Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2020

QUÊ NỘI - Chương 4

 

Chương 4

 Chú Hai Quân đi thăm bà con trong làng. Từ hôm về quê chỉ mình thằng Cù Lao đến chơi quanh xóm. Nó để ý xem xét từng nhà. Nhà cửa trong ni rất khác ngoài nớ. Nhà nào cũng có lắm cột, phía trước có ba cửa chống. Cửa chống lên làm thành một hàng hiên che nắng. Trẻ con khiêng chõng ra hiên nằm mát, người lớn ngồi trảy ngô hay quay thao kéo sợi. Nhà anh Bốn Linh có cái giường thùng, nó chiếm non nửa gian nhà. Đó vừa là cái giường vừa là cái thùng... vĩ đại. Tất cả đồ đạc của anh Bốn Linh đều ném vào giường thùng. Anh leo lên đó nằm ngủ. Bọn trộm chỉ còn cách dùng búa bửa giường may ra mới cướp được của. Sau ngày cướp chính quyền, anh Bốn chẳng cần nằm trên giường thùng nữa. Anh nói:

- Trôm cướp hết rồi! Ra nằm ngoài này cho mát!

Anh xách chiếu ra nằm trên chõng tre đặt ngoài hiên, ngủ thả cửa. Ban đêm không cần vác côn chạy đi đuổi trộm.

Nhà nào cũng có vườn, cũng có hàng cây keo quanh nhà kín mít. Từ nhà này muốn sang chơi nhà khác phải đi ra ngõ, ngõ có cổng đóng. Ở ngoài biển không vậy. Thằng Cù Lao có thể chạy thông thống từ nhà này đến nhà khác, không phải qua ngõ qua ngách nào cả. Ở ngoài đó, nhà ông Dậu ở liền phía sau bếp. Nhà anh Hường ở sát phía trước, có rào giậu gì đâu! Ông Dậu ăn gì nó đều biết hết, nói gì nó đều nghe hết. Ở đây, nhà nào cũng lắm thứ chuồng: chuồng trâu, chuồng lợn, chuồng gà. Nhà anh Bốn Linh có một cây rác cao bằng cái cột buồm, chất toàn củi mía và rác mía. Chị Bốn rút củi đun là cây rác có một lỗ tò vò, con trâu rúc lọt. Riêng nhà bác Úc có một bụi bông trang, có bướm đủ màu lăng xăng đến đậu. Khắp vườn tràn đầy tiếng động. Không chỉ tiếng chó sủa, heo kêu, gà gáy, chim hót, tiếng trẻ nô đùa, mà còn nhiều tiếng lạ khác : tiếng lách cách thoi đưa dệt cửi ở nhà ông Cửu Sang, tiếng mõ lốc cốc của bọn trẻ đuổi vẹt ở ngoài đồng. Chiều xuống, khắp vườn ve ran, cỏ cây hoa lá sột soạt nở xoè. Thằng Cù Lao thấy rất buồn cười là ở Hoà Phước, người ta không gọi lợn bằng ba tiếng ẹc, ẹc, ẹc mà lại gọi ịt, ịt. Người ta không gọi gà: cúc cù, cúc cù, mà lại gọi là cúc, cù cù. Hễ nghe gọi cúc, cù cù là bọn gà qué chạy văng te lãnh phần ngô thóc. Nó cho chính ở Hoà Phước bà con nói trọ trẹ rất khó nghe, còn dân ngoài cù lao Chàm nói gì nghe cũng rõ ràng rành mạch.

***

Chú Hai Quân dắt tôi và thằng Cù Lao đi qua làng. Người gặp thằng Cù Lao cứ nhìn nhìn. Họ không biết chú Hai là ai cả. Chú Hai thấy cây sung đầu làng vẫn như cũ. Cây dầu lại mọc bên cạnh thấy cao hơn. Cái thớt đá đặt trên đầu dốc giữa con đường ra sông vẫn nằm nguyên chỗ cũ. Trước kia, khi đi ra đồng, chú Hai thường mài lưỡi mác ở đấy. Con đường đất chạy qua làng mọc đầy cỏ chỉ với cỏ may, rải rác đó đây có dăm bụi duối, vài cây bồm bộp. Chú Hai từng qua lại có vạn lần trên con đường đó. Xưa kia, chú gánh gánh dâu đi trước, thím Hai tay kẹp chiếc nón chạy theo sau. Cũng vẫn ngôi đình cũ nặng nề và meo mốc. Cũng vẫn cái miếu Bà Tằm lặng lẽ. Cũng vẫn cây đa đứng cạnh miếu như chiếc lọng che. Cũng vẫn cái bình phong có đắp con hổ vằn vện, cặp mắt thao láo. Chú Hai cảm thấy rất rõ khi con người đi qua thì mái đình, cây đa vẫn còn lại. Con người chết đi, nhưng bãi dâu, con sông, đồng ruộng không bao giờ mất. Lớp người này mất đi, lớp người khác thay thế, những núi Chúa, hòn Cà Tang vẫn y nguyên. Chú Hai mờ mờ nhận thấy ý nghĩa chữ đất nước và sông núi. Tại sao chỉ một làn mưa thưa mờ mịt trên ngàn dâu, một làn khói lam phủ trên mái rạ, một bóng đa mát, một hòn đá mài, khi đi xa chú Hai cứ nhớ day dứt. Có lúc chú thức giấc bàng hoàng như vừa nghe tiếng tre kĩu kịt hoặc một giọng hát ru con sau cơn mưa chiều tạnh. Chú Hai nghe đứt gan dứt ruột. Chiều xuống vẫn huy hoàng như mười lăm năm về trước. Một làn sương phủ nhẹ trên mặt sông. Núi Cà Tang và núi Chúa mờ mờ xa. Một mảnh trăng rời rợi móc vào cành tre đung đưa theo gió nồm từ phía biển thổi tới.

Chú Hai tạt vào thăm ông Bảy Hoá. Ông Bảy vừa thấy chú bước vào đã kêu lên:

- Ái chà chà! Chà chà!

Như vậy có nghĩa là “Ôi sung sướng quá! Sung sướng quá!”

Ông vội vã nhấc bổng chiếc giường tre trong nhà đem đặt ra ngoài sân để ngồi chơi cho mát.

Chú Hai nói là về được mấy hôm, nhưng hôm nay mới đến thăm ông Bảy được. Ông Bảy vừa cười vừa nói:

- Mới về cứ nghỉ cái đã. Vội vội vàng vàng làm chi cho mệt! Phải dưỡng sức cho khỏe, ông với tôi sẽ đi quyền và chơi đẩy cây như lúc nhỏ. Ông đi vắng, làm tôi thiếu người vật lộn.

Tôi và thằng Cù Lao cứ thích nhìn. Nhà ông Bảy có đến ba cái bàn thờ. Ông Bảy thờ Phật. Ngày rằm, ngày mồng một ông không ăn mặn vì sợ sát sinh. Trên bàn thờ giữa, có tranh đức Phật tổ ngồi trên toà sen mắt nhìn xuống rốn. Trước mặt Phật tổ đặt một cái chuông và một cái mõ miệng rộng như miệng cóc, bên trên treo những con long, con lân bằng gốc tre. Ông tìm đâu ra những gốc tre vặn vẹo đầy lông lá, chắp thêm những tóc, những râu thành những con vật kì quái. Bàn bên tả thờ Thập Điện Diêm Vương. Quanh bàn treo những bức tranh vẽ những cảnh rùng rợn ở âm ti. Trong những tranh này, tuy người chết đã chôn xong nhưng họ sống lại, bước ra khỏi mồ, đến mười cửa điện Diêm Vương để chịu những cực hình ghê sợ. Tranh thứ nhất vẽ một bếp lửa hừng hực. Trên bếp lửa, một vạc dầu đang sôi. Hai con quỷ mặt trắng nanh dài dìm một người bị tội vào chảo dầu sôi. Trước đây, ông Bảy cho tôi biết kẻ bị tội đó đã từng nói láo trong lúc còn sống trên dương gian. Nói láo chỉ một lần cũng bị đem đun như vậy. Thật quá khủng khiếp! Có lần tôi đã nói láo với chị Ba là tôi đưa con trâu Bĩnh đi gặm cỏ, kì thật tôi đã rủ lũ chăn trâu đi chơi giật lá. Nếu vậy, Diêm Vương sẽ tặng cho tôi một vạc dầu sôi. Còn như ông Tư Đàm ở làng tôi nói láo có sách thì phải dìm mấy lần vào dầu sôi như vậy!

Tranh thứ hai vẽ cảnh một con quỷ đầy lông lá đè cổ một người đang giãy giụa. Một con quỷ khác dùng một cái cưa cưa người bị tội ra làm hai. Ông Bảy cho tôi biết, người bị cưa như vậy vì lúc sống trên trần thế đã vào vườn hái trộm hoa quả của người khác.

Vườn nhà ông Bảy có một cây ổi quả chín nhỏ bằng ngón chân nhưng hương thơm ngào ngạt. Ruột ổi trắng phau, đã ăn một quả thì dẫu tiên phật cũng muốn ăn thêm quả nữa. Chính tôi là người đã vào vườn ông Bảy hái ổi, lại còn đem cho các bạn. Đã bị nấu dầu, nay tôi lại bị cưa làm đôi một lần nữa.

Đến bức tranh thứ ba. Người phạm tội ngồi trên một miếng sắt nung đỏ, mông đít để hở, lửa bốc làm tóc trên đầu quằn quại muốn cháy. Ông Bảy bảo tội đó là tội sát sinh trong những ngày rằm, ngày mồng một. Kẻ giết rận rệp cũng bị khép vào tội này. Nhất định mẹ tôi và chị Ba sẽ phải bị nung trên sắt. Vì bất kể ngày nào, bắt được con cá là họ nổi lửa kho nướng.

Tranh thứ tư vẽ bọn quỷ sứ tay cầm kìm xông vào móc lưỡi một người đang bị trói. Lưỡi kẻ phạm tôi bị bọn quỷ sứ kéo ra khỏi mồm đến một tấc. Ông Bảy bảo đó là người đã từng chửi Trời chửi Phật. Nếu vậy thì mọi người trong xóm sẽ bị rút lưỡi vì họ đều có chửi Trời, nhất là lúc nắng lâu hay mưa lâu quá:

- Mẹ cha thằng Trời không mưa xuống! Phải vác sào đâm nó lủng bụng!

Anh Bốn Linh càng không tin có Trời có Phật mà chỉ có sức mình. Thế thì rút mấy lưỡi của anh cho đủ. Những nhục hình khác như moi mắt, moi gan, vứt người cho cọp nhai, voi xé rùng rợn, không kể xiết. Thằng Cù Lao xem tranh Thập Điện, thú nhận là nó có tội tày trời. Lúc còn ở ngoài biển, ngày nào nó cũng bắt cá. Nó còn nói láo với cha nó để được đi chơi. Việc chửi Trời, ít nhất nó phạm đến năm mười lượt.

Những hôm đầu xem tranh Thập Điện, tôi hơi khiếp. Sau tôi hoá dày dạn, hoá chai, không sợ nữa. Có lúc đến chơi nhà ông Bảy, tôi đem cho ông vài hạt đỗ đũa hoặc vài hạt mướp làm giống. Ông Bảy cho những đứa trẻ tốt bụng như tôi thì Trời Phật sẽ xét lại, những tội lỗi sẽ được miễn giảm. Và nếu tôi khen ông Bảy một việc gì đó thì tôi có thể trèo lên cây ổi của ông, hái một bị đầy cũng được!

***

Ông Bảy vừa sực nhớ có tôi và thằng Cù Lao cùng đến với chú Hai Quân. Ông đưa chúng tôi ra sau bếp. Ông rút nắm củi mía, nhờ sắc một nồi nước chè. Chú Hai ngăn lại:

- Đừng có mệt. Không uống đâu!

Ông Bảy ngồi xuống:

- Tôi một mình đơn chiếc ở cái am này. Con vợ tôi bị bệnh phù, sau đó nó ngoẻo. Còn thằng con, nó vô làm ở hãng Ba Son, Ba Siếc chi đó, rồi cũng biệt tích, không biết chết đàng chết sá chỗ mô!

Ông Bảy kéo thằng Cù Lao đứng sát bên cạnh. Ông xì mũi, hỏi chú Hai Quân:

- Làm ăn ngoài nớ ra răng? Nghe nói ngoài nớ có món yến sào ngon lắm. Sao không mang vài chục cân về đãi bà con?

- Ở ngoài nớ cứ nhớ nhà đêm không ngủ được! Làm ăn bữa đói bữa no, chẳng hơn chi xứ mình cả.

- Vậy hè! Tôi cũng bắt chước bỏ làng đi tận Phan Rang, Phan Thiết, mò tới tận Đồng Nai. Đất nước ông bà thật là mênh mông chi địa, nhưng chỗ nào cũng chen chân không lọt. Kiếm được cái chi để bỏ bụng thiệt khốn khổ!

- Nghe đâu làng ta có năm đói lắm?

- Năm đói mẹ con bà Hai Quân cũng bỏ đi biệt tích!

Chú Hai ngồi lặng một hồi lâu, chợt như tỉnh lại. Tiếng ông Bảy nghe loáng thoáng:

- Khi con cá con tôm, cái rau cái rác đã kiệt, tôi cũng bỏ làng đi kiếm ăn xứ khác.

- Làm nghề chi?

- Một trăm thứ nghề. Bá nghệ là bá láp. Gặp chi làm nấy. Bán thuốc cao, giữ chó, giặt áo quần, làm thuốc nam, cúng phù thuỷ. Khi đói đầu gối hay bò, cái chân hay chạy, cái giò hay đi... là vậy!

- Thế ai bày ông cúng phù thuỷ?

- Cái đói nó bày. Chủ nhà tôi ở bị đau thắt chỗ bụng. Lão tin là bị động mả động mồ, cần có thầy cúng. Tôi tìm việc không ra, liền tự nhận là thầy cúng vào loại cao tay ấn. Tôi bắt chủ nhà sắm bút mực, giấy đỏ, giấy vàng. Tôi vẽ nguệch ngoạc những đầu trâu mặt ngựa. Vẽ người ta mới khó, vẽ ma quỷ có khó chi đâu! Khi lễ vật đã bày lên bàn, tôi bắt chủ nhà nằm phục xuống đất. Tôi nổi thét “Ấy phà! Ấy phà! Úm ba la!” Xong đó, tôi nổi lên ê a: “Này ta đến cửa Nam Phương có chàng Ba Long Vương. Này ta đến cửa Bắc Phương, có chàng Tư Long Vương...” . Hết ê a, tôi nổi lên gọi toàn những tiếng rất bí hiểm “Úm! Ôi! Đà ha, ma ha, tác, tác!”. Cũng may! Sau đó, chủ nhà đỡ đau. Nhiều người khác mời cúng. Nghề dạy nghề, tôi học thêm những bài tấu, bài nhương. Tôi học vẽ bùa, làm đồ mã. Sau đó tôi để râu. Một bộ râu dài rất cần cho ông thầy cúng. Bộ râu dài làm cho tôi có cốt tiên cốt Phật, trị được bọn quỹ dữ.

Ông Bảy có một bộ râu dài đến rốn, nó mọc quanh mép dưới cằm, thong dong như râu các vị quan văn trong tuồng hát bội. Khi nào đến chơi nhà ông Bảy, tôi cũng bắt gặp ông đang tỉa tót vuốt ve, ra dáng hãnh diện về bộ râu đó lắm.

- Móng tay tôi cũng để dài ra!

- Úy! – Chú Hai nói nhanh – Cách mạng lên rồi! Phải cắt bớt thứ đó đi! Cách mạng có phải chuyện chơi đâu!

- Tôi cũng nghĩ như ông. Trước đây vì túng thiếu... Nay nghe thằng Bốn Linh nói, mình thấy thẹn.

- Những thứ vẽ Thập Điện Diêm Vương phải đem đốt hết!

- Phải! Vì còn có ai cung kính chi đâu! Bọn thanh niên không tin quỷ thần nữa. Chúng bảo nhau phải quét hết ma quỷ, ma quỷ làm cho người ta cứ nơm nớp lo sợ.

***

Tôi và thằng Cù Lao nấu niêu nước chè đã sôi. Ông Bảy múc hai bát nước lạnh, lấy kẹp tre cặp niêu nước chè rót vào hai bát. Nước chè nổi bọt trông thật ngon lành. Chú Hai uống một mạch. Hai người im lặng. Quanh làng đã yên tĩnh. Chỉ vài tiếng chó sủa lơ mơ. Mơ hồ phía ngoài sông có tiếng rao đò: “Ai đi đò!”. Chú Hai nói như vừa tỉnh giấc:

- Mới mà mau thật! Tôi cứ nhớ ông bày cho tôi cái kế để được ăn cá nhám! Tôi nhai cỏ trộn với cơm nhả vào trã cá nhám. Chủ nhà tưởng mèo nôn muốn đổ. Thế là, hà hà, tôi xực hết. Với kế lạ như vậy, tôi tưởng ông đã thành Trương Lương, Hàn Tín mang ấn công hầu. Không ngờ mang về nghề thầy cúng.

- Ấy chết! Ông không biết công hầu là phong kiến gốc đó hả? Cách mạng đánh đổ đế quốc phong kiến. Tôi mang cái thứ đó về hại bà con hả? Trước đây tôi tìm không ra cách mạng. Bây giờ cách mạng đã có rồi...

- Tôi nghĩ phải gặp anh Sáu hoặc hỏi thằng Bốn Linh nhận một công tác. Bữa nay, mình đứng ngoài, thấy khó khó...

Chú Hai hỏi những chuyện xảy ra trong làng trong lúc chú đi vắng. Ông Bảy thuật lại nạn mất mùa, nạn đói, chuyện Tây đến dựng nhà máy ươm trong tổng, chuyện quan trên bắt dựng vọng lâu và vào làng bắt cộng sản, chuyện đốt nhà, trộm trâu. Chuyện đói kém là chuyện ông Bảy nhớ nhiều nhất.

- Con người ta sinh ra ở đời ai cũng có cái vui, cái buồn, cái lo, cái ghét. Nhưng nghĩ cho kĩ, thì cái sợ là nhiều nhất. Trong các cái sợ, có cái sợ đói là ghê gớm nhất. Từ lúc cha sinh mẹ đẻ cho đến lúc chết, người ta chỉ lo một việc. Đó là lo đói. Lo ngày lo đêm, dồn hết sức mình tài mình vào cái đói, thế mà vẫn đói. Tróc nã cho được miếng ăn thật là khốn khổ. Làng ta bỏ đi tha phương cầu thực cũng nhiều. Ban đầu có người đánh thư về nhà, nhưng sau không còn thấy tăm hơi đâu nữa.

Chú Hai hỏi:

- Vậy sau sợ đói là sợ cái chi?

- Là sợ ma. Ma đủ loại. Ma rà dìm người xuống nước. Ma le cõng người nhét giữa bụi tre. Ma trơi chập choạng. Ma đuốc lập loè. Ma đậu, ma xó, ma hời, ma trâu, ma lợn... Khắp bờ khắp bụi dày đặc những ma. Riêng quanh vườn đã có mười loại cô hồn như ta thường vái. Còn quỷ thì chỗ nào không có. Hoà Phước có hai bãi tha ma đầy ma quỷ. Ông có nhớ năm ma đậu hoành hành, người chết như rạ. Kẻ nào làm cho hết ma, tôi cho là thánh sư bồ tát.

Một ngọn gió từ phía sông ập vào vườn, rung những tàu lá chuối nghe lộp độp như mưa. Có tiếng gọi đò, tiếng vang xa như từ một nơi xa xôi nào dội lại. Bên kia sông, một ngọn lửa bật sáng. Ông Bảy chợt nói:

- Tôi nghĩ đi nghĩ lại, ông trời thế mà có mắt! Ông về được đây, còn mang theo thằng nhỏ để làm vốn liếng!

Ông Bảy kéo thằng Cù Lao ngồi sát bên cạnh.

***

Tôi và thằng Cù Lao đến chơi nhà bà Hiến. Bà đang ngồi kéo vải, cái xa kéo cứ quay rè rè. Một sợi chỉ như từ đầu trong con cúi cứ tòi ra mãi. Ban cứu tế sẽ dựng cho bà một ngôi nhà mới. Không biết ngôi nhà mới sẽ thế nào. Quả thật tôi thích cái nhà cũ của bà hơn, vì nó vừa thấp vừa tối. Mỗi khi đến nhà bà, tôi được cái thú khom người chui dưới mái tranh như chui vào một cái hang lạ. Dọc phên, bà Hiến treo những chổi cùn bằng tre, bằng rơm, dài ngắn đủ cỡ. Bà rất giàu về các loại chai vỡ, hũ vỡ, nồi vỡ, đặt thành một hàng dài trông rất lạ mắt. Nhà bà giống như một cái hang chứa chất đồ cổ. Thằng Cù Lao khen những nhãn pháo, nhãn chè dán trên cột, vẽ hình hổ báo vằn vện, những tướng râu ria cầm chuỳ, cầm xà mâu đứng múa. Trước đây, lúc rảnh tôi hay đến chơi đằng bà. Bà cho biết ngay trong xóm có một con rùa vàng. Có lúc rùa vàng bò lên mặt đất đi ăn. Hễ gặp rùa vàng, ta phải lấy cái khăn có trát máu chó chụp ngay lên mình nó. Máu chó làm rùa không thể biến mất. Bắt được rùa vàng, bà sẽ giàu sang sung sướng. Bà sẽ làm một cái nhà toàn bằng gỗ lim. Bà sẽ sắm kiềng vàng, vòng vàng. Bà mặc toàn gấm vóc. Chỗ nào có đói, bà sẽ đem gạo, đem tiền đến phát. Bà sẽ được mọi người chiều chuộng. Bà Hiến kể cho tôi nghe chuyện nàng Phấn Điệp:

- Nàng Phấn Điệp xưa kia đẹp như Hằng Nga. Việc bánh trái thêu thùa không ai bì kịp. Nàng còn biết đánh đàn. Tiếng đàn của nàng nghe réo rắt như gió thoảng mây bay, lúc reo vui, lúc xót thương, tủi hổ.

Tôi bắt bẻ:

- Bữa trước, bà nói nàng đẹp như Tây Thi, bữa nay bà lại nói đẹp như Hằng Nga. Cũng nàng đó hay nàng nào?

- Cũng nàng đó.

Bà kể tiếp:

- Cách ăn ở của nàng làm ai nấy đều mến phục. Một hôm có một người sang trọng đến xin gặp nàng. Trong lúc trò chuyện, người đó giả bộ vô ý đưa tay chấm vào trán nàng. Chỗ chấm đó trở thành một cái vết. Vết đen đó loang ra khắp mặt, loang khắp mình mẩy chân tay. Vừa lúc đó cha mẹ anh em của nàng đều chết hết. Nàng bơ vơ không nơi nương tựa. Những người trước kia muốn gần nàng bao nhiêu thì nay lại tránh nàng bấy nhiêu. Cuối cùng nàng chết ở xó chợ giữa đêm mưa gió.

Kể đến đây bà Hiến khóc thút thít. Đó là chuyện nàng Phấn Điệp bà Hiến kể tôi nghe trước Tổng khởi nghĩa. Khi tôi và thằng Cù Lao đến chơi, bà kể thêm:

- Về cái chết của nàng Phấn Điệp, bà đã kể sai. Nàng vẫn còn sống. Chính trong cái đêm mưa gió nàng sắp chết liền có một người hiện ra. Người đó lấy ngón tay chấm vào trán nàng. Cái chấm đỏ trắng dần, lan ra dần. Lan ra đến đâu, da dẻ của nàng trở lại trắng trẻo hồng hào đến đó. Phấn Điệp trở lại xinh đẹp như xưa. Tiếng đàn của nàng trở lại réo rắt. Nàng lại được mọi người tôn trọng, quý mến.

Tôi thúc vào hông thằng Cù Lao:

- May phước, không thì bỏ mẹ!

Theo bà Hiến thì chuyện Phấn Điệp không phải là chuyện bịa vì nàng Phấn Điệp có thực. Nàng đã từng ăn xin trước đây ở chợ, chính bà Hiến có trông thấy. Sau khi trở lại trắng da dài tóc, nàng không già mà cứ trẻ mãi, cho đến một lúc nàng hoá thành một con bướm trắng rồi nhẹ nhàng bay đi đâu mất.

***

Tôi và thằng Cù Lao thấy rất rõ bà Hiến cần chúng tôi đến chơi để bà kể chuyện Phấn Điệp. Vì vậy chúng tôi thường đến chơi nhà bà. Tôi đứng sau nhà bà gọi to:

- Bà Hiến ơi!

- Đứa nào đó?

- Tôi đây. Chúng tôi đến đã bà kể chuyện Phấn Điệp đây. Phải mở cửa mau mau ra đón.

Gặp thằng Cù Lao bà nói:

- Tao nhớ đến thằng con của tao. Nó cũng tướng đói như mày.

Bà thò tay lên cái gáo trên giàn. Bốn quả bồ quân theo tay bà xuống nằm trên cái bát. Bà bốc hai quả đưa cho tôi. Tôi lắc đầu không ăn. Chị Ba đã dặn không được ăn bồ quân của bà. Chị Ba giảng giải:

- Bà Hiến không chết là nhờ cây bồ quân. Bà hái bồ quân đi đổi gạo. Mày ăn bồ quân của bà thì bà chết đói.

- Ăn một vài quả thì ra răng?

- Một quả cũng không được ăn. Bà nghèo lắm!

Bà Hiến bốc hai quả đưa cho thằng Cù Lao.

Tôi nháy mắt ra hiệu cho nó đừng ăn. Nhưng nó đã bỏ một quả vào mồm. Tôi trợn mắt ra hiệu rõ hơn. Thằng Cù Lao bỏ nốt quả thứ hai vào mồm nhai rau ráu, nuốt nghe ừng ực, ăn nhanh như cọp đói. Bà Hiến lấy thêm cho nó năm quả. Lần này, tôi phải ra hiệu bằng cách lắc đầu, dậm chân. Nhưng chỉ trong nháy mắt, tất cả bồ quân đã biến mất. Lúc về, tôi thấy cần phải cho thằng Cù Lao một bài học:

- Nè Cù Lao! Mày làm bà Hiến chết đói rồi!

Nó mở tròn mắt:

- Răng?

- Bà chết đói chớ răng nữa? Mày ăn hết bồ quân của bà. Bà chẳng còn gì để đổi gạo. Bà chết đói là tại mày!

- Thế tui đã lỡ thì răng?

- Mày phải mua bồ quân đem trả lại bà. Từ rày không được ăn cái gì của bà, nghe không? Ở đây người ta bảo “ăn phải coi nồi” là vậy đó. Tuy bụng mình đói meo, nhưng phải nói: “Tôi no quá, ăn không được nữa”. Có muốn ăn cũng phải thong thả. Bụng có cồn cào cũng phải đợi người ta mời năm lần bảy lượt mới cầm đũa. Khi cầm đũa phải gắp ít ít, không được luôn luôn thò vào món ngon. Đó là lễ nghĩa, chị Ba dạy vậy, nghe chưa?

Thằng Cù Lao vểnh tai nghe. Nó đồng ý là về làng, nó phải giữ lễ nghĩa. Lúc còn ở ngoài cù lao, cha nó đã từng dặn: Tuy về quê cũ, nhưng cũng như lội sông, chớ có láu táu, người ta chê cười cho đó!

***

Ban cứu tế cũng đã dựng xong cho bà Hiến một cái nhà một gian hai chái. Cái nhà mới của bà trông bề thế nhưng chẳng có gì hấp dẫn đối với tôi. Nó giống như mọi nhà khác trong làng. Tôi ngồi chéo chân chỉ lên nóc nhà:

- Nhà mới này chẳng thích đâu. Bảo làng làm lại cái nhà như nhà cũ. Cái nhà cũ thích hơn.

Tôi chỉ lên gian giữa:

- Sao không đem nhãn chè, nhãn chai dán lên như cũ?...

- Chỗ đó tao sẽ dán ảnh một người...

- Người nào?

- Người đã cứu nàng Phấn Điệp.

Thằng Cù Lao rất thích đến chơi nhà bà Hiến. Đến đây nó được ăn nói tự do. Nó nói thẳng với bà là từ này trở đi nó không ăn gì của bà nữa, dù chỉ một trái bồ quân. Ăn như vậy, bà sẽ lăn đùng ra chết đói, nó phải vạ lây. Tốt nhất là đừng ăn. Bà Hiến bảo nó cứ ăn, bà không chết đâu mà sợ. Xưa kia nhiều lần bà muốn chết, nhưng bây giờ bà muốn sống. Thằng Cù Lao hỏi lúc bà muốn chết có phải là lúc bà bị cái chấm đen lan dần hay không? Nó còn biết xưa kia bà Hiến rất đẹp. Bà cũng giỏi nghề canh cửi vá may. Có lúc nhà giàu đã thuê bà khóc mướn. Nó hỏi nhỏ bà:

- Có phải người ta thuê bà đi khóc mướn không?

Bà cười héo hắt:

- Mày ở cù lao Chàm làm răng biết được? Ở đây nhà giàu khi chết đưa ma to lắm. Họ thuê bọn con gái diện bảnh theo sau linh cữu để khóc lóc. Tao đã khóc như khóc cha mẹ mình chết vậy!...

- Thế còn ông Hiến đánh bà thế nào?

- Ông cột tao vào chân giường, đánh nổi lằn khắp mình mẩy. Trước kia ông rất hiền lành, ăn ở phải đạo. Sau đó ông bỏ làng đi. Ông nói sẽ mang tiền về làm toà ngang dãy dọc. Nhưng ông về với một hình ma tướng cóc. Tao phải nuôi cho đến khi ông chết.

- Thế khi ông chết, bà có khóc không?

- Tao khóc mãi. Ông bỏ tao! Tao nhớ, tao thương ông lắm!

Nói đến đây, bà Hiến lại khóc thút thít.

VÕ QUẢNG

(còn nữa)

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét