Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2020

NÀNG CÔNG CHÚA BIỂN - TRUYỆN CỔ TÍCH HIỆN ĐẠI HẤP DẪN






Một ngư lão ở xóm chài nọ bị mụ phù thủy lừa đi đánh cá ngoài khơi xa rồi dâng sóng giết chết vợ và đứa con gái bé nhỏ của ông. Ngư lão đau đớn, ngày ngày ngẩn ngơ như người mất trí. Mụ phù thủy vô cùng khoái trá vì đã trả được phần nào mối thù đối với kẻ đã dám lấy ngọc trai của mình. Chưa dừng lại ở đó, mụ phù thủy còn chuốc rượu, biến ngư lão thành quỷ biển, ngày đêm một mình trên đảo xa trông coi kho báu cho mụ. 


Trong hình hài con người nhưng ông lão gần như đã mất hết nhân tính. Ông không còn nhận ra vẻ đẹp chân thực của sự vật, trái lại, chỉ thấy toàn xấu xa, méo mó. Khủng khiếp hơn, quỷ biển bắt dân chài hàng năm phải cống nộp những đứa trẻ, nếu không sẽ nổi sóng tàn phá xóm làng. Sự tha hóa nhân tính là bi kịch của lão ngư, cũng đồng thời là nỗi bất hạnh của cư dân các vạn chài. Làm sao để hóa giải được bi kịch đó? 

Thật bất ngờ và thú vị khi nhân vật cứu sinh cho ngư lão lại là một cô bé có vẻ đẹp thiên thần. Theo lời Én con, cô bé xuất hiện là ý muốn của Trời, rằng: “Để chiến thắng cái Ác, không nhất thiết cứ phải dùng sức mạnh của gươm giáo, bạo lực. Có khi, chính sự dịu dàng, thanh khiết của cái Đẹp, của cái Chân Thiện Mỹ cũng là một sức mạnh to lớn cảm hóa, cải tạo, biến đổi cái Ác trở lại con đường hoàn lương…”. Được mẹ nuôi dạy chu đáo, cô bé lớn lên ngày một xinh đẹp, khỏe mạnh. Quỷ biển biết tin, bắt dân vạn chài phải cống nộp cô bé cho hắn. 

Bằng sự hồn nhiên đáng yêu của con trẻ, cô bé đã dần làm cho quỷ biển thay đổi tâm tính. Hắn thỉnh thoảng nhớ về đứa con gái nhỏ bé cùng túp lều hạnh phúc ngày nào. Quỷ biển cũng nghe lời cô bé mà từ bỏ kiểu ăn sống nuốt tươi, biết cảm nhận vị ngon của thức ăn được nấu chín. Trong mắt quỷ biển, cô bé “vừa xinh xắn, vừa khôn ngoan”, khác nào “nàng công chúa của biển khơi”. Những lúc như thế, quỷ biển cảm thấy khao khát được trở lại làm người, sợ phải sống một mình giữa biển khơi. Như một tất yếu, quỷ biển đã vượt qua sợ hãi, chống lại mụ phù thủy và quyết định đưa cô bé về nhà. 

Tác phẩm Nàng công chúa biển thuộc thể loại truyện cổ tích hiện đại, mang đậm dấu ấn sáng tạo của nhà văn. Trước hết, tác phẩm có nội dung rất phong phú, được kể một cách chi tiết qua gần 200 trang sách. Cốt truyện tuyến tính bị phá vỡ khi một vài lớp nội dung “hồi ức” được xen vào, tạo nên cấu trúc “truyện lồng truyện” vốn rất hiếm thấy ở các truyện cổ tích hiện đại khác. Sự kết hợp giữa kể với tả và biểu cảm được thực hiện tối đa khiến cho nội dung trần thuật trở nên phong phú, chân dung nhân vật, thiên nhiên được khắc họa cụ thể, sinh động. Nhờ thế, người đọc thấy rõ tài năng trần thuật cũng như quan điểm cuộc sống của nhà văn. 

Cụ thể, nhà văn Trần Hoài Dương cho rằng, cái ác và cái xấu luôn tồn tại dai dẳng, không dễ loại bỏ một cách triệt để. Nhưng nếu mọi người biết hợp sức cùng nhau, biết lấy lòng yêu thương để đối xử với nhau thì sẽ hạn chế được rất nhiều tác hại do chúng gây ra. Mặt khác, nhà văn cũng thể hiện niềm tin mãnh liệt rằng cái đẹp có khả năng cảm hóa, chinh phục cái xấu, giúp được kẻ ác hoàn lương. Trong trường hợp này, tác giả đề cao vẻ đẹp trong trắng ngây thơ của trẻ em; đặt ra yêu cầu phải đảm bảo điều kiện để cho các em “được sống hoàn toàn theo tự nhiên, được bộc lộ hết sự ngây thơ trong trắng của mình, không bị ai gò bó, uốn nắn chỉ bảo một cách khiên cưỡng”. 

Truyện Nàng công chúa biển được Trần Hoài Dương viết tại Nha Trang, năm 1979. Đến nay, đây vẫn là truyện cổ tích hiện đại hay nhất về đề tài miền biển. 

LÊ NHẬT KÝ
Bài đã đăng trên Tạp chí Du lịch Khánh Hòa, số 2/2020.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét