Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2018

KÝ ỨC CỦA CON VỆN - PHẦN II

Bìa NXB KĐ

 

            PHẦN THỨ HAI:

Nhà chủ mới của tôi khác hẳn nhà chủ cũ. Không có những nhà ngói thấp lè tè, vướng víu những cột. Đây là một nếp nhà kiểu mới, có tầng gác. Nhà chia ra nhiều buồng, có trần, có cửa sổ, cửa ra vào. Mỗi buồng quét một thứ vôi. 


Buồng thì màu vàng, buông thì màu xanh, màu hồng. Không có những bộ trường kỉ nặng trĩu, những bộ ghế nhựa kềng càng, ngáng cả lối đi. Đồ đạc ở đây giản dị và rất ngăn nắp. Nhất là căn phòng mà chủ tôi dùng để tiếp khách, sáng sủa đẹp mắt quá. Chung quanh tường, tranh ảnh, đồ sứ, đồ đồng, bàn ghế bong lộn. Trên bàn, một lọ hoa lúc nào cũng tươi thắm rực rỡ. Người trong nhà lại càng khác xa. Bà chủ mới tôi thật là mới đối với con mắt quê mùa cục mịch của tôi. Không ăn vận xuề xòa, đầu tóc bù rối trong chiếc khăn nâu, cái yếm cháo lòng, cái quần thâm bã rích như bà chủ cũ, bà mặc một chiếc áo màu vàng nhạt, chiếc quần lụa bạch mềm nhũng rủ xuống tận gót. Bà thường vấn tóc trần hoặc búi ra đằng sau gáy.
          Cậu bé cũng khác hẳn của tôi trước. Cậu ăn vận sang hơn. Chiếc sơ mi cụt tay trắng bong với chiếc quần cộc in rõ từng nếp. Chân lúc nào cũng liền với đôi dép da. Cậu không bao giờ đi chân hay đi guốc. Nhưng trông cậu có vẻ lãnh đạm, kiêu căng và khó tính, khác hẳn cậu bé trước của tôi tuy nghịch ngợm nhưng chất phác lúc nào cũng niềm nở.
Nhà chủ mới của tôi lại có thêm một cô bé ngoan quá. Trông cô rất thùy mị. Cô đẹp nhưng phải cái gầy hơi xanh. Chắc cô yếu lắm. Thoạt tiên cô đã đem lòng yêu mến tôi. Cô ôm lấy cổ tôi, vuốt đi vuốt lại những sợi lông mượt. Cô hoan hỉ, hỏi thầy cô:  Trông nó hay nhỉ. Tên nó là gì, hở thầy? .   
Ông chủ khẽ béo má cô, tủm tỉm cười: Rồi cô lại mân mê suốt ngày cho mà xem. Tên nó là Vện, nhưng cái tên ấy quê mùa xấu xí quá, thầy định đổi tên nó là Tốp. Tốp ! Tốp”.
               Tôi ve vẩy đuôi, liếm vào tay chủ để tỏ ý bằng lòng. Cô bé cười sung sướng: Này thầy ạ. Nó hiểu đấy! Thầy vừa nói Tốp! Tốp! nó ve vẩy đuôi liếm ngay vào tay thầy. Con chó khôn quá. Thầy cho con nhé.
- Cho cái gì! Thầy nuôi để làm chó săn đấy.
Cô bé nũng nịu: Không, thầy cho con cơ.
Ông chủ khẽ tát yêu vào má cô, mỉm cười: Ừ, thì của con, cả của con lẫn của thầy. Bây giờ con hãy đi với thầy đến buồng ăn đã. Thầy mua được nhiều quà bánh ngoan lắm. Ông vừa nói vừa dắt cô bé đi.
Tôi thừa dịp ra khỏi nhà, bước xuống chiếc sân gạch rộng bát ngát. Bên kia, một dãy nhà đóng im ỉm, chắc là nhà chứa thóc, chứa đồ đạc. Bên này một dãy nhà làm ăn. Cối xay lúa, cối giã gạo, máy quạt thóc ngổn ngang. Kẻ đi người lại tấp nập. Bốn năm con chó vừa đực vừa cái, ở trong bếp chạy ra. Một anh ghen, nhe răng ra gừ. Tôi chẳng thèm đếm xỉa. Chừng thấy tôi to lớn lực lưỡng, anh gừ thêm mấy tiếng rồi lảng mất.
Qua khỏi bức tường hoa chắn ngang, tôi đến chỗ chuồng lợn, chuồng trâu, chuồng bò. Có cả chuồng ngựa nữa. Hai con ngựa, con trắng, con tía. Thấy tôi, chúng nhe răng ra cười, những chiếc răng to đẹp như răng trâu. Mõm động đậy, hai lỗ mũi nở ra, khép lại.
Chúng lấy chân trước cào cào trên nền gạch, và kêu hừ hừ. Chả biết thế nào là chúng vui mừng gặp tôi hay muốn đuổi. Tôi vốn sinh trưởng ở nơi thôn dã, có bao giờ được giao thiệp với chúng. Rời khỏi chuồng ngựa tôi đi đến cái ao rộng, rộng quá, rộng gấp bốn năm lần cái ao của chủ cũ. Và có tới hàng trăm con vừa vịt, vừa ngan, vừa ngỗng bơi lội. Chà ! Chủ mới tôi giàu thật.
Xem xét chung quanh rồi tôi liền chở về, sợ ông chủ lại cho mình chưa quen, bị lạc chăng? Vừa gặp lúc cả nhà: Ông chủ, bà chủ, cậu bé, cô bé đang ăn. Những món xào, món nấu trong những bát sứ tàu, những chiếc đĩa tây hoa sặc sỡ đặt từng hàng trên chiếc khăn bàn trắng bốp. Mùi thơm bốc lên ngào ngạt làm cho tôi thèo rỏ dãi. Mình từ thuở cha sinh mẹ đẻ, có bao giờ được nếm những thức ăn ấy mà chả thèm. Cô em ý chừng nhìn thấy đôi mắt của tôi sáng lên vì thèm muốn. Cô thương hại vứt cho tôi miếng thịt. Ông chủ khẽ cự: Bận sau con đừng cứt thế, làm nó hư đi. Nhưng nét mặt ông vẫn tươi tỉnh và nhìn cô âu yếm. Chắc cả nhà cùng chiều cô lắm.
- Con thấy nó nhìn mình có vẻ thèm thuồng lắm.
Nói đoạn cô nhìn tôi cười: Có phải không Tốp !Tốp.
- Rồi chốc nữa nó sẽ có phần chứ ! Ai lại chó cùng ăn với chủ bao giờ.
Biết vậy, tôi đi ra ngồi vào một góc buồng. Cả nhà cùng cười, cho tôi là một con vật rất ngộ nghĩnh. Riêng cậu bé không cười. Cậu vẫn giữ nét mặt lãnh đạm.
Vài hôm sau, xem chừng tôi đã quen quen. Ông chủ bắt đầu dạy tôi nhẩy. Ông để chiếc ghế nằm ở giữa sân, đoạn ông vừa nhẩy vừa vỗ tay hô Hấp! Hấp!. Tôi nhẩy theo và nghĩ bụng: Thế này thì dễ như bỡn. Thuở nhỏ tôi vẫn thường nghịch nhảy nhót với cậu bé, nên bốn chân tôi rất mạnh mẽ thuần phục. Ông đặt thêm chiếc ghế nữa nằm sát cạnh chiếc ghế trước. Lần này ông không nhảy. Ông đứng vỗ tay hô Hấp!. Không lưỡng lự, tôi nhảy liền, bốn chân vươn ra trông rất nhẹ nhàng. Cả nhà đứng xúm đông như xem xiếc. Ông chủ thấy làm lạ lẩm bẩm: Con chó này hình như đã có người dạy sẵn.
Ông dựng đứng ghế lên rồi lại hô như hai lần trước. Thấy tôi rụt rè, ông hô thêm mấy tiếng: Hấp !Hấp. Bần cùng quá, tôi chui tọt xuống gầm ghế làm cho mọi người cười. Ông cũng tủm tỉm cười và dắt tôi đến tận đầu sân, đoạn ông lại hô: Hấp! Hấp!. Tôi hiểu rồi. Tôi phi một mạch gần đến chổ cái ghế, tôi lấy đà nhảy vót lên cao hơn ghế già một tấc. Mọi nhẩy chẳng kém gì ngựa đua.
Hôm sau ông đổi trò, vứt thanh tre sang tận đầu sân bên kia và hô một tiếng tôi nghe mang máng như áp bóoc (apporte). Tôi không hiểu, song nhìn thanh tre tôi biết ngay là ông muốn bảo tôi chạy nhặt lấy đem lại cho ông. Tôi liền làm theo ý nghĩ. Lần này ông càng ngạc nhiên và biết chắc tôi đã được có người huấn luyện. Chính thế, tôi đã được huấn luyện bởi cậu bé con ông chủ cũ, trong những lúc chúng tôi nô đùa với nhau.
Một buổi sáng mát trời, ông cùng tôi dạo chơi ngoài cánh đồng. Ông không đi săn nhưng cũng mang theo khẩu súng. Đến một cái đầm, chợt thấy bờ bên kia đôi gầm ghì đương gù nhau trên cấy xoan. Ông chĩa súng nhắm bắn. Đôi chim vừa rơi khỏi cành xoan, tôi liền nhẩy và bơi sang ngoạm lấy một con mang về, rồi lại bơi sang ngoạm nốt con nữa. Lúc trở về ông sung sướng cầm đôi chim giơ lên cho bà chủ xem: Mợ ạ, con chói quý này không cần phải dạy nữa. Nó đã có đủ đức tính của một con chó săn.
Sáng hôm sau, ông chủ sửa soạn cẩn thận. Ông mặc bộ soóc màu vàng, đội chiếc mũ vải có vành rộng. Ngoài cái súng, ông còn đeo thêm một cái sắc, cũng màu vàng, chắc là để đựng chim. Ông cưỡi con ngựa trắng, tôi chạy theo sau. Hôm nay mới thực là buổi đi săn thực sự.
Da trời một màu lơ biếc. Hai bên đồng lúa bát ngát. Trong những khóm tre rậm rạp, chim hót ríu rít. Một vài con chim cu ganh nhau gáy từng hồi. Chủ tôi không để ý, vì đó không phải là những thứ chim mà chủ tôi định săn. Thỉnh thoảng một luồng gió từ đâu thổi lại, mát rượi. Xa xa, đồi nọ tiếp đồi kia, trùng trùng, điệp điệp. Có phủ trên sườn với những bụi cây rải rác, trông như những bức tranh màu xanh thẫm thêu lên những tấm thảm vàng.
Ngựa chạy mỗi lúc một gần. Tiếng gáy gà gô nghe đã thấy mỗi lúc một rõ, đến một quán nước, dưới gốc một cây đa rườm rà, chủ tôi xuống ngựa. Một ông già ở trong quán nước bước ra, chào hỏi một cách niềm nở. Ý chừng cũng là người trong đồn điền của chủ tôi.
Chúng tôi đi đến một cái đồi, rồi từ đồi nọ sang đồi kia. Sau cùng chúng tôi đến một nơi rậm rạp. Tiếng gà gáy vang cả một vùng. Tôi hăng hái bước sấn vào trong những bụi rậm, rồi dò từng bước tìm kiếm. Bỗng tôi dừng lại, dựng đứng đuôi lên, một đàn gà đang mải ăn trong bụi. Chắc chủ tôi đã sẵn sàng. Ông hô một tiếng, tôi nhẩy xổ vào. Đàn gà bay tán loạn. Đoành! Đoành! hai tiếng nổ liền. Một con rơi xuống.
- Áp bóoc, áp bóoc!”. Đó là hai tiếng ông chủ hô. Tôi chộp ngay được và mang lại cho chủ. Tôi đã hiểu tiếng ap bóoc của ông rồi.
Hôm ấy nhiều gà gô quá. Chúng bay tới tấp. Nhưng tôi còn săn vụng, lắm lúc chưa kịp làm hiệu cho chủ tôi đã vồ, hoặc còn tận đàng xa tôi đã sục sạo làm chúng chuồn mất.
Song lúc trở về, chủ tôi cũng bắn được vài ba con. Và bữa cơm ấy tôi được no nê vì món gà gô.
Độ này đã trở rét. Bầu trời một màu ảm đạm, chim chóc im hơi lặng tiếng, phong cảnh buồn, và mùa gà gô cũng hết. Ông chủ không đi săn nữa. Ông ngồi xem sách ở trước lò sưởi. Cạnh ông, bà chủ ngồi đan áo. Cô Tuyết (cô em yêu quý của tôi) ngồi trên chiếc ghế đẩu thấp, đương mặc áo cho búp bê. Cậu bé không sưởi, cậu ngồi vào bàn ăn, tô chì màu lên những bức tranh. Tôi nằm mơ mộng ở góc buồng. Những ngọn lửa nhảy nhót chập chừng như đùa giỡn, ánh đỏ phản chiếu lên những tấm áo. Những khuôn mặt hồng hồng như lúc vừa mới ra khỏi tiệc rượu. Một cảnh êm đềm và thân mật. Tôi đứng dậy vươn vai duỗi chân cho đỡ mỏi vì tôi nằm dã lâu lắm. Tôi lững thững lại gần. Cậu bé chau mày quát: Tốp!Cút đi! Chỗ mày đứng đấy à? Xuống bếp kia!.
Ông chủ đặt quyển sách xuống đùi nhìn cậu nói: Nó lại khôn ngoan tài giỏi bằng mấy mày ấy à. Đồ lười như quỷ. Cả ngày chỉ vẽ bậy với chạy nhắng. Có đem sách ra mà học không? Gần bét lớp mà chả biết xấu!.
Cậu bé cau mày phụng phịu, lườm nguýt tôi rồi lảng sang buồng bên cạnh. Cái lườm đầy thù oán, trông mà ghê sợ. Tôi luồn vào giữa ông chủ với cô Tuyết và nằm nhìn cô chơi với con búp bê. Cô đặt búp bê vào lòng đưa bàn tay nho nhỏ, xinh xinh khẽ vuốt tôi từ đầu đến lưng. Cô ghé mái đầu vào mõm tôi, nói khe khẽ: Tôi yêu Tốp lắm cơ. Tôi quý Tốp lắm cơ. Thế mà Tốp cứ đi đằng nào ấy. Tốp cứ quấn quýt lấy ông chủ của Tốp. Tốp chẳng yêu tôi tí nào cả.
Bà chủ mỉm cười: Con bé ngộ nghĩnh nhỉ. Nói với con vật mà làm như nói với bạn vậy.
Ông chủ gấp quyển sách ông đương đọc, đặt trên lò sưởi và nói: Mợ đừng tưởng, nó hiểu cả đấy.
Ông nói rất đúng. Tôi hiểu cả thật. Lắm lúc tôi khổ sở đau đớn vì không nói được nên lời để tỏ hết lòng trung thành, nhất là lúc người ta đổ oan hay nói xấu tôi như con mụ vú chẳng hạn. Tôi chỉ còn cách bày tỏ bằng đôi con mắt, bằng những cái nhìn, bằng dáng điệu, bằng cái đuôi ve vẩy hay cúp xuống. Nhưng thường họ hiểu lầm luôn.
Ông chủ không xem sách nữa. Ông hút thuốc lá, lơ đễnh nhìn khói bay hoặc cúi xuống ngắm con. Bỗng ông đứng dậy, ra vườn. Tôi lẽo đẽo theo sau. Những tiếng cạc cạc làm náo động nơi yên tĩnh. Ông ngửng lên nhìn. Một đàn ngỗng trời bay thành hàng chữ nhân trên không trung. Ông lẩm bẩm một mình: Đã đến mùa ngỗng, mùa két rồi. Ta phải đi săn một phen mới được.
Ý tưởng ấy luôn luôn lảng vảng trong trí nên một buổi sớm, trời ấm áp, ông nai nịt cẩn thận đeo vào sắc, vác súng đi ra mồm huýt sáo. Cố nhiên tôi cũng đi theo.
Bà chủ phàn nàn: Rét thế này, cậu đi săn làm gì?.
- Trời này mà mợ kêu rét. Phải ai lại cứ ru rú trong xó nhà như mợ. Ông nói và chân vẫn bước đều.
Chúng tôi không đi về phía đồi, rẽ xuống con đường nhỏ hẹp, quằn quẹo, ẩn trong những ruộng lúa xanh rì. Thỉnh thoảng một vài con cò bợ ăn ở khe lúa thấy động, bay vụt lên và biến vào trong những khóm tre gần đấy. Một hồi lâu, chúng tôi đến một cái đầm rộng mênh mông bát ngát. Chúng tôi đi men bờ đến chỗ họ đương cất vó, đánh giậm. Một chiếc thuyền nan cũng đậu ở đấy. Chú lái đương cúi xuống tát nước đọng trong lòng thuyền.
- Này chú, thấy nói ở đây lắm két mòng lắm phỏng ?
- Vâng, sẵn lắm ông ạ. Nhất là về phía cánh đồng làng cháu.
- Chú có thể chở chúng tôi đến đấy không? Tôi sẽ trả công cho chú.
- Vâng, ông cho bao nhiêu thì cho, cháu đâu dám lấy công.
Ông chủ bước xuống, chưa kịp gọi: Tốp!”. Tôi đã nhẩy theo liền. Chiếc thuyền nan nhẹ nhàng lướt trên làn sóng. Tít tận đằng xa, trong những rặng cói, một vài điểm đen vụt lên rồi là là xuống mặt nước trắng xóa.
- Gần đến rồi, ông ạ. Nhiều lắm cơ, ông tha hồ mà bắn. Không biết chừng, có cả ngỗng trời, vịt trời cũng nên. Sáng sớm tinh sương, cháu hay thường thấy nó ăn ở đấy.
Trời tuy ấm áp, nhưng thỉnh thoảng một cơn gió bấc thổi tạt vào mặt làm chủ tôi rùng mình. Bỗng chú lái ngừng chèo, chỉ về phía tay phải: Ô kìa, kìa! Ông trông thấy không? Một đàn, hàng chục con ông ạ.
- Tôi biết rồi.
Vừa nói, ông vừa giơ súng và hô một tiếng. Tôi nhảy ùa xuống nước. Đàn két thấy động bay tán loạn. Đoành! Đoành! Hai tiếng tiếp liền. Một chú két mòng rơi xuống mặt nước. Tôi mải miết bơi. Làn sóng rẽ sang hai bên sườn. Chú két đã lẻn đâu mất. Tôi bơi ngang, bơi dọc tìm kiếm hồi lâu. Chú két gan liều, nhất định không chịu ngoi lên. Mệt quá, bốn chân mỏi rời, tôi dành trở về không. Chủ tôi tỏ vẻ bất mãn. Không chú ý đến sự nhọc mệt của tôi, ông hô liền: Áp bóoc! Tốp! Tốp! Áp bóoc. Không dám cưỡng ý chủ, tôi lại nhẩy xuống, vươn mình ra bơi, may quá, chú két vì bị thương nặng, đã phải nhô lên mặt nước giãy giụa. Tôi ngoạm được, bơi về dâng chủ.
Chú lái tấm tắc khen: Ông có con chó quý thật.
Để thưởng công, ông lấy tay khẽ vuốt ve mõm tôi. Hôm ấy ông chủ tôi bắn được ba con, nhưng tôi khó nhọc vất vả biết bao.
Về chiều, trời trở rét. Những cơn gió bấc thổi tạt vào mặt làm cho ai nấy tê buốt. Ông chủ hai tay thọc túi quần, mặt ông xám ngắt.
- Về thôi, chú ạ.
- Vâng. Có săn nữa cũng khó lắm. Chúng nó sợ lủi cả vào khe cói rồi.
Vừa nói chú vừa quay mũi chở chúng tôi về chỗ cũ. Mặc phong phanh có mỗi manh áo, xem chừng chú cũng rét. Hai cánh tay run lẩy bẩy, chú chèo không được nhanh nhẹn như trước…
Vừa đến cổng đã thấy bả chủ đứng trên bao lan nói ra: Được bữa rét sớm nhỉ? Tôi đã bảo mà...”.
- Sướng chứ lại chả sướng!
Ông tươi cười, cầm ba chú két chụm vào nhau giơ lên trước mặt bà chủ: Cái sướng được bữa két hầm bù vào cái rét cắt ruột cũng còn thừa chán.
Vào phòng ăn, cô Tuyết chạy lại định bá cổ tôi. Thầy cô cản lại và nói: Ấy chết ! Nó vừa ở dưới đầm lên còn ướt. Để thầy chải lông và cho nó sưởi đã. Lại một cảnh êm đềm, thân mật chung quanh lò sưởi đỏ rực.
Vài hôm sau, ông chủ lại ngỏ ý muốn đi săn. Bà chủ giữ lại: Thôi mình ạ, để bận khác. Hôm nay người trong ấp có đem con ngỗng trời béo lắm. Em định làm món sốt vang để mình xơi. Hình như mình thích món ấy lắm thì phải.
Ông chủ lưỡng lự. Bỗng ngoài cổng có tiếng còi xe. Ông chạy ra. Khách trên xe đã bước xuống và đèo thêm con chó lai. Ông chủ ngoái cổ lại nói lớn: “Anh Quân! Quân văn sĩ tóc bù đấy mình ạ!'”.
         - Phải, Quân đây!
Nghe rõ tiếng bạn thân, bà chủ vội vàng khoác “măng tô” ra đón. Bà niềm nở:
- Chị đâu? Sao chị không về? Bọn các anh ích kỉ quá lắm. Chỉ biết vui thú lấy một mình.
Không phải thế đâu chị ạ. - Khách vừa cười vừa đáp - Chị đừng đổ oan cho bọn nam nhi chúng tôi. Chị trông con chó này đủ hiểu. Tôi về hôm nay là cốt ý đi săn với anh Bình của chị.
Chủ tôi sung sướng hiện ra mắt. Ông bá vai bạn đi vào và cười nói huyên thuyên. “Tôi cũng định đi săn hôm nay. Nhà tôi cứ ngắn cản. Tôi còn đang lưỡng lự. Ồ thế thì sướng quá! Chúng mình sắp sửa ngay thôi, kẻo muộn”. Tốp! Tốp! Tôi đứng ngay đằng sau, làm bạn với anh Lai. Lẽ cố nhiên là chúng tôi thân ngay nhau từ lúc đầu. Bạn đồng nghiệp mà lại. Chắc người cũng thế, trừ khi người ta đầy lòng đố kỵ .
Nghe tiếng Tốp! Tốp! Tôi liền tiến lên xe vẩy đuôi, quấn quýt hết với chủ khách. Anh Lai cũng là theo.
Chủ khách song song đi trước, chúng tôi song song theo sau. Nhưng khi rẽ xuống con đường quằn quẹo nhỏ hẹp, chúng tôi phải đi hàng một. Chúng tôi lại đến chỗ cũ. Chủ khách mỗi ông một chiếc thuyền nan, vì thuyền nhỏ cả bọn lên sợ đắm.
Két nhiều quá. Chúng bay tới tấp. Đoành đoành, cả hai cùng bắn một lúc. Một chú két rơi.
Không đợi hô, chúng tôi cùng nhảy xuống nước. Cuộc bơi thi bắt đầu. Lai bơi khỏe quá. Hắn tới đích trước tôi đến mươi mười lắm sải. Nhưng chú két đã dặn đâu mất. Hắn bơi ngang bơi dọc tìm nhớn nhác. Tôi đang cố hết sức vươn mình để theo kịp thì, may quá, chú két, bỗng nổi lên trước mõm. Tôi cứ việc ngoạm lấy bơi về. Thật là một sự hú họa. Lần thứ hai, thứ ba, tôi cũng nhường cho Lai bơi một mình. Thực thì hắn bơi khỏe quá, tôi có bơi cũng không sao vượt được. Làm thế lại tỏ ra mình lịch sự. Lai sung sướng ve vẩy đuôi lia lịa.
Bữa tiệc hôm ấy vui như tết. Chủ khách rượu vào, cười nói nô đùa chẳng kém gì lũ chúng tôi.
Chúng tôi mỗi anh một đĩa tây đầy món ăn. Không có rượu mà chúng tôi cũng say sưa. Chúng tôi say sưa nhau lắm.
Lúc ra về bà chủ nhắc lại: “Nói thực chứ các anh tệ thật! Các anh chỉ biết vui thú lấy một mình. Lúc này mà có cả chị tôi nữa thì có phải cuộc vui hoàn toàn đầy đủ không?”.
Khách cười nghiêng ngả: “Chị đổ oan. Chúng tôi chả tệ tí nào cả. Rồi vài ba hôm nữa hội chợ, mời anh chị lên chợ chơi hẳn một tuần. Chúng tôi sẽ hết sức ngoan ngoãn theo sở thích các bà. Thế còn gì nữa, anh Bình nhỉ?”. Đoàn khách vừa cười vừa bước lên xe. Lai nhảy lên theo. Tôi ve vẩy đuôi để tiễn bạn. Xe chạy rồi. Lai còn thò mõm ra nhìn. Những tiếng ấy chỉ riêng có Lai hiểu
Vắng ông chủ, bà chủ, vắng cô Tuyết, cảnh nhà trở nên buồn tẻ. Nhà trên nhà dưới, nhất là nhà trên vắng tanh, vắng ngắt. Buồng ăn trước kia ấm áp, trở nên lạnh lẽo. Trong lò sưởi, than củi tắt ngấm phủ dưới đống tro tàn.
Chỉ riêng có cậu bé là sung sướng. Không còn cai quản, cậu chạy đi chạy lại hò hét.
Vốn sẵn oán ghét tôi, cậu hành hạ tôi đủ tội. Tôi không còn hòng có những đĩa tây dầy cơm trộn với thịt cá. Có lần cậu nhốt tôi vào buồng tắm, bắt tôi nhịn cơm. Đợi lúc tôi đói ngấu, cậu xích tôi vào cột, gọi lũ chó dưới bếp lên, lấy phần cơm của tôi, chia cho chúng ăn ngay trước mõm tôi. Mùi đồ ăn bốc lên ngạt cả mũi. Cậu còn lôi tôi ra ao đẩy tôi xuống đấy. Cậu cầm nhăm nhăm chiếc gậy. Tôi bơi vào bờ động thò mõm lên là cậu vụt liền. Bất vào bờ động thò mõm lên là cậu vụt liền. Bất đắc dĩ tôi phải bơi sang bên kia. Trời rét, bụng đói, áo thì rộng, nước thấm vào các lỗ chân lông. Tôi lên được bờ nhưng mình mẩy tê buốt. Tôi ngồi sưởi nắng, bốn chân run cầm cập.
Cậu đứng bên này bờ nói vọng sang:' “Sao không quyến luyến lấy chủ, lấy cho Tuyết nữa đi!”.
         Hôm sau cậu định giở lại trò cũ, đương buộc ghì tôi vào cột thì con Nụ bắt gặp. Nó giựt lấy cái xích ở tay cậu, dắt tôi đến đĩa tây cơm trộn mà cậu sắp sửa chi cho lũ chó dưới bếp “Chú ác vừa vừa chứ! Rồi ông bà về, tôi mách cho mà xem!”.
Cậu bé phát cáu: “Tao buộc nó vào một chỗ chứ tao làm gì nó mà mày mách tao hử con kia!”.
Con Nụ cũng cáu: “Bằng nhãi ranh mà cũng mày với tao nhặng bộ. Được! Tôi mà không mách cho chú thì tôi chỉ ăn cứt cho cả nhà này!”.
Cậu bé đấu dịu nhưng cũng dọa lại: “Chị mách tôi thì tôi cũng mách chị. Tôi mách chị bảo tôi nhãi ranh”. Nói đoạn cậu chuồn mất.
Từ đấy phần cơm của tôi được con Nụ cho ăn. Tuy chẳng được như ngày có chủ, song cũng không đến nỗi cơm nguội cơm hớt như lũ chó dưới nhà. Cậu bé vẫn không thôi. Chẳng giở được trò ác này thì cậu tìm trò khác. Cậu lại buộc ghì tôi vào cột. Cậu bắt kiến càng cho nó đốt mõm tôi. Cậu động giơ chân lên gạt kiến là cậu vụt liền.
Dù đau buốt thịt và nhức như phải bỏng, tôi vẫn cứ phải giơ chân lên. Cái mõm buồn buồn, chốc chốc lại nhốt một như kim châm thì ai mà chịu nổi.
Lại một lần, cố nhiên tôi lại bị ghì vào cột, cậu nắm gáy con mèo, dí bốn chân nó vào mõ tôi. Tôi cố nhẫn nại, song cậu nhắc đi nhắc lại nhiều lần quá. Tôi phát cáu, đớp vào chân con mèo một cái. Bị cái đớp của tôi, con mèo cũng cáu, mỗi bận cái chân nó chạm mõm ôi, là nó cào sất sát cả mặt.
May sao, được tuần lễ thì ông chủ bà chủ và cô Tuyết về. Nếu không, cậu còn lắm trò ác hơn thế nữa.
Tôi không hề oán giận thù hằn. Tôi đã hiểu, phần nhiều trẻ con đều có tính hung ác, tàn bạo, tuy không đến nỗi quá như cậu. Được ngoan ngoãn, hiền hậu như cô Tuyết thực là hiếm có. Vì thế mà tôi đã cứu cậu nhiều lần.
Một lần, cậu đi đâu về, bị một con chó lạ đuổi, nó sắp ngoạm vào chân. Tôi chạy sấn lại, cắn nhau với con chó. Cậu thoát nạn.
Lại một lần, cậu cầm súng “cao su” lên đồi bắn chim. Một lũ ba bốn đứa trẻ, con những người trong ấp, chạy ra bắt nạt. Chúng đương lôi kéo, sắp đi tới chỗ đánh đập. Tôi xông vào tả xung hữu đột. Chúng thấy tôi dữ tợn quá bỏ chạy tán loạn. Tôi lại gần cậu, ve vẩy đuôi và hộ vệ cậu về tận nhà.
Lại một lần nữa. Lần này tôi chắc cậu không bao giờ quên. Cậu đi đến cái hồ, cách nhà độ vài trăm thước. Tò mò tôi cũng theo đi. Giữa hồ, bốn năm chiếc hoa sen nở trông thích mắt quá. Sẵn chiếc thuyền thúng người ta dùng để hái gương sen, cậu nhẩy xuống, lấy sào đẩy. Cậu đứng không vững, làm mất thăng bằng. Thuyền chồng chềnh rồi ụp đổ. Cậu ngã theo, hai tay quờ quạo. Vừa bị cậu đánh đập xong, tôi chưa nguôi cơn tức. Tôi định để cậu chết đuối, song nghĩ đến chủ, đến cô Tuyết, tôi không nỡ, liền nhảy xuống, ngoạm lấy áo cậu bơi về. Cậu uống mất vài ngụm nước. Mặt cậu tái mét không còn hột máu. Vài giọt nước chảy trên đôi gò má. Không biết cậu nhóc hay là những giọt nước hồ còn động trên mi. Nhưng lần này thì thực cậu hối hận, cặp mắt cậu nhìn tôi như nài xin tôi tha thứ. Thì tôi vẫn sẵn lòng tha thứ, nếu không tôi đã chả cứu cậu bốn năm lần.
Từ đấy, tuy cậu không yêu tôi. Người ấy còn thương yêu ai được, nhưng cậu không hề hành hạ tôi nữa.
Chủ tôi độ này cũng ít đi săn chim. Ông vừa được người ta nhường lại ông con chó “béc dê”. Con chó to lớn lực lưỡng dị thường. Tôi đã cao mà đứng chỉ đến ngực hắn. Trước mặt hắn, mình không còn là con chó săn nữa. Thế mới biết, ở đời còn lắm kẻ hơn mình.
Được con vật quý hóa ấy, chủ tôi đã vượt hẳn lên một bực. Chủ tôi đã thành một nhà săn hươu nai có khi cả lợn lòi, một con vật rất ngon lành nhưng lợi hại. Ông thường vào rừng săn với ông Kiểm Lâm mà ông mới quen ít lâu nay.
Tôi được nhàn hạ, suốt ngày chỉ luẩn quẩn với cô Tuyết. Cô yếu lắm. Đóc tờ khuyên cô nên rong chơi ở nơi quang đãng để thở hút không khí lành. Vì thế mà sáng nào, chiều nào mẹ cô cũng dẫn cô đi chơi ngoài đồng lúa hoặc trên sườn đồi. Không bao giờ cô quên gọi: Tốp, Tốp để tôi được cùng đi với cô. Nhiều khi bà chủ bận, để một mình tôi đi với cô Tuyết. Cô vừa đi vừa ngắt những bông cúc dại vàng chóe. Cô kết thành hai vòng hoa. Đến một gốc cây râm mát, cô ngồi nghỉ, đặt vòng hoa lên mớ tóc óng mượt, còn một vòng cô choàng vào cổ tôi. Cô âu yếm nhìn tôi cười: “Tốp của tôi đẹp nhỉ. Tôi có đẹp không Tốp?”. Tôi ve vẩy đuôi, quấn quýt chung quanh. Tôi lấy mõm hít vào chân, vào tay cô và rú lên: Tôi sung sướng quá. Trời ơi! Giá tôi nói được! Nhưng cô cũng hiểu. Cô ôm lấy cổ tôi, vuốt ve, và bằng một giọng thân mật: “Tôi yêu Tốp quá. Ở đời chỉ có tôi là yêu Tốp hơn cả, hơn cả chủ Tốp nữa kìa. Chắc hẳn Tốp cũng yêu tôi lắm phải không?”.
Những ngày cô mệt không đi chơi, chúng tôi luẩn quẩn với nhau trong phòng ăn. Cô đem áo mặc cho búp bê, con búp bê à mẹ cô vừa mới mua cho cô ngày hội chợ. Nó to bằng đứa trẻ mới đẻ. Còn con búp bê nhỏ, cô đặt nó nằm trên chiếc giường con tí teo có đệm, có gối xinh xinh. Tôi chả còn biết trò gì để giải trí cô. Những trò chơi nhẩy nhót lại là những trò không hợp tính thuần thục của cô chút nào. Tôi đành ngồi nhìn cô chơi với con búp bê vậy. Ngắm nghía con búp bê chán rồi: “Tốp là ngựa cho búp bê cưỡi nhé. Tốp đi xem nào?...”.
Tôi đi đi, lại lại trước mặt cô, rất cẩn thận để búp bê của cô khỏi ngã. Cô thích chí ngã người ra cười. Tôi sướng quá vì tôi đã là cho cô Tuyết của tôi sung sướng.
Một hôm buồng cô Tuyết của tôi đóng im ỉm. Ông chủ, bà chủ ra vào có vẻ buồn rầu lo lắng. Cô Tuyết của tôi mệt nặng. Đốc tờ xem mạch bảo: Cô bị thương hàn.
Bệnh cô Tuyết của tôi mỗi ngày một nặng thêm, cô sốt quá, đâm mê sảng. Một hôm, tôi đương đứng ở cửa buông, bỗng nghe thấy cô gọi: “Tốp! Tốp!”. Tôi lẻn theo chân chủ bước vào.
        - Mẹ ơi! Mẹ, con Tốp của con đâu? Ô kìa! Mẹ ạ, con Tốp của con mọc cánh. Kìa! Kìa! Nó bay. Tốp! Tốp! Bay lại đây! Cho tôi lên với...
Bà chủ, cặp mắt đẫm lệ, nắ lấy tay con:
- Trời ơi! Tay con tôi nóng quá, nóng như hòn than. Tỉnh dậy con! Sao con lại mê sảng thế, mẹ khổ lắm!
Tôi nghếch mõm lên nhìn. Cô đã nhắm mắt ngủ thiếp. Một lúc lâu, cô lại mê sảng và luôn luôn gọi: “Tốp! Tốp!”.
Thế là từ nay không còn tìm đâu thấy cô Tuyết. Cô Tuyết của tôi mất rồi. Cô đi, đem theo cả sự êm đềm, ấm áp, thân mật. Một bầu không khí lạnh lẽo, thảm đạm phủ khắp quanh nhà. Cái sân bát ngát, vắng như bãi sa mạc, cái vườn mà ngày thường cô vẫn cùng tôi đi đi lại lại ngắm hoa, nay không còn vẻ tươi thắm nữa. Hoa nào hoa ấy như phủ một màu tang...
Buồn quá! Ông chủ vắng luôn và khi gặp ông là nhìn thấy nét mặt rầu rĩ thảm đạm. Ông ngồi gục xuống bàn, hai tay bóp trán. Những tiếng thở dài nghe mà đứt ruột. Bà chủ mấy hôm nằm liệt giường, nay đã gượng dậy. Trong bà càng thiểu não hơn. Bà khóc sướt mướt, chiếc khăn bà tỳ dưới má không lúc nào là không đẫm lệ. Chốc một bà lại thổn thức: “Tuyết! Tuyết, con ơi!”. Giọng bà bi ai thốt tự trái tim khô héo, tôi không sao chịu nổi... Buồn quá! Tôi đi lang thang trên sườn đồi, dưới bóng cây râm mát, chỗ nào cũng thấy hình ảnh cô, cũng đầy kỷ niệm của cô. Hai bên vệ đường, trên thảm cỏ xanh, những bông cúc dại vàng chóe. Còn cô, thì cô đã nghịch tết những vòng hoa... Tôi đến mộ cô lúc nào không biết. Tôi nằm hàng giờ nghĩ vẩn vơ. Giá lúc này cô trở dậy cùng tôi về nhà. Nhưng đời nào lại có sự lạ ấy...
Buồn quá! Tôi đứng dậy vươn mình, rồi lững thững... Chả còn biết đi đâu, tôi trở về, lẻn vào buồng ăn. Tôi lại nằm đăm đăm nhìn chiếc lò sưởi lạnh ngắt. Tôi mơ mơ màng màng, bỗng hình như có tiếng cô Tuyết gọi: “Tốp! Tốp!”. Tôi vội chạy vào buồng cô. Buồng lạnh lẽo, yên chơi ngổn ngang. Con búp bê, trong bộ áo lòe loẹt, giơ tay cứng đờ như sắp ô ai. Hai giọt lệ từ kẽ mắt đỏ xuống hai bên má, lần đầu tôi thấy đau khổ một cách thấm thía.
Buồn quá! Nỗi buồn tôi dằng dặc cho đến tận bao giờ? Một hôm tiếng ông chủ tôi gọi “Tốp! Tốp!” tận ngoài cổng. Tôi chạy ra ve vẩy đuôi. Ông đi với một người vận âu phục. Ông chỉ vào tôi và nói nhỏ với khách: “Nó đây, ông trông...”.
- Ừ, trông kiểu cách nó khá lắm, dùng được. Tôi theo chủ khách vào phòng, mặt buồn thỉu. Tâm linh báo trước tôi biết: Sẽ có sự không hay cho tôi. Để mặc chủ khách nói chuyện, tôi đi lại chỗ bà chủ. Bà cúi xuống vuốt ve tôi: “Thôi, từ nay trở đi, mày không ở với chúng tao nữa”.
Tôi ve vẩy đuôi liếm vào bàn chân bà. Không phải là tôi muốn tỏ vẻ sung sướng, tôi còn sung sướng sao được! Ý chừng bà cũng biết quyến luyến không muốn rời bà, rời cái nhà êm ấm này. Bà khẽ nhấc mõm tôi lên...
Bà nhìn tôi. Hai giọt lệ long lanh trên gò má: “Không phải tao ghét bỏ gì mày. Mày khôn ngoan lắm. Mày là bạn thân của cô Tuyết. Nhưng cô Tuyết không còn nữa”. Nói đến dây nước mắt bà ràn rụa, rỏ cả xuống mõm tôi. Bà nghẹn ngào. Một lúc lâu, đưa khăn lên lau nước mắt: “Tao không thể luôn luôn nhìn thấy mày. Nhìn thấy mày tao lại nhớ đến con Tuyết”. Không sao nói được nữa, bà gục xuống nức nở...
-         Tốp! Tốp!
Tôi giựt mình, đi lại chỗ chủ khách. Cả hai cùng đứng lên. Ông chủ cúi xuống vỗ về tôi: “Từ nay mày đã có chủ mới, mày sẽ được sung sướng như ở đây”. Nói đoạn ông cầm xích móc vào vòng cổ tôi và trao cho khách: “Ông sẽ hài lòng vì con chó này. Nó thông minh và khôn ngoan lắm”.
Ra đến cổng, sắp bước lên xe, tôi còn ngoái cổ lại nhìn ông chủ bà chủ lần cuối cùng. Trên đường trường, tôi chỉ nằm ép xuống sàn xe, chẳng buồn ngắm cảnh.
Xe chạy nhanh hay chậm, thời giờ lâu hay chóng, tôi không còn đủ trí nhận xét nữa. Tâm hồn tê tái như vừa bị một trận đòn nhừ tử. Một khi có những tiếng ồn ào, tiếng xe cộ, tôi mới chịu nghếch mõm lên nhìn. Tôi bàng hoàng như vừa tỉnh giấc mơ. Xe chạy trên một chiếc cầu dài tưởng chừng không bao giờ hết rồi rẽ vào một phố đông. Đủ các hạng người. Người ăn vận sang như ông chủ bà chủ mới, kẻ ăn vận xoành xĩnh như ở thôn quê. Họ trong ngày hội. Hết phố này sang phố khác, rồi xe đỗ ngay cạnh bãi cỏ, trước một cái rạp tròn căng vải rộng thênh thang. Ông chủ ới dắt tôi chen qua đám đông, qua chiếc cổng gỗ cửa chấn song, vòng quanh rạp qua một dãy toàn súc vật lạ. Trẻ con, người lớn đứng lố nhố ngoài hàng rào tre nhìn vào. Sau cùng ông dẫn tôi vào trong một cái lều nhỏ, xích tôi vào một chỗ, rồi đi ra. Bụng đói mà tôi không sao ăn đi được.
Nằm trơ một mình trong chiếc lều tối tăm, bao nhiêu ý nghĩ chán nản, bao nhiêu nỗi nhớ nhung dồn dập trong óc tôi. Tôi nhớ cô Tuyết tuy cô không còn nữa, tôi nhớ ông chủ bà chủ, nhớ cả đến cậu bé mà ngày thường tôi không bao giờ yêu, nhớ từ cái ao với đàn vịt cho chí chuồng lợn chuồng gà. Không một tí gì rời khỏi trí nhớ của tôi, cả đến đồ đạc bày trong các phòng ăn, phòng khách, phòng ngủ. Dưới sườn đồi, trên đồng lúa, tôi nhớ từng cái cây, từ áng cỏ. Và chốc nào tôi cũng thấy hình ảnh cô Tuyết...
Ba bốn hôm liền, tôi chẳng thiết ăn uống gì, ngoài một ít cháo lỏng. Ông chủ nhìn tôi, thương hại: “Con chó này nó nhớ nhủ cũ nó đấy à. Cứ thế này rồi nó đến ốm mất”.
Tôi ốm thật. Thân thể tôi mỗi ngày một đét đi. Một đêm, mệt quá, tâm trí đâm ra bàng hoàng. Tôi nằm mê thấy cô Tuyết gọi: “Tốp! Tốp!”. Tôi mừng rỡ chạy lại. Cô đi nhanh quá, tôi phải phi lên mới theo kịp. Cô vượt trên ngọn đồi, lướt qua bụi rậm làm tôi phải hết sức nhẩy. Cô đi trên mặt nước thản nhiên như người đi trên cạn, cô ngoảnh lại nhìn tôi cười để quyến rũ, tôi vươn mình bơi theo. Bỗng cô Tuyết tôi mọc cánh, bay vụt lên không rồi biến mất. Trước mặt tôi bỗng hiện ra một cụ già. Tôi sợ quá rú lên: Mụ vú! Phải mụ vú. Mụ quắc mắt nhìn tôi. Đôi mắt mụ to dần, tròn xoe. Những vằn đen ngang dọc xuất hiện trên trán, trên cặp má nhăn nheo. Mụ há mồm, cái mồm rộng hoác, đỏ lòm với những chiếc răng nanh nhọn hoắt. Mụ giơ hai bàn tay đầy vuốt. Bỗng mụ gầm lên, tôi giật mình tỉnh dậy. Mấy tiếng gầm tự đằng xa vẳng tới. Con hổ. Ngày tôi vĩnh biệt để theo chủ mới, ông đã dẫn tôi qua bày thú lạ. Và hình ảnh con hổ đã nhiễm vào óc tôi lúc ấy đương rối loạn.
        Tôi nằm ép xuống nền đất. Và mỗi lần thiếp đi, hình ảnh cô Tuyết lại hiện ra và biến thành đủ các hình. Lúc cô biến thành đàn bướm sặc sỡ bay lượn, lúc cô biến thành những vòng hoa cúc vàng chóe, lúc cô biến thành con búp bê, lúc cô biến thành đàn két, rồi sau cùng thế nào cô cũng biến thành lại giật mình tỉnh dậy. Cứ thế liên tiếp cho đến gần sáng, tôi mệt quá, ngủ thiếp đi.
Ông chủ mới tôi lắc đầu, thở dài: “Con chó này nhiều tình cảm quá. Không trông nom săn sóc nó thì hỏng mất!”.
Từ đấy ông cắt người luôn luôn gần tôi. Họ cho tôi ăn sữa, ăn súp, đủ các thức ăn ngon lành. Họ cố tẩm bổ để tôi lại sức.
Tôi đã gần lành mạnh, ông chủ đứng trước mặt tôi: “Con chó này đã khá rồi đây. Nhưng cứ để nó lủi thủi một mình thì sợ nó lại ốm thôi”. Nói đoạn ông dắt tôi đến lũ chó đương nô đùa với nhau trong một chiếc lều rộng dành riêng cho súc vật. Thấy chủ, chúng xúm xít chung quanh mõm nghếch lên, đuôi ve vẩy, chúng sung sướng. Chỉ riêng mình tôi là đau khổ. Một chị chó vùng thấy tôi buồn rầu, thương hại, lại gần liếm vào mõm tôi, rồi rủ rê tôi ra bãi cỏ ở sau rạp. Đang lúc buồn lại được chị làm thân, tôi ngoan ngoãn theo sau. Tôi ngồi yên lặng nhìn lơ đãng. Những tòa nhà cao đồ sộ che khuất cả phương trời, người đi lại nhộn nhịp xe cộ chạy lên chạy xuống như mắc cửi. Song những cảnh ấy không đủ để tôi giải trí. Vẫn thấy tôi buồn, chị lấy đầu khẽ cọ vào lưng vào cổ tôi. Chị nhìn tôi âu yếm. Để tỏ lòng biết ơn, tôi ngả đầu vào vai chị. Chị có vẻ bằng lòng lắm.
***
        Sáng nào bọn chúng tôi, chừng tám chín đứa, kể cả chị bạn thân của tôi, cũng tụ họp nhau trên sân cỏ trong rạp để luyện tập. Thoạt đầu, ông chủ đặt những chiếc róng cách nhau độ chục thước và bắt chúng tôi chạy nhẩy như lũ ngựa chạy thi trong sân quần. Róng không cao lắm, tôi nhẩy rất dễ. Song chạy được hết vòng, xe chừng nhiều anh mệt lử. Anh nào còn dư sức, ông chủ bắt đeo thêm một anh khỉ nhỏ làm “giốc kê”. Tôi được liệt vào hạng ấy. Một vài anh bị loại phải tập đi tập lại nhiều lần. Có anh gan lì, ông phải dùng roi đét luôn vào mông kêu ăng ẳng.
Hết cuộc nhảy róng đến cuộc nhẩy vòng. Những chiếc vòng rộng bản để hờ hững trên những cái đế. Thoạt nhìn tưởng chừng ngon lắm. Đến lúc nhẩy, chẳng anh nào thoát khỏi làm đổ vòng. Chính tôi là một tay nhảy tài nhất mà cũng làm đổ mất một vài chiếc. Nhưng dần dần rồi chúng tôi cũng nhảy thạo. Có hai anh nhẩy vụng quá bị loại hẳn. Rồi đến cuộc đi bằng hai chân sau, ông chủ đã ra công rèn mà không làm sao cho chúng  tôi đi được tử tế. Chúng tôi cứ đi được vài bước lại phải nhảy, không có thì cái mình dài thưỡng chẳng đổ về đằng trước cũng ngã về đằng sau. Lắm anh bị ông đánh phát cáu cắn inh cả rạp. Nhất là môn đi bằng hai chân trước. Chỉ có tôi với ngã oạch, làm cho những người đứng xem cười rũ rượi. Giờ luyện tập lắm khi rất vui vẻ hoạt động. Chúng tôi ganh nhau đua nhau, anh nào cũng muốn trổ tài trước mặt chủ, nhờ thế mà tôi quên hẳn được nỗi nhớ nhung buồn nản.
Buổi chiều được nghỉ, tôi cùng bạn thân lững thững dạo quanh rạp. Chúng tôi dừng bước trước chuồng khỉ để nghe những tiếng khẹc khẹc và nhìn chúng nô đùa như lũ trẻ xanh. Chúng nhắn nhó làm trò khỉ trông đến buồn cười.
Xem chán rồi, chúng tôi lại lững thững bước một ngắm nghía từng anh, anh voi to lớn với chiếc vòi dài thuỗn, uốn lên uốn xuống, quằn quại như đỉa phải vòi, anh gấu lông lá xồm xoàm vác cái bụng xệ ra đứng tiêu khiển trước hàng chân song sắt. Đôi mắt ti hí, cái mõm đen kịt đèo thêm sợi dây xỏ qua lỗ mũi. Trông anh chàng rất ngộ nghĩnh, nhưng giá thử không có hàng chấn song kia thì chúng tôi chả có thì giờ đâu mà ngắm nghía kỹ càng... Bỗng một tiếng gầm. Chúng tôi giật mình, nhìn sang bên cạnh. Chà! Một anh hổ. Sao mà đôi mắt tròn xoe của anh dữ tợn thế. Anh nhìn chúng tôi như muốn nuốt chửng. Anh nằm trông có vẻ mệt nhọc. Thỉnh thoảng anh ngáp để lộ những chiếc răng nanh nhọn hoắt và cái mồm rộng như cái hang đỏ lòm. Nhưng mà cái mùi của anh bốc ra hôi hám khó chịu lắm, xin kiếu ông thôi. Ông mà được thả lỏng thì chắc hai chúng tôi chẳng đủ cho ông một bữa... Kìa lại hai chú báo. Bộ lông của các chú đẹp nhỉ, nền vàng chói với những điểm đen tròn sặc sỡ như nền gấm. Thế mà người ta bảo các chú còn dữ tợn hơn cả hổ. Thôi, chào chú, chúng tôi còn phải xem xét qua một lượt các chú khác. Chú ngựa vằn. Tên chú đúng lắm, chú giống hệt ngựa và khắp mình chú những vằn đen dài lượn như đàn lươn đàn rắn trông hoa cả mắt. Chừng chú chạy nhanh lắm vì bốn chân chú ngựa, toàn mặt quen biết cả nên chúng tôi chỉ nhìn thoáng qua rồi ru nhau trở về chỗ bọn đồng loại.
Họ nô đùa dư quá. Ý chừng họ muốn ôn lại bài cũ. Họ bá vai nhau nhảy nhót. Lắm anh đi chưa vững ngã chổng kềnh. Chúng tôi bắt chước, cùng bá vai nhau nhảy. Lúc này, dù ai có cảnh biệt ly đau đớn như tôi, cũng khuây khỏa được để hưởng những phút sung sướng.
***
.........................................................................................................
***

          Nay tôi chưa già cũng gọi là già rồi. Không còn đâu những phút bồng bột như thời trẻ. Hồi tưởng lại, từ ngày còn là con chó bọ, tôi đã từng nếm trải biết bao nhiêu nỗi sung sướng, khổ nhục. Phúc họa ấy đều do bởi tay người. Luôn luôn sống gần người, tôi nhận thấy người là một giống đa tình đa cảm, nhưng đầy lòng vị kỷ, tự cao, tự ái. Họ mải nghĩ đến họ quá mà quên bẵng đi: loài vật chúng tôi cũng có đủ tính tình, cảm giác: vui buồn, sướng khổ. Họ quên bẵng đi, nên lắm phen họ đã tỏ ra độc ác, tàn nhẫn quá. Họ đang tâm vùi dập, hành hạ chúng tôi, coi mạng chúng tôi rẻ hơn mạng con sâu, cái kiến!
          Dù sao tôi vẫn kính phục người và không bao giờ dám quên ơn. Một ngày kia, người bỏ được lòng vị kỷ, lòng tự cao, nó che lấp bản tính thì người đáng thay quyền tạo hóa làm chúa tể muôn loài.

Trần Tiêu
                                               
(Viết xong tháng 6 năm 1944)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét