nằm sóng soài ra thở. Mẹ tôi liếm đi liếm lại vết thương đỏ hỏn ở vai... Vàng đã ngồi dậy được. Anh chị liếm láp, nhấm rận cho nhau hồi lâu, rồi rủ nhau đi biệt để mặc tôi đứng nghĩ ngợi một mình. Tôi đã từng thấy nhiều bọn chó lớn vật lộn, nhưng chưa bao giờ phũ phàng ghê gớm đến thế. Thật là một cuộc ẩu đả nhau chí tử.
Đương băn khoăn thì cậu bé ở đâu đến. Chúng tôi lại rủ nhau đi lang thang. Lúc trở về, tôi ngạc nhiên thấy ngồi cạnh mẹ tôi một anh chó đen tuyền. Đen trông có vẻ bệ vệ và lực lưỡng. Bộ ngực nở, bốn chân chắc nịch, cặp mắt sáng ngời, hai tai dựng đứng. Thật là một chàng lực sĩ hiếm có.
Dù nghèo tưởng tượng, thiếu xét đoán, tôi cũng phác ra được lúc khởi đầu. Chắc thế này: anh Vàng đương ve vãn thì chàng Đen đến. Hai anh cùng nhe răng ra gừ. Thấy đen to lớn lực lưỡng quá, biết không thể đọ sức, Vàng ta gừ thêm mấy tiếng lấy lệ rồi lảng dần, rồi cút thẳng, chắc là thế...
Cuộc tình duyên này hẳn lâu dài mãi mãi... Nhưng không. Vài hôm sau đã thấy mẹ tôi quấn quýt với anh khác. Rồi cứ hết anh này lại anh khác nữa, có lần mẹ tôi quyến luyến cả với anh Trắng, cái anh chàng bại trận một cách đau đớn lúc khởi đầu.
Mùa xuân ấm áp đã chuyển sang mùa nóng nực. Mẹ tôi lại đổi khác lần nữa, cái bụng thon thon to dần. Mẹ tôi chẳng những không quyến luyến với anh nào mà còn tìm cách lảng xa họ. Vì thế mà bãi cỏ trước kia đông đúc, náo nhiệt, nay đã trở nên vắng ngắt. Hoạ hoằn mới có một vài anh chó lỡ đến nô đùa với tôi. Mẹ tôi mỗi ngày một nặng nề, nhọc mệt chỉ ngồi xem chúng tôi chạy nhảy, vật lộn nhau. Mỗi khi có sự cãi cọ, cắn cấu, sự ấy xảy ra luôn, thì mẹ tôi đớp con này một miếng, đớp con kia một miếng để dàn hoà.
Thấm thoắt đã đến ngày mẹ tôi nằm ổ, chiếc ổ cũng thu gọn ở ngay góc chuồng trâu, tối tăm và hôi hám.
Một lần tôi đi qua thấy có tiếng oe oé ở trong. Tôi tò mò, nghé mõm vào. Thình lình mẹ tôi xồ ra, cắn ngay vào vai, đau điếng người. Từ đấy tôi không dám bén mảng đến nữa.
Mấy tháng sau, lũ chó con rời khỏi ổ, chạy lăng xăng. Con nào con nấy mũm mĩm. Chắc ngày xưa tôi cũng vậy. Mỗi con một sắc lông: con trắng, con đen, con vàng, con khoang loang lổ. Có con cũng màu xám khói, vện như tôi. Chúng chạy đến chỗ tôi, nô đùa như lũ trẻ nghịch ngợm. Con bá lấy mõm, con nhẩy lên lưng, con ngoạm đuôi kéo. Mẹ chúng nằm trong ổ nhìn ra, thành thử lắm lúc tôi rất khó chịu mà không dám đâm khùng, hoặc cắn một con nào để trừng phạt. Nhưng rồi không bao lâu lũ chó con khốn nạn ấy cũng chịu cùng một số phận như anh em tôi khi trước, rời khỏi mẹ để tản mát đi nơi khác, khiến mẹ tôi lủi thủi, rầu rĩ một thời gian...

***

..............................................................................................................................
***

       Người ta vừa mang cho ông chủ, bà chủ tôi một con mèo. Con mèo đẹp thật. Hai tai vàng, đuôi vàng, còn toàn thể trắng như bông nõn. Lông nó mềm nhũn, óng mượt. Chỉ nhìn cũng đủ cảm thấy mát rượi. Hai mắt màu xanh lơ lúc nhạt lúc thẵm, lóng lánh như hai hòn ngọc. Cái mõm xinh xinh, mũi nhỏ xíu, hồng hồng, mòng mọng như búp non trông rất ngon lành. Người ta bảo: Nó là chúa mèo. Hai tai với cái đuôi vàng là chìa khoá giữ của, nên ông chủ, bà chủ lại càng quý mến nó lắm.
Vừa nhận được nó, Bà chủ liền đi tìm tôi. Bà hai tay nâng đỡ con mèo yêu quý của bà, dí vào mõm tôi và nói: “Từ nay trở đi nó là người cửa người nhà. Đừng cắn nó nhé, cắn thì bà băm vằm mày ra, bà giết thịt, nghe không?”. Con mèo sợ hãi co rúm lại, tôi ngẩng lên nhìn bà, ve vẩy đuôi để tỏ rằng: Tôi cũng yêu nó như yêu bà, và không bao giờ tôi cắn nó.
Bà chưa dám thả, nhốt nó vào trong chiếc cũi. Nó còn lạ, nằm ép vào một góc và kêu se sẽ.
Tôi thương hại, đi đến chỗ nó, đặt mõm hít hít vào những chiếc thang, tôi ve vẩy đuôi, ngỏ ý muốn làm bạn với nó. Nó hiểu lầm, tưởng tôi đến sinh sự. Cặp mắt hiền từ bỗng long lên, nó thu mình gào mấy tiếng như chúng tôi gừ nhau trước khi ẩu đả. Biết vậy, tôi liền lảng đi và nghĩ bụng: Được rồi, để khi nào quen nhau, tôi sẽ vuốt ve, mơn trớn nó, hết sức chiều chuộng nó. Rồi nó sẽ hiểu rằng: Không một ai thân với nó bằng tôi.
Vài hôm sau, người ta đã thả nó ra khỏi cũi. Nó còn bỡ ngỡ, chỉ luẩn quẩn ở nhà trên. Tôi không dám lại gần, sợ nó lại làm như lần trước thì có hại cho tôi. Tôi nằm nhìn nó một cách hiền từ, mong có ngày tự nó đến làm bạn với tôi.
Ông chủ yêu quý nó quá. Bữa ăn nào ông cũng trộn một đĩa tây cơm với thịt cá, để dưới chân ông. Nó ăn rất nhỏ nhẻ. Nhiều khi còn để lại già nửa. Cố nhiên là tôi được hưởng chỗ thừa thãi ấy...
Ngày tháng qua, con mèo đã bỏ hết tính rụt rè sợ hãi. Nó trở nên tinh quái lạ thường, chẳng sót một chỗ nào là nó không lục lọi. Khúc cá rán, miếng thịt dọi, các thức ăn mất mát luôn. Vú già để đổ riệt cho tôi ăn vụng. Chẳng lần nào là vú không khỏi nói câu: “Lại chỉ con đốm đuôi”, tuy rằng từ ngày bị nạn vì cái xong, đuôi tôi không còn đốm tí nào nữa.
Bà chủ nhất nhất tin lời vú. Vì một lần tôi thấy miếng thịt dọi để trong cái đĩa ở trên bàn. Thèm quá, tôi bèn đưa hai chân trước lên mép bàn, thò mõm vào định kéo miếng thịt xuống. Chẳng may cái đĩa cũng theo luôn, rơi xuống đánh xoảng. Bà chủ ở trên nhà vội chạy xuống và bắt được quả tang.
Con mèo càng ngày càng được chủ yêu. Nó ranh quái lắm. Cứ gần đến bữa ăn là nó quấn quýt lấy chủ. Nó cọ đầu, cọ lưng, cọ đuôi vào chân chủ. Chủ ngồi thì nó lăn vào lòng để chủ vuốt ve. Lúc ấy nó làm ra bộ hiền từ, ngoan ngoãn. No nê rồi, nó đi biệt, chẳng thèm đoái hoài đến chủ nữa.
Chính tôi cũng tưởng nó hiền. Nhưng một hôm, nó đương nằm trên nóc chạm, cặp mắt lim dim, nửa ngủ nửa thức. Thình lình một chú chuột nhắt ở khe cối giã gạo nò ra. Chỉ một cái nhẩy nhanh như chớp, nó đã ngoạm lấy gáy chú chuột. Nó không cắn chết. Nó nhả ra cho chú chuột chạy để nó vồ chơi. Nó tung lên tung xuống, vần đi vần lại, vày vò cho đến khi chú chuột mềm nhũn rồi mới ăn. Trông nó dữ tợn, hung ác quá. Từ đấy tôi bắt đầu ghét nó. Thấy nó đâu là tôi săn, tôi đuổi. Nó cũng biết thế nên động gặp tôi là nó phun phì phì như con rắn rồi cong đuôi cút thẳng.
Từ ngày có nó, ông chủ chẳng cò nghĩ gì đến tôi, đến công cán của tôi nữa. Bữa ăn nào cũng vậy, dưới chân ông, một đĩa đầy cơm trộn với các thức ăn ngon lành để dàng riêng cho nó. Tôi vừa đặt chân qua ngưỡng cửa, ông đã quát: “Vện, xuống bếp!”. Tôi mà chậm một tí là bị đá vào bụng hay mông. Bực thật! Cũng là nô bộc trong nhà mà kẻ khinh người trọng. Nó thì thế mà tôi thì một ít cơm hớt cơm nguội đổ xuống đất.
Ý nghĩ ấy đã đưa tôi đến chỗ tội lỗi. Tôi đã bỏ tính thành thực, thẳng thắn và trở nên quỷ quyệt gian dối và thêm cả thói ăn vụng nữa.
Một hôm, ông chủ bận việc, mãi tối mịt mới ăn cơm. Chiếc đèn dầu đặt ở đầu bàn ăn. Bóng đèn che tối cả một góc. Như mọi bận, tôi cũng lần mò đến, ông chủ cũng lại quát: “Vện! Chạy!”. Tôi giả vờ xuống bếp. Lừa lúc ông đương mải ăn, tôi lẻn vào trong bóng tối luồn xuống dưới gầm bàn, vươn cổ, thò mõm tộp hết đĩa cơm trộn, ngay dưới mắt ngạc nhiên của chú mèo. Chà! Sung sướng quá, nhất món ăn lại là món của chú mèo. Rồi cứ mỗi lần gặp trường hợp như thế, tôi lại ung dung tọa hưởng. Nhưng tôi đã làm cho chú mèo uất ức quá không chịu nổi, bèn giơ chân trước tát vào mõm tôi và phun phì phì, chủ nhìn xuống thì đĩa cơm trộn đã hết quá nửa. Ông cầm gậy đuổi đánh tôi túi bụi. Trận đòn ấy lại càng làm tôi ghét thêm chú mèo một từng nữa.
Một hôm, chú mèo đi rình món ăn. Tôi lẽo đẽo theo tận đằng xa. Trên bàn, một cái mâm đậy lồng bàn cẩn thận. Chú mèo nhảy tót lên, tôi đứng dưới, chú không biết. Một chân chú nhấc mép lồng bàn, một chân chú khều khều. Chiếc tỏi gà rơi xuống đất. Tôi chộp liền và chạy biến mất. Chú ngồi ngây ra nhìn.
           Hôm ấy không một ai đổ cho tôi ăn vụng. Cả đến ông chủ cũng phải công nhận là chú mèo. Sự đã rành rành. Bàn thì cao, mâm lại đậy lồng bàn, dù tôi tài giỏi đến đâu cũng không thể kiễng chân lên mà ẩy ra được. Duy chỉ có chú mèo mới làm nổi việc ấy. Cú kêu ngao ngao. Ý chừng để tỏ mình oan. Nhưng thấy chủ không vồn vã, chú buồn rầu lảng mất.
           Lại một hôm, chú chui vào buồn thóc lùng chuột. Buồn rất kín, chỉ có mỗi lỗ hỏng để ra vào. Tôi liền đứng chực cửa lỗ. Chú động thò đầu ra là tôi chộp. Tôi nằm, đặt mõm qua cửa lỗ để chủ biết lúc nào tôi cũng có đấy. Bữa cơm ông chủ tìm đâu cũng không thấy. Bà chủ nói: “Chừng nó lại lẻn sang nhà hàng xóm ăn vụng no rồi. Chả phải vạ mà để phần nó”.
Càng ngày họ càng ghét tôi hơn, phần lớn cũng chỉ vì con mèo quái ác. Họ đã có ý định bán tôi cho hàng thịt. Ý định ấy một ngày một rõ rệt. Nhất là mụ vú, mụ nhắc nhở đến luôn. Không biết cớ gì mà mụ ghét cay ghét độc tôi đến thế.
Một buổi sáng, tôi nằm trên thềm, đương nghĩ cách chơi cho chú mèo một vố thì ở ngoài cổng đi vào hai anh: Một anh xách cái đòn càn, một anh cầm cái đầu có dây thong lọng. Thoáng tôi đã biết ngay là bọn hàng thịt, vì thuở nhỏ tôi đã từng thấy cảnh thê thảm của những con chó bị mang đi xử tử. Tôi chạy biến ra vườn sau, chui qua hàng rào nhảy tọt xuống cái hố trong bụi rậm.
Mụ vú cùng hai chàng hàng thịt chạy theo. Họ sục sạo khắp vườn. Bỗng một anh kêu rú lên: “Chính nó luồn qua cái lỗ này rồi!”. Họ trở lại, đi lối sau đến bụi rậm, anh kêu ban nãy liền chỉ vào nói: “Các người ạ, nó chỉ ẩn nơi đây thôi”.
- Thì chúng ta cứ đập bừa đi. Có thì tất cu cậu phải chui ra. Chạy đằng trời! Nói đoạn, họ thi nhau đập túi bụi. Tôi nép mình xuống thận đáy hố. Chỉ một vài cái đập nữa là trúng đầu.
- Mãi sâm sẩm tối, tôi mới dám mò về. Từ đây tôi vẫn nơm nớp sợ. Ngoài cổng động có tiếng xì xào là tôi chạy biến mất. Một hôm tôi vừa chui xuống gầm giường chủ, chưa kịp đặt mình nằm, đã thấy họ đến vây tứ phía. Tôi liền chạy thục mạng, nhưng vừa thò đầu ra khỏi ngưỡng cửa thì một sợi dây ác nghiệt quàng luôn vào cổ tôi, kéo giật lại. Họ xúm nhau vào, đè nghiện tôi xuống. Một anh vớ lấy mõm tôi quấn năm bảy vòng bằng sợi lạt. Họ vặn hai chân trước tôi về phía lưng, trói ghì vào cánh khuỷu. Hai chân sau, họ buộc ghì vào với cái đuôi. Họ đặt tôi nằm ngoài hiên, cạnh chiếc đòn càn. Tôi chỉ còn một tia hy vọng vào ông chủ. Ông sẽ nhớ đến con rắn, nhớ đến tên trộm. Ông kia rồi. Tôi đưa cặp mắt van lơn nhìn ông. Ông không để ý, đi lại ngồi đối diện với bà chủ. Ông nói: “Bà bán con Vện đấy à? Nó khôn thế, sao không để mà nuôi?”.
Mụ vú vội chõ mõm: “Thưa ông, khôn gì mà khôn, nó ăn vụng như ranh ấy!”.
Bà chủ nói tiếp: “Vú nói phải đấy. Để có thức gì nó ăn vụng hết. Bán đi thôi, nhà đã có chó khoang. Nó còn nhỏ mà xem ra khôn lắm”.
Ông chủ không cãi, đứng lại lên nhà. Thôi thế là chỉ còn là một cái chết, cái chết thảm khốc.
Lúc họ đương đếm tiền đếm tiền trả bà chủ, mụ vú nhắc: “Các bác nhớ để lại một cái đùi với ít lòng đấy nhé”.
- Sao chúng tôi lại chả nhớ.
Mụ vú mỉm cười khoái lạc, nói khẽ: “Thì tôi cũng nhắc, lỡ các bác quên chăng?”.
- Quên thế nào được!
Hai anh hàng thịt sắp sửa sỏ chiếc đòn vào nách tôi, khiêng lên thì ngoài cổng có một người vận âu phục đi vào. Cậu bé đi theo, chạy lên trước: “Thầy ơi! Chú ba đã về!”.
Ông khách đi lại chỗ tôi và hỏi bà chủ: “Bác bán con chó này đấy à?”. Ông vừa hỏi vừa ngắm nghía tôi.
- Vâng, nó hay ăn vụng, chả bán đi thì để làm gì?
Ông chủ ở nhà trên chạy xuống vồ ập:
- Chú đã về. Thế nào? Đồn điền của chú độ này ra sao? Khá chứ?
- Vâng, cũng khá. Rồi ông chỉ vào tôi: Con chó này quý lắm, bác ạ, hay là bác để cho tôi. Tôi dạo này năng đi săn bán, cần phải có chó tốt. Tôi đã tìm kiếm mãi không được.
- Vâng, chú cần thì để chú dùng.
Vú già vội chõ mõm:
- Thưa ông, bà cháu đã bán cho bác ấy. Giá cả xong xuôi, tiền đã trả rồi. Để ông tìm con khác, thiếu gì chó tốt chứ con này chỉ có mỗi nghề ăn vụng thôi ông ạ!
- Được, họ đã trả tiền rồi thì để tôi trả lại họ. Bao nhiêu hở các bác?
- Bẩm, bốn mươi lăm đồng, chúng cháu phải mất bao nhiêu công phu mới bắt được nó đấy!
- Được rồi, tôi sẽ đền công cho các bác.
Nói đoạn, khách đưa thêm cho mỗi anh hai đồng: “Để các bác uống nước. Các bác bằng lòng vậy nhé”.
- Không dám!
Vừa trả lời, họ vừa ngồi xuống cởi trói cho tôi. Mõm và bốn chân tôi bị ghì chặt quá, hãy còn in vết lạt.
Đau nhừ cả mình mẩy, tôi còn cố sức ve vẩy đuôi, đưa cặp mắt ướt lệ nhìn ông khách. Trời ơi! Nếu ông hiểu được lòng tôi lúc ấy.
Ông ngồi xuống khẽ nắn bóp bốn chân tôi và chỉ dẫn cho chủ tôi biết những bộ phận chứng tỏ tôi là giống chó săn tốt. Ông cầm tai tôi nói:
- Bác trông hai tai nó to, dài, nhọn và dựng đứng, luôn luôn cử động. Vì thế mà tôi chắc nó nghe rất thính. Cái mõm đen nhánh và lúc nào cũng ướt, đôi mắt nhanh, chân cao, mình dài, thật là giống chó săn tốt.
Tôi đã đỡ mệt, bốn chân hết tê buốt tuy còn mỏi rần. Tôi cố đứng dậy đi khập khiễng theo chủ, khách lên nhà trên. Tôi nằm ngay cạnh chủ mới để tỏ sự quyến luyến đối với ông.
Chuyện trò, cơm nước xong xuôi, khách đứng dậy cáo thoái. Không có vòng da, khách làm theo lối nhà quê, lấy dây thừng buộc lỏng cổ tôi rồi xỏ chiếc vỏ ống (khúc tre khô) để tôi khỏi nghẹn và để lông khỏi bị cọ sát vào nút buộc.
Giá con chó khác, thì khách còn phải lôi kéo chán, nhưng tôi đương sung sướng được rời khỏi cái nhà bạc bẽo, nhất là được rời khỏi mụ vú già độc ác, thâm hiểm, nên tôi ngoan ngoãn theo ông chủ mới, tôi còn ve vẩy đuôi là khác nữa. Ông bằng lòng lắm, thỉnh thoảng cúi xuống khẽ vuốt lên lưng tôi.
Đến đầu làng, một anh người nhà ngồi coi xe (xe ô tô riêng của ông) chạy lại cười nói: “Ông mua được con chó đẹp nhỉ, nhưng phải mỗi tội vện, ông ạ”.
- Phải, cứ vện được như nó. Rồi anh thử ngắm kĩ xem. Ít con chó có bộ lông đẹp như thế.
Anh người nhà bế tôi lên ngồi vào giữa hai đùi anh, anh vuốt ve để tôi khỏi sợ.
Ông chủ mở máy chiếc xe đi từ từ trên quãng đường làng. Rẽ sang đường đá, xe bắt đầu chạy nhanh như bay. Trước tôi còn sợ, sau quen dần, tôi rời khỏi cặp đùi, đứng ghếch mõm vào thành xe ngắm cảnh. Rặng cây thong bên vệ đường chạy vùn vụt, mà, ồ lạ quá! Toàn chạy lùi, cả những chim bay cũng vậy. Và tôi nghiệm thấy những cây càng xa tầm mắt càng chạy chậm. Chỉ có đồng lúa vàng ối, lũy tre xanh mãi tận chân trời là không chạy, nhưng nó cũng thay đổi luôn. Chắc nhà ông chủ mới của tôi cách nhà chủ cũ xa lắm, vì xe đã chạy nhanh mà hàng giờ chúng tôi mới đến.

Hết phần thứ nhất

Trần Tiêu, 1944











Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét