Bình Định có một vị trí đặc biệt trong toàn bộ đời sống tinh thần của nhà thơ Xuân Diệu (1916 – 1985). Hoàn toàn có thể thấy rõ điều đó khi chúng ta nhìn vào những ứng xử của thi sĩ cả trong đời thường lẫn văn chương.
Như đã biết, ông là kết quả của mối tình vượt không gian giữa ông đồ nho xứ Nghệ với cô làm nước mắm vạn Gò Bồi hồi đầu thế kỉ XX. Tuổi thơ của Xuân Diệu gắn với “con sông Gò Bồi nước chảy êm”, với điệu hát ru của má, của các dì các mợ, của bà con hàng xóm mà sau này, như nhà thơ xác nhận, “đã làm thành một mảnh của tâm hồn tôi, mảnh rất sâu xa, tinh tế…” (Sống với ca dao dân ca miền Nam Trung Bộ). Tôi nghĩ, sự gắn nối sâu sắc của nhà thơ Xuân Diệu với quê hương Bình Định được bắt đầu từ những năm tháng ấu thơ quan trọng này.
Khi đã ở vào tuổi trưởng thành, vì nhiều lí do, Xuân Diệu sống xa quê hương Bình Định. Hoàn cảnh ấy đã làm cho tình cảm của ông với quê má ngày một sâu sắc hơn. Tình cảm ấy đã được ông bày tỏ trên nhiều trang viết, gây được xúc động sâu xa đối với bạn đọc nhiều thế hệ.
Chỗ độc đáo của Xuân Diệu trong cách bày tỏ tình cảm với quê hương Bình Định chính là ở cách nói giàu biểu cảm của ông. Cụ thể, mỗi khi nói về Bình Định, ông thường kèm thêm mấy từ “quê má tôi” khiến cho địa danh Nam Trung Bộ này vang lên một cách đầy thân thương, tự hào. Nói cách khác, Bình Định một khi đi vào thơ văn Xuân Diệu sẽ không bao giờ là một địa danh trung tính mà là một địa chỉ của yêu thương và tự hào.
Tình cảm trên được nhà thơ thể hiện ngay từ bài thơ Nhớ quê Nam viết năm 1959, có những dòng mở đầu như sau:
“Ôi miền Nam, miền Nam
Quê má, quê má yêu
Quê xinh đẹp trăm chiều
Ôi miền Nam, miền Nam
Ôi Bình Định, Quy Nhơn
Đâu yêu mến cho hơn
Nơi ta lọt lòng mẹ?”
Trong những bài thơ ra đời sau đó, dù được viết trong hoàn cảnh đất nước đang bị chia cắt hay đã thống nhất, chúng ta Xuân Diệu vẫn giữ nguyên cách gọi thân thương này. Sự lặp lại thường xuyên như vậy là hệ quả tất yếu của nội tâm, có tác dụng tạo độ vang ngân của tâm hồn, đồng thời khiến cho thơ văn của ông có một âm hưởng riêng, một giọng điệu riêng không giống với bất cứ nhà văn, nhà thơ nào khác viết về quê hương Bình Định.
Đặc biệt, cách nói đó còn xâm nhập cả trong văn nghiên cứu, phê bình của ông. Trong bài Sự uyên bác với việc làm thơ viết vào những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời (tháng 11/1985), Xuân Diệu dành hẳn một đoạn để nói về đặc sắc của thơ ca dân gian Nam Trung Bộ. Và trong những câu chữ đó, chúng ta lại thấy hai tiếng “quê má” vang lên đầy tự hào: “Nghĩa Bình, quê má của tôi có lẽ là quán quân về mật độ dùng vần: Vần ở chân câu, vần ở lưng câu, vần trong câu, luyến láy lăng líu như một bữa tiệc ăn, ca dao các vùng khác khó đuổi kịp”. Trước đó, trong Đọc Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, tiểu luận mở đầu cho bộ sách nghiên cứu phê bình Các nhà thơ cổ điển Việt Nam (2 tập), Xuân Diệu cũng không ít lần viện dẫn ca dao dân ca Nam Trung Bộ để hiểu vẻ đẹp thơ nôm Ức Trai. Cụ thể, Xuân Diệu nói rằng ông rất tâm đắc với bài thơ Tiếc cảnh, số 10 của Nguyễn Trãi, thấy cái lối kêu gọi tình yêu “vô hạn ý nhị” của Nguyễn Trãi (Đầm ấm thì thương kẻ lạnh lùng) là “theo cái kiểu ca dao Bình Định: Hỡi người gánh nước Truông Mây/Cho xin một gáo tưới cây ngô đồng”. Với trường hợp câu thơ: “Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén/Ngày vắng xem hoa bợ cây” (Ngôn chí, số 10), Xuân Diệu cũng dựa trên câu thành ngữ “Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” mà ông nghe ở Quy Nhơn từ hồi còn nhỏ tuổi để luận nghĩa từ “bợ”, chỉ cho người đọc thấy “cái yêu thương của Nguyễn Trãi đối với mọi sinh vật, nâng đỡ từng nhánh lá như bưng một cái gì thanh cao và biết cảm nghĩ”… Cách tựa vào văn hóa dân gian Bình Định như thế quả đã làm nên một nét phong cách phê bình của nhà thơ Xuân Diệu, dù lập luận của ông có thể chưa thật thuyết phục với tất cả bạn đọc gần xa.
Đọc Xuân Diệu, chúng ta thấy ông nghĩ nhiều về quê cha, thương nhiều về quê mẹ. Nhưng tựu trung, hình ảnh quê mẹ trước sau vẫn sâu nặng ân tình trong tâm trí nhà thơ. Đó là lí do giải thích vì sao ông viết nhiều về quê hương Bình Định, vận dụng cả nghệ thuật ca dao Bình Định vào việc sáng tạo thi ca hiện đại. Nhà thơ đã để lại cho đời rất nhiều câu thơ, bài thơ hay về Bình Định. Trong Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong, ông có hai câu thơ về Bình Định rất đẹp:
“Quê mẹ gió nồm thổi lên tươi mát
Bình Định lúa xanh ôm bóng tháp Chàm”
Trong bài Tâm sự với Quy Nhơn, ông nói về cảnh đẹp quê má đeo đẳng mãi trong kí ức tuổi thơ:
“Gành Ráng, Đèo Son với Tháp Đôi
Cảnh chung quanh đẹp vạn Gò Bồi
Nơi sinh tôi đó, chao ôi nhớ
Nằm một đêm đò, sáng tới nơi”
Có thể nói, tuổi thơ Xuân Diệu đã lớn lên trên nền cảnh văn hóa dân gian đa dạng ở Vạn Gò Bồi, rộng ra là Tuy Phước và Bình Định. Sau này, khi đã sinh sống và làm việc ở nơi khác, ông vẫn không quên cảnh ngày Tết được đi xem bài chòi ở làng Văn Quang, được nghe các dì các chị hát cho nghe những câu hò, câu ví… Xuân Diệu thừa nhận, chính mạch nguồn văn hoá dân gian đó đã nuôi dưỡng tài năng văn chương của ông, giúp ông đạt được những bước phát triển vượt trội cần thiết trên hành trình sáng tạo. Có lẽ, đó chính là lí do giải thích vì sao Xuân Diệu thường hay tỏ lòng biết ơn mỗi khi viết về quê má. Trong thơ:
“Cảm ơn quê má muôn yêu dấu
Vẫn ấp iu hoài tuổi nhỏ ta”
(Tâm sự với Quy Nhơn);
và trong văn:
“Tôi lại trở về với những tình cảm nói ban đầu: yêu thương ca dao Nam Trung Bộ, cái nơi đầu tiên của văn học dân gian đã ru tôi ngủ và đánh thức tôi dậy với những thương mến bao la của quê hương thứ nhất: quê má đẻ ra mình” (Sống với ca dao dân ca miền Nam Trung Bộ).
Như vậy, nếu tình cảm quê hương là một dòng sông thì ở Xuân Diệu, dòng sông ấy tuy có lúc phân nhánh song căn bản vẫn dạt dào chảy về quê má Bình Định. Từ trường hợp của Xuân Diệu, người đọc hôm nay càng rõ hơn giá trị của văn hóa dân gian cũng như ý nghĩa của việc gắn nối tâm hồn với quê hương…
Lê Nhật Ký
(Bài đăng trên TC VN Bình Định, tháng 8/2018)
CHA ĐÀNG NGOÀI, MẸ Ở ĐÀNG TRONG
Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng
trong
Ông đồ Nghệ đeo khăn gói đỏ
Vượt đèo Ngang, kiếm nơi cần chữ
Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong
Hai phía đèo Ngang: một mối tơ hồng.
Vượt đèo Ngang, kiếm nơi cần chữ
Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong
Hai phía đèo Ngang: một mối tơ hồng.
Quê cha Hà Tĩnh đất hẹp khô rang
Đói bao thuở, cơm chia phần từng bát
Quê mẹ gió nồm thổi lên tươi mát
Bình Định lúa xanh ôm bóng tháp Chàm.
Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong
Ông đồ nho lấy cô làm nước mắm
Làng xóm cười giọng ông đồ trọ trẹ
Nhưng quý ông đồ văn vẻ giỏi giang
Bà ngoại nói: tôi trọng người chữ nghĩa
Dám gả con cho cách tỉnh, xa đàng.
Tiếng đàng trong, tiếng đàng ngoài quấn quít
Vào giữa mái tranh, giường chõng, cột nhà
Rứa, mô, chừ? cha hỏi điều muốn biết
Ngạc nhiên gì, mẹ thốt: úi chu choa!
Con trong võng êm lành kêu kẽo kẹt
Ru tuổi thơ theo hai điệu bổng trầm.
Mẹ thảnh thót: “qua nhớ thương em bậu”
Cha hát dặm bài "Phụ tử tình thâm".
Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong
Muốn ăn nhút, thì về quê với bố
Muốn ăn quýt, ăn hồng, theo cha mày
mà về ngoài đó,
Muốn uống nước dừa, ăn
xoài chín đỏ
Muốn ăn bánh tét, bánh tổ
Thì theo tao, ở mãi trong này.
Đội ơn Thầy, đội ơn Má sinh con
Cảm ơn Thầy vượt đèo Ngang bất kể
Cảm ơn Má biết yêu người xứ Nghệ
Nên máu con chung hòa cả hai miền!
Muốn ăn bánh tét, bánh tổ
Thì theo tao, ở mãi trong này.
Đội ơn Thầy, đội ơn Má sinh con
Cảm ơn Thầy vượt đèo Ngang bất kể
Cảm ơn Má biết yêu người xứ Nghệ
Nên máu con chung hòa cả hai miền!
Xuân Diệu
6-1960
6-1960
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét