Thứ Hai, 22 tháng 4, 2019

CỔ TÍCH VIẾT LẠI CỦA NHÀ VĂN NGUYÊN HƯƠNG




Khi tiếp cận nguồn Kinh tạng của nhà Phật, nữ nhà văn Nguyên Hương (Đăk Lăk) tìm thấy ở đó cả một kho tàng truyện cổ tích hết sức phong phú và giá trị. Với mong muốn đưa tinh thần đạo đức Phật giáo đến với tuổi thơ, chị đã chọn một số tích truyện rồi viết lại bằng lối văn sáng rõ, giàu biểu cảm. Toàn bộ các cổ tích viết lại đó đã được nhà xuất bản Kim Đồng in thành ba tập, phát hành vào đầu năm 2019 này: “Voi chúa và hoàng tử nhỏ”, “Đứng một chân và há mỏ ra” và “Nắng vàng, sáng trăng và mặt trời”.


Nguồn truyện mà Nguyên Hương khai thác để viết lại trong ba tập trên đều nằm trong Tiểu bộ kinh, tập V, nói về “đời sống trước” của Đức Phật. Vì vậy, những cổ tích này còn được gọi là “cổ tích tiền thân”, đem đến cho người đọc những hình ảnh quá khứ của Đức Phật hết sức linh động – khi làm loài vật, khi là nhà vua, lại có lúc là hoàng tử… Dù sắm vai nào, Đức Phật vẫn là hiện thân của một phong cách đạo đức hoàn hảo, đẹp cả trong suy nghĩ lẫn hành động, là tấm gương sáng cho người đời noi theo, tu tập.

Theo Nguyên Hương, truyện cổ tích tiền thân về Đức Phật có nhiều tầng bậc ý nghĩa, trong đó có “tầng cạn dễ hiểu và dễ thương dành cho các em thiếu nhi”. Chị quyết định khai thác tầng nghĩa này nhằm giúp các em làm quen với “những câu chuyện từ hòa nhân ái ân tình” (“Lời nói đầu”). Như vậy, 44 truyện cổ tích viết lại của Nguyên Hương là kết quả khai thác một phần nhỏ nguồn tích truyện trong Tiểu bộ kinh (tập V). Song chừng ấy cũng thật đáng quý, bởi lần đầu tiên, văn học thiếu nhi Việt Nam mới có được một bộ truyện cổ viết lại đầy đặn và chuyên về một đề tài như vậy. So với các nhà văn lớp trước như Khái Hưng, Tô Hoài, Phạm Hổ…, Nguyên Hương chuyên tâm hơn rất nhiều với thể loại truyện cổ viết lại. Chị cũng không tự giới hạn khai thác nguồn cốt truyện dân gian trong nước mà chủ động mở rộng tìm kiếm những nguồn tích truyện khác từ những nền văn học khác trên thế giới. Cách làm này không chỉ đem lại cho người viết niềm hứng thú mà còn giúp các em mở rộng kiến văn, làm quen với những phong cách truyện cổ khác nhau.

Trước bộ ba cổ tích tiền thân về Đức Phật, Nguyên Hương cũng đã có khá nhiều truyện cổ tích viết lại in rải rác trong các tập “Tấm thảm bay”, “Viên ngọc bùa mê”, “Vùng đất bị phù phép”… xuất bản vào cuối năm 2014 và đầu năm 2015 (Nxb Trẻ). Nhắc lại điều này để thấy, Nguyên Hương rất hứng thú với việc viết lại truyện cổ cho thiếu nhi. Có thể nói, đó cũng là cách chị đặt mình vào thử thách để tài năng kể chuyện được bộc lộ một cách rõ nét. Thực tế cho thấy, Nguyên Hương kể chuyện rất có duyên, nhẹ nhàng mà đầy sức lôi cuốn. Những câu chuyện của chị được mở đầu giản dị nhưng hấp dẫn, vì hứa hẹn mang đến một thế giới cổ tích hoặc đồng thoại mới lạ: “Ngày xửa ngày xưa, trên núi cao, có một bầy khỉ…”(“Vua khỉ”), “Kinh thành Pháp Hoa có cặp vợ chồng mù kiếm sống bằng đàn hát” (“Cây đàn thiếu một dây”)… Nói cách khác, bộ ba cổ tích viết lại của Nguyên Hương đem lại cho các em cảm xúc hào hứng khi được thỏa thích mở rộng bước chân phiêu lưu trong thế giới nghệ thuật vừa gần gũi, hiện thực mà cũng rất kì lạ, kì ảo. Trên cơ sở những trải nghiệm đáng yêu như thế, các em sẽ dần thu nhận được một số bài học hữu ích cho quá trình trau dồi đạo đức, tích lũy kinh nghiệm ứng xử trong giao tiếp gia đình và xã hội.

Nguyên Hương rất am hiểu tâm lí trẻ em. Nhờ vậy, chị dễ dàng chọn được cách đưa bài học giáo dục đến với các em một cách nhẹ nhàng, hiệu quả. Truyện của chị thường vắng bóng các triết lí răn dạy khô khan, thay vào đó là những câu nói có tính chất nhận xét hay đúc kết chân lí cuộc sống của người kể chuyện hay một nhân vật nào đó của tác phẩm. Nguyên Hương cũng sử dụng khá nhiều bài thơ (vốn là bài kệ) để truyền tải thông điệp giáo dục, ví như: “Tham lam chìm đắm trong hưởng thụ/Nên đành tận số giữa trùng dương”(“Những người thợ mộc”)… Cố nhiên, để tinh thần giáo dục Phật giáo thực sự in dấu trong tâm hồn các em, Nguyên Hương phải dựa trên một hệ thống nhân vật đa dạng (nhà vua, hoàng hậu, nhà buôn, triệu phú, hươu, nai, thiên nga…) và các tình huống truyện độc đáo. Chẳng hạn, trong truyện “Con nai kiêu ngạo”, tình huống là sự sống của đàn nai bị đe dọa từ việc dân làng đào hầm, cắm chông bẫy thú ăn lúa. Trước tình huống đó, phản ứng của hai người con của Nai chúa là Phúc Lộc và Cỏ Khô là hoàn toàn trái ngược nhau. Nếu Phúc Lộc tỏ ra lo lắng, cẩn trọng bao nhiêu thì Cỏ Khô trái lại, chủ quan và bảo thủ bấy nhiêu. Kết quả, Phúc Lộc bảo vệ được đàn nai 500 con dưới quyền vẹn toàn, còn Cỏ Khô “vì không nghe lời ai nên đã khiến cả đàn bị sát hại”. Câu chuyện hấp dẫn, giúp người đọc thấy rõ hậu quả của thói kiêu ngạo.

Nội dung truyện kể của Nguyên Hương đa dạng, song không ngoài mục đích giới thiệu các giá trị đạo đức mà đạo Phật theo đuổi và truyền dạy cho người đời. Cố nhiên, với bạn đọc tuổi thơ, Nguyên Hương tập trung vào những gì căn bản nhất, phù hợp nhất với các em. Đó là lí do giải thích vì sao truyện của chị hay nói về lòng yêu thương, trách nhiệm và đức hi sinh, lẽ công bằng và khả năng thức tỉnh… Với từng phẩm chất, chị thường có một nhóm truyện gồm nhiều nhân vật, nhiều tình huống khác nhau tham gia thể hiện. Cách làm này có tác dụng khắc sâu chủ đề, đồng thời không gây cho bạn đọc cảm giác nhàm chán. Đáng nói là, truyện kể của chị luôn đạt được sự hòa điệu giữa cảm quan người lớn và tâm hồn trẻ thơ. Vì thế, các em thường tìm thấy bóng dáng cuộc sống cùng những mong ước của lứa tuổi mình trong tác phẩm Nguyên Hương. Như truyện “Chú bò không ưa nặng lời”, chỗ đồng cảm của các em không gì khác hơn là nhu cầu được yêu thương và khích lệ. Tương tự, với truyện “Con chó Tài Trí”, đó là sự cần thiết phải làm rõ chân tướng sự việc để không ai, không cộng đồng nào bị đối xử bất công…

Truyện cổ tích tiền thân, đúng như Nguyên Hương thừa nhận, là “một khu rừng mà mỗi câu chuyện là một cây xanh, cây này đón nắng hướng đông ấm áp, cây kia nhận nắng hướng tây gay gắt”, và “dù nắng hướng nào thì mặt trời vẫn luôn đem lại ánh sáng” (Lời nói đầu). Vậy đóng góp của Nguyên Hương trong trường hợp này là gì? Đó chính là sự phát hiện và dẫn dắt các em vào khu rừng xanh ngập nắng ấy…

LÊ NHẬT KÝ
(Bài in trên Báo NLĐ có rút gọn)






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét