Tác giả - nhà giáo Nguyễn Thị Bích Thiêm |
Viết cho thiếu nhi là một công việc ưa thích của nữ nhà giáo Nguyễn Thị Bích Thiêm. Trong nhiều năm trở lại đây, bên cạnh việc đăng tải tác phẩm trên một số tờ báo trung ương và địa phương, chị còn xuất bản được bốn tập sách. Gần đây nhất, đó là tập truyện Khi mẹ vắng nhà (Nxb Văn học, 2018), dành cho các em từ 5 đến 12 tuổi.
Tập truyện Khi mẹ vắng nhà gồm 24 tác phẩm, được viết theo hai thể văn đồng thoại và sinh hoạt. Ở tập sách này, nữ tác giả tập trung phản ánh đời sống sinh hoạt của trẻ em Tây Nguyên thời hiện đại. Có thể nhận thấy, tác giả khai thác chất liệu đời sống ngay tại vùng đất Cư M’Gar, nơi chị sinh sống và hành nghề dạy học. Ngoại trừ Cuộc phiêu lưu buổi trưa có chút màu sắc li kỳ, những tác phẩm còn lại đều là những câu chuyện đời thường, quen thuộc, nhưng khi tác giả kể ra lại trở nên lung linh, sống động, đượm sắc màu thần tiên của tuổi học trò sáng trong, thánh thiện. Ví như nhân vật Vũ biết động lòng trắc ẩn trước hình ảnh bà cụ già gầy nhỏ ngồi ăn xin trước cổng trường (Bà lão ăn xin). Hay chuyện Y Hen lúc nào cũng giữ “vẻ mặt lầm lì” mỗi khi thấy chú Y Kiên đến gặp mẹ. Mãi cho đến khi Y Hen bị sập bẫy trong rừng, được chú Y Kiên giải cứu thì nó mới “vòng tay ôm thật chặt bờ vai ấm áp và vững chãi của chú Y Kiên”(Trung thu đến sớm)… Thông qua những câu chuyện như thế, tác giả Nguyễn Thị Bích Thiêm đã làm bật lên được vẻ đẹp tâm hồn cũng như những nét ứng xử đáng yêu của tuổi thơ ở vùng đất mình đang sinh sống.
Văn học thiếu nhi vốn rất coi trọng vấn đề giáo dục, xem đó là một tiêu chí quan trọng để xác nhận giá trị chân chính của tác phẩm. Khi viết cho các em, tác giả Nguyễn Thị Bích Thiêm hẳn ý thức rõ yêu cầu này, và với lợi thế của một nhà sư phạm, chị đã dụng công “cài đặt” nhiều bài học giáo dục cần thiết đối với quá trình hình thành nhân cách của thiếu nhi. Ở đây, theo quy luật chung, tác giả sử dụng đồng thời cả hai hình thức truyền đạt bài học giáo dục là trực tiếp và gián tiếp. Trong đó, hình thức trực tiếp được tác giả sử dụng khá thường xuyên, theo cách “ủy quyền” cho một nhân vật người lớn nào đó tham gia vào tình huống câu chuyện rồi từ đó chia sẻ kinh nghiệm, hoặc đưa ra lời khuyên cần thiết. Nhìn chung, tác giả tránh được sự áp đặt khiên cưỡng, đưa bài học đến với các em một cách tự nhiên, thuyết phục. Lấy ví dụ truyện Một lần đi siêu thị, tác giả đã để cho nhân vật người bố lần lượt giúp cho cậu con trai tên Vũ biết được thế nào là “đàn ông tốt trong nhà”, cho hay để phần thức ăn cho ai thì “món ăn ấy phải nguyên vẹn”… Gắn với mỗi bài học như vậy là một tình huống, một sự việc cụ thể, phù hợp. Có thể nói, cách đưa bài học như thế là thích hợp với lứa tuổi nhỏ. Chỗ cần bổ sung, đó là cần xây dựng thêm nhiều tình huống, nhân vật có tác dụng khơi dậy lòng trắc ẩn, tính thiện ở bạn đọc trẻ em. Bởi mục đích cao nhất của văn chương nghệ thuật chính là giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn con người ngay khi họ còn thơ bé.
Trong Khi mẹ vắng nhà, có một số tác phẩm được viết theo thể văn đồng thoại, như: Sẻ con và Đại bàng, Kiến anh và Kiến em, Bút chì và Thước kẻ… Những tác phẩm này cho thấy, tác giả sử dụng khá thuần thục nghệ thuật “nhân cách hóa loài vật”, kết hợp khéo léo giữa việc khắc họa đặc điểm thế giới tự nhiên và sự bồi đắp nội dung xã hội cho hình tượng nhân vật, gián tiếp đề cập tới một số vấn đề của thế giới con trẻ. Với thể loại này, tác giả có thể khai thác chuyên tâm hơn vì rất phù hợp với bạn đọc lứa tuổi nhi đồng.
Tập truyện Khi mẹ vắng nhà được viết bằng một lối văn dung dị, sáng rõ, đảm bảo phù hợp với tâm lí tiếp nhận của đối tượng bạn đọc mà cuốn sách hướng đến. Trong sách, có khá nhiều những câu văn đẹp, kiểu như: “Vầng trăng mười bảy đang từ từ nhô lên dịu dàng trên những tán lá bên kia đường trong xóm. Trời đêm tĩnh mịch trong giấc ngủ say sưa của vạn vật”(Tâm sự của Quân); “Nắng vẫn ngời ngợi trên các phiến lá cà phê xanh um. Con suối Ea Nah vẫn róc rách chảy. Làn gió êm êm thổi. Trưa mới yên bình làm sao”(Cuộc phiêu lưu buổi trưa)… Với những câu văn, đoạn văn như thế, chúng ta hoàn toàn có thể khai thác nhằm giúp học sinh rèn luyện kỹ năng làm văn miêu tả, trau dồi tiếng Việt, nhất là phát triển lời nói nghệ thuật…
Hiện tại, đội ngũ những người viết cho thiếu nhi ở Đắc Lắc nói riêng, Tây Nguyên nói chung là không nhiều. Vì thế, sự tham gia với nhiều tâm huyết của nhà giáo Nguyễn Thị Bích Thiêm thực sự là rất đáng quý, cần được giới thiệu một cách rộng rãi…
LÊ NHẬT KÝ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét