Thứ Hai, 2 tháng 11, 2020

HAI CHỊ EM LƯU LẠC - Chương 1

 


(LNK). Tiểu thuyết Hai chị em lưu lạc do Linh mục Pierre Lục (1868 - 1927) sáng tác và xuất bản tại Làng Sông (Tuy Phước, Bình Định) vào năm 1927. Tiểu thuyết này sau đó được tác giả Nhật Lệ Giang đã phóng tác theo văn phong mới, hiện đại hơn và "xuất bản trong tủ sách Tuổi Hoa, loại hoa xanh" (Tiếp nối dặm đường xưa). Blog xin giới thiệu lần lượt từng chương, bắt đầu từ hôm nay.

 

Chương 1

Cách đây gần 30 năm, nước Việt Nam ta bị một trận lụt lớn tàn phá nhiều miền, nhất là ở miền Trung bị thiệt hại nặng nề hơn cả. Mưa luôn đêm ngày như trút, nước biển dâng lên, nước nguồn đổ về mênh mông như mặt biển rộng lớn. Nhà cửa bị sập, bị trôi không kể xiết. Nhiều nhà bị giòng nước cuốn đi, trôi bềnh bồng từ từ ra biển. Người trên nhà trèo lên nóc, kêu cứu, khóc la vang trời, nhưng không ai dám ra cứu, vì nước chảy mạnh quá...

Sau trận lụt kinh khủng ấy, tiếp đến nạn đói. Gạo thóc, của cải bị trôi, nhiều người phải lên rừng đào củ nâu, củ chuối để ăn. Cũng vì ăn uống thất thường như thế, nhiều người bị bệnh tả mà chết. Nạn đói càng ngày càng trầm trọng. Nhà cầm quyền cũng hết lòng giúp đỡ, nhưng chẳng khác gì hạt cát bỏ biển, có thấm vào đâu! Nhiều người bỏ làng, kéo nhau đi đây đó xin ăn, kiếm việc làm.

Hồi ấy ở Hội An (Quảng Nam) có ông bà Đặng Trung Chánh, là người khá giả. Ông bà có vài mẫu ruộng vườn; quanh năm cày cấy trồng trọt, hoa lợi thu vào cũng dư ăn. Nhưng điều đặc biệt là cả hai ông bà rất có lòng thương người nghèo khó, túng thiếu. Những người trong làng, rủi bị đau ốm, thế nào bà Chánh cũng tới thăm, đem cho các thứ cần dùng. Ông Chánh lo việc làng, đem hết tài lực để giúp đỡ mọi người, không hề thâm lạm một chút của công. Bởi đó, mọi người trong làng, ai cũng mến phục ông bà. Đối với người làng đã thế, mà đối với người ăn người ở trong nhà, ông bà lại càng thương giúp hơn. Ông bà sinh được hai đứa con: cô gái đầu lên mười tuổi, tên là Gương, cậu con trai tên là Lành, lên tám. Thỉnh thoảng bà Chánh lại nhắc nhở hai con :

- Các con hãy ghi vào lòng: ba má đặt tên hai con là Gương Lành, là ba má ước ao, chớ gì suốt đời các con dù giàu có hay nghèo cực, lúc nào các con cũng ăn ở nêu gương lành cho mọi người.

Thật "cha mẹ hiền lành để đức cho con". Em Gương em Lành cũng giống tính nết cha mẹ. Cả hai đứa học hành rất chăm chỉ, đối với bạn bè không bao giờ hai em tỏ vẻ kiêu căng. Thấy bạn bè thiếu sách vở giấy bút, các em lại xin cha mẹ cho tiền để giúp đỡ. Bởi thế, bạn bè rất quí mến Gương, Lành.

Sau trận lụt, gia đình ông Chánh trở nên tay trắng như mọi người. Thấy nạn đói còn kéo dài, vì trâu bò, cuốc cày không còn để làm mùa, ông Chánh đứng lên bàn với người làng, đem nhau vào Sông Lũy làm ăn một thời gian. Sông Lũy ở giữa Phan Thiết và Nha Trang, là một miền cao nguyên, đất tốt, người ta sống về nghề trồng bông vải. Lúc này, hàng vải nhập cảng không có, nên bông vải sản xuất trong nước bán rất được giá. Người không có đất trồng thì đi hái bông, hay cán bông thuê, mỗi ngày tiền công cũng được đủ ăn. Một số người làng tán thành ý kiến của ông Chánh. Họ bàn nhau bán đồ vật còn lại, cho thuê ruộng vườn, gói ghém các thứ cần dùng, rồi xuống Đà nẵng, thuê ghe bầu đi vào Phan Thiết. Bàn bạc xong xuôi, ai nấy cấp tốc dọn dẹp để ra đi...

Cô Gương thấy cha mẹ bán đồ đạc, sắp sửa bỏ làng đi đến một nơi xa lạ, cô buồn lắm. Cô ứa nước mắt khi phải xa mái trường thân yêu, xa các bạn bè tử tế. Rồi đây, nơi cha cô sắp tới ở, biết có trường học, có bạn bè tốt như ở làng không? Em Lành thì không như chị. Em chưa hiểu gì lắm, vả lại bản tính con trai, nhiều khi cũng thích những cái mới lạ. Em hỏi cha :

- Ba ơi, mình đi mấy bữa thì về làng lại, ba?

Bà Chánh bật cười bảo con :

- Khi nào con cao bằng ba thì về làng lại!

Lành ngước mắt nhìn chiều cao của cha, tiu nghỉu :

- Ba cao gấp mấy con, biết khi nào con lớn bằng ba được!

Mọi việc sắp đặt xong xuôi, ngờ đâu rạng ngày đã định lên đường, thì đêm hôm đó, bà Chánh bị bệnh tả! Bà nhiễm bệnh nan y nầy, một phần vì bà đã tận tình giúp đỡ những người mắc bệnh ấy, mà một phần cũng vì bà đã nhường phần cơm cháo cho chồng, cho con, bà chỉ ăn rau, ăn củ chuối, nên mất hẳn sức. Những người chung quanh nghe tin bà Chánh bị bệnh bất ưng, vội vàng chạy đến, kẻ đem thuốc này, người đem thuốc kia, nhưng vô hiệu, bệnh bà mỗi lúc một nặng thêm, cho đến sáng, thì bà Chánh mất! Cha con ông Chánh phục xuống bên xác bà, khóc như mưa như gió, không ai khuyên giải được. Chôn cất bà xong, ông Chánh như người mất hồn, đứng ngồi thơ thẩn. Em Gương em Lành cũng thế, nhớ lại hai ngày trước đây, mẹ con đang còn giúp nhau dọn dẹp đồ đoàn, nhà cửa, mà bây giờ mẹ đã ra người thiên cổ, nằm quạnh quẽ một mình giữa cánh đồng. Cả hai đứng nhìn ra mả mẹ khóc ròng rã...

Cha con ông Chánh đã vậy, mà những người sắp sửa ra đi theo ông cũng lây phải chuyện buồn. Đồ đạc, gồng gánh sẵn sàng cả rồi, nay ông Chánh bị cảnh tang chế đau đớn, không tính chuyện đi nữa, họ đâm ra lúng túng. Ở lại thì đồ đạc bán tháo hết rồi, làm sao mà sắm sửa lại được. Ra đi thì ai sẽ cầm đầu, dẫn dắt? Tình thế không thể ngồi yên được, họ kéo nhau đến nhà ông Chánh, giãi bày trước sau, yêu cầu ông dẹp chuyện buồn để hướng dẫn anh em ra đi. Ông Chánh như người chợt tỉnh, thấy mình có bổn phận phải chu toàn, ông liền hẹn mọi người, sáng mai sẽ lên đường đi Đà Nẵng. Chiều hôm ấy, ông dắt hai con ra viếng mộ bà Chánh lần sau hết. Cô Gương quỳ phục xuống ôm lấy mả mẹ khóc dầm dề. Sáng hôm sau cha con ông Chánh cùng 11 gia đình lân cận, khăn gói lên đường. Họ thuê xe ngựa đi Đà Nẵng. Đến Đà Nẵng, ông Chánh cùng với mấy người đàn ông đi hỏi thăm chuyến ghe. Rất may, họ gặp được một chiếc ghe bầu sắp sửa vào Phan Thiết cất hàng ra Đà Nẵng. Giá cả xong xuôi, chủ ghe hẹn sáng mai sẽ nhổ neo ra khơi. Mọi người vui mừng trở về tìm chỗ cho gia đình tạm trú một đêm, đoạn họ rủ nhau đi xem phố. Thành phố Đà Nẵng là trung tâm thương mãi của miền Trung, vì thuận tiện cả đường bộ, đường thủy. Tàu bè, ghe thuyền chở hàng trong Nam ra cập bến tại đây, rồi xe lửa mới chuyển hàng ra Huế, Quảng Trị, hay vào Hội An, Quảng Ngãi, Bình Định... Dưới sông, thuyền bè lớn nhỏ, lớp đi lớp đậu. Xa xa, có vài chiếc tàu lớn chuyển hàng lên bờ. Vì lòng sông cạn nên tàu lớn không cập hẳn vào bến được, phải đậu ngoài xa, có xà lúp chuyển hàng vào bờ. Những người làm nghề khuân vác đứng chực sẵn trên bến, lãnh đem hàng vào kho, hay chất hàng lên các toa xe lửa. Quang cảnh nhộn nhịp ồn ào, xe cộ chạy qua lại như mắc cửi.

Ông Chánh dẫn hai con đi phố, và luôn thể mua mấy thứ cần dùng. Gương và Lành, lần thứ nhất được đi dạo phố, nên thấy cái gì chúng nó cũng trầm trồ khen đẹp, xem không chán mắt. Đang đi, bỗng em Lành kêu thét lên.

Ông Chánh ngạc nhiên, quay lại hỏi:

- Gì thế con?

Lành chỉ tay vào một cửa hiệu Chà-và bán vải. Mấy người Chà-và đen thui đang cười để lộ hai hàm răng trắng hếu. Lành chưa hề thấy những người này, nên thất kinh. Ông Chánh mỉm cười bảo con :

- Đó là mấy ông Tây đen, chớ phải ma quỉ gì mà con sợ?

Đi qua một cửa hiệu bán bánh mì, ông Chánh bảo hai con :

- Hai con cứ thủng thẳng mà xem, để ba ghé vào đây, mua thêm vài ổ bánh mì ăn đi đường.

Lành nắm tay chị, chân bước đi, mắt nhìn xe qua lại. Nó không để ý, nên đụng phải một thanh niên ở đàng xa đi lại. Lành buột tay chị ngã ngửa đập đầu xuống đất một cái "độp" đau như trời giáng. Người thanh niên vội đỡ Lành dậy, tay xoa đầu, miệng hỏi rối rít :

- Em có đau lắm không em? Xin lỗi em, tại anh vô ý!

Lành mếu miệng, nhưng không dám khóc. Ông Chánh ở trong hiệu bánh mì đi ra trông thấy, biết là tại lỗi con mình, liền đỡ lời :

- Không sao cậu à! Bởi cháu nó mới đi phố lần thứ nhất, ham xem, nên không để ý kẻ qua người lại vấp nhằm cậu, cậu đừng chấp!

Người thanh niên thấy ông Chánh nói năng khiêm tốn, lịch sự, chàng cảm động lắm:

- Thưa bác, lỗi ở cháu nhiều hơn, vì cháu vội đi tìm anh bạn thân, nên vấp phải em, chớ em có lỗi gì đâu!

Rồi chàng hỏi ông Chánh :

- Thưa bác, thế bác ở miền nào, và bây giờ bác và hai em đi đâu?

Ông Chánh thành thật kể lại hoàn cảnh vì bị lụt lội, mất mùa, nên phải đem hai con đi vào miền trong, kiếm việc làm ăn một thời gian. Ông cũng cho chàng hay, sáng mai sẽ lên ghe đi vào Phan Thiết...

Người thanh niên ứa nước mắt xoa đầu hai em Gương, Lành :

- Tội nghiệp hai em quá! Mới chừng nầy tuổi, đã phải mồ côi mẹ, phải bỏ làng nước mà đi xa xôi!

Nói rồi, chàng móc túi lấy hai cắc bạc đưa cho hai em :

- Hai em cầm lấy để ăn quà dọc đường.

Đoạn chàng đưa cho ông Chánh hai tờ giấy bạc 5 đồng :

- Thưa bác, nhờ một việc tình cờ mà cháu được biết hoàn cảnh cơ cực của bác. Cháu xin biếu bác một chút tiền, phòng khi bác vào trong đó chưa kiếm được việc làm!

Ông Chánh cảm động ứa nước mắt nhận lấy món tiền, miệng ấp úng :

- Cám ơn cậu lắm. Cha con tôi biết lấy gì mà đền ơn cậu được?

Chàng thanh niên mỉm cười :

- Có gì đâu mà bác kể ơn kể huệ! Thôi cháu chúc bác và hai em đi đường bằng an.

Nói rồi, chàng bắt tay ông Chánh, âu yếm xoa đầu hai em bé, đoạn đi thẳng. Ông Chánh sững sờ nhìn theo người thanh niên một lúc lâu, tay mân mê hai tờ giấy bạc con công 5đ. Mười đồng bạc đối với ông lúc này thật là một gia tài nhỏ, cha con ông ăn tiêu tùng tiệm cũng được hơn một tháng!

Lành hỏi cha :

- Ai đó ba? Người nào mà tử tế vậy ba?

Ông Chánh rưng rưng nước mắt, bảo hai con :

- Ba cũng không biết cậu ấy ở đâu. Có lẽ là người trời sai đến giúp cha con ta đó các con à!

Cô Gương đưa bạc cắc cho cha :

- Ba cất cho con, con không cần mua gì cả.

Ông Chánh nhìn hai con một lúc rồi cả quyết :

- Thôi hai con lại đây, ba mua thêm cho bộ quần áo nữa, kẻo vào trong đó, có khi khó mua.

Lành vừa đi vừa ngắm nghía cắc bạc. Thỉnh thoảng, em đứng lại, ném cắc bạc xuống đất cho kêu "coong coong", bị cha mắng :

- Lành, con chơi thế lỡ văng ra đường mất thì sao?

Cha con kéo nhau vào trong cửa hiệu bán quần áo may sẵn. Người chủ hiệu đem ra một lô quần áo để ông Chánh ướm thử cho hai đứa con. Ông Chánh chọn xong, trả giá, mua cho mỗi đứa hai cặp áo quần. Lành mặc luôn chiếc áo mới mua, còn em Gương xin cha gói lại :

- Ba gói lại cho con, con muốn để dành đến Tết mà mặc.

Cha con ông Chánh về đến chỗ trọ thì trời đã nhá nhem tối. Họ tạm trú trong căn nhà trống của sở Hỏa xa cạnh bờ sông. Tối hôm ấy, cơm nước xong người lớn ngồi bàn tính công việc làm ăn ngày mai, còn trẻ con thi nhau kể những cái chúng nó đã thấy khi đi dạo phố. Đứa nào cũng tranh nói trước, nhao nhao lên như họp chợ.

Sáng hôm sau, họ dậy thật sớm, thu vén đồ đạc đem xuống ghe, để ra khơi cho kịp nước xuống. Chủ ghe căn dặn các người lớn để ý đến con cái, đừng cho chúng giỡn chơi, chạy qua lại, làm chòng chành ghe. Đối với người lớn bắt ngồi yên thì dễ, còn đối với trẻ con, phải ngồi yên thật là một cực hình. Ông Chánh hiểu vậy, nên ông tìm cách làm vui cho chúng nó. Ông giải cho các em hiểu về biển, chỗ nào sâu nhất, chỗ nào có cá nhiều, các thứ cá ở dưới biển v.v... khiến chúng nó ngồi yên nghe say mê. Thỉnh thoảng các em lại hỏi ông Chánh những điều chúng đang thắc mắc. Mấy người lớn phục tài, phục mưu ông Chánh. Chiếc ghe từ từ ra khơi. Hôm nay tốt trời, biển lặng, sóng nhỏ, ngọn gió nam thổi nhè nhẹ, chủ ghe vui mừng bảo kéo buồm lên. Đối với người đi ghe, gặp gió thổi phía nào, họ cũng lợi dụng được hết. Buồm căng lên, gió thổi vào, ghe đi khá nhanh. Lúc đang đi trên sông, ai nấy đều dễ chịu, nhưng khi ra đến biển, có sóng gợn, người chưa quen đi biển, cảm thấy nôn nao, nhất là trẻ con, có đứa bị say sóng, bắt đầu nôn mửa. Em Gương người yếu, mệt lờ đờ, ngồi dựa đầu vào ngực cha. Còn em Lành khỏe hơn, chỉ xây xẩm một tí. Nhìn làn nước mông mênh, không thấy bờ bến, ai nấy đều rùng mình, miệng lâm râm cầu khẩn trời đất, cho được xuôi buồm thuận gió, đến nơi bằng an...

NHẬT LỆ GIANG

(còn nữa)

Nguồn: Sưu tầm

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét