Thứ Ba, 8 tháng 9, 2020

KHÁI NIỆM VÀ BẢN CHẤT VĂN HÓA

 


1. Khái niệm văn hóa

Muốn nghiên cứu vai trò của văn hóa đối với phát triển, trước tiên phải có một khái niệm chính xác và nhất quán về văn hóa cũng như cấu trúc của nó. Trên thực tế, cũng đã có rất nhiều người cố gắng định nghĩa văn hóa. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có được một sự nhất trí và cũng chưa có định nghĩa nào thoả mãn được cả về định tính và định lượng. Điều đó, theo tôi, có những nguyên nhân sau đây:

Trước hết, trong số những người nghiên cứu văn hóa, hoặc, như người ta thường gọi, những nhà văn hóa, ngoài những định kiến và những hạn chế có tính chất lịch sử, rất nhiều người bị mắc những bệnh nghề nghiệp. Họ thường qui văn hóa vào những lĩnh vực hạn hẹp cụ thể, thường bói văn hóa, cũng như bói cuộc sống nói chung, theo kiểu thầy bói xem voi, bằng cách xem xét những bộ phận cá biệt của nó chứ chưa có một cách tiếp cận tổng thể.

Thứ hai, văn hóa là một lĩnh vực rộng lớn, rất phong phú và phức tạp, do đó khái niệm văn hóa cũng đa nghĩa. Khi đề cập đến nó mỗi người có một cách hiểu riêng tùy thuộc vào góc độ tiếp cận của họ là điều dễ hiểu.

Thứ ba, giống như tất cả các ngành khoa học xã hội khác, ngành văn hóa học có lịch sử phát sinh và phát triển lâu dài trong lịch sử loài người. Trong quá trình lịch sử đó nội dung của khái niệm văn hóa cũng thay đổi theo.

Tôi cho rằng văn hóa, nói một cách giản dị, là những gì còn lại sau những chu trình lịch sử khác nhau, qua đó người ta có thể phân biệt được các dân tộc với nhau. Thông qua mỗi một chu kỳ của sự phát triển, dân tộc đó tương tác với mình và với những dân tộc khác, cái còn lại được gọi là bản sắc, hay còn gọi là văn hóa.

Ở đây, tôi gần gũi với cựu Tổng Giám đốc UNESCO Federico Mayor khi ông đưa ra một định nghĩa: "Văn hóa phản ánh và thể hiện một cách tổng quát và sông động mọi mặt của cuộc sống (của mỗi cá nhân và cả cộng đồng) đã diễn ra trong quá khử cũng như đang diễn ra trong hiện tại, qua hàng bao thế kỷ, nó đã cấu thành một hệ thông các giá trị, truyền thống thẩm mỹ và lối sống mà dựa trên đó từng dân tộc tự khẳng địinh bản sắc riêng của mình".

Văn hóa là một hiện tượng khách quan, là tổng hoà của tất cả các khía cạnh của đời sống. Ngay cả những khía cạnh nhỏ nhặt nhất của cuộc sống cũng mang những dấu hiệu văn hóa. Rất nhiều thứ mới thoạt nhìn thì giống nhau, nhưng nếu xem xét kỹ thì lại có những điểm riêng biệt. Trong thực tế, không có sự giống nhau tuyệt đối.

Gần đây, có ý kiến cho rằng trên thế giới đang diễn ra hiện tượng xâm lược về văn hóa như là sự tiếp tục của những cuộc xâm lược bằng súng đạn và kinh tế. Tôi không đồng ý như vậy. Bởi văn hóa là hoà bình, văn hóa là không xâm lược. Cảm giác bị xâm lược, nếu có, chẳng qua là cái cảm giác và sĩ diện của kẻ yếu. Chúng ta đang sống trong một thế giới duy nhất và cũng có thể nói là thống nhất. Chúng ta phải bắt đầu từ mô hình kinh tế mà AlvinTofler từng mô tả bằng hình ảnh "con tàu vũ trụ”. Trái đất là một kho chứa hữu hạn các nguồn năng lượng sống và toàn cầu hóa là một quá trình để tiết kiệm nguồn năng lượng ấy bằng cách đảm bảo không sản xuất thừa, không sử đụng nguyên liệu một cách bừa bãi trên phạm vi toàn cầu. Nhưng cùng với quá trình hội nhập về mặt kinh tế còn có một quá trình khác luôn luôn tồn tại bên cạnh, và thậm chí đã đi trước, đó là sự hội nhập về mặt văn hóa. Sự hội nhập về mặt văn hóa chính là quá trình con người đi tìm ngôn ngữ chung cho một cuộc sống chung. Quan niệm về sự xâm lược văn hóa là quan niệm của những cộng đồng người chỉ có kinh nghiệm hình thành trong quan hệ phát triển lưỡng cực, những kinh nghiệm chiến tranh, nhất là chiến tranh lạnh. Văn hóa không phải là ý thức của tôi, của anh hay của bất kỳ ai, mà thuộc về con người một cách tự nhiên. Con người khi sống chung với nhau sẽ gây ảnh hưởng lẫn nhau. Đến phương Tây ta sẽ nhìn thấy rằng trong ngôi nhà nào của người Mỹ, người Anh, người Pháp...cũng có một vài vật dụng gì đó, một vài thứ souvenirs gì đó từ phương Đông. Đôi khi trong xã hội phương Tây người ta có xu hướng xem sự hiện hữu của một vài kỷ vật, một vài đồ trang trí từ phương Đông như là dấu hiệu của tầng lớp thượng lưu hoặc văn minh. Đó là sự đan xen lẫn nhau của cuộc sống, đấy là sự chung sống hoà bình của quá khứ, và đấy cũng chính là cơ sở văn hóa của sự chung sống hoà bình trong tương lai.

2. Văn hóa và văn minh

Hai khái niệm rất hay bị đồng nhất này tuy rất gần gũi nhưng thực ra không phải là một và chỉ có thể coi như đồng nghĩa trong một vài trường hợp cụ thể, chẳng hạn khi người ta đối lập văn minh với bạo tàn.

Thông thường, văn minh được dùng để chỉ trình độ phát triển về vật chất và tinh thần của nhân loại đến một thời kỳ lịch sử nào đó. Một số nhà nghiên cứu, chẳng hạn AlvinTomer, sử dụng chúng để phân chia lịch sử thành văn minh tiền nông nghiệp, văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp và văn minh hậu công nghiệp. Có quan điểm lại cho rằng văn minh là một khái niệm rộng hơn văn hóa, rằng văn minh là sự tổng hoà của văn hóa và xã hội, là sự thể hiện được những hình thức thực tiễn cụ thể của văn hóa trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống như lao động sản xuất, lối sống, hành vi ứng xử...

Trong thực tế, chúng ta thấy có những tộc người chưa có văn minh vẫn có văn hóa của mình. Đôi khi trên sách báo, chúng ta gặp những nhận xét, đánh giá độ cao thấp của các nền văn minh, trong khi đó lại có những người cho rằng các nền văn hóa thực ra là như nhau, rằng việc chúng ta đánh giá cái này cao hơn, cái kia mạnh hơn là do cách nhìn của chúng ta, còn các nền văn minh, những nền văn hóa ở Aztec chẳng hạn, từ cách đây mấy nghìn năm cũng không kém gì nền văn minh ở phương Tây hiện nay...

Tôi nghĩ rằng, tất cả những nhà nghiên cứu về văn hóa đang lấy cái mẫu của thời xưa, khi chỉ cần sự ngăn cách về địa lý là đủ để ngăn cách các cộng đồng người. Nhân loại hiện đại, bằng các phương tiện của mình, không còn bị giam hãm bởi các khái niệm khu trú như vậy. Nếu như các nhà nghiên cứu văn hóa của thế kỷ XXII mà vẫn lấy hình mẫu của thế kỷ XX để noi theo thì chắc chắn cũng vẫn đi đến những kết luận khác với những kết luận của những nhà nghiên cứu văn hóa của thế kỷ XX.

Chúng ta phải phân biệt nghiên cứu về văn hóa như một quá trình vận động, như một yếu tố xã hội, với nghiên cứu lịch sử văn hóa, nghĩa là xem xét nó như một phiên bản tĩnh. Chúng ta cũng không nên phê phán những người lấy sự phát hiện và phân biệt những khía cạnh khác nhau của các nền văn minh làm mục đích nghiên cứu. Bởi vì họ nghiên cứu lịch sử văn hóa chứ không phải nghiên cứu văn hóa. Văn hóa đang và sẽ còn bớt đần sự cát cứ, còn nghiên cứu lịch sử văn hóa thì không bao giờ có sự cát cứ như vậy. Nói như vậy không có nghĩa là không có sự khác nhau về ảnh hưởng. Một cộng đồng lớn sẽ có khả năng tạo ra một vùng ảnh hưởng lớn hơn, đa dạng hơn, bởi càng đông thì tính đa dạng càng lớn. Tính đa dạng về mặt tính cách của con người sẽ tạo ra tính đa dạng về mặt đời sống văn hóa. Sự lan toả của một cộng đồng lớn sẽ mạnh hơn.

Tuy vậy, khi nghiên cứu văn hóa không nên đặt mục tiêu là xác định nó lớn hay bé, mà nên xem nó có độc đáo hay không, có lạ lẫm hay không, có những sáng tạo gì, có đóng góp gì và đặc biệt là nó có đóng góp gì cho văn hóa chung của nhân loại. Tôi nghĩ rằng nghiên cứu như thế mới giúp ta tìm ra được giá trị thật của văn hóa.

3. Văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần

Theo tôi, cách phân chia văn hóa thành hai lĩnh vực: văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần là không thật hợp lý và thấu đáo. Nó phản ánh lối tư duy lưỡng phân điển hình, ảnh hưởng của những định kiến về tư tưởng cần phải xoá bỏ.

Thực ra, lối phân chia như thế cũng có tác dụng nào đó. Nó cho ta một cái nhìn tuy khá thô thiển nhưng bao quát về những lĩnh vực đời sống của con người: những sản phẩm tinh thần như khoa học, văn học nghệ thuật, các phong tục tập quán...và những sản phẩm vật chất như đồ đạc, nhà cửa, đường xá...Tuy nhiên, thật khó, và ngày càng khó phân biệt rạch ròi đâu là sản phẩm vật chất, đâu là sản phẩm tinh thần. Mặt khác, không có sản phẩm tinh thần nào lại không được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định và cũng như không có một sản phẩm vật chất nào lại không mang trong nó những giá trị tinh thần. Thật vậy, những nhà cửa, đường phố, cầu cống, và ngay cả những vật dụng tầm thường nhất, kể cả những sản phẩm công nghiệp sản xuất hàng loạt, cũng là hiện thân của những giá trị văn hóa, thể hiện bản sắc dân tộc, trí tuệ và tài năng của những người làm ra chúng.

Hiểu được mối liên hệ mật thiết không thể tách rời của những giá trị văn hóa tinh thần và vật chất là điều vô cùng quan trọng. Liệu chúng ta có thể chỉ sử dụng những giá trị vật chất có nguồn gốc ngoại lai mà không hề bị ảnh hưởng bởi các giá trị tinh thần bao hàm trong đó hay không? Liệu chúng ta có thể trở thành một mắt xích trong hệ thống sản xuất đang trong quá trình toàn cầu hóa vũ bão mà vẫn nguyên vẹn là một người ngoài cuộc về văn hóa hay không?

Việc hiểu không thấu đáo quan hệ giữa vật chất và tinh thần dẫn đến những lý luận, thoạt nhìn có vẻ rất thanh cao, chẳng hạn cho rằng ngoài khát vọng làm giàu vật chất, cần phải có khát vọng làm giàu về văn hóa. Tôi không nghĩ như vậy. Thế nào là giàu, thế nào là nghèo? Tôi không nghĩ rằng có một dân tộc nào trên đời này không có văn hóa của mình. Mọi cộng đồng người hễ tồn tại đều có yếu tố tinh thần, mà đã có yếu tố tinh thần thì có văn hóa. Vì thế một câu hỏi đại loại như: "Nước Mỹ có văn hóa không?" là câu hỏi ngớ ngẩn.

Có một luận điểm khác không kém phần cực đoan, cho rằng về mặt đời sống vật chất thì nhân loại đã đi được rất nhiều sau vài thiên niên kỷ, còn về tư tưởng thì đứng nguyên tại chỗ hoặc cùng lắm thì đi được không đáng kể. Thật ra con người đã đi những bước dài cả về vật chất lẫn tinh thần, trong đó những bước đi về tinh thần còn lớn hơn nhiều những bước đi về vật chất, từ chủ nghĩa thần linh qua tôn giáo, đến triết học và các hệ giá trị, các hệ tư tưởng. Con người đang dần dần giải phóng mình ra khỏi các định kiến tinh thần. Đó là những bước đi khổng lồ, là nền tảng của sự phát triển kinh tế, khoa học và công nghệ. NếuGalileoGalilei không tự giải phóng mình ra khỏi sự ràng buộc của ThiênChúa giáo cục đoan thì làm sao bây giờ chúng ta có sự phát triển đến computer, đến Internet?

Thái độ về sự giàu có vật chất phản ánh một khía cạnh quan trọng trong lịch sử phát triển lâu dài của tư tưởng nhân loại. Thời nào bên cạnh những kẻ say mê vật chất cũng có những người căm ghét sự giàu có. Họ cho rằng vật chất là nguồn gốc dẫn đến sự đồi bại về tinh thần. Lập luận của tôi rất đơn giản: con người sản xuất ra, chế tạo ra, nghe ra những thứ có ích cho con người thì trước hết phải vì yêu mến, vì am hiểu con người. Con người cần vật chất, và sự sùng bái vật chất là có thể hiểu được. Chúng ta cần điều chỉnh nó chứ không cần và cũng không thể tiêu diệt nó. Con người muốn sống trong những điều kiện vật chất ngày càng tốt hơn để có thêm không gian và thời gian thưởng thức chân giá trị của cuộc sống. Đó là điều hoàn toàn chính đáng, chỉ có sự tôn sùng vật chất một cách một chiều và thái quá mới cần lên án mà thôi. Trên thực tế có cả những người nghèo và những người giàu vô đạo. Nhưng người giàu thì ít mà người nghèo thì nhiều. Người giàu mà hư hỏng thì người ta để ý, còn người nghèo hư hỏng thì người ta không để ý. Vì vậy người ta thường lên án sự hư hỏng của người giàu chứ không lên án sự tha hóa của người nghèo. Ngay từ thời cổ đại, Platon đã nhận xét rằng sự nghèo cũng tồi tệ như những sự giàu. Những người nghèo sinh ra đố kỵ, thèm muốn của người khác, đó là cái xấu. Những người giàu sinh ra khinh người, coi thường kẻ khác, họ cho rằng chỉ có tiền là quan trọng nên khinh những người không có tiền, đó cũng là cái xấu.

Vì vậy trạng thái quá nghèo khổ cũng đầy rẫy tội ác như trạng thái quá giàu có. Liệu chúng ta có thể tìm ra một khoảng hợp lý của sự giàu có trong xã hội hay không? Tôi không tin là có khoảng hợp lý đó. Ở mỗi thời điểm khi con người nhận ra một sự hợp lý thì cuộc sống đã bắt đầu dịch chuyển đến một trạng thái hợp lý khác.

Trở lại với khái niệm văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, như tôi đã nói, phân biệt như vậy là một sự phân biệt thô thiển. Nếu tôi thờ Phật, và nếu nhà tôi giàu thì tôi mua một pho tượng bằng đồng, còn nếu nhà tôi nghèo - tôi sẽ mua một pho tượng bằng gỗ. Nếu tôi không thể mua được một pho tượng bằng đồng hay bằng gỗ, thì tôi mua một bức tranh. Nhưng thái độ văn hóa của tôi với Phật giáo không hề vì thế mà thay đổi. Vật chất chỉ là phương tiện để thể hiện những giá trị tinh thần trong đời sống văn hóa mà thôi.

4. Về tính giai cấp và tính lịch sử

Giống như tất cả các lĩnh vực của đời sống văn hóa, một lĩnh vực được xem xét khác nhau dưới các góc độ khác nhau. Nhìnchung, tất cả các hiện tượng được nhìn nhận theo quan điểm văn hóa học đều phụ thuộc vào những yếu tố chủ quan, đặc biệt là: quyền lợi kinh tế, quan điểm và định kiến chính trị, bản chất tâm lý... Đó là những lý do khiến người ta hay nhấn mạnh đến cái gọi là tính giai cấp của văn hóa. Nhưng theo tôi, đó là một quan điểm sai lầm.

Chúng ta cần phải phân biệt văn hóa với tư cách là một hiện tượng khách quan và những cách lý giải văn hóa, bao giờ cũng mang tính chủ quan. Tôi luôn phản đối cái gọi là thuyết giai cấp. Sự phân loại văn hóa theo giai cấp là một sự phân loại hời hợt. Đạo đức thuộc về con người mà con người có những số phận, những pha khác nhau của cuộc đời. Hôm nay anh là ông chủ, anh thuộc giai cấp bóc lột. Ngày mai anh vỡ nợ anh đi đạp xích lô thì anh thuộc giai cấp lao động. Chẳng lẽ, đạo đức của người ta thay đổi chỉ vì ngày hôm qua là ông chủ ngày hôm sau là người đạp xích lô? Tôi luôn nghĩ rằng đó chỉ là những pha khác nhau của cuộc đời một con người, còn đạo đức thuộc về con người chứ không thuộc vào những pha khác nhau của nó.

Tôi xin đưa ra một ví dụ: thói đạo đức giả. Trong văn học, nghệ thuật ta thường gặp hình ảnh người cai trị xấu và tồi tệ, nhưng có lẽ trên thực tế không hoàn toàn là như thế. Liệu đây có phải là kết quả của một tâm lý nào đó hay thực sự tầng lớp thống trị xấu xa như vậy? Bên cạnh đạo đức giả của tầng lớp thống trị liệu có đạo đức giả của tầng lớp bị trị hay không? Theo tôi, có cả hai loại. Tầng lớp bị trị cũng nịnh hót, tranh thủ luồn lách, đó cũng là đạo đức giả Tầng lớp cai trị thì tham nhũng về vật chất hay tinh thần. Tham nhũng về vật chất để tư nhân hóa, cá thể hóa tài sản quốc gia, mượn nhà nước, mượn sức mạnh công cộng để bắt nạt thiên hạ... cho những mục tiêu, lợi ích cá nhân. Đạo đức giả thuộc về con người, không kể đó là giai cấp cai trị hay bị trị.

Các hiện tượng văn hóa không chỉ được đánh giá tuỳ theo các yếu tố chủ quan mà còn tuỳ thuộc vào các điều kiện và hoàn cảnh khách quan.Ở mỗi thời điểm lịch sử, giá trị của một hiện tượng văn hóa cũng như ảnh hưởng của nó phụ thuộc và những điều kiện khách quan và tương quan các điều kiện khách quan ấy. Nếu lần theo đòng lịch sử, chúng ta sẽ thấy rằng những giá trị đó cũng luôn luôn biến đổi. Bao giờ cũng có những giá trị mới đang và sẽ sinh ra để thay thế những giá trị đã và đang lỗi thời. Chủ nghĩa phong kiến đã từng đóng vai trò tiến bộ nhưng rồi nó trở nên phản động và bị thay thế bởi CNTB. Sau đó đến lượt CNTB lại trở thành lỗi thời... chính vì thế, chúng ta có thể nói rằng văn hóa có tính lịch sử.

NGUYỄN TRẦN BẠT

Sách: Văn hóa và Con người -  đăng tải trên https://www.chungta.com, 2017.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét