Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2020

NÀNG TIÊN GẠO



NGÀY XƯA, CÓ HAI MẸ CON NHÀ KIA nghèo khó cùng cực. Mẹ già yếu, chỉ có mỗi mình người người con gái hiếu thảo suốt ngày đi nương, vào rừng, xuống suối moi móc kiếm mọi thứ về nuôi mẹ.

Phải năm hạn hán to, nắng như thiêu, một nhánh lúa cũng cháy xém, không mọc được. Chim chóc khát nước đã bay đi kiếm ăn phương khác. Kẻ đói chạy ăn nhao nhao, đứng ngồi không yên.

Người con gái bảo mẹ:

- Nhà còn ít thóc, chẳng may phải khi đói kém thế này, không đành tâm một mình có miếng ăn, thôi thì chia cho người cùng cảnh ngộ.

Thế là đem thóc cho mọi người, mẹ con chịu bữa ăn bữa nhịn.

Trong làng, có một một lão nhà giàu.

Ngày trước, lão cũng nghèo như mọi người đói khó. Một hôm, lão đi nương gặp một bà già nằm ven đường giơ gậy làm hiệu ăn xin. Lão lấy ống cơm ra xẻ cho bà già nửa góc. 

Đi nương về, lão thấy trong bếp có một thúng thóc đầy. Rồi mùa lúa đến, nương nhà lão vàng rực, lúa tốt như đổ thóc vào. Mấy năm được mùa, lão trở nên giàu hạng nhất làng.

Nhưng khi đã thừa mứa của cải thì lão cũng đổi tính đổi nết, sinh ra tham lam, độc ác. Lão thuê mướn cả chục người làm, mỗi ngày chỉ cho người ta ăn một bữa, không đủ no. Lão bảo: ăn ít chứ, còn phải làm.

Năm hạn hán ấy, cả vùng đói lả. Lão giơ đốt ngón tay tính: mùa này khô héo thì mùa sang năm sẽ mưa, nếu làm sớm được nương, chắc chắn sẽ bội thu. Cần thuê nhiều người phá thêm nương, tra thêm lúa. Ngày nào lão cũng đi gọi người làm, gọi nhiều người, gọi nữa.

Ra đầu rừng, gặp người con gái dắt mẹ đi đào củ mài như mọi ngày. Lão bảo: về làm cho ta thì đươc cơm ăn. 

Người con gái về làm cho ông chủ. Nhưng lão cốt nói rủ rê người, chứ "cơm ăn" thì vẫn một thói bủn xỉn ấy, và có phần vì đông người lão mướn, nên càng keo kiệt hơn. Ngày một bữa được ngữ một bát cơm hẩm ăn không, đôi khi kèm hạt muối. Người con gái chỉ ăn nửa bát, còn thì gói vào lá đem về cho mẹ. Mẹ cũng ăn vài miếng, còn lại chia cho mỗi hàng xóm một mảy.

Cô gái đi phát nương, đốt nương cả ngày, đêm về lại phải nằm canh chuột cạnh vựa thóc. Vừa chợp mắt, nghe tiếng người thở dài rồi hỏi:

- Con đói lắm phải không?

Cô gái trả lời hồn nhiên:

- Ngủ thì quên đói mà.

Lại tiếng thở dài nữa:

- Ta là Tiên Gạo đây. Ta đã nhầm giúp cho lão keo bẩn kia có của mà không có lòng thương người. Ta sẽ xóa hết của cải của lão đi. Người ở đời giàu có thì phải biết thương người mới giàu bền được.

Các nương lúa đã lên xanh tốt, chỉ còn đợi gặt. Lão chủ quát:

- Hết việc rồi, tao không cơm đâu mà nuôi báo chúng mày. Cút đi!

Cô gái phải trở về, lại vào rừng kiếm củi, đào củ mài, bóc măng. Mẹ con cầm hơi, đợi mùa gặt của lão nhà giàu.

Năm ấy, mưa thuận gió hòa, được mùa. Nhưng thế nào mà chỉ có lão nhà giàu ở bẩn, một cơn nước dâng lên, bao nhiêu lúa má trên nương, dưới cánh đồng của lão bị lũ cuốn sạch trơn.

Đến ngày làm nương, lão đi gọi người nhưng chẳng ai đến, phần thì biết lão hết thóc trả công, phần cũng xa lánh lão keo kiệt. Một mình lão thì chẳng cắm nổi một cây lúa. Cót thóc mùa trước hết rồi, lão khánh kiệt, chẳng còn nổi một bát cơm.

Một hôm, cô gái đi bóc măng. Ra cửa rừng gặp một bà lão ăn mày ngồi gục đầu vào gốc cây bên đường. Cô gái sờ trán, thấy bà lão đương sốt, rên hừ hừ: tôi... đói... tôi... Cô gái vơ lá đốt lửa sưởi cho bà lão, lại lấy cái măng vùi vào than, nướng cho bà ăn. Bà nhai ngon lành hết cái măng rồi kêu khát nước. Cô gái xách ống vầu ra suối lấy nước cho bà uống.

Lúc ở suối trở lại không thấy bà đâu, chỉ có một  cái gùi bỏ đấy.

Cô gái đeo gùi không về, định hôm sau đem trả cho bà. Không hôm nào gặp lại bà nữa. Nhưng từ hôm gác cái gùi lên bếp thì lạ thay, mỗi hôm lại thấy trong gùi có đầy thóc.

Màu năm ấy cô gái tra nương, lúa nương nhà cô tốt gấp bội. Qua mấy mùa, đã có của ăn của để.

Ông lão keo kiệt nọ già yếu phải đi ăn mày. Mỗi lần ông lão đến, bà mẹ và cô gái cho ăn tử tế. Lão đã ốm quá, lại lòa hai mắt và lú lẫn. Chỉ biết người có lòng tốt đã cho miếng cơm, chứ cũng không nhận ra ai nữa.

TÔ HOÀI

(Viết lại truyện cổ dân tộc Xê đăng, 101 truyện ngày xưa)


 

2 nhận xét:

  1. đây đâu phải truyện đồng thoại?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng rồi, là truyện cổ tích (nhân vật con người).

      Xóa