Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2018

TRẠNG DIỀU






"Có ba truyện thơ được chú ý. Trội hơn cả là nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi. Anh đã thật sự thành công trong truyện thơ “Trạng Diều”. Đó là một ông trạng rất đặc biệt của Việt Nam: Nguyễn Hiền đỗ trạng nguyên năm 13 tuổi. Trong cả truyện thơ, tác giả luôn luôn mạch lạc suôn sẻ, chân thực và súc tích. Có những đoạn thơ thật xúc động như được chắt ra từ gan ruột của người viết" (Nhà xuất bản Kim Đồng, Cuộc vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi 2001 - 2002)


1

Một đôi vợ chồng nghèo
Dương A là quê mẹ [1]
Ngày cuốc mướn cày thuê
Đêm chui túp lều rạ

Vợ chồng tuy nghèo khổ
Nhưng ăn ở biết điều
Nên làng trên chạ [2] dưới
Bà con đều thương yêu.

Mùa về, nhà biếu khoai
Nhà cho ngô, cho lạc
Khi trái gió, trở trời
Nắm lá vườn làm thuốc.

Một đêm kia, người vợ
Mơ thấy buổi làm đồng
Gió hè mát rười rượi
Trời xanh ngắt tầng không.

Có một con diều sáo
Loáng bảy sắc cầu vồng
Tỏa làn hương dịu nhẹ
Hạ xuống một tiên đồng.

Tóc trái đào ngộ nghĩnh
Đôi môi đỏ như son
Tiếng ngọt như mật rót:
– Mẹ ơi, mẹ đón con!
Tỉnh dậy, kể cho chồng
Nghe giấc mơ tuyệt đẹp
Chồng ôm vợ vào lòng
Thấy tràn trề hạnh phúc.

Cuối năm, túp lều rạ
Có tiếng trẻ oa oa
Đặt tên con là Hiếm
Thêm cu Hiếm: vui nhà!

Vợ chồng đi làm mướn
Cu Hiếm đã lên ba
Khi mẹ cha lội ruộng
Con chập chững đầu bờ

Xá mạ rồi ruộng khoai
Bước chân non lũn cũn
Miệng tập nói “ai…ai”
Mắt nhìn chim bay lượn

Tiếng sáo diều vi vu
Như ru hồn con trẻ
Cặp răng sữa nhú cười
Khi chợt nhìn thấy mẹ.

2

Làng đang sống thanh bình
Bỗng đùng đùng giặc giã
Bọn chúa đất đánh nhau [3]
Xua quân đi cướp phá
Chồng bị giặc lôi đi
Vợ bế con chạy trốn
Khi nấp cạnh bờ ao
Khi nép người bờ ruộng.

Mẹ thầm thì dỗ con:
Con ơi, con đừng khóc
Ba bề bốn bên giặc
Truy đuổi mẹ con mình!

Chừng như cũng hiểu ra
Hiếm nằm im như thóc
Kiến đốt cũng không khóc
Nốt hồng tấy thịt da…

Bão bùng rồi cũng qua
Ai lại về nhà nấy
Cha bị giặc giết rồi
Túp lều giặc đốt cháy.

Thấy mẹ con khổ sở
Nhà chùa rủ lòng thương
Chỉ cho một khoảnh đất
Dựng một túp cuối vườn.

Xóm làng người cho tre
Người cho vài nắm lạt
Người cho chiếc chõng nằm
Người cho đôi nồi đất.

Mẹ tần tảo nuôi con
Ngày đôi lần đỏ lửa
Rau má, củ khoai môn
Sắn, ngô chia đủ bữa.

Lên sáu tuổi, cu Hiếm
Phải đi ở chăn trâu
Cho một ông phú hộ
Nhà ở bên xóm Cầu.

Phú hộ, hai người con
Tuổi lên năm, lên bảy
Nuôi thầy đồ trong nhà
Để sớm chiều thầy dạy.

Nghe tiếng thầy ê  a:
“Nhân chi sơ bản thiện”
Hiếm nghe lỏm thuộc lòng
Học theo cách truyền miệng

Muốn nhanh thuộc mặt chữ
Gạch non viết xuống sân
Mài son cho cậu chủ
Để học mót dần dần.

Lùa đôi trâu ra đồng
Lúa thơm vừa mới gặt
Cỏ tha hồ trâu ăn
Còn Hiếm thì ngồi học.

Rồi bài nào, bài nào
Hiếm nhập tâm làu làu
Một mình giữa trời đất
Cũng: “Quan quan thư cưu”

Hiếm tập viết ngoài đồng
Lấy cành cây làm bút
Mài hòn son làm mực
Giấy là lá chuối tươi
Hiềm một nỗi đến đêm
Không đèn sao học được?

Hôm phú ông giết lợn
Hiếm xin cậu chủ cho
(Sướng rơn!) chiếc bong bóng
Đập mỏng rồi phơi khô.

Phùng má thổi cho căng
Đêm đi bắt đom đóm
Thả vào, ánh sáng xanh
Chiếu ra, nhìn rõ lắm.

Mẹ thấy con ham học
Cũng hởi dạ, hởi lòng
Đi mò cua bắt ốc
Mua giấy bút cho con.

Hiếm học rất sáng dạ
Đúng “học một biết mười”
Ông thầy đồ hỉ hả
Khen: như là con trời!

Đánh tiếng sang nhà chùa
Ông nhận cu Hiếm học
Giấy, bút. mực  ông mua
Miễn cho tiền lễ lạt

3

Ngày nhập trường mẹ sửa
Một cỗ xôi con gà
Sai con trai đội đến
Mặt Hiếm hồng như hoa

Từ hôm ấy, lều tranh
Như tỏa bừng ánh sáng
Thầy đồ thêm học trò
Tiếng giảng bài sang sảng

Hai cậu chủ tối dạ
Bị thầy đồ mắng luôn
Hiếm bày cho từng chữ
Lúc chơi rủ nhau ôn.

Một hôm thầy bảo mẹ:
– Cháu tư chất khác người
Mai sau chắc thành đạt
Nên hiền sĩ giúp đời

Đổi tên Hiếm thành Hiền
Nguyễn Hiền: tên thầy đặt
Mẹ thắp một tuần nhang
Khấn xin cùng trời đất.

Hai năm học trôi qua
Nguyễn Hiền lên tám tuổi
Thầy bảo: Hết chữ rồi
Thầy không dạy được nữa

May sao ở làng bên
Có một thầy mở lớp
Môn sinh chín, mười người
Cùng miệt mài đèn sách.

Khi học về Nam sử
Khi bình một áng thơ
Nguyễn Hiền nói lưu loát
Như thuộc tự bao giờ.

Giang sơn Đại Việt ta
Nghìn năm lầy máu chảy
Cũng bao phen hào hùng
Đánh quân thù tàn bại

Kìa Trưng Trắc, Trưng Nhị
Thuốc súng xạm bành voi
Thù nhà và nợ nước
Căm giận lòng sục sôi.

Sang sảng câu thơ thần
“Nước Nam vua Nam ở”
Coi chừng, quân giặc dữ
Bay sẽ cháy thành tro!

Ôi! Nước ta, dân ta
Bao nhiêu là thương mến
Như quê mình Dương A
Máu, mồ hôi hòa quyện.

Như mẹ ta, cha ta
Bao nắng mưa khó nhọc
Bát cháo khoai nhường con
Con ấm lòng ngồi học.

Ở nhà bài vở xong
Quét lá rồi giặt áo
Khi cùng mẹ ra đồng
Mang theo con diều sáo.

Cuộn dây gai quấn tay
Nối liền Trời với Đất
Đất là nơi xuất phát
Trời nâng đôi cánh bay.

Chiều chiều làng Dương A
Vi vu nghe sáo thổi
Tiếng sáo diều bâng khuâng
Làm vơi đi bao nỗi
Nhọc nhằn và khốn khó
Dối lừa và bất công…
Phút chốc như tan biến
Giữa trời xanh khôn cùng

4

Năm trước, nhất thi Hương
Năm sau, nhất thi Hội
Bước vào kỳ thi Đình
Nguyễn Hiền mười ba tuổi.

Cả làng mừng, họp lại
Ai có tiền cho tiền
Ai có gạo cho gạo
Tiễn đưa cậu về Kinh.

Hiền lên đường đi thi
Cả làng quê khấp khởi
Từ nay Dương A mình
Cả nước đều biết tới.

Thăng Long vào mùa hội
Cờ, phướn bay rợp trời
Đường dập dìu xe ngựa
Sĩ tử từ trăm nơi

Cánh nho sĩ Hải Đông
Hài thêu và áo đoạn
Lều chõng cứ rộn ràng
Phố phường vui bàn tán

Cánh Nhật Nam tiếng nặng
Khăn xếp và áo lương
Đầu cắm lông chim trĩ
Tay nải khoác chéo lưng.

Cánh ở trấn Đà Giang
Mùi rừng thơm trên áo
Nhìn phố xá lạ lùng
Quen ăn gió nói bão

Nguyễn Hiền mải mê xem
Thấy phố phường chật quá
Gặp con ngựa cũng nhìn
Thấy áo bông: hỏi giá…

Rồi mặc ai bàn tán
Mặc cho ai lo âu
Cậu ta cứ bình thản
Ra cửa Đông thả diều

Thi suốt ba ngày liền
Bút đằm trên giấy bản
Chiếc chõng cũng rung lên
Theo nhịp tìm xúc cảm.

Văn luận về thời thế
Về nghĩa sĩ, anh hùng
Trung với dân với nước
Yêu nước càng thương dân.

Văn luận về núi sông
Về giang sơn cẩm tú
Sông trên bến dưới thuyền
Núi nghìn cây hội tụ

Đồng ruộng làng Dương A
Trải xanh dài trước mặt
Chiếc diều sáo vi vu
Niềm thương quê nghẹn thắt.

Lời thầy giảng bên tai
Giọt mồ hôi trán mẹ
Tình thương của dân làng
Nghẹn ngào, Hiền rơi lệ

Hiền đỗ đầu vòng một
Ba bài, ba điểm “ưu”
Còn một bài thi  rốt.
Nghìn người còn trăm người

Đề lần này vua ra
Viết ngay trên thềm điện
Các bài thi chấm xong
Mắt rồng đều ngó đến.

“Áp tử từ kê mẫu”
Bài phú: một khắc giờ
Đã có mười sĩ tử
Chắp tay lạy, lui ra.

Nguyễn Hiền nhíu lông mày
Nghĩ về đề thi khó
Đề thi của nhà vua
Gửi nỗi niềm chi đó?
Vịt con bỏ gà mẹ
Nhảy xuống hồ bơi lội
Có phải trong lòng vua
Đang có điều bối rối?

Vua mồ côi cha mẹ
Được chú là Thái sư
Nuôi dạy từ tấm bé
Gây dựng nên bây giờ.

Người muốn qua sĩ tử
Nói hộ cho chính mình
Một tấc lòng trong suốt
Vằng vặc dưới trăng thanh

Nguyễn Hiền vung bút lên
Văn thấm từ gan ruột
Đậm đà bao ý tình
Bao nỗi niềm chân thật.

Mẹ gà ấp vịt nở
Vịt con theo mẹ gà
Đi kiếm mồi trên bộ
Ắt là vịt con thua

Nhưng khi xuống hồ bơi
Vịt thả sức ngụp lặn
Tôm tép tha hồ xơi
Vịt tìm ra đất sống.

Vịt bỏ gà cũng phải
Nhưng phàm là con người
Công sinh thành – dưỡng dục
Đều phải quí cả hai.

Bài vua chấm điểm ưu
Đứng đầu kỳ Tiến sĩ
– Nước có Trạng Nguyên rồi!
Tiếng hò reo vang dậy.

5

Trống canh năm vừa điểm
Đã náo nức hoàng thành
Then Long Môn vừa mở
Dân kinh kỳ vây quanh.

Ai cũng háo hức chờ
Trống chiêng khua náo động
– Ai sẽ trúng Trạng nguyên
Ai Thám hoa, Bảng nhỡn?

Người đoán nho sinh này
Người cho là vị khác
Lòng dân ngóng nhân tài
Như mong mưa thấm đất.

Khi nhà vua ngự giá
Không khí càng uy nghi
Có hàng trăm nho sĩ
Nín thở hồi hộp nghe.

Kiệu quan chánh chủ khảo
Đã hạ trước điện rồng
Một lính hầu vác quạt
Người khác đỡ loa đồng:

Quan dặng hắng hai lần
Giọng truyền nghe oai vệ:
– Bớ lê dân, sĩ tử
Nghe lời bố cáo đây:

– Đứng đầu giáp Tiến sĩ
Là nho sinh Nguyễn Hiền
Dương A là quê mẹ
Thuộc đất phủ Thiên Trường.

Tiếng loa đồng dõng dạc:
– Mời Trạng nguyên Nguyễn Hiền!
Một tiếng “dạ” rành rọt
Rồi cậu bé bước lên.
Tiếng “ồ”, ”à” kinh ngạc
Sửng sốt cả kinh thành:
Mười ba tuổi đỗ Trạng
Ôi! Non nước anh linh!

Nguyễn Hiền đến trước vua
Quỳ, tung hô vạn tuế
Vua phán đến bên Người
Hỏi mọi điều cặn kẽ
Ban thưởng cho người mẹ
Ban quà tặng cho thầy
Sân rồng mở đại yến
Tiếng đàn ca như say.

Vua sai quan thái giám
Dẫn Trạng thăm kinh thành
Rồi cho về quê nội
Lại đèn sách học hành
Bao giờ mười tám tuổi
Vua sẽ phán lai kinh
Để ban cho phẩm trật
Nhận mũ áo triều đình

Tin bay về Dương A
Cả chục làng náo nức
Thôn Đông dựng cổng chào
Tiếng trống chiêng dậy đất

Thôn Thượng múa sư tử
Thôn Hạ đánh cờ người
Thôn Trung lo đám rước
Mặt người hồng niềm vui

Các cụ mặc áo tế
Râu tóc như tiên ông
Nước phúc to mới thấy
Làng có Trạng thần đồng

Gái trai váy, áo đẹp
Má hồng, mắt ngời xanh
Suốt đêm vui múa hát
Trống phách rộn sân đình

Trẻ con thì rồng rắn
Chân đăm đá chân chiêu
Cùng hô từng nhịp một:
– Trạng nguyên – Trạng thả diều

Kiệu Trạng rước đến làng
Nguyễn Hiền nhảy xuống đất:
– Ôi! Mẹ ta kia rồi!
– Kìa thầy ta đang khóc!

– Thưa bà con xóm mạc
Cháu đã trở về đây!
Với tình làng sâu nặng
Công ơn xóm cao dày!.

Cảm ơn bạn cùng lứa
Cùng cắt cỏ, chăn trâu
Cùng mót khoai, mót lúa
No đói cùng có nhau!

Làng đã bày hương án
Thắp hương rồi đốt trầm
Chiếu vua ban phong Trạng
Nức lòng mọi thần dân

6

Cuối năm sứ Tống sang
Nhà vua sai mở tiệc
Sứ ”Thiên triều” nghênh ngang
Đố thơ vua Đại Việt:

“Lưỡng nhật bình đầu nhật
Tứ sơn điên đảo sơn
Lưỡng vương tranh nhất quốc
Tứ khẩu tung hoành gian!”

Ý bài thơ nói gì
Vua quan đều chưa rõ
Vua vẫn bình thản mời
– Rượu ngon cứ uống đã!

Sứ thần về quán dịch
Vua tôi mới họp bàn
Một ông quan hiến kế:
– Xin cho mời Nguyễn Hiền!

Mặt rồng hơi đăm chiêu:
– Người ấy còn non tuổi
Lòng dạ còn sáng trong
Văn chương thì lắm lối!

Quan hành khiển quỳ tâu:
– Xin lượng trời rộng xét
Để người phải lo âu
Chúng thần đáng tội chết!

Trạng Hiền tuy ít tuổi
Đỗ đầu ba kỳ thi
Văn lúc trào như thác
Lúc gió đàn lâm ly.

– Quan lính đến Thiên Trường
Rồi đi theo lộ nhỏ
Đến gốc đa bên dường
Nhìn thấy một chú bé

Mặt mũi khá khôi ngô
Nhưng áo quần rách vá
Đang nằm ngửa nhìn trời
Sáo vi vu trong gió

Một tên lính quát hỏi:
– Làng Dương A ở đâu?
Chú bé vẫn phanh bụng
Không trả lời nửa câu

Thái giám tức, nạt nộ:
– Thằng bé kia nói mau!
Thấy quan quân rầm rộ
Không biết sợ hay sao?

– Hãy lôi nó lại đây!
Chú bé đến trước mặt
Vẫn thản nhiên như không.
– Được nắng, tôi phơi sách!

– A thằng này hỗn xược
Có thấy sách gì đâu?
Lại thêm tội nói dối
Hai lần đáng mất đầu!

Chú bé chỉ vào bụng:
– Sách đây này, đây này!
Nói xong thì bỏ chạy
– Dương A sau hàng cây!

Viên tiểu tư ở xã
Được tin chạy cuống cuồng
Bày hương án tiếp chỉ
– Vua truyền gọi Trạng Hiền!

Thấy quan Trạng bước ra
Mặt thái giám tái mét
– Lúc nãy mà đánh đòn
Thì mình không thoát chết!

Thái giám truyền lệnh vua
Đưa bài thơ sứ Tống
Trạng chỉ lướt mắt qua
Miệng còn cười tủm tỉm.

Trạng vào quỳ lạy mẹ
Rồi lên kiệu vua ban
Về Thiên Trường, ngựa trạm
Thay nhau phi suốt đêm.

Khi trạng về đến Kinh
Nhà vua ân cần hỏi:
– Muôn tâu: bài thơ kia
Thần đã có cách giải!

Nhà vua truyền mở tiệc
Tiễn sứ Tống hồi hương
Ngồi ở hàng quan nhỏ
Có cả ông Trạng Hiền.

Sứ Tống mặt vênh vang
Nhắc bài thơ hôm nọ:
– Chắc triều đình nước Nam
Vua tôi đều chịu cả?

Trần Thái Tông cười nhạt:
– Chuyện vặt ấy có gì!
Đứa trẻ con cũng biết
Hỏi triều đình làm chi?

Vua phán gọi Nguyễn Hiền
Cậu bé đi thong thả
Bưng một đĩa bánh chưng
Đặt trước mâm sứ giả.

Rồi cầm một đôi đũa
Xắn dọc lại xắn ngang
Thành chữ điền là ruộng
Đủ nhật, khẩu, sơn, vương.

Sứ Tống mặt tái đi
Mồ hôi rơi giọt …giọt
Mọi người cười ầm lên
(Mặc dù chưa hiểu hết)

Tiệc tan, tiễn sứ thần
Ra nghỉ ngoài quán dịch
Vua mới hỏi Nguyễn Hiền:
– Làm sao ngươi giải được?

Nguyễn Hiền tâu cặn kẽ:
– Sứ chiết tự đố ta
Hai Nhật Hay Bốn Khẩu
Hai Vương hay bốn sơn

Đặt trong cái khung ấy
Cũng đều là chữ điền
Mà điền thì là ruộng
Cấy nếp nấu bánh chưng!

Vua quan cùng ồ lên:
– Phúc to cho Đại Việt!
– Tên sứ Tống phen này,
Nhục không sao vuốt mặt.

Nghe Trạng tâu rành rọt
Mặt rồng sáng ngời lên
Truyền thưởng nghìn nén bạc
Giữ Trạng lại trong cung

Chắp hai tay, Trạng vái
Tạ ơn nhà vua ban
Nhưng ở quê còn mẹ
Ai ngày đêm chăm nom?

Vua khen Trạng thảo hiền
Cho đón bà vào phủ
Để mẹ con bên nhau
Bõ những ngày lam lũ.

Sau này là quan giỏi
Lại là quan thanh liêm
Sử Đại Việt truyền mãi
Chuyện quan Trạng Nguyễn Hiền.

Hà Nội 2001

[1] Huyện Thượng Hiền, phủ Thiên Trường (Nam Định)
[2] Tiếng cổ: như làng, xã
[3] Hai lãnh chúa Nguyễn Nộn và Đoàn Thượng

Nguồn: Trang blog nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét