28/07/2020, 06:42
GMT+07 | Văn hóa, Báo Giáo dục & Thời đại
GD&TĐ - Một trong
những đặc điểm có thể cảm nhận ngay ở truyện viết cho thiếu nhi là chất thơ rất
rõ nét... Nắm rõ đặc điểm tâm lý lứa tuổi này, nhà văn Võ Quảng khi viết truyện
cho thiếu nhi đã tăng cường chất thơ trong các tác phẩm. Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh
nhà văn Võ Quảng (1920 - 2020): Chất thơ trong truyện đồng thoạiKỷ niệm 100 năm
Ngày sinh nhà văn Võ Quảng (1920 - 2020): Chất thơ trong truyện đồng thoại
Ghi nhận về thế giới
nghệ thuật truyện đồng thoại Võ Quảng, GS Phong Lê cho rằng, truyện của ông
"chan chứa chất thơ"(1). Thật vậy, chất thơ thấm đẫm trong truyện cho
thiếu nhi của Võ Quảng trên nhiều phương diện, góp phần định hình phong cách
truyện đồng thoại của nhà văn.
Đưa
thơ vào truyện với tư cách xâm nhập thể loại
Trước hết, đưa thơ vào
truyện với tư cách xâm nhập thể loại là minh chứng rõ ràng cho ý đồ nghệ thuật
gia tăng chất thơ cho truyện đồng thoại của tác giả Võ Quảng.
Nhà văn đã cố tình lồng
ghép những bài thơ do chính mình sáng tác vào một số truyện. Đó là những lời
hát, lời thoại hồn nhiên, đáng yêu, mang phong vị đồng dao của các nhân vật được
thể hiện trong hình thức bài thơ 3 chữ, 4 chữ, 5 chữ. Chẳng hạn, đây là lời cau
có của Sáo Sậu vì đói trong truyện Sáo Sậu và đàn trâu:
Lẳng la liên
Thật là phiền
Cho cái bụng
Nó gào rống
Thiếu cái ăn
Lại hết phăng
Cả cái kiến!
Hoặc đây là bài ca may
áo của Nhím, Thỏ, Tằm, Bọ Ngựa và các bạn trong truyện Những chiếc áo ấm:
May một chiếc áo
Cần chỉ, cần kim
Còn phải đi tìm
Ai người biết cắt
Muốn cắt cho đẹp
Không thể cắt bừa
Muốn cắt cho vừa
Phải người biết vạch.
Nếu đứng riêng, đây có
thể xem là những bài thơ hoàn chỉnh và rất hay. Khi đưa vào tác phẩm truyện,
chúng không chỉ làm đa dạng đặc điểm tổ chức truyện mà còn mang đến chất thơ
cho tác phẩm.
Về việc đưa thơ vào
truyện đồng thoại, TS Lê Nhật Ký nhận định: "Sự kết hợp giữa thơ và truyện
[…] được ví như bông hoa cài trên giá đỡ. Bản thân chúng góp phần đem lại sự đa
dạng về sắc thái thẩm mỹ cho tác phẩm"(2). Với truyện đồng thoại Võ Quảng,
sự xuất hiện của thơ đã góp phần làm cho tác phẩm truyện trở nên giàu sức gợi cảm,
phù hợp với tâm hồn trẻ thơ vốn yêu thích thơ ca.
Gia
tăng những đoạn trữ tình miêu tả thiên nhiên
Gia tăng những đoạn trữ
tình miêu tả thiên nhiên cũng là một dấu ấn đậm nét của chất thơ trong truyện đồng
thoại Võ Quảng. Về vai trò của miêu tả thiên nhiên trong truyện đồng thoại, TS
Lê Nhật Ký nhận định: "Miêu tả thiên nhiên được xem là một trong những con
đường cơ bản để tạo nên chất thơ cho tác phẩm. Bởi vì, thiên nhiên là hiện thân
của cái đẹp đa dạng, muôn màu muôn vẻ"(3).
Võ Quảng (1920 - 2007)
là tác giả lớn của nền văn học thiếu nhi Việt Nam. Ông viết ở nhiều thể loại
khác nhau như thơ, truyện đồng thoại, tiểu thuyết, kịch bản, tiểu luận. Ở thể
loại nào, Võ Quảng cũng đạt được nhiều thành tựu, đóng góp quan trọng vào sự
phát triển của văn học thiếu nhi Việt Nam. Ở lĩnh vực truyện đồng thoại, ông đạt
được nhiều thành công, góp vào gia tài truyện đồng thoại Việt Nam nhiều tác phẩm
hay, giàu chất thơ và giá trị giáo dục sâu sắc.
Trong truyện đồng thoại
Võ Quảng, người đọc không khó để bắt gặp những khung cảnh thiên nhiên tươi
sáng, thi vị. Đó có thể là cảnh vật trong trẻo, tươi mới sau mưa: "Những cơn
mưa phùn kéo dài bỗng chấm dứt. Mây mù tan biến. Bầu trời như được ai cầm chiếc
khăn lau sạch. Cây cỏ quanh hồ như thay lá đổi màu. Hàng ổi ném xuống mặt nước
những hoa trắng đầy phấn ngọt. Chợt hoa phượng thắp đỏ cả góc hồ" (truyện
Mắt Giếc đỏ hoe).
Hoặc đó là vẻ đẹp thơ mộng
của vầng trăng non: "Thuở mới có trời đất, đêm đêm Trăng Non thường hiện
lên, chung quanh có nhiều vì sao sáng. Những đêm đầu Trăng Non hiện ra giống
như nửa chiếc vòng bạc nằm chênh chếch rồi đi ngủ sớm. […] Và ánh sáng của Trăng
mỗi đêm càng trong trẻo, mịn màng hơn" (truyện Trăng thức). Thiên nhiên
không chỉ là môi trường tồn tại của nhân vật, mà còn là chủ thể trữ tình của
câu chuyện.
Khi miêu tả thiên
nhiên, tác giả Võ Quảng luôn tập trung khắc họa để chúng trở thành những bức
tranh trong sáng, tươi đẹp, đầy sắc màu, gợi cảm. Chất thơ trong truyện nhờ đó
được gia tăng đáng kể, có tác dụng lớn trong việc khơi gợi ở các em cảm xúc thẩm
mỹ tích cực về tình yêu thiên nhiên, niềm tin yêu cuộc sống.
Tập
trung vào những câu chuyện nhân văn
Hiểu được đặc điểm tâm
lý của trẻ nên khi sáng tác, tác giả Võ Quảng thường chọn những đề tài, cách
xây dựng nhân vật, giải quyết tình huống truyện theo hướng nhẹ nhàng, đáng yêu.
Nếu như trong truyện cổ
tích, sự đối lập giữa cái thiện và cái ác rất rõ ràng và kết thúc thường khốc
liệt, thì ở truyện đồng thoại của Võ Quảng, đề tài mà tác giả hướng đến là những
câu chuyện gần gũi, mang tính chất giáo dục nhẹ nhàng nhưng sâu sắc.
Tình huống truyện được
xây dựng rất đơn giản, thường chỉ gồm một chuyện. Mỗi câu chuyện mang một thông
điệp về tình bạn (Mèo tắm, Mắt Giếc đỏ hoe), về tình anh em (Chuyến đi thứ
hai), về tình đoàn kết (Những chiếc áo ấm), về giá trị của sức lao động (Ngày Tết
của Trâu xe, Con đường hẹp, Hòn đá, Sáo Sậu và đàn trâu, Đò Ngang) hay bài học
về tính kỷ luật (Trăng thức)…
Kế thừa từ truyện cổ
tích, tác giả Võ Quảng xây dựng những hình ảnh đại diện cho cái ác thông qua một
số loài vật như: Cáo ranh ma, độc ác (Đêm biểu diễn, Thêm sức chiến đấu), Hổ
gian ác (Sự tích cái vằn), Ốc Gai thâm độc (Trai và Ốc Gai)…
Tuy nhiên, cái ác không
được tô đậm mà chỉ dừng lại ở việc giải thích những hiện tượng đã có ở loài vật.
Tác giả chọn cách kết thúc truyện không quá dữ dội: Cáo bị rượt đuổi, Hổ bị đốt
nên trên thân có những vết vằn, Ốc Gai không đạt được mục tiêu nên phải bỏ đi
trong sự tức tối… Cách giải quyết như vậy mang tính giáo dục cao bởi tác giả ý
thức rõ đối tượng tiếp nhận của mình là các bạn đọc nhỏ tuổi.
Rõ ràng, né tránh các đề
tài thù hằn, giết chóc hay đấu tranh tàn khốc, tập trung vào những câu chuyện
nhân văn, những thông điệp tốt đẹp của cuộc sống, chất thơ trong truyện đồng
thoại Võ Quảng được thể hiện rõ nét hơn.
Thể
hiện qua nhiều thủ pháp nghệ thuật khác
Chất thơ trong truyện
viết cho thiếu nhi của Võ Quảng còn được thể hiện qua nhiều thủ pháp nghệ thuật
khác. Thủ pháp so sánh được tác giả sử dụng nhằm mở rộng trường liên tưởng,
tăng giá trị hình ảnh và sức gợi cảm cho câu văn: Đồi núi trải ra như đàn rùa bò
lóp bóp (truyện Bài học tốt); Những đêm đầu Trăng Non hiện ra giống như nửa chiếc
vòng bạc nằm chênh chếch phía Tây (truyện Trăng thức); Bầu trời như được ai cầm
chiếc khăn lau sạch (truyện Mắc Giếc đỏ hoe); Tôi rất khó nhọc mới lấy ra được
sắc óng ánh giống như mã não, xà cừ (truyện Trai và Ốc Gai)…
Từ láy được sử dụng thường
xuyên có tác dụng lớn trong việc miêu tả sự vật một cách sinh động, gợi cảm,
giàu giá trị tạo hình. Gió bấc thổi ào ào qua khu rừng vắng. Những cành cây khẳng
khiu chốc chốc run lên bần bật. Mưa phùn lất phất… (truyện Những chiếc áo ấm).
Có thể nói, chất thơ
không phải là yêu cầu thể loại bắt buộc đối với truyện. Tuy nhiên, đưa chất thơ
vào truyện một cách tự nhiên sẽ góp phần gia tăng nhiều giá trị thẩm mỹ quan trọng
mà yếu tố tự sự không thể làm được. Thực tiễn văn học đã chứng minh, truyện
mang chất thơ thường gợi cảm, dễ đi vào lòng người, thường để lại những ấn tượng
khó phai. Tôi đi học của Thanh Tịnh, Hai đứa trẻ của Thạch Lam… là những truyện
như vậy.
Đặc biệt với thể loại
truyện đồng thoại mà đối tượng tiếp nhận chính là thiếu nhi thì chất thơ là yếu
tố quan trọng, có vai trò lớn trong việc nuôi dưỡng tâm hồn, phát triển trí tưởng
tượng cho trẻ. Truyện đồng thoại Võ Quảng tiêu biểu cho điều này.
Mỗi tác phẩm của ông đều
là những câu chuyện đẹp, đậm chất thơ, mang giá trị giáo dục sâu sắc. Chất thơ
còn làm cho truyện đồng thoại Võ Quảng trở nên mềm mại, gợi cảm, giàu chất trữ
tình, góp phần hình thành nên phong cách viết của ông.
TS Lê Nhật Ký nhận định:
“Sự kết hợp giữa thơ và truyện […] được ví như bông hoa cài trên giá đỡ. Bản
thân chúng góp phần đem lại sự đa dạng về sắc thái thẩm mỹ cho tác phẩm”¬(2). Với
truyện đồng thoại Võ Quảng, sự xuất hiện của thơ đã góp phần làm cho tác phẩm
truyện trở nên giàu sức gợi cảm, phù hợp với tâm hồn trẻ thơ vốn yêu thích thơ
ca.
TRỊNH
BÍCH THÙY
______________________________________________________________________
1. Phong Lê, Tuyển tập Võ Quảng, tập 2, NXB Văn học, 1998, tr.159.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét