(LNK) Một câu chuyện thời chiến tranh khiến cho ta nhiều nghĩ ngợi: "Khi đã trưởng thành, lúc dọn dẹp tôi gặp lại tấm giấy khen ngày trước. Tôi đặt lên bàn thờ, khấn và bật lửa đốt như tạ tôi với đấng vĩnh hằng" !
Năm tôi lớp bốn, lớp học trong khuôn viên nhà thờ họ Từ Công làng Nguyệt. Thời kỳ ác liệt của chiến tranh phá hoại miền Bắc. Bộ đội đóng quân trong làng, một đợt họ ghé qua năm bữa, nửa tháng, chuẩn bị vào Nam.
Phong trào “kế hoạch nhỏ” đang nở rộ. Trường phát động mỗi em góp một con gà tặng chú bộ đội. Lớp tôi, chỉ đếm trên đầu ngón tay là con “nhà khá giả” nhưng cơm chỉ hai bữa, cháo một bữa. Nhà tôi cơm một bữa, cháo hai bữa. Áo ướt thì cởi trần chờ khô. Nhà sáu người. Mẹ mất khi tôi lên tám, em út chưa được bốn tuổi.
Bố tôi như gà trống nuôi đàn con chưa tẻ bầy. Ông rộc rạc, cằn cỗi rễ tre. Những đêm trăng gầy treo của sổ, xong việc thư ký đội là ông nằm gác tay lên trán lo mùa giáp hạt gần kề.
Tài sản “di động” nhà tôi lúc đó là đàn gà. Con mái già nua sống sót sau mùa dịch bệnh. Một năm hai lứa, mỗi lứa gần chục con, chúng sinh sôi nảy nở. Chiều xuống, đàn gà ríu rít như bầy chim về tổ.
Khi bình minh chưa rạng, tiếng kẻng bộ đội báo thức, gà mẹ tục tác gọi bọn trẻ đang ngái ngủ dậy kiếm ăn. Biết ông chủ nghèo nên nó nghĩ về thân phận mình để chăm sóc đàn con. Gà mẹ như xe tăng dẫn đầu, đàn con như bầy lính trẻ hăng hái tiến về phía cào cào, châu chấu, cào bới giun đất. Chiếc xe tăng cổ dài như tháp pháo hướng về phía diều hâu từ trời phóng hỏa xuống. Chuột cống, mèo hoang nanh vuốt từ bụi rậm xông ra. Sau mỗi trận đánh, chiến trường sót lại những cụm lông tả tơi trước gió. Lính trẻ lúc nào cũng bảo toàn quân số.
Sáng thứ hai chào cờ, học trò thường đến sớm hơn mọi ngày.
Tiếng gáy của gã trống choai đang vỡ giọng, tiếng cục cạc gọi con trong khoảng không của ả mái bước đầu làm mẹ. Tiếng ồ ồ của bác chọi đầu đàn. Cả lớp, đứa nào cũng cặp một con gà bên nách. Có đứa bỏ vào bị cót khoét lỗ để cái đầu lòi ra, đôi mắt tròn ngơ ngác nhìn đất trời lần cuối.
Thằng Ngon ôm con gà có mào đỏ như giọt máu. Hàng ngày nó bớt phần ăn cho người bạn có tiếng gáy dài cuối thôn. Nó vuốt lông, xoa móng và đút vào cổ họng vài hột bắp như ban cho kẻ tử tù đặc ân trước khi ra pháp trường. Con Hòe không rời chị hoa mơ đang tuổi ăn tuổi ngủ, nó chấp nhận một cách đau đớn cuộc chia ly màu đỏ và không bao giờ gặp lại.
Chỉ mình tôi không có gà. Có gà là có giấy khen vì thành tích “kế hoạch nhỏ”. Tôi ra về trong buồn tủi và ấm ức.
Đó là một ngày nặng nề nhất. Tôi bỏ cơm. Bố tôi nói “chờ tháng nữa hắn tách bầy được khôông”. Tôi nấc lên “cả lớp chỉ còn một chắc tui, thứ bảy là hết rồi, còn hai ngày nữa”. Tôi nói tiếp “hay là bọ mua một con ca (gà) khác. Mạ thằng Hoan cũng mua chợ Cổ Hiền đó tề”. Ông quay mặt nói “có tiền thì nói mần chi”.
Bữa tối muộn màng. Ông húp qua loa vài miếng cháo loãng rồi đi nằm sớm. Đêm, tôi nằm mơ tè ướt quần, thấy lành lạnh. Tỉnh dậy, thấy ông ngồi bên thềm như bức tượng. Tôi nghe tiếng bước chân, tiếng người đi chợ sớm. Và, mỗi lần có kế hạch nhỏ, tiếng gà gáy canh thưa dần. Đêm nay lại vắng tiếng gà...
Ánh trăng tan vào sương sớm. Bóng ông cong vênh như lưỡi hái trên vách sau vụ mùa thất bát. Tiếng thở dài trong gió khuya lạnh lẽo ...
Tôi đến cạnh, lặng im. Ông kéo tôi vào lòng và hôn lên tóc. Giọt nước mắt của ông làm tôi tỉnh lại. Ông ngồi đó tự khi nào. Nhìn hốc mắt trũng sâu và ngấn lệ tôi biết ông đã trải qua một đêm dằn vặt.
“Ngày mai mi đưa hắn đi, chỉ tội mấy đứa con hắn ”, ông nói, tôi “dạ” và đi ngủ.
Dậy sớm hơn mọi ngày với nụ cười tung tẩy đến trường. Thầy giáo và cán bộ lớp đón tôi. Họ đưa con mái già lên bàn cân và ghi vào sổ “3 ký”. Thầy giáo khen tôi trước lớp và trao cho tôi tấm giấy khen viết bằng tay có chữ ký của thầy hiệu trưởng bằng mực tím.
Thầy nói, “lớp ta hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được nhà trường khen thưởng“. Tiếng vỗ tay rào rào. Đại diện đơn vị bộ đội phát biểu, “chúc các em học giỏi, nhất định chúng ta đánh thắng giặc Mỹ xâm lược“.
Hoàng hôn nặng trĩu sập xuống. Đám gà con như như con trẻ không mẹ mất phương hướng. Chúng nháo nhác hỏi nhau về nhà bằng lối nào. Mười con chỉ còn tám, những thiên thần chưa đủ lông đủ cánh đi lạc nơi đâu.
Cả nhà tôi túa đi tìm. Trong vườn nhà, ngoài bãi, tìm mãi cũng thấy. Đây rồi, hai chú nằm phơi bụng, chân ngược lên trời. Lũ kiến lửa đang dùng lưỡi gươm khoét vào từng thớ thịt. Những đôi mắt tròn xoe ngầu đục, bất lực trừng trừng oán trách tôi. Tôi ôm nó vào lòng và nghe “chiếp.. chiếp”, hai tiếng cuối cùng của cuộc đời bạc mệnh như lời trăng trối. “Nó nhỏ quá chưa ăn được, tanh lắm“, chị tôi nói. Tôi chôn nó trong vườn và đắp ngôi mộ nhỏ xíu. Nấm mồ bằng hòn sỏi nhỏ.
Mỗi ngày, khi bình minh thức giấc, chúng sợ hãi không dám ra chuồng. Nhưng cái đói bắt đôi chân yếu mềm phải bước, phải lê lết đi. Bỗng ré lên tiếng kêu thảm thiết. Những tiêm kích diều hâu sà xuống như rốc két. Con lông vàng bé bỏng bị đâm thủng ngực và bị xé nát từng mảnh bởi móng vuốt sắc nhọn.
Chiều đến, chúng tôi lại đi tìm. Trên chiến trường mỗi cái chết không bao giờ lặp lại. Con đốm nâu bị chuột cắt ngang đùi. Con rằn bông bị rắn cạp mất một chân. May mắn chúng tôi tìm được mấy thương binh nhỏ đưa về hậu cứ. Nhưng bệnh viện chưa có bác sĩ, không có máu tiếp tế và mất đi bàn tay chăm sóc của mẹ, những thương binh ấy chỉ tồn tại trên đời vài ngày ngắn ngủi.
Khoảng tuần sau, tiếng “chiếp ..chiếp” im hẳn. Những ngôi mộ có hòn sỏi bị san bằng. Chuồng trống rỗng, vườn hoang vắng, xác xơ như trải qua đại dịch. Trước đây cũng vậy, phải mất mấy năm mới gầy lại được.
Bố tôi nghĩ về mùa giáp hạt gần kề. Ông biết trước điều gì sẽ xảy ra lúc tôi nở nụ cười mãn nguyện ôm con mái ra đường.
Khi tôi áp tấm giấy khen và niềm vui vào ngực rồi trao cho ông. Ông lẵng lặng cất vào tủ.
Đó là tấm giấy khen đầu tiên trong đời.
Tối hôm đó, chị tôi lường hai lon gạo từ thùng pháo sáng đổ vào nồi. Bố tôi vục một nắm bỏ lại vào thùng và múc nước cho đầy thêm. Cháo loãng, tôi đái một lần là hết. Đêm lạnh mới thấm cái đói giày vò. Tôi không ngủ được, càng thức, càng đói, luân hồi ngày này sang tháng khác như số mệnh của kiếp người.
Vài năm sau, trước khi mất, bố tôi chỉ nói trong hơi thở một câu ngắn ngủi “bố sợ các các con như.. những ..con.. gà”.
Khi đã trưởng thành, lúc dọn dẹp tôi gặp lại tấm giấy khen ngày trước. Tôi đặt lên bàn thờ, khấn và bật lửa đốt như tạ tôi với đấng vĩnh hằng.
Mỗi lần giỗ bố, tôi lại nghĩ đến đàn gà, như vết thương thời gian ngày càng đau đớn...
Nha Trang, ngày giỗ bố 24 tháng 7 âm lịch năm 2011.
Từ Sâm
Rút từ tập Bóng của ngày.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét