Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2019

DẠY CON NÊN NGƯỜI Ở THỜI ĐẠI SỐ - MỘT GỢI DẪN TỪ CHA VOI CỦA GIÁO SƯ TRƯƠNG NGUYỆN THÀNH




Sau Hội thảo "Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trên địa bàn tỉnh" (Sở VV-TT Bình Định, 27/12/2019), mình gửi bài viết này cho GS. Trương Nguyện Thành, tác giả cuốn sách Cha Voi. GS. nhắn lại "bài tóm tắt của em hay lắm!", và muốn sử dụng đăng tải trên Fb của ông ấy. Tiếc là, bài viết dài, vượt quá dung lượng fb cho phép...


Bạn nên tìm đọc cuốn sách này. Đó là một cuốn sách đọc thích, hiểu dễ, hoàn toàn có thể chia sẻ, vận dụng trong bối cảnh dạy con hiện nay.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu về phương pháp dạy con ở thời đại số của GS. Trương Nguyện Thành. Đó là phương pháp Cha Voi, được ông trình bày đầy đủ trong cuốn sách Cha Voi, xuất bản vào đầu tháng 6 năm 2019 (Saigon Book & Nxb Tổng hợp TP. HCM). Lựa chọn Cha Voi, chúng tôi xuất phát từ những lí do cụ thể sau đây:

1.1. Nuôi dạy con nên người là mong ước của bất kì bậc làm cha, làm mẹ nào. Từ xưa đến nay, người Việt Nam chúng ta luôn coi trọng việc giáo dục con cái, xem sự trưởng thành của con cái là phúc của gia đình (Con hơn cha, nhà có phúc). Mặt khác, theo đà tiến bộ của xã hội, người Việt Nam cũng dần nhận thấy việc nuôi dạy con cái rất cần tới sự hỗ trợ của phương pháp khoa học.
Trong những năm gần đây, sách báo bàn về nuôi dạy con theo phương pháp khoa học được xuất bản khá nhiều. Trong đó, hầu hết là các sách nước ngoài, như: Chiến ca của mẹ Hổ (Amy Chua), Dạy con thành công hơn cả mẹ Hổ (Maya Thiagarajan), Cha mẹ độc hại (Susan Forward), Thuần hóa cha mẹ hổ (Tanith Carey)... Thế nên, sự xuất hiện của Cha Voi khiến cho chúng ta vui mừng, bởi nó là cuốn sách do người Việt viết, hướng đến công chúng Việt với mục đích “dẫn lối” vào “kho tàng kiến thức khoa học quý báu về cách dạy con tích tụ hơn nửa thế kỉ qua”, đồng thời “truyền cảm hứng” để các bậc phụ huynh tự mình “tiếp tục tìm kiếm những báu vật khác về phương pháp dạy con trong tương lai”(tr.15).

1.2. Giáo sư Trương Nguyện Thành là người Bình Định, quê quán tại Bồng Sơn, thành danh trên đất Mỹ. Ông là nhà khoa học tài năng, chuyên về lĩnh vực Hóa học; nhận bằng Tiến sĩ tại Đại học Minnesota (1990), và được phong Full Professor (cấp bậc giáo sư cao nhất ở Mỹ) vào năm 2002. Nhiều năm trở lại đây, ông về Việt Nam, làm việc tại Trường Đại học Hoa Sen, và nay là Trường Đại học Văn Lang. Ông là nhà khoa học tự nhiên, thế nên, Cha Voi được xem là một hiện tượng đặc biệt vì loại sách giáo dục thường do các nhà tâm lí học hay chuyên gia phát triển trẻ em biên soạn. Thêm nữa, Cha Voi không chỉ giới thiệu về cách dạy con ở các nền văn hóa Mỹ, Nhật và Đan Mạch mà còn nhấn mạnh giá trị của giáo dục gia đình truyền thống thông qua những mảnh hồi ức đẹp đẽ của tác giả về ông nội và cha. GS. Trương Nguyện Thành cho biết: “Những suy nghĩ, chiêm nghiệm, nghiên cứu liên tục về cách dạy con đã giúp tôi hình thành một triết lí và phong cách dạy con theo kiểu Cha Voi của riêng mình, phối hợp từ văn hóa dạy con của Việt Nam, Mỹ, Nhật và Đan Mạch”(tr.14). Chúng tôi nghĩ rằng, với đặc điểm “phối hợp từ văn hóa dạy con của Việt Nam, Mỹ, Nhật và Đan Mạch”, phương pháp Cha Voi mà GS. Trương Nguyện Thành đề xuất là hoàn toàn có thể chia sẻ trong bối cảnh giáo dục con cái hiện nay ở Việt Nam.

2. ĐẶC ĐIỂM PHONG CÁCH DẠY CON KIỂU CHA VOI

2.1. Cơ sở hình thành phương pháp Cha Voi
Khi xây dựng phương pháp dạy con kiểu Cha Voi, GS. Trương Nguyện Thành đã dựa trên nhiều cơ sở lí luận và thực tiễn khác nhau. Khái quát lại, chúng tôi thấy có thể nói tới các cơ sở cụ thể sau đây:
a) Từ một hiện tượng sinh học mà ông biết được qua báo chí. Cụ thể, đó là việc voi cha dạy các voi đực con ở công viên Pilanesberg, Nam Phi:
“Ngày nọ, tôi tình cờ đọc được câu chuyện về cách voi cha uốn nắn tính hung hăng của các voi đực con trong công viên quốc gia Pilanesberg ở Nam Phi. Chuyện là công viên quốc gia Kruger cần cắt giảm số lượng voi nên voi mẹ và các voi con được đưa sang công viên quốc gia Pilanesberg, riêng voi cha phải ở lại vì quá nặng, khó di chuyển.
Một thời gian sau, các nhân viên ở công viên quốc gia Pilanesberg phát hiện có những voi đực con quá hung hăng đã dùng vòi đâm hoặc giẫm chết nhiều động vật, kể cả tê giác. Sau đó, họ quyết định tìm cách đưa voi cha đến đây. Thật ngạc nhiên, chỉ sau vài tuần bên cha, các voi đực con hoàn toàn chấm dứt những hành vi bạo lực”(tr.13-14).
Hiện tượng trên giúp ông cảm nhận rõ hơn về vai trò của người cha trong việc giáo dục con cái. Và đó là điều mà ông muốn nhấn mạnh trong cuốn sách của mình với hi vọng giúp người Việt điều chỉnh quan niệm truyền thống, không thể ủy nhiệm hoàn toàn việc nuôi dạy con cái cho người mẹ. Mặt khác, đây cũng là lí do giải thích vì sao ông lại gọi tên phương pháp dạy con của mình là “Cha Voi”.
b) Từ sự phân tích thực tiễn đời sống kinh tế – xã hội và những thay đổi trong văn hóa gia đình Việt hiện đại. Theo ông:
- Xã hội ngày nay đã khác xưa, do “sự phát triển thần tốc của công nghệ đã khiến môi trường sống thay đổi mạnh mẽ”(tr.24). Theo ông, điện thoại – nhất là điện thoại thông minh – được sử dụng phổ biến ở Việt Nam. Hầu hết các bậc cha mẹ thường cho trẻ em sử dụng điện thoại nhằm dụ trẻ ăn hoặc để cha mẹ rảnh tay làm việc. Không thể phủ nhận, điện thoại đem lại nhiều tiện ích song cũng chứa đầy những nguy hiểm trong việc nuôi dạy con trẻ. Ranh giới giữa tiện ích và nguy cơ là rất mong manh, bởi “với vài cái tab/click, trẻ có thể dễ dàng chuyển từ một ứng dụng giáo dục sang một trang web khiêu dâm, dung tục hoặc bạo lực”(tr.25). Và khi những thông tin xấu xuất hiện nhiều, trẻ sẽ dần rơi vào tình trạng vô cảm, ưa thích bạo lực, thậm chí chấp nhận quan hệ tình dục sớm. Tóm lại, theo GS. Trương Nguyện Thành, “sự phát triển thần tốc của công nghệ vừa mang lại những công cụ hỗ trợ cha mẹ dạy con, vừa đem đến những nguy cơ, rủi ro khó lường đối với sự an toàn và phát triển lành mạnh của trẻ”(tr.26);
- Đời sống văn hóa gia đình Việt đã “không còn như cũ”(tr.27). Nhiều năm trở lại đây, kinh tế – xã hội Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ, đời sống vật chất ở mỗi gia đình ngày càng được nâng cao. Bên cạnh điều mừng, đó còn là nỗi lo vì văn hóa gia đình thay đổi, ảnh hưởng tiêu cực tới việc nuôi dạy con cái. Theo tác giả Cha Voi, hiện nay, cha mẹ mải mê công việc mưu sinh nên ít quan tâm tới con cái; đem công việc cơ quan về nhà làm khiến không gian vui chơi của trẻ bị thu hẹp; li hôn nhiều nên con cái không được sống trọn vẹn trong vòng tay yêu thương của cha mẹ; háo danh, tìm cách đưa con vào trường chuyên lớp chọn hay du học... Những thay đổi như vậy đã khiến cho trẻ em lâm vào tình trạng thiếu ngủ, kém tập trung, thiếu cơ hội trải nghiệm thực tế, không có định hướng phát triển giá trị bản thân, nguy cơ béo phì và mất cân bằng trong phát triển tâm sinh lí lứa tuổi... Nếu không đánh giá đúng thực trạng, không tìm kiếm phương pháp dạy con phù hợp, cha mẹ Việt sẽ không tránh khỏi thất bại, cay đắng làm người vô phúc;
- Từ trải nghiệm và suy nghiệm về cách dạy con ở nhiều nền văn hóa khác nhau. Trước hết, đó là văn hóa gia đình Việt truyền thống mà tác giả tiếp nhận được từ ông nội và thân phụ trong thời thơ ấu. Theo tác giả, ông đã học được nhiều điều quý giá, như: chú trọng dạy con từ thuở còn thơ, đặt câu hỏi để giúp trẻ suy nghĩ và nói lên điều chúng nghĩ, chú trọng rèn luyện kĩ năng sống, trao quyền cho trẻ, dạy trẻ học ăn học nói; và “bay càng cao thì con sẽ thấy được càng xa”(tr.54). Sau này, khi ra nước ngoài sinh sống và làm việc, ông có thêm nhiều cơ hội mở rộng kiến văn, tiếp thu nhiều cách dạy con đặc sắc, hiệu quả. Trong sách, ông nói đến ba nền văn hóa mà ông chú trọng tiếp thu là Mỹ, Nhật và Đan Mạch. Với văn hóa Mỹ, đó là việc dạy con tính tự lập từ sớm; Nhật Bản: coi trọng nhân cách hơn vật chất, trí tuệ và chức vọng; còn Đan Mạch là triết lí “chơi để sống hạnh phúc”.
Cố nhiên, bên cạnh điều hay, ông cũng nhận thấy cách dạy con bằng roi vọt của người Việt truyền thống đã không còn phù hợp. Ông cho biết: “Nhiều nghiên cứu khoa học trong hơn nửa thế kỉ qua cho thấy tất cả mọi hình thức kỉ luật con bằng cách gây đau đớn lên thể xác hay tinh thần đều đem lại những hậu quả tiêu cực dài hạn lên sự trưởng thành và hình thành nhân cách của con em sau này”. Do vậy, “ngày nay, hơn 60 quốc gia trên thế giới đã có luật cấm đánh con”(tr.105).
c) Từ việc tiếp thu các kết quả nghiên cứu khoa học về giáo dục trẻ em. Khi viết Cha Voi, GS. Trương Nguyện Thành đã tham khảo 103 tài liệu, chủ yếu là nguồn sách báo nước ngoài. Ông đã tận dụng tối đa kết quả nghiên cứu ở các tài liệu nói trên vào việc phân tích, luận giải vấn đề. Vì thế, các cụm từ như: “Theo một công trình nghiên cứu”, “Nghiên cứu khoa học cho biết”, “Theo nghiên cứu khoa học”, “Kết quả một khảo sát khác”... xuất hiện thường xuyên, từ đầu cho đến cuối sách. Có thể nói, cách làm này khiến cho Cha Voi tồn tại như một công trình khoa học, chắc chắn về lí luận và phong phú, sinh động về kinh nghiệm thực tiễn.
d) Cuối cùng, đó là từ chính thực tiễn cuộc sống gia đình của tác giả. GS. Trương Nguyện Thành cho biết, ông lấy vợ người Nhật, sống với nhau được một thời gian rồi ly dị. Ông có hai đứa con là Taki và Takara – trong đó, Taki mắc chứng tự kỉ, thường hành động theo bản năng, không thích tiếp xúc với người khác. Theo luật pháp Mỹ, hai đứa con về sống với mẹ, còn ông thực hiện bổn phận làm cha vào những ngày cuối tuần. Với hoàn cảnh gia đình như thế, GS. Trương Nguyện Thành đã suy nghĩ rất nhiều về cách dạy con, làm sao để đạt được thành công trong môi trường “đa văn hóa” như vậy. Ông quyết định “đánh giá lại văn hóa dạy con của người Việt mà mình hấp thụ được từ cha ông và rút ra những bài học hay từ văn hóa dạy con của người Mỹ, Nhật, Đan Mạch”(tr.13). Kết quả, ông đã tìm được câu trả lời, hình thành nên phương pháp Cha Voi với những thành công to lớn từ việc rèn dạy con cái của mình.
Như vậy, sự hình thành phương pháp Cha Voi được dựa trên nhiều nền tảng lí thuyết và thực tiễn khác nhau. Trong đó, những trải nghiệm phong phú của tác giả đã góp phần làm cho câu chuyện Cha Voi trở nên gần gũi, hoàn toàn có thể chia sẻ được trong bối cảnh văn hóa gia đình Việt Nam hiện nay.

2.2. Những ưu tiên của phương pháp Cha Voi
Trước khi Cha Voi được hình thành, thế giới cũng đã tồn tại rất nhiều phương pháp dạy con khác nhau. Bản thân tác giả Trương Nguyện Thành hoàn toàn biết rõ điều đó. Vậy phương pháp Cha Voi của ông đã ưu tiên lựa chọn mục đích, triết lí và cách thức dạy con như thế nào?
a) Trong tiểu mục “Nếu ngày mai bạn mất, bạn mong gì cho con?” và “Thời nay, ta cần gì để sống hạnh phúc?”, tác giả Trương Nguyện Thành đã nói một cách ngắn gọn nhưng rõ ràng quan điểm của mình về mục đích dạy con mà bản thân ông cũng như các bậc phụ huynh ngày nay (cần) hướng đến. Ông đã đặt ra câu hỏi: “Nếu ngày mai bạn mất, bạn mong muốn gì cho con mình?”, và đề xuất hai phương án trả lời: “a. Sống hạnh phúc; b. Có cuộc sống sung túc với tiền tài, danh vọng và quyền lực”. Ông tiến hành thăm dò ý kiến bạn đọc qua kênh Facebook cá nhân, kết quả thu được là có “hơn 95% người tham gia khảo sát chọn câu trả lời a. Sống hạnh phúc”(tr.37).
Trên cơ sở mong ước của phần đa bạn đọc như vậy, tác giả Cha Voi tiếp tục  đặt ra câu hỏi mới: “Ta cần gì để sống hạnh phúc ở thời đại số?”. Dựa vào những trải nghiệm của bản thân cùng hệ thống kiến thức khoa học về phát triển cá nhân và nhu cầu phát triển nguồn nhân lực trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, GS. Trương Nguyện Thành cho rằng, “để có cuộc sống hạnh phúc, con người cần được phát triển toàn diện từ kĩ năng, nhân cách đến kiến thức chuyên môn, cần biết sống làm người có giá trị với bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Một khi tổ chức và xã hội công nhận những giá trị ấy, những thành công về mặt vật chất, danh vọng và quyền lực tự nhiên sẽ đến với bạn”(tr.39).
Như vậy, mục đích dạy con mà tác giả Cha Voi theo đuổi gói gọn trong câu văn này: “Trong tất cả những gì tôi có thể mong ước, tôi chỉ mong con mình có cuộc sống hạnh phúc”(tr.36). Và để con cái đạt được cuộc sống hạnh phúc đó, cha mẹ cần dạy cho con bốn phẩm chất cơ bản sau:
- Kỹ năng: Độc lập trong suy nghĩ, hành động và trong cuộc sống, có khả năng thích nghi với những thay đổi trong môi trường sống;
- Tính cách: Tư duy cầu tiến (growth mindset), ham học hỏi, kiên trì, sáng tạo và có khả năng kháng bại;
- Nhân cách: Sống trung thực, có khả năng thấu cảm và có ý thức cộng đồng, sống làm người có giá trị với chính bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội;
- Cơ hội: Có cơ hội sống với đam mê và phát huy được tiềm năng của bản thân.
Hiện nay, người Việt còn mải mê chạy theo danh vọng, tiền tài thì sự xuất hiện của tư tưởng về cuộc sống hạnh phúc nói trên của GS. Trương Nguyện Thành là rất có ý nghĩa. Nếu được phổ biến rộng rãi thì nó sẽ giúp nhiều gia đình điều chỉnh quan niệm cuộc sống, ưu tiên hơn đến việc xây dựng con người giá trị và cuộc sống hạnh phúc.
b) Về triết lí dạy con, phương pháp Cha Voi ưu tiên ba tư tưởng sau đây:
- Một là, dạy nhưng mà không dạy, không dạy nhưng mà dạy: Triết lí này coi trọng sự linh hoạt của cha mẹ trong việc sử dụng các hình thức dạy con cái. Phương pháp Cha Voi phản đối việc dùng roi vọt, mắng chửi; khuyến khích cha mẹ thể hiện sự chuẩn mực của bản thân một cách tự nhiên để trẻ có thể quan sát và thực hành theo. Bên cạnh đó, cha mẹ không chờ đợi có tình huống mới tiến hành dạy dỗ mà chủ động thiết kế tình huống, đưa con vào môi trường trải nghiệm, tạo nên sự hứng thú tích lũy kinh nghiệm. Nghĩa là, “ở đây không có người dạy và quy trình dạy mà chỉ có người hỗ trợ và đồng hành”(tr.96).
- Hai là, ta thắng ta quan trọng hơn ta thắng người: Triết lí này nhấn mạnh đến vai trò của nội lực, tức khả năng tự động viên và tự kiềm chế cảm xúc nhằm đảm bảo cho mỗi cá nhân vững vàng trước mọi thách thức của cuộc sống. Tác giả Cha Voi viết: “Thua người khác có thể khiến ta không vui, thua chính mình có thể dẫn đến cái chết của chính ta”(tr.96).
- Ba là, không chờ đợi có sự kiện mới dạy con: Triết lí này nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hoạt động trải nghiệm, xem đó là quy trình học hỏi hiệu quả nhất. Do đó, các bậc phụ huynh cần tạo ra nhiều cơ hội trải nghiệm cho con cái, đồng thời đồng hành, giúp đỡ con phát triển tư duy cũng như kĩ năng ứng xử xã hội. Theo tác giả: “Nếu chờ đến khi con làm điều gì sai hoặc có sự kiện nào đó xảy ra với con thì cha mẹ mới có phản ứng thì cha mẹ có thể sẽ mất nhiều cơ hội dạy con những bài học cuộc sống quan trọng vì con trẻ đã quá lứa tuổi để học những bài học ấy”; mặt khác, “phản ứng với sự kiện sẽ mang nhiều cảm tính và có nhiều khả năng mất kiểm soát”(tr.97).
Cùng với ba triết lí trên, GS. Trương Nguyện Thành cũng đề xuất một số nguyên tắc ứng xử khi sử dụng phương pháp Cha Voi. Cụ thể, cần phải có quy tắc và giới hạn rõ ràng cho tất cả mọi hoạt động; không tập trung vào kết quả cuối cùng (thất bại/thành công), không đánh giá con (thông minh/dốt nát) mà chú trọng vào quy trình hành động và sự phấn đấu của con; cha mẹ không áp đặt mong ước chung của mình cho tất cả các con; cha mẹ xem con cái là mối ưu tiên hàng đầu, lấy tình thương làm nguyên tắc ứng xử cao nhất; trái lại, con cái phải biết trung thực với cha mẹ...
c) Về chủ thể giáo dục, phương pháp Cha Voi nhấn mạnh vai trò của người cha: Có thể nói, cảm hứng chủ đạo của Cha Voi chính là khẳng định, đề cao vai trò của người cha đối với quá trình “nên người” của con cái. Tinh thần đó được thể hiện ở ngay tên sách (Cha Voi) và các nhân vật được nhắc đến trong tác phẩm. Cụ thể, đó là ông nội hay “giả đò ngốc nghếch để tôi chỉ ông làm việc gì đó hoặc giải thích ông nghe điều gì đó”(tr.45), là người cha “dạy dỗ tôi chủ yếu bằng cách chia sẻ kinh nghiệm và khuyên răn chứ không hề nghiêm khắc và áp đặt”(tr.54). Đó còn là người ba nuôi (Mỹ) rất cứng rắn “trong việc dạy con tính độc lập”(tr.113); hay vị giáo sư Robert cho con gái Judy đi làm thêm “không phải vì mục đích kiếm tiền mà chủ yếu muốn dạy Judy bài học về giá trị đồng tiền và giá trị lao động”(tr.115)...
Tác giả Cha Voi không phủ nhận vai trò của người mẹ trong giáo dục gia đình. Thậm chí, ông còn thấy rõ thực tế này ở nền văn hóa Việt Nam cả trong quá khứ lẫn hiện tại. Và ông muốn “điều chỉnh” thực tế này bằng cách nhấn mạnh nhiều hơn đến trách nhiệm và ưu thế của người cha. Nói cách khác, ông muốn người cha chia sẻ, đồng hành với người phụ nữ trong vấn đề nuôi dạy con cái. Có như vậy, con cái sẽ thừa hưởng đồng thời cả cái khéo, cái khôn từ cha mẹ - đúng như dân gian đã nói: “Mẹ dạy con thì khéo, cha dạy con thì khôn”. Tư tưởng này mới, là một giá trị của phương pháp Cha Voi.
d) Về nội dung giáo dục, cha mẹ dạy con những gì trong thời đại số? GS. Trương Nguyện Thành chọn cách giáo dục toàn diện, bao gồm: kỹ năng, nhân cách, tư duy và kiến thức. Ông gọi đó là “bốn trụ cột để phát triển cá nhân”. Với mỗi “trụ cột” như vậy, có những nội dung rất cụ thể:
- Kỹ năng: Tính tự lập, tự quyết, tự giác; Sinh tồn; Giao tiếp, tương tác; Tập trung; Kiên tâm;
- Nhân cách: Trung thực; Khiêm tốn; Khoan dung; Thấu cảm; Ý thức cộng đồng;
- Tư duy: Cầu tiến; Kháng bại; Cân bằng cuộc sống; Suy nghĩ chín chắn và đa chiều;
- Kiến thức: Cơ bản; Nền tảng; Tổng quát; Chuyên sâu.
Đối chiếu với thực tiễn hiện nay ở Việt Nam, chúng ta dễ dàng nhận thấy giáo dục “chủ yếu tập trung vào cột kiến thức, hầu như không quan tâm tới ba cột còn lại”(tr.133). Vì thế, trách nhiệm của cha mẹ càng lớn, phải chú trọng rèn dạy đồng thời cả ba kỹ năng, nhân cách và tư duy cho trẻ em. Như vậy, khi xây dựng nội dung giáo dục nói trên, tác giả đã đánh giá kỹ thực trạng văn hóa gia đình Việt, giúp các bậc phụ huynh thoát khỏi hoang mang, tự tin hơn với nhiệm vụ giáo dục con cái.
e) Về cách thức giáo dục, phương pháp Cha Voi đề cao hình thức nêu gươngtrải nghiệm.
Về nêu gương, tác giả Cha Voi xem đó là cách dạy con hiệu quả: cha chuẩn mực, con sẽ noi theo và thực hành trong cuộc sống của mình.
Về trải nghiệm, ông đề nghị các bậc cha mẹ phải thường xuyên tạo ra nhiều tình huống khác nhau, đặt trẻ vào môi trường thử thách để trẻ tự bộc lộ khả năng ứng xử, tích lũy hiểu biết và kỹ năng giao tiếp.
Đặc biệt, ông đề nghị các bậc cha mẹ phải chủ động trang bị cho con cái khả năng kháng bại. Theo ông: “Cuộc sống của mỗi người thường có ít nhiều sóng gió, thăng trầm. Để có một cuộc sống an bình, hạnh phúc, ta phải có khả năng vượt qua những sóng gió ấy, tích cực đón nhận những thất bại trong cuộc sống, đúc kết bài học kinh nghiệm và vươn lên”(tr.295). Trong trường hợp này, cha mẹ có tiến hành theo hai cách: một, lợi dụng thất bại của con; hai, kiến tạo một thất bại cho con trong tầm kiểm soát. Cả hai cách, cha mẹ đều phải đồng hành và hướng dẫn con vượt qua thất bại ấy. Tác giả cho biết, ông đã từng gặp Ban giám hiệu Trường THPT Sáng Tạo (TP. Salt Lake) nêu đề “xin hãy cho con tôi thất bại”, và sau đó thu được kết quả rất khả quan. Có thể nói, tư duy kháng bại là một điểm mới trong nội dung dạy con theo kiểu Cha Voi. Xưa nay, cha mẹ Việt thường tìm cách gia tăng điều kiện thuận lợi để giúp con thành công, nào có mấy ai chủ động dẫn con vào thất bại để rèn dạy năng lực đề kháng, vượt qua thử thách. Thế nên, đây là một bổ sung cần thiết trong phương pháp dạy con nên người ở thời đại số.
Tóm lại, phương pháp dạy con kiểu Cha Voi do GS. Trương Nguyện Thành đề xuất là kết quả của một quá trình nghiên cứu, thực nghiệm lâu dài. Đặt trong tương quan so sánh với một số phương pháp khác, nó có những nét riêng đặc thù. Cụ thể, nếu phương pháp Mẹ Hổ nổi bật với tính “nghiêm khắc, độc đoán”, phương pháp Dễ Dãi là “nuông chiều, dung túng”, phương pháp Bỏ Rơi là “chối bỏ, mặc kệ” thì Cha Voi chủ trương “dẫn dắt, thuyết phục”. Với nét riêng như vậy, phương pháp Cha Voi dễ dàng được người Việt tiếp nhận, vận dụng.

3. KẾT LUẬN
Cha Voi là cuốn sách đặc biệt của GS. Trương Nguyện Thành, chứa đựng tâm huyết và tài năng của một nhà khoa học rất quan tâm tới việc dạy con theo phương pháp khoa học. Cuốn sách đã mang đến cho bạn đọc Việt Nam nhiều thông tin bổ ích, giúp mở mang hiểu biết về khoa học giáo dục trẻ em. Có thể nói, Cha Voi là một món quà quý mà GS. Trương Nguyện Thành dành tặng cho bạn đọc Việt Nam trong bối cảnh xã hội thay đổi nhanh chóng bởi công nghệ, và không ít bậc cha mẹ lâm vào tình trạng hoang mang, không biết nên dạy con như thế nào.
Nhân cách quan trọng hơn kiến thức, do đó, cần thành nhân trước khi thành danh”(tr.92).
Mục đích của Cha Voi là dạy con “làm người có giá trị”, hội tụ đầy đủ các phẩm chất khác nhau, như kỹ năng, nhân cách và tư duy... Với mỗi phẩm chất như vậy, GS. Trương Nguyện Thành đều đề xuất những tiêu chí năng lực rất cụ thể, gần gũi mà cũng rất mới mẻ, hiện đại. Trong bối cảnh đất nước đổi mới hiện nay, chúng tôi nghĩ, phương pháp Cha Voi hoàn toàn có thể vận dụng thành công ở Việt Nam.

Lê Nhật Ký


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét