Thứ Năm, 22 tháng 10, 2020

CÁI ĐẸP TỪ CÁI THIỆN MÀ RA

 



Bà Tôn Nữ Thị Ninh: 

Cái đẹp từ cái thiện mà ra!



Bà Tôn Nữ Thị Ninh được biết đến nhiều nhất ở cương vị một nhà ngoại giao với sự trí tuệ, mềm mỏng và cứng rắn khi cần thiết. Trở thành nhà ngoại giao bắt đầu bằng công việc phiên dịch và từng phiên dịch cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp... Bà trải qua nhiều cương vị, từ một giảng viên đại học tại Pháp đến đại sứ của Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg, trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu... và từng là Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.

Mặc dù sống và làm việc nhiều năm tại nước ngoài, nhưng điều thú vị là bà còn được nhìn nhận như một phụ nữ đẹp chuẩn mực, rất “Việt Nam”. Không chỉ nỗ lực “Để đất nước Việt Nam của tôi sau những năm dài chiến tranh và khổ đau, có thể hồi sinh và tìm cho mình một chỗ đứng hoàn toàn xứng đáng trong cộng đồng quốc tế...” như lời bà  nói trong cuốn sách Tư duy và chia sẻ ấn hành gần đây, mà bà còn có những chia sẻ rất thú vị về phụ nữ, cái đẹp, cái thiện.

“Đẹp” là tĩnh,“duyên” là động

 * Thưa bà, trong suy nghĩ của bà, thế nào là một người phụ nữ đẹp?

- Rất nhiều người đã nói về điều này, tựu thành những yếu tố căn bản nhất, như: sắc, tài, tâm. Sự tương quan, cân bằng, tương tác giữa những yếu tố này trong một người sẽ khác nhau. Dĩ nhiên, nếu cả 3 yếu tố đều tốt cả, ta sẽ có một vẻ đẹp lý tưởng. Tuy nhiên, tôi muốn đề cập đến góc độ chung hơn. Với tôi, phụ nữ đẹp không chỉ có “sắc” mà thôi. Như tôi đã nói trong cuốn sách mới đây nhất của mình Tư duy và chia sẻ, phụ nữ đẹp không đơn giản là sự cân đối về ngoại hình, về khuôn mặt, mà phụ nữ là phải có duyên.

Có những người đẹp về ngoại hình, nhưng lại không cuốn hút nếu chỉ đẹp mà lại “tẻ”. Trong khi đó, lại có người tuy không xuất sắc về đường nét, nhưng lại có sự sinh động của cái “duyên”. Mà “duyên” gắn với tâm hồn, tư duy, lối sống, nhân sinh quan... Sắc đẹp là trời phú, nhưng duyên cũng phải tự nhiên. Tuy nhiên, khó ở chỗ, dù phải tự nhiên thì mới duyên, nhưng muốn trau dồi cái duyên lại đòi hỏi phải có ý thức về nó. Ở một độ tuổi nào đó, cái duyên sẽ là vốn quý của bản thân sau nhiều trải nghiệm. Cái đẹp về ngoại hình là một phạm trù tĩnh, cái duyên là một phạm trù động. Cái duyên sẽ làm vẻ đẹp đó sống động hơn. Phụ nữ muốn đẹp hơn nữa thì phải có văn hóa. Và quan trọng, sự lương thiện là nguồn gốc làm nên cái đẹp của con người nói chung, kể cả phụ nữ. Cái đẹp từ cái thiện mà ra.

Những tiêu chuẩn “giàu đức hy sinh, nhẫn nhịn, dịu dàng” trong quan niệm về phụ nữ của Việt Nam, nếu đặt trong hiện tại có còn đủ sức mạnh đại diện cho cái đẹp của phụ nữ Việt Nam?

- Tôi thường nói ở các diễn đàn, phụ nữ nào mà không hy sinh? Kinh nghiệm cho tôi thấy, sự hy sinh này không chỉ là đặc thù của phụ nữ Việt Nam đâu. Tuy nhiên, vì Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh và những năm tháng gian khổ, vì vậy sự hy sinh đó cũng đặc biệt hơn nhiều, được thử thách và rèn luyện ở những hoàn cảnh khắc nghiệt hơn nhiều. Khác ở chỗ đó. Tuy vậy, tôi thấy nếu quá thường xuyên đề cao rằng “hy sinh” là đặc thù riêng của phụ nữ Việt Nam, và phụ nữ Việt Nam đều phải thế thì nên cân nhắc. Không nên đặt thêm cho phụ nữ những gánh nặng, những áp lực. Thêm nữa, sự hy sinh theo tôi là “không có giới tính”. Chẳng lẽ chỉ có người phụ nữ phải hy sinh, còn người chồng, người cha không phải hy sinh?

Tôi nghĩ không nên lạm dụng khái niệm này. Trong nhiều hoàn cảnh, sự hy sinh quá đà dẫn đến sự nhu nhược, và có thể chuốc lấy nhiều hậu quả. Đúng là phụ nữ Việt Nam nhiều đức tính tốt, và hoàn cảnh giúp họ tôi luyện nhiều, nhưng đừng nên đặt những yếu tố đó lên hàng đầu. Mỗi thời sẽ đặt ra những yêu cầu khác, đòi hỏi khác và phụ nữ cũng phải thay đổi theo.

Bà được nhiều phụ nữ ngưỡng mộ và xem là một hình mẫu để noi theo. Nhưng với riêng bà, có người phụ nữ nào mà bà ngưỡng mộ không?

- Tôi tích cóp những cảm nhận, kinh nghiệm từ nhiều người, tôi không có thần tượng, kể cả khi còn trẻ. Tuy nhiên, một người phụ nữ mà tôi kính trọng, mến mộ là bà Nguyễn Thị Bình, một phần có thể do bản thân tôi có giai đoạn làm ngoại giao. Tôi nhớ giai đoạn sang Paris để đàm phán cho Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, nhiều bạn bè quốc tế phải thừa nhận là bà Bình rất đẹp. Thời kỳ đó, đất nước còn khó khăn, phụ nữ không có điều kiện chăm sóc sắc đẹp, ăn mặc cũng giản dị bình thường. Nhưng hình ảnh bà Bình thời đó phải nói là sang trọng, sự sang trọng tự nhiên dù không phục sức gì đặc biệt. Còn về trí tuệ, bà rất sắc sảo. Ngày nay, ở tuổi 90, sự bận tâm của bà dành cho đất nước, xã hội Việt Nam vẫn tràn đầy càng làm tôi kính trọng bà.

Bình đẳng giới cần có thời gian

Đấu tranh cho nữ quyền đang trở thành một “trào lưu”, nhưng bà có nghĩ khái niệm bình đẳng nam nữ là có tồn tại? Theo bà, sự bình đẳng nên được nhìn nhận ra sao cho phù hợp?

- Câu chuyện về bình đẳng ngoài xã hội và gia đình đúng là còn chênh lệch. Trong gia đình tồn tại sự bất bình đẳng nhiều hơn bên ngoài. Tuy nhiên, sự bất bình đẳng đó có lẽ lỗi một phần do người phụ nữ. Tôi nghĩ chúng ta cần xác lập một trật tự tự nguyện giữa vợ chồng trong trách nhiệm thực hiện các công việc trong không gian gia đình. Nếu ban đầu không xác lập mà chỉ biết nhường nhịn và hy sinh, thì sau này thay đổi sẽ gặp khó khăn. Tôi không chủ trương 50/50 một cách cứng nhắc, nhưng sự chia sẻ và trách nhiệm gánh vác cùng nhau thì nên được thỏa thuận và xác lập ngay từ ban đầu một cách tự nhiên.

Còn sẻ chia thế nào thì kinh nghiệm cá nhân của tôi là tùy theo sở trường từng người trong gia đình. Chẳng hạn, chồng tôi không giỏi máy móc nên thay bóng đèn thì tôi làm, nhưng chồng tôi có thể rửa bát giúp tôi. Vậy nên không có công thức chung cho mọi gia đình, vì cuộc sống vốn muôn màu. Tôi chưa bao giờ phải “phân công” chồng bằng lời nói, mà từ sự tôn trọng và thông cảm lẫn nhau, chia sẻ đến một cách tự nhiên.

 * Có nên áp dụng những tiêu chuẩn ứng xử của những xã hội đã có quá trình đấu tranh cho bình đẳng giới từ lâu vào Việt Nam không?

- Công bằng mà nói tại Việt Nam, nam giới đã thừa hưởng được một số ưu thế theo trật tự xã hội đã xác lập từ lâu, do đó cũng nên sẻ chia bớt với người phụ nữ. Đây không phải là điều gì quá lớn lao. Đó không phải là chiếu cố, ban ơn, mà tạo điều kiện để xác lập lại một sự cân bằng về cơ hội. Tùy mỗi xã hội mà sự tháo gỡ này nhanh hay chậm, theo xu hướng nào.

y dựng bình đẳng giới cần tạo nên từ sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội, và đòi hỏi rất dày công. Giáo dục, quảng bá, đấu tranh, vai trò của truyền thông, nhà trường, cơ quan chuyên trách... không thể đốt cháy hẳn một giai đoạn nào, mà chỉ có thể đẩy nhanh trong một chừng mực nào đó.

Bà quan tâm rất nhiều đến giáo dục, đến giới trẻ. Bà có lo âu không khi giới trẻ Việt Nam đang trong thời kỳ đón nhận rất nhiều giá trị mới? Phải làm sao để hạn chế bớt những ảnh hưởng tiêu cực của sự chuyển giao các giá trị cũ - mới lên giới trẻ?

- Kinh tế Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi, quá trình đó tạo ra rất nhiều xáo trộn ở nhiều mặt: văn hóa, xã hội, giáo dục... Sự mất mát dần các giá trị cũ, xuất hiện các giá trị mới cũng diễn ra. Giá trị mới không phải lúc nào cũng tích cực hoặc chúng bị đón nhận một cách lệch lạc. Đó là điều mà những người có trách nhiệm trong xã hội cần chú ý điều chỉnh, hướng sự đam mê năng nổ của lớp trẻ đi đúng hướng. Điều này không thể diễn ra một sớm một chiều, và cũng không thể mặc kệ theo kiểu suy nghĩ “để khi đất nước giàu có hơn, mọi việc sẽ tự sắp xếp đâu vào đấy” được. Nó còn đòi hỏi sự nỗ lực chủ quan rất lớn của những người có ý thức và có trách nhiệm trong việc điều chỉnh và định hướng.

 * Nhiều người nhìn nhận, ở một xã hội biến đổi nhanh như Việt Nam hiện tại thì dạy con là cả vấn đề. Theo bà, cần xem trọng những yếu tố nào nhất trong khái niệm “dạy con”?

- Nói cô đọng là vừa phải khuyến khích trẻ phát huy tiềm năng, năng lực của mình, đồng thời phải giáo dục trẻ biết cách ứng xử đúng đắn trong xã hội, và phải dạy trẻ biết giới hạn quyền tự do của mình ở đâu. Quan trọng, nên đặt mục tiêu dạy trẻ trở thành người trung thực, lương thiện và tự lập.

*  Xin cảm ơn bà!

Kim Ngân (thực hiện)

INBOX: Bà Tôn Nữ Thị Ninh sinh ra tại Huế và theo gia đình sang Pháp từ nhỏ. Sau đó, bà cùng gia đình trở về Sài Gòn, học trung học tại Trường Marie Curie trước khi quay lại châu Âu và học ở Đại học Paris (Pháp) và Đại học Cambridge (Anh). Từ thời còn ở Pháp, bà đã tham gia hoạt động với Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam với vai trò là người trợ giúp vòng ngoài cho phái đoàn đàm phán của Việt Nam tại Paris trong những năm 1968-1972 và một số lần đảm nhiệm phiên dịch tiếng Anh trong các cuộc tiếp xúc không chính thức cho Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình. Bà từng dạy Anh văn và văn học Anh ở Đại học Sorbonne. Đến khi về nước năm 1972, bà làm Phó trưởng phân khoa của phân khoa Anh ngữ (Đại học sư phạm Sài Gòn). Bà từng là đại sứ của Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg kiêm trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội. Bà cũng từng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

 Nguồn: Báo Đồng Nai, 3/7/2015.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét