Là nhà văn, nhà báo,
góp phần vào sự phát triển của văn hóa nước nhà, Thạch Lam cũng có lần nêu quan
điểm về vai trò của sách. Quan điểm đó được ông tỏ bày rõ trên báo Phong hóa, số
189, ra ngày 29/5/1936 trong bài Một cái sức mạnh khác báo chí: Sách ảnh hưởng ở
trong xã hội.
Theo đó, nhà văn Dưới
bóng hoàng lan cho rằng sách, dù hay hoặc dở, đều có những ảnh hưởng rộng lớn tới
xã hội. Ở đây, có thể hiểu là cái ảnh hưởng tích cực của sách hay và cái ảnh hưởng
tiêu cực từ sách dở vậy.
Về vai trò của sách, vẫn
ở bài viết trên, Thạch Lam nhận định: "Sách truyền bá tư tưởng một cách nhẹ
nhàng, nhưng thấm thía hơn, không phải kích thích người ta, mà làm người ta xuy
(suy) nghĩ - ảnh hưởng của sách, vì đấy, vừa xâu (sâu) xa, vừa lâu bền".
Ấy là nhận định về vai
trò của sách so với báo chí. Nếu như báo chí là phương tiện thông tin truyền
thông nhanh nhạy, tức thời, sách với đặc trưng riêng của nó, có thể lưu giữ lâu
dài, nên cái ảnh hưởng của nó có sự sâu đậm, lâu bền hơn.
Và cao cả hơn nữa, ông
viết tiếp: "Sách là một khí cụ tốt nhất để gây nên một việc thay đổi trong
xã hội". Quan điểm ấy cũng được ông trình bày nơi bài "Vài ý nghĩ về
sự đọc sách" trong tác phẩm Theo giòng, rằng đọc sách "là cái phương
pháp hay nhất để hiểu biết thêm".
Muốn cho sách phát huy được công dụng xã hội của nó, vẫn theo Thạch Lam, dẫu các nhà viết sách như nhà văn, thơ có theo trường phái nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh, có đối đầu trưởng giả hay bình dân, thì trên hết, tác giả, tác phẩm phải làm được những điều lớn lao.
Đó là "sách phải
tháo gỡ được những sự giằng co ấy (tập tục, lề thói, tư tưởng cũ còn tồn tại -
TĐB), phải làm cho tư tưởng người ta được thoát ly, phải làm cho người ta được
tự do nẩy nở dưới ánh sáng Mặt Trời".
Lời nhà văn dẫu cách
ngày nay gần một thế kỷ, nhưng quan điểm về giá trị chung của tác phẩm, cụ thể
là sách, thì đến nay vẫn thế.
Muốn có những cuốn sách
hay đem đến bạn đọc, giữ vững được giá trị qua thời gian, ông cũng nêu rõ ý kiến
của mình qua bài "Sự bền vững của một tác phẩm (nhân cuốn Tố Tâm tục bản)"
trong cuốn Theo giòng về trách nhiệm của người viết, mà ở đây là nhà văn:
"Chỉ có những tác
phẩm nào có nghệ thuật chắc chắn, trong đó nhà văn biết đi qua những phong trào
nhất thời, để suy xét đến những tính tình bất diệt của loài người, chỉ những
tác phẩm đó mới vững bền mãi mãi".
Kết lại cảm nghĩ về
sách, nhà văn của Hai đứa trẻ chiêm nghiệm qua Vài ý nghĩ về sự đọc sách như
sau: "Đọc sách đối với chúng ta phải vừa là cái ham thích, vừa là công việc
ích lợi, một nghệ thuật mà chúng ta biết thực hành".
Trần Đình Ba
12/8/2020
Nguồn: Zing new
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét