Nguồn: sưu tầm |
(LNK). Bài này đăng trên báo Bình Định từ tháng 4/2005. Thiết nghĩ vẫn còn hữu ích với các trò ôn luyện môn Ngữ Văn THPT, nên đăng lại.
Truyện ngắn "Chí Phèo" là một tác phẩm lớn của nền văn chương Việt Nam hiện đại. Tác phẩm này đã được trích giảng trong chương trình văn học THPT, lớp 11.
Nói tới số phận của nhân vật Chí Phèo là nói tới bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người lương thiện. Cuối tác phẩm, Nam Cao đã miêu tả rất ấn tượng hình ảnh Chí Phèo đến nhà Bá Kiến dõng dạc đòi được sống lương thiện. Khi biết mình không thể lương thiện giữa một xã hội tàn nhẫn như vậy, Chí Phèo đã tìm lối thoát cho mình bằng cái chết.
Theo thiển ý của chúng tôi, trong đoạn trích giảng, Nam Cao còn muốn nói tới một bi kịch khác của Chí Phèo. Đó là, bi kịch bị từ chối quyền được xây dựng tổ ấm gia đình.
Khát vọng về một tổ ấm gia đình của Chí Phèo nảy sinh trên cơ sở nhân vật suy ngẫm về số phận của mình. Buổi sáng ngay sau đêm gặp Thị Nở ở vườn chuối, Chí Phèo tỉnh dậy trong trạng thái tinh thần tỉnh táo. Những âm thanh của cuộc đời như tiếng chim hót véo von, tiếng người đi chợ, tiếng anh thuyền chài đuổi cá… đã làm sống dậy ở Chí Phèo hình ảnh cuộc sống ngày trước. Chí Phèo nhớ lại, hình như có một thời "hắn từng ao ước có một gia đình, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải". Ký ức về một ước mơ tốt đẹp không làm cho Chí Phèo vui, mà trái lại, thêm buồn. Ban đầu, Chí Phèo chỉ thấy "mơ hồ buồn", rồi "nao nao buồn" và cuối cùng "chao ôi, là buồn". Nỗi buồn của Chí Phèo có duyên cớ. Đối diện với hiện tại, Chí Phèo thấy mình "đã già mà vẫn cô độc". Nhìn về tương lai, Chí thấy có ba điều khủng khiếp đang đón đợi mình: đói rét, ốm đau và đáng sợ nhất là sự cô độc. Trên cơ sở nhận thức về số phận, ở Chí Phèo đã nảy sinh khát vọng có tổ ấm gia đình mà tác nhân quan trọng là Thị Nở - người phụ nữ đã xuất hiện đúng lúc Chí Phèo đang "tăng cấp" nỗi buồn lại gắn với một thái độ quan tâm thực sự. Đêm hôm trước, Thị Nở đã thấy Chí Phèo nôn. Theo Thị Nở, những người ốm như thế chỉ có ăn cháo hành mới khỏi. Đó là lý do vì sao Thị Nở đến cùng bát cháo hành gây cho Chí Phèo biết bao cảm động. Bản thân người phụ nữ có lắm điều bất hạnh này cũng khao khát một cuộc sống vợ chồng. "Hai tiếng vợ chồng nghe ngường ngượng mà thinh thích". Những người trong cuộc vốn dễ hiểu nhau. Trong không khí vui vẻ, đậm sắc màu tình yêu của những người nông dân bất hạnh, Chí Phèo đã nói với Thị Nở hai câu thật quan trọng: "Giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ!", "Hay là mình sang đây ở một nhà với tớ cho vui!".
Hai câu nói chứa đầy những khát vọng về một cuộc sống sum hợp, lứa đôi.
Bi kịch vốn nảy sinh từ mâu thuẫn giữa khát vọng và khả năng để thực hiện khát vọng. Chí Phèo có đầy khát vọng nhưng không đủ điều kiện để thực hiện ước mơ. Sau năm ngày sống với nhau, Thị Nở đã "dừng yêu" vì bà cô không tán đồng. Căn cứ vào lời lẽ bà cô thì lý do mà mối tình Chí Phèo-Thị Nở không được chấp nhận là có ở cả hai người. Chí Phèo thì không cha, không mẹ, lại chuyên rạch mặt ăn vạ; còn Thị Nở thì ngần ấy tuổi "đã nhịn được thì nhịn luôn". Phản ứng giận dữ của bà cô đã nhanh chóng làm tan nát một cuộc tình. Khát vọng tan vỡ, Chí Phèo rơi vào bi kịch. "Hắn cứ ôm mặt khóc rưng rức". Và như đã biết, từ nỗi đau này, Chí Phèo mới thức nhận đầy đủ hơn về cuộc đời mình, mới đi đòi lương thiện, tiếp tục rơi vào một bi kịch khác-bi kịch bị từ chối quyền được làm một người tốt. Cả đời Chí Phèo là một chuỗi những bi kịch đau thương về số kiếp con người. Qua nhân vật này, Nam Cao đã thể hiện một quan niệm phong phú về quyền con người…
Lê Nhật Ký
Báo Bình Định, ngày 12/4/2005
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét