Ngày xưa, có một thuật sĩ nghèo, tên là Bô-tua. Hình như ở cách
gọi đó có một cái gì mâu thuẫn. Thực vậy, những từ "thuật sĩ" và
"nghèo" không đi với nhau, nhất là trong một truyện kể. tuy vậy, dù
là một thuật sĩ thực thụ, nhân vật của chúng ta rất nghèo, vì từ lâu ông ta
không có khách hàng.
Ông ta than thở:
- Chẳng lẽ không còn ai cần đến tôi? Ngày trước, tôi có nhiều
khách hàng đến mức tôi không tài nào làm vừa lòng tất cả mọi người. Người đến
xem thuật này, người đến xem thuật khác. Không phải nói khoác, chứ tôi biết
nhiều thuật lắm... Tôi sẽ đi khắp thế giới để xem một chút, cái gì đã xảy ra.
Nếy bây giờ có một thuật sĩ khéo léo, lão luyện hơn tôi, tôi cần phải gặp người
đó.
Nói là làm, thuật sĩ gói gém đồ đạc quý giá nhất: chiếc gậy thần,
cuốn sách thần chú, hai hay ba gói bột thần kỳ, ông ta lên đường.
Ông đi rất lâu. Khi đêm xuống, ông đến trươc một ngôi nhà nhỏ, ông
gõ cửa: tốc tốc.
- Ai đó?
- Một người bạn, thưa bà, một người bạn.
- Ồ, tốt lắm, vào đi. Bạn bé ít đến thăm tôi lắm. Hãy ngồi xuống!
Anh cần cái gì phải không?
- Tôi ấy à? Không, thưa bà, tôi chẳng cần cái gì cả. Nhưng thưa
bà, có thể bà cần cái gì đó. Tôi tên là Bô-tua, thuật sĩ.
- Thuật sĩ? Thật không thể tưởng tượng được!
Thuật sĩ, vâng, đúng thế. Bà có thấy chiếc gậy nhỏ này không? Nếu
tôi bảo nói hai tiếng, hai tiếng mà chỉ có một mình tôi biết thôi, một ngôi sao
sẽ sa từ trên trời xuống, chiếu sáng nhà bà...
Nghe những lời ấy, bà lão thốt lên một tiếng nhỏ:
- Ồ, nói đến ánh sáng. Để tôi bật đèn lên. Tôi ở đó, đắm chìm tong
suy nghĩ, không nhận biết là trời đã tối rồi. Tôi xin lỗi, xem kìa, anh thấy
ánh sáng như thế nào?
Thuật sĩ quá ngạc nhiên, không thể tiếp tục câu chuyện. Ông ta
nhìn cái đèn, miệng há hốc như sắp nuốt chửng nó.
- Nhưng... thưa bà... bà đã làm như thế nào?
- Tôi đã làm như thế nào ư? Tôi bật công tắc và đèn sáng lên. Điện
năng, đó là một điều tốt đẹp.
Thuật sĩ Bô-tua ghi lại mấy từ mới ấy: "Điện năng, chính nó,
là thuật sĩ cạnh tranh với mình."
Rồi lấy lại can đảm, ông ta tiếp:
- Thưa bà, tôi đã nói với bà rằng tôi là thuật sĩ, và tôi biết
hàng đống phép thuật. Ví dụ như bỏ một ít chất bột vào trong ly, tôi có thể làm
cho bà nghe được tiếng nói của người ở xa.
Một lần nữa, bà lão kêu lên:
- Ồ, anh làm ta nghĩ đến việc gọi điện thoại cho người chữa ống
nước. Tôi xin lỗi một phút, bằng lòng chứ? À, tôi đã có số điện thoại. Alô? Ông
Li-e đấy ạ? Gặp ông rồi, may quá! Ngày mai ông có thể đến nhà tôi để chữa cái
bồn tắm được không? Cám ơn. Đừng quên nhé. Cám ơn. Chào... Thế đấy!
Thuật sĩ phải nuốt nước bọt hai ba lần trước khi thốt nên lời.
- Nhưng... bà đang nói chuyện với ai thế?, thưa bà?
- Với người thợ chữa ống nước. Anh không hiểu à? Điện thoại rất
tiện lợi...
Thuật sĩ ghi lại từ mới nữa. "Đó lại là một thuật sĩ nữa mà
ta chưa nghe nói đến. Một cuộc cạnh tranh không tưởng tượng được..."
- Thưa bà, bà hãy nghe đây, bà không cần cầu xin gì cả. Nếu bà
muốn thấy một người ở nơi xa, như là đang có mặt trong phòng này, tôi có sẵn
đây một ít chất bột kỳ diệu, nhờ nó mà...
Bà lão kêu lên, ngắt lời ông ta:
- Trời đất! hôm nay tôi đãng trí quá. Tôi đã quên mở vô tuyến
truyền hình để xem cuộc thi trượt băng. Anh không biết con trai tôi là vô địch
về trượt băng leo dốc à? Tôi sẽ bật ngay ti-vi, chắc là đang còn thời giờ... Ừ!
May quá, nó kia kìa! Con tôi đấy! Mọi người đang đưa tất cả nắm đấm lên. Chắc
là nó lại thắng cuộc lần nữa. Thật sung sướng, anh làm ta nghĩ đến việc này.
Này, anh là một thuật sĩ chính cống chứ?
- Vâng, thưa bà, tôi đã nói với bà rồi, tôi là thuật sĩ Bô-tua.
Bà lão kêu lên và không cần nghe anh nói:
- A, vô tuyến truyền hình, đó là một điều rất tốt.
Thuật sĩ tội nghiệp tự mình lập lại hai lần từ ấy để chắc chắn
rằng đã ghi kỹ vào trong trí nhớ, không sợ nhầm lẫn. Tuy nhiên, ông ta tự bảo:
- Lại một đối thủ nữa. Ta bắt đầu hiểu tại sao việc làm trở nên
khó khăn đến thế với những cạnh tranh như vậy...
Rồi ông ta bắt đầu cung cấp các dịch vụ một cách kiên nhẫn:
- Thưa bà, như tôi đã nói với bà, tôi là một thuật sĩ lớn, lừng
danh. Tôi đã vào đây để xem tôi có thể làm việc gì giúp cho bà. Nào, bà hãy
nhìn qua đây: đây là sách thần chú với các thủ thuật trừ ma, đây là chiếc gậy
thần kỳ...
ĐOẠN KẾT THỨ NHẤT
Thật là vô ích để nói với các bạn rằng ngày hôm đó, mọi dự định
của Bô-tua đều hỏng hết. Thế giới đã thay đổi quá nhiều từ cái thời mà ông ta
đi lại thường xuyên như một doanh nhân chuyên về phép thuật. Sau đèn điện là
điện thoại, rồi vô tuyến truyền hình, thuật sĩ tội nghiệp khám phá ra hàng trăm
điều kì diệu khác, những điều mà trước kia phải cần đến sự giúp đỡ của hàng
nghìn thuật sĩ. Thế mà bây giờ, bất cứ ai có các thứ đó trong tay cũng có thể
sử dụng bằng một động tác bấm nút đơn giản.
Thuật sĩ Bô-tua quyết tâm tìm hiểu nhiều hơn nữa mọi điều của thế
giới. Vì thế, ông mua báo. Ông cũng biết rằng cuộc cạnh tranh không phải đã lấn
chiếm hết các vùng trên hành tinh. Vẫn còn nhiều vùng không có điện, không có
điện thoại, không có tiện nghi. Ở đó có nhiều người nghèo sinh sống, không có
tiền để mua các thứ kỳ diệu, hiện đại.
Nhà thuật sĩ xoa tay tự nhủ, từ bàn tay bắn ra nhiều tia sáng:
- Tốt lắm! Ta sẽ đi đến những nơi ấy, nơi có nhiều việc làm cho
ta. Ở đó, người ta phải kính trọng những thuật sĩ can trường ngày trước...
ĐOẠN KẾT THỨ HAI
Thuật sĩ Bô-tua khi nghe bà lão và quan sát ngôi nhà cùng với những
đồ vật trong đó, đã hiểu rằng trong thế giới hiện đại không còn chỗ cho các
thuật sĩ ngày xưa nữa. Ông ta tự bảo:
- Con người đã trở nên tinh khôn. Họ đã sáng tạo ra nhiều thứ quỉ
quái, nhiều thứ mà những thuật sĩ như ta cũng không nghĩ đến. Bô-tua thân mến
ơi, phải thích nghi mới được. Phải theo kịp thời đại, như bây giờ người ta
thường nói. Nói cách khác, hoặc ta phải đổi nghề, hoặc phải chuẩn bị cho tuổi
già buồn tẻ.
Vì không phải là người đần, thuật sĩ Bô-tua sau ba ngày quan sát
và suy nghĩ, đã vạch ra một kế hoạch. Ông ta thuê một gian nhà lớn, và bắt đầu
bán, kể cả bán chịu, những đồ điện gia dụng. Và sau một thời gian ngắn, ông trở
nên một nhà buôn giàu có. Ông mua một xe con, một biệt thự bên bờ biển xanh,
một chiếc thuyền buồm. Chủ nhật, ông đi lòng vòng trên biển. Nếu gió không
thổi, ông không lo lắng gì, ông dùng phép thuật làm phồng buồm lên và rong chơi
từ Ni-xơ đến Mô-na-cô trong vài phút. Ông không bao giờ dùng máy nổ để tiết
kiệm xăng.
ĐOẠN KẾT THỨ BA
Ngày nọ, thật là một bài học nhà thuật sĩ Bô-tua. Nếu ông đần độn,
ông sẽ hoàn toàn nản chí. Nhưng ông không phài là người ngu dốt. Rất nhanh
chóng, ông hiểu ngay rằng cách điều kỳ diệu khám phá được trong nhà bà lão kia
không phải do tà ma ảo thuật, mà do khoa học đem lại. Hơn nữa, ông có rất nhiều
trí tưởng tượng, nên ông tự bảo:
- Thật không thể tưởng tượng được. Tất cả các điều con người phát
minh mà không cần gậy thần chỉ là nhờ vào trí óc và bàn tay của họ. Nhưng ai
biết còn bao nhiêu điều phải tìm nữa? Ta sẽ từ bỏ, trở thành một người như tất
cả những người khác, để nghiên cứu và phát minh một cái gì đó thật mới mẻ”.
Để từ bỏ việc cũ, ông ta không cần viết thư cho Hội Thuật Sĩ. Ông
ta chỉ cần vứt bỏ cái bọc chứa các đồ phép thuật trong cái hồ đầu tiên gặp trên
đường đi. Và ông ta bước đi, sung sướng và nhẹ nhàng, hướng về một cuộc sống
mới.
Lời tác giả:
Đoạn kết thứ nhất tầm thường. Các nước chậm phát triển không cần
những thuật sĩ, mà cần sự giúp đỡ của các nước giàu. Trong đoạn kết thứ hai,
thuật sĩ ích kỷ quá. Tôi chọn đoạn kết thứ ba, vì tôi đánh giá cao lòng can đảm
của thuật sĩ khi trở lại cuộc đời với hai bàn tay trắng.
Gianni Rodari
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét