Chỉ mang tính minh họa |
Tôi đọc Thiên
Nga Sô Zuôn trong Văn trẻ Bình Định (Nxb
Văn hóa – Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 2018), thấy ấn tượng hơn cả với bài thơ Khóc vợ Nguyễn Nhạc. Đặt bài thơ này vào
hệ thống thơ ca về đề tài nhà Tây Sơn, tôi thấy nó có nét riêng, rất đáng ghi
nhận.
Như đã biết,
trong văn học Tây Sơn có tồn tại một bộ phận tác phẩm thể hiện chủ đề “ai điếu”,
thường được biết đến qua những thi phẩm tiêu biểu sau: Thu phụng quốc tang, cảm thuật (Phan Huy Ích), Khâm vãng Đan Dương lăng, Tòng
giả bái tảo Đan lăng cung kí (Ngô Thì Nhậm), đặc biệt là Ai tư vãn (Lê Ngọc Hân). Các tác phẩm
trên đều được viết vào thời điểm vua Quang Trung băng hà (1792), bày tỏ niềm tiếc
thương và ca ngợi công đức to lớn của người anh hùng áo vải đất Tây Sơn. Khía cạnh
riêng tư, tức chuyện tình cảm vợ chồng, cũng là một nét son trong nhân cách
Nguyễn Huệ - Quang Trung, được Lê Ngọc Hân kể lại tuy đớn đau mà đầy hạnh phúc:
“Theo buổi trước
ngự đèo Bồng Đảo
Theo buổi sau
ngự nẻo sông Ngân
Theo xa thôi lại
theo gần
Theo phen điện
quế, theo lần nguồn hoa”.
Bài thơ của
Thiên Nga Sô Zuôn, như tên gọi, không hướng vào thể hiện hình tượng Nguyễn Huệ
- Quang Trung mà đề cập tới một nhân vật khác, ít được người đời và sử sách biết
đến. Nhân vật đó được Thiên Nga Sô Zuôn gọi là “Nàng”, là “Cô Hầu”, vốn là một
cô gái Ba Na tên là Ya Dố, có “màu da nâu sạm”, đã kết duyên cùng Nguyễn Nhạc
khi ông đến vùng rừng núi K’Bang buôn trầu và mưu tính chuyện khởi nghĩa. Cô đã
giúp Nguyễn Nhạc kết thân với các tù trưởng, “trao cánh đồng cho voi gầm, ngựa
hí” và tổ chức lao động sản xuất, tích lũy lương thực. Trong cảm nhận của Thiên
Nga Sô Zuôn, đóng góp của Cô Hầu và rộng ra là cộng đồng Ba Na đối với phong
trào Tây Sơn ở buổi đầu là rất to lớn. Thể hiện điều đó, Thiên Nga Sô Zuôn
không dùng thứ ngôn ngữ khoa trương mà chọn hình ảnh “mầm xanh lớn dậy”, rất giản
dị và đầy biểu cảm:
“Nhà Tây Sơn
như mầm xanh lớn dậy
Thấm quyện
xương máu lũ làng”
Thiên Nga Sô
Zuôn là một phụ nữ Ba Na có năng lực văn chương thiên phú. Từ những trải nghiệm
cá nhân, sự nhạy cảm của tâm hồn văn chương nên chị dễ dàng phát hiện ra chỗ
“bi kịch” của Cô Hầu trong đời sống tình yêu và hôn nhân. Nghệ thuật đối lập đã
giúp Thiên Nga Sô Zuôn thể hiện vấn đề một cách sáng rõ, đụng chạm được tâm can
của người đọc:
“Trái tim dâng
trọn người anh hùng Nguyễn Nhạc
Mặc đêm đông
giá rét hay ấm nồng
Cam phận thứ,
vun vén giang sơn chồng
Cánh đồng Cô Hầu
mang tên từ đó chăng?
Nguyễn Nhạc
ơi!
Ngài có nghe lẫn
trong gió ngàn nước mắt nàng rơi
Phải chăng
tình yêu chỉ đọng lại nơi hai tiếng “Cô Hầu” không rõ nghĩa?”.
Thơ vốn gợi,
vì thế, Thiên Nga Sô Zuôn chỉ sử dụng vài ba chi tiết nhưng đã làm bật lên được
cái vị thế, danh tiếng, đặc biệt là nỗi lòng người vợ Nguyễn Nhạc. Có thể nói,
ba câu sau của đoạn là lời cật vấn đầy ám ảnh, lột tả được nỗi cô đơn đằng đẵng
của Cô Hầu trong những tháng ngày rời xa núi rừng, theo chồng về xuôi. Rõ ràng,
Cô Hầu là một số phận chứa đựng nhiều nghịch lí, đan cài bởi nhiều mặt đối lập.
Tôi cho rằng, Thiên Nga Sô Zuôn đã đạt được một phát hiện tinh tế, làm bật lên
được khía cạnh đáng thương, đáng đồng cảm của nhân vật Cô Hầu. Phát hiện này có
thể xếp ngang hàng với câu thơ của Ngân Giang nữ sĩ về Trưng Nữ Vương trong bài
thơ cùng tên, xuất bản năm 1939:
“Chàng ơi, điện
ngọc bơ vơ quá
Trăng chếch ngôi
trời bóng lẻ soi”
(Trưng Nữ Vương)
Có thể nói, cả
thơ Ngân Giang nữ sĩ lẫn Thiên Nga Sô Zuôn đều ràn rụa nước mắt khi nói về những
khoảnh khắc cô đơn của người phụ nữ. Họ vì nghĩa lớn mà hi sinh, và trong những
lúc trở về với cuộc sống đời thường thì gần như chạm vào nỗi lẻ loi, đơn lạnh.
Vắng sự thấu hiểu, sẻ chia, người phụ nữ dù giữa lầu son gác tía, kẻ hầu người
hạ vẫn không thể nào có được hạnh phúc thực sự. Với riêng trường hợp Cô Hầu,
tôi nghĩ Thiên Nga Sô Zuôn rất chuẩn xác khi dùng từ “cam” (cam phận thứ, vun
vén giang sơn chồng) để nói về tính cách của người phụ nữ Ba Na trong ứng xử với
người anh hùng Nguyễn Nhạc. Nó cho thấy Cô Hầu trước sau như nhất, trọn vẹn một
tấm lòng hi sinh vì giang sơn nhà chồng.
Cảm hứng thơ Khóc vợ Nguyễn Nhạc hình thành trên cơ sở
suy ngẫm, cảm thông về số phận người phụ nữ Ba Na Ya Dố - Cô Hầu. Nhưng tác giả
Thiên Nga Sô Zuôn không tự giới hạn cảm xúc vào một số phận cụ thể mà chủ động
mở rộng, phát triển ý thơ khi tạo ra sự kết nối giữa cá nhân với cộng đồng, giữa
xưa và nay. Theo đó, hình ảnh cộng đồng Ba Na luôn thấp thoáng, ẩn hiện trong
nhiều câu thơ, hoặc dưới dạng khẳng định hoặc nghi vấn:
- “Nhà Tây Sơn
như mầm xanh lớn dậy
Thấm quyện
xương máu lũ làng”;
- “Chao ôi!
Người Ba Na một
thời oanh liệt còn sách nào ghi?”.
Trong thắng lợi
của phong trào Tây Sơn, đóng góp của người Ba Na và các cộng đồng sinh sống nơi
vùng Tây Sơn thượng đạo là rất to lớn. Lịch sử, dân tộc đã ghi nhận, tôn vinh
nhưng hình như vẫn chưa tương xứng với những đóng góp đó. Thiên Nga Sô Zuôn hẳn
đã tìm hiểu kĩ các pho sử xưa nay; và từ góc độ một hậu thế của cộng đồng Ba
Na, chị đắng đót đưa ra câu hỏi về ứng xử với lịch sử, với quá khứ oanh liệt của
dân tộc mình. Tôi nghĩ, đó là câu hỏi rất đáng trân trọng, rất đáng nghĩ suy nhằm
xác lập một phương cách ứng xử công bằng, nhân văn hơn với cha ông, với những
người đi trước đã có công tạo dựng nên giang sơn này cùng bao truyền thống tốt
đẹp.
Khóc vợ Nguyễn Nhạc là tấm lòng đồng cảm
và trách nhiệm của Thiên Nga Sô Zuôn với tiền nhân. Nữ tác giả trẻ Ba Na này đã
đạt được một sáng tạo nghệ thuật đột xuất khi viết về Ya Dố - Cô Hầu. Bài thơ
giàu chất suy tư, hình ảnh mới mẻ, bố cục có nhiều chỗ “thắt” (Nàng – Nàng – Và
nàng ơi! – Chao ôi!) tựa như những tiếng nấc nghẹn, đong đầy nước mắt. Có thể
nói, cái chất men làm nên sự xúc động của thơ Thiên Nga Sô Zuôn chính là nỗi
đau khổ của con người, nhất là người phụ nữ, được tượng hình qua những giọt nước
mắt. Cá nhân tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần Khóc vợ Nguyễn Nhạc, không khỏi ngạc nhiên khi một người trẻ như
Thiên Nga Sô Zuôn lại có được những cảm nghĩ sâu xa về số phận con người, số phận
dân tộc như vậy!
LÊ NHẬT KÝ
KHÓC VỢ NGUYỄN NHẠC
- Thiên Nga Sô Zuôn -
Nàng
Gái Ba Na màu
da nâu sạm
Sợi tơ duyên
vương phải áo anh hùng
Trao cánh đồng
cho voi gầm, ngựa hí
Nhà Tây Sơn
như mầm xanh lớn dậy
Thấm quyện
xương máu lũ làng
Nàng!
Trái tim dâng
trọn người anh hùng Nguyễn Nhạc
Mặc đêm đông
giá rét hay ấm nồng
Cam phận thứ,
vun vén giang sơn chồng
Cánh đồng Cô Hầu
mang tên từ đó chăng?
Nguyễn Nhạc
ơi!
Ngài có nghe lẫn
trong gió ngàn nước mắt nàng rơi
Phải chăng
tình yêu chỉ đọng lại nơi hai tiếng “Cô Hầu” không rõ nghĩa?
Và nàng ơi!
Tôi khóc thầm
những đêm buồn lặng lẽ
Triều Tây Sơn
sách sử chẳng còn nhiều
Nỗi khổ dân
mình gồng gánh bao nhiêu?
Không phải ai
cũng biết!
Chao ôi!
Người Ba Na một
thời oanh liệt còn sách nào ghi?
Nàng ơi!
Tay tôi nhỏ, yếu
mềm chưa đủ sức
Không nâng nổi
giấy mực thành viên gạch hồng
Xây lại hào
hùng một thuở của cha ông!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét