Thứ Năm, 4 tháng 6, 2020

NGƯỜI GÁC CHẮN TÀU

Trần Thị Hân, chính giữa





TRẦN THỊ HÂNHọc sinh lớp 11, Phù Cát, Bình Định.



1. Phòng trọ tối om nơi những giấc mơ được tự do bay nhảy. Những giấc mơ trên kệ tủ. Những giấc mơ len lén nấp trong tủ quần áo. Những ước mơ, lớn và nhỏ, đan vào nhau ủ rũ hoặc mỉm cười. Chị giũ chiếc áo xanh nhạt, những ước mơ rơi xuống sàn nhà lạnh ngắt. Tiếng kim loại va vào nhau lách cách, cửa căn phòng đóng lại, những ước mơ cuộn tròn ngủ yên... 

Mạch vẫn hay sang đây buổi chiều. Nó mang theo một ít bánh quy, vài quả cam trong túi nhựa. Nếu chị phải trực cả khuya, Mạch sẽ mua cho chị thêm một gói cà phê. Mạch biết rằng uống cà phê thì không tốt cho sức khỏe, nhưng nó đang cố làm những gì tốt nhất để chị luôn luôn ổn. Mạch và chị ngồi uống cà phê. Nhìn chị uống từng ngụm nhỏ cà phê giữa đêm, Mạch thấy như chị đang hớp vào luôn cả màn đêm nhập nhòe sáng tối. Chị thầm thì: 

_Bác sĩ, hôm nay không đi trực à? 

_Bác sĩ, uống nhiều cà phê không tốt đâu… 

Lúc nó rời đi, chị vẫn đang ngồi uống từng ngụm nhỏ cà phê... 

Chị sẽ thường trách Mạch, sao mang đồ ăn qua cho chị làm gì. Chị biết Mạch rất bận. Mà chị cũng đâu có thiếu thốn. Có cơm hộp, có nước lọc, có đống báo nằm trên kệ chưa đọc xong từ hôm qua, có mấy cuốn sách cũ dày bằng bàn tay bị mối gặm một chút, và có nỗi nhớ những giấc mơ yên ả nữa kia mà... 

_Trời, phiền em quá Mạch. Cứ thế này mãi chị ngại chứ... 

Mạch chạy sang đây khi rảnh, vì nó thích nhìn những đoàn tàu đi qua. Những toa tàu loang lổ và ghỉ sét. Tàu chở người, tàu chở hàng. Mạch thích cách chị ngồi yên nhìn ra cửa sổ những lúc không có đoàn tàu nào đi ngang. Chị sẽ thanh thản và mơ mộng. Ừ, vì chị là con người thích mơ mộng mà. Mắt trái của chị từ lâu đã không nhìn thấy được, mắt phải hơi mờ, nhưng chị đang cố gieo đôi mắt mình vào một khoảng không xa vời nào đó. Chị đang nghĩ về điều gì? Chắc là những giấc mơ ngày mình chỉ đứng ngang khoảng cách từ mặt đất đến chiếc thanh chắn tàu lúc nó được thả xuống. Mạch thích luôn cách khi tàu đi qua, chị ngăn dòng người qua lại bằng thanh chắn, lưng áo dấp dính mồ hôi, mặt đỏ bừng. Chị càu nhàu, tàu gì mà giờ giấc cứ như đùa… 

Chị vẫn thường rủ rỉ vào tai Mạch bằng một giọng mê say, về những giấc mơ trong cuộc đời chị. Mạch sẽ yên lặng mà lắng nghe. Chị từng học rất giỏi, và chị đã phân vân không biết mình muốn làm bác sĩ hơn hay làm cô giáo hơn, chị đã được ba mẹ yêu thương, đã được chăm chút kĩ càng. Lúc ấy nhà chị có nuôi một con mèo già nua hay gào lên mỗi khi nó đói và sẽ ngoan ngoãn dụi và tay chị khi đã được ăn no... Những giấc mơ của cái ngày mà chị chỉ bé bằng chiều cao từ mặt đất đến thanh chắn tàu được hạ xuống, chị muốn làm cô giáo hay bác sĩ hơn… Rồi chị đi lấy chồng. Rồi giấc mơ của đời chị chỉ là được làm mẹ. Thật đau lòng, chị không làm mẹ được, và thêm nữa đau lòng hơn là chị đã làm đôi tay mình vấy máu. Thêm nữa, chị đã đánh mất luôn ánh sáng của mình. 

Giờ thì mỗi lần có tàu qua, chị phải hạ thanh chắn xuống, ngăn người qua lại. Tàu đi, chị đưa thanh chắn tàu lên. Tàu đến rồi tàu đi, tàu không bao giờ thèm dừng lại... Những câu chuyện nhỏ xíu mà chị vẫn còn nhớ mãi đến bây giờ. 

Mạch sẽ không nói gì cho tới khi chị quay sang nhìn nó, mở lời. Chị cảm ơn những túi cam, túi bánh. Hồi xưa tụi nhỏ hay sang đây chơi, chị sẽ chia cho chúng. Giờ không còn đứa nào chạy sang đây nữa, chắc ba mẹ tụi nó không cho. 

_Vậy rồi chị có thấy buồn không? – Mạch hỏi, có chút dè chừng. 

_Buồn gì, tụi nó nghịch quá, sang đây thì thêm phiền. – Chị nhẹ tênh. 

Một căn phòng chật chội, mấy cái ghế gỗ cũ mèm, cuốn sổ ghi giờ tàu đến, bàn điện thoại, một người. Mạch không thích một mình, dù nó quen với việc ngồi trong bệnh viện giữa đêm. Nếu là Mạch, ở đây, nó sẽ buồn đến nỗi tan ra mất. Nhưng mà chị bận thật, bận nên cũng thấy ít buồn. Ai mà biết? 

_Em không sợ chị thật à? 

_Không, ai làm gì mình mà phải sợ? Tại sao lại sợ? 

Tay Mạch lột dở quả cam, mùi vỏ cam thơm ngọt. Chị nghe câu trả lời dửng dưng của Mạch không đáp, bên ngoài thành phố xe cộ vẫn cứ chạy đi vội vàng. 

Chị gác chắn tàu hơn một năm. Còn một bác Hải thay phiên chị nữa. Ông lão gác chắn tàu mất, chị đến thay. Những ngày đầu chị gồng mình lọt giữa dòng người chờ tàu rất vội, nặng nhọc hạ thanh chắn tàu xuống, rồi lại kéo lên. Người ta vội quá nên tiếc mấy phút chờ. Có kẻ liều mạng vượt qua thanh chắn, hiên ngang chạy đi. Có kẻ dọa nạt chị mau mau kéo thanh chắn lên, họ đang bận lắm. Chị bỡ ngỡ và run sợ. Nhiều lúc, có kẻ giơ nắm đấm vào mặt chị đòi thanh giở thanh chắn lên. Ngồi gác xuống mười hai tiếng đồng hồ, từ ngày này qua ngày nọ, có lúc là hai tư tiếng, chị chỉ biết nghĩ. Chị nửa muốn, nửa không muốn về căn phòng ngọt mùi những giấc mơ mà chị đã khóa cửa nhốt chặt của mình. Đừng có mơ mộng quá nhiều, rồi mãi quay quắt thương nhớ mình của ngày được mơ. Giờ thì chị không được mơ... Giờ thì chờ tàu, canh những giấc mơ. Không ai được làm phiền những giấc mơ của người ta. 

2. Tôi được mẹ bảo bọc quá kĩ càng, thành ra còn xa lạ, chưa hít hà được hết chuyện của bốn mùa. Chị thì khác. Chị đã từng tự do, ngông cuồng, để đời mình trôi đi miên man mặc kệ người ta lướt qua nhanh vội. Tôi chỉ là một trong hàng tá người vội vàng chạy theo những đồng tiền sáng rực và những ánh đèn lấp lánh. Nhưng tôi nào đâu muốn. Tôi cũng cần được tự do, tôi còn rất trẻ. Tuổi trẻ của tôi gào thét cần chỗ để tung hoành. Tôi đã nhận ra mình chưa từng được hít thở một cách gọn gàng. Giữa thành phố mấy triệu người, sáng tối gió còn không thèm nhìn ai một tiếng, tôi đã chán chường rồi thấy vẫn còn chút lối thoát khi gặp chị. Mắt chị tối tăm nhìn thương kì lạ. 

Chị thèm được tôi kể cho nghe về cái chết. Tôi làm ở bệnh viện, hiểu cái chết không đến một cách bất ngờ, chớp nhoáng. Người ta hiểu sai về cái chết, tôi cũng từng hiểu sai về cái chết. Cái chết không nhân từ dứt khoát. Nó từ từ gặm nhấm, ép người ta khô dần, mỏi dần. Cái chết sẽ vắt kiệt lấy sức lực, sau đó buông người bệnh ra, dữ dội hoặc bình lặng. Những bệnh nhân của tôi mệt mỏi dần, rồi ra đi. Có người co giật giữ dội, có người hết sức để mà co giật. Cái chết đương nhiên có mùi. Không phải một mùi hôi thối dữ dội xộc vào mũi. Nhưng nó dai dẳng, không ngớt đậu vào lưng, vào tóc, bám vào đầu óc làm tôi buồn nôn. Tôi nói về cái chết với những người đồng nghiệp của mình, họ đương nhiên nhìn tôi lạ lùng. Không, họ bận quá nên không có thời gian để ý, tôi thì đứng yên nhìn bệnh nhân của mình ra đi, ám ảnh vô cùng. Tôi có lúc vẫn nghe họ xì xầm: 

_Không hiểu sao nó xin được việc ở đây. 

_Thằng dở người! Vì người ta nể ba mẹ nó thôi! 

_Người có tiền mà! 

Tôi không muốn nghe, cũng không thèm nghĩ ngợi bận tâm. Tôi chỉ lo cho tuổi trẻ của mình nhạt màu rồi chết đi vô dụng. 

Tôi hay ghé qua chị, chỉ chừng trăm mét từ nhà đến trạm gác. Mấy người hàng xóm rình rập tọc mạch lại với mẹ tôi, bà đòi sống chết ép tôi ở nhà. Ngày xưa và kể cả bây giờ, mẹ vẫn thường lấy chuyện sống chết ra để nói với tôi, ép buộc, than khóc. Tôi chưa nghe mùi của cái chết từ mẹ, tôi mừng vì điều đó. Tôi vẫn luôn ngoan ngoãn ngồi yên, nghe mẹ nói. Ba tôi là bác sĩ, đã mất từ lâu, mẹ tôi một mình nuôi tôi hai mươi năm trời, gồng gánh gia tài lớn của ba để lại, cứng rắn, mạnh mẽ, làm người ta thán phục. Mẹ đâm ra dè chừng thế giới này. Có lí mà, thế giới này nhiều cạm bẫy quá, còn một người luôn ngây thơ trong mắt mẹ như tôi thì quá non nớt, dễ sai lầm. Người ta nói tôi nhu nhược, sao cũng được. Dẫu tôi vẫn tỉnh táo vô cùng, tôi sẽ nghe lời, ngoan ngoãn như một cách thể hiện sự kính yêu và biết ơn. 

Tôi vẫn hay len lén sang chị, mang theo đồ ăn, cà phê, báo cũ. Tôi mặc người ta nói chị là kẻ tù tội. Tôi đã nghe thấy được mùi của một cái chết từ chị, không phải của chị nhưng chắc chắn là từ chị. Một cái chết ghê tởm, đục ngầu, làm người ta thấy lạnh sống lưng. 

_Em nghe mùi cái chết từ chị à? Mạch, thế có bao nhiêu cái chết. Chỉ một thôi à? Phải là rất nhiều chứ, chị có hàng triệu giấc mơ đang chết. – Chị xa xăm nhìn, tay bấu chặt vào cuốn sách, thẫn thờ, đau đớn. Tôi lặng thinh. Không, chỉ có một cái chết không phải của con người, nhưng là con người, dữ dội bám lấy. 

Những đêm trong nhà xác, những cái chết va vào nhau rồi vỡ tan ra, vụn nát, đau khổ. Không cái chết nào thanh thản. Và mùi của cái chết bốc lên khiến óc tôi như muốn rơi tuột khỏi đầu. Tôi yên lặng sống giữa cái chết và những điều bí ẩn bên trong gian phòng lạnh tanh, không sợ hãi. Đã là gì đâu. Cuộc đời của chị có khi còn tối tăm hơn gấp vạn lần. Tiếng côn trùng vo ve và thi thoảng tôi nghe được tiếng tuổi trẻ của tôi thở dài, héo hon, gặm nhấm những vách tường cầm tù nó bay nhảy. Đó là những đêm dễ dàng để tôi được nghĩ, thoát xa hiện thực, nhưng tôi vẫn không dám thả tuổi trẻ của mình ra… 

3. Mạch nhốt nguyên tuổi trẻ trong bệnh viện, không sợ hãi mùi của cái chết và thêm nữa để nó để tuổi trẻ nhạt màu dần. Tuổi trẻ của Mạch và giấc mơ của chị va vào nhau, mừng rỡ, tủi thân. Chị ước gì mình có thể giúp Mạch. Người ta chỉ muốn tử tế với người khác và quên mất số phận của mình. Chị mong Mạch luôn ổn, nhưng chị đã bao giờ được yên? 

Chị không cho phép những giấc mơ của mình ra ngoài, bay nhảy. Chúng nhất định sẽ lạc. Ngoài kia đáng sợ lắm, người với người cứ lăm le bóp chết nhau. Hôm qua của hôm qua, một giấc mơ đi hoang. Nó leo lên cửa thông gió ra ngoài. Chị đã lật tung phòng trọ, điên cuồng tìm kiếm cho đến khi nghe tiếng rên rỉ yếu ớt bên kia phòng trọ. Giấc mơ bé nhỏ của chị rên rỉ dưới chân người, không ai đoái hoài, máu của nó lênh láng. Nó hấp hối tuyệt vọng và mãi mãi biến tan. Chị đã ngồi khóc cả đêm cho giấc mơ đáng thương của chị. Hôm qua, lại một giấc mơ biến mất. Chị tiếp tục lật tung phòng trọ để thở phào nhẹ nhõm thấy giấc mơ vẫn vẹn nguyên lành lặn dưới chiếc gối vuông. 

Dạo gần đây, nhiều giấc mơ mất tích. Chị tuyệt vọng khóc thương. Và thêm cả sợ hãi. Những giấc mơ nuôi chị lớn, chị sợ rằng mình sẽ tan đi, tan đi vĩnh viễn, tan đi mãi mãi. Có nhiều lần chị mơ màng nhận thấy mình trong suốt, hay lâu lâu lại nghe thấy bên trong mình mục ra, rữa ra, ngứa ngáy, âm ỉ. Chị đã rình rập mong cứu được ít ỏi giấc mơ còn sót lại, rồi thảng thốt thấy những bóng đen với cái mùi ngây ngây làm người ta đau đầu, buồn nôn bắt những giấc mơ của chị mang đi. Không, một ngày nào đó chị cũng sẽ bị bắt đi mất thôi… Chị định sẽ gửi những giấc mơ của mình lên những toa tàu, kéo đi đâu đó xa lắc cho chị yên lòng. Nếu những giấc mơ tiếp tục ở đây, vài đóng đen đang lớn dần sẽ nuốt chửng chúng, và chị đáng thương trơ trọi. 

Chị ước trước đây chị sống lâu hơn một chút, để bây giờ có thể nhanh chóng mà chết đi. Nhưng ngày ấy chị sống vẫn còn ít quá. Dẫu không muốn giữ mình tồn tại, chị vẫn phải sống, để thách thức cuộc đời và nuôi nấng những giấc mơ còi cọc. Chị nào đã sống đâu? Mấy năm trong tù, chị thờ ơ ngoài kia bao nhiêu người chỉ trỏ. Sao cũng được! Giết chồng, tàn nhẫn, độc ác, không xứng đáng được tồn tại. Không một ai đến hỏi thăm, không một ai cho chị được nói. Chị gật đầu, đúng, chị rất rất sai, không muốn giải thích. Hắn ta cào vào đôi mắt chị. Chị chỉ nhớ rằng, lí trí mách bảo chị không được phép im lặng. Chị đã vùng lên, chưa bao giờ mạnh mẽ như vậy, đâm vào bụng hắn một nhát dao. Mọi điều diễn biến xa hơn những gì chị đã nghĩ. Chị đương nhiên ân hận. Nhưng người ta đâu dễ thứ tha dù chị ân hận đến muốn vỡ tan đi? Vì mẹ chị chưa từng hỏi vì sao tay chị đầy vết thương, cha chị chưa từng hỏi sao đôi mắt chị sưng lên khốn khổ. Chị không chịu được! Ước gì cha mẹ của chị chịu ủi an, chăm sóc, yêu thương chị. Ước gì họ quan tâm chị nhiều hơn một chút. 

Và hơn cả là vì người đàn ông đó, chỉ dùng những ngôn từ dơ bẩn nhất để nói về chị. Bây giờ, kể cả khi đã ngủ say, thi thoảng chị vẫn sẽ giật mình nhớ lại: 

_Mày không thể sinh cho tao một đứa con, con chó vô dụng! 

Gã không thể biết được chị đã nuôi giấc mơ chính đáng nhất, trong sáng nhất: được làm mẹ! Giấc mơ đó bây giờ vẫn ở đây nhưng nhạt nhòa, vì sẽ không còn hi vọng nào nữa cả. Đau đớn làm sao… Gã làm chị phải có thêm một giấc mơ khác, giấc mơ về ánh sáng, về sắc màu. 

Chị sẽ không thể quên, không bao giờ quên. Ngay lúc ấy, chị căm thù trút những sợ hãi, đau khổ, phẫn nộ vào người đàn ông to béo trước mặt. Và chị chưa từng thấy mình mạnh mẽ, thèm sống đến vậy. Những giấc mơ không thèm ngăn chị lại. Mà chị, lúc ấy cũng không màng đến những giấc mơ. Rồi chỉ có những giấc mơ là yên ổn bên chị, bám vào những song sắt của nhà tù, vào bốn bức tường lạnh ngắt và che lấp đi những cơn mê man ác mộng, có đòn roi, có những lời mắng nhiếc chảy cồn cào lên sống mũi, có máu tanh nồng và nước mắt mặn chát. Chị phải nuôi tiếp những giấc mơ tội nghiệp. Chị đã nếm trải đủ hết trong tù. Bốn bức tường lạnh tanh và ngột ngạt. Chị không kêu than. Chị không đếm, không biết mình đã ở đây bao nhiêu ngày giờ. Thời gian cứ chảy dài ra, những giấc mơ ngày nép vào áo, đêm rúc vào tóc mà thôi thúc. Những giấc mơ cũng không đếm xem đã bị nhốt lại bao lâu. Chị chưa từng khóc. Nhưng chị thèm được thương quá… Và cả những giấc mơ cũng thèm một chỗ để được dạo chơi. Giờ thì qua rồi, nhưng chị chưa thôi thoát ra những cơn ác mộng. 

Mắt trái của chị đã không còn đau nữa. Nhưng mắt phải thì nhói đau. Giữa những đêm không ngủ được, chị chỉ muốn chết đi, vồ hết cả những giấc mơ chết đi. Chị khao khát một lần nhìn thấy thứ ánh sáng nguyên lành. Ánh sáng của nắng mai, của những ánh đèn ấm áp ngày chị còn hạnh phúc. Chị muốn nhìn thấy Mạch, một cách rõ ràng nhất. Thứ ánh sáng chị mơ, khuôn mặt chị mơ vẫn tồn tại trong một nơi xa xăm, mà thi thoảng chợp mắt nó sẽ hiện lên rõ ràng. Ôi cơn mơ làm chị đau lòng. Ôi giấc mơ làm chị đau lòng... 

4. Thế giới này nhiều điều bí ẩn. Bệnh viện, mùi cái chết vẫn còn len vào từng lỗ chân lông, bất ngờ ập tới muốn dìm chết tôi. Tôi đã từng nghe tiếng khóc rấm rứt trong một đêm, rồi nhận ra đó chính là tuổi trẻ của mình đang khóc. Tôi đau lòng, trời ơi đau lòng. Những tiếng mở và đóng cửa, tuổi trẻ của tôi vô thức chờ đợi, mòn mỏi chờ đợi… 

Vẫn là những mùi cái chết đang xộc vào mũi. Tôi lướt qua chúng quen thuộc, bình thản đến với bệnh nhân mới của mình. Vẫn là một mùi cái chết, nhưng không đau lòng. Cô bé ngồi yên trên giường bệnh, tay em xanh xao, mắt em trong vắt. Em ngọt ngào hát, và khi nhìn thấy tôi, em cười rạng rỡ chào. Cô bé làm bệnh viện lan tỏa mùi nắng. 

Ngày đầu tiên, em hái những bông hoa phượng đỏ giữa sân bệnh viện về cắm lên bậu cửa. Ngày thứ hai, em vẽ tranh tặng bệnh nhân của tôi. Tôi mừng rỡ hít hà mùi sống mà em mang lại. Những ngày tiếp theo, em đọc sách cho một ông già vừa mới chuyển tới, nhổ tóc bạc cho bà lão mắc bệnh nan y, em tặng hoa phượng ép khô trong trang sách cho cậu sinh viên giường bên cạnh. Thỉnh thoảng, em ngồi trầm ngâm nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi cây hoa phượng đỏ rơi từng cánh. Em khóc nhìn bà lão ra đi bình thản, ông già cũng ra đi bình thản. Mắt em đỏ lên tội nghiệp. 

Cô bé hay cười. Kể cả khi tôi dùng những mũi tiêm nhọn mảnh đâm vào da thịt em, em vẫn sẽ mỉm cười. Mắt em đẹp quá! Mắt em trong veo. Mỗi lần em cười, mắt em híp lại, bàn tay gầy guộc che khuôn miệng nhỏ và đôi má ửng hồng. Cô bé không quan tâm những mũi tiêm chằng chịt trên cổ tay và những sợi tóc rơi xuống gối. Em luôn mỉm cười với mẹ của mình. Nhưng đêm qua, nhìn mình trong gương, tôi thấy em sờ lên đầu vuốt ve những sợi tóc và khóc. Khi tôi hỏi vì sao em khóc, em nói sợ rằng khi mình ra đi, mình sẽ biến thành một linh hồn không có tóc. Tôi chết lặng. 

Những ngày chị không phải gác ở trạm, tôi đưa chị đến chơi với cô bé. Ở đây ngột ngạt quá, chắc con bé rất buồn, cần người nói chuyện. Không hiểu sao tôi lại nghĩ đến chị. Vì chị cũng cần một chỗ để những giấc mơ hít thở. Chị gật đầu đến bệnh viện, tay ôm bó hoa và giỏ trái cây. Con bé đón chị bằng đôi mắt rạng rỡ, bàn tay gầy gò nhận bó hoa và nó cười tươi như nắng. Những mũi kim vẫn lạnh lùng đâm vào bàn tay gầy của nó, nó gồng lên đau đớn. Tôi không thể nhìn thấy trong đôi mắt mịt mờ của chị có những gì. Tôi chỉ biết chị đã rất đau lòng cho một bông hoa tàn sớm. 

Mẹ của cô bé đến gặp tôi, bình tĩnh lạ lùng. Bà nói với tôi về nguyện vọng hiến giác mạc của em. Tôi im lặng lắng nghe, thi thoảng gật đầu. Cô bé hiểu thời gian của mình còn rất ngắn, và cô sẽ tặng ánh sáng của mình cho một ai cần nó. Thật, tôi đã được nghe một mùi cái chết thương tâm nhưng không đau lòng âm ỉ, mùi của một cái chết nhẹ tênh giữa những cái chết lạnh lẽo. Mọi chuyện thật nhanh. Như những sợi tóc của em đang rơi xuống từng ngày, như cách bàn tay em gầy dần đi, như cách những vết kim tiêm xâm chiếm cổ tay em... 

Và rồi con bé ra đi khi hoa phượng vẫn còn đang chải đầu ngoài sân, khi chị vẫn còn ngồi yên nhìn những đoàn tàu chạy qua, hạ thanh chắn tàu xuống rồi kéo thanh chắn tàu lên, khi những giấc mơ của chị còn vờn nhau trong tủ quần áo, khi tuổi trẻ của tôi vẫn còn khóc thương. Tôi bất lực không cứu nổi em. 

Em ra đi một cách nhẹ nhàng nhất, vài sợi tóc còn lại bay bay trên vầng trán cao. Cha phẫu thuật lấy giác mạc diễn ra thật chậm. Tôi không muốn làm em thức giấc, và tất cả chúng tôi đều không ai muốn làm em thức giấc. Chưa bao giờ tôi thấy tuổi trẻ của mình rạng rỡ, run rẩy muốn bừng lên cháy sáng như vậy. Tôi đau lòng cho em, lại khao khát, lại quay cuồng giữa những cảm xúc. Tuổi trẻ được thoát ra, tự do chạy nhảy, mừng rỡ cựa quậy. 

5. Chị từng gồng mình nuôi nấng những giấc mơ đang lớn, đương nhiên mệt mỏi, tổn thương, đau lòng vô cùng. Chị nuôi không nổi những giấc mơ. Chị đã hơn một lần vô trách nhiệm, bỏ đói giấc mơ thân thương của chị. Dĩ nhiên vậy là không tốt. Nhưng đâu ai cấm chị vô trách nhiệm, những giấc mơ làm gì biết kêu ca. Chắc chúng cũng chỉ muốn chết quách cho xong, để không phải bấu víu vào quá khứ như một kẻ ăn mày. 

Nhưng ngay lúc này, khi tất cả mọi điều xung quanh rõ ràng, nguyên vẹn, màu của lá, hoa, mây, nắng đều hiện ngay trước mặt mình, chị thấy biết ơn cuộc đời này. Thật hạnh phúc vì chị đã được sinh ra, được nuôi nấng. Chị không muốn khóc, nhưng ngay bây giờ, chị chỉ muốn òa lên cho thỏa. Em gái nhỏ yêu thương của chị đã mãi mãi không còn. Con bé đã nhường lại cho chị đôi mắt, bao dung và thánh thiện lạ kì. 

Chị chợt nghĩ đến Mạch và chuyện tuổi trẻ của Mạch. Tuổi trẻ của Mạch đáng thương và cần được thương. Những giấc mơ của chị cũng khao khát được thương. Chị sẽ thương, sẽ nuôi, sẽ ủ ấp. Cuộc đời này đáng để sống mà! Chị đâu thể phí hoài một đôi mắt trong veo, tuổi trẻ của một người? Con bé chịu thương một người như chị. Tình người... 

Chị đã xin thôi việc vào một sáng tháng Năm đầy nắng, đầy gió. Va li của chị không trống rỗng, nó đầy ắp những giấc mơ, ngọt ngào, trong sáng. Giấc mơ làm mẹ của chị ở yên trong lòng, tỏa ra mùi hương ngọt ngào. Bằng một cách nào đó, tất cả những giấc mơ đề ở yên đây, không hề thiếu thốn như chưa từng bị người ta dẫm đạp. Mùi của một cái chết đã không còn. Chị đã thôi ám ảnh. Nắng lên một nửa. Con người mà, cần được thứ tha, vì chị chịu trừng phạt đủ rồi. Những toa tàu không dừng lại khi đến trạm gác chắn tàu, nhưng sẽ dừng lại ở một nhà ga nào đó, có thể vắng người hoặc không mà kiên nhẫn chờ đợi. Mạch đưa chị đến nhà ga, tạm biệt chị và những giấc mơ nóng hổi. Chị hỏi Mạch, bao giờ sẽ trồng lại tuổi trẻ của mình. Mạch bảo rằng đã tìm lại được tuổi trẻ ngọt ngào hực cháy trong một đêm không còn nghe mùi cái chết. 

Chị sắp xuống một ga tàu vắng, không biết đây là đâu. Nhưng chị thấy những giấc mơ có vẻ bừng sáng và muốn xuống ga này. Đôi chân đã từng hơn một lần đi lạc, chị nhất định sẽ thật kĩ càng mà sống. Bên hàng ghế sau vang lên tiếng khóc. Mặt của một đứa trẻ lấp ló sau một chiếc túi nilong. Dòng chữ nghuệch ngoạc viết vội vàng, run rẩy: “Làm ơn, hãy nhận nuôi đứa bé này!” 

Chị bế đứa trẻ lên. Nó nín khóc, nhìn chị mỉm cười. Lòng chị rạo rực. Và chị cũng cười dịu dàng. Hóa ra, mọi thứ đều có duyên số… Toa tàu rỉ sét chạy đi chở theo những tuổi trẻ, những tuổi già, những hi vọng, những ấp ủ. Có người canh giấc mơ cho chị…

Giải B, Cuộc thi sáng tác thơ, truyện ngắn Bình Định mở rộng 2018 - 2019.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét