Sông là một hằng số cùng các hằng số khác như núi, biển,
đèo, cảng thị cấu thành hệ sinh thái nhân văn có tính đặc thù của nhiều vùng miền
Trung. Bình Định và Phú Yên cũng như các tỉnh miền Trung khác, sông bắt nguồn từ
Đông Trường Sơn chảy theo hưống tây - đông chia cắt địa hình thành từng ô hẹp từ
núi tới biển.
Bình Định có 5 dòng
sông chảy:
Tam Quan, sông Lại, La Tinh
Côn Giang uốn khúc, Hà Thanh lượn lờ.
Phú Yên cũng có:
Sông Cầu, sông Cái, sông Ba
Vào sông Bàn Thạch lộng toà Đá Bia.
Văn hoá là lối sống, thế ứng
xử với môi trường tự nhiên và môi sinh xã hội. Sông hàng ngàn
đời ở vùng sông nước, con
người có cách nghĩ, cách ứng xử, cách hành động thích nghi với
môi trường tạo nên một nền văn hoá sông nước.
Văn hoá sông nước
là thành tố
không thể thiếu được trong tổng thể cấu trúc văn hoá vùng ở miền Trung. Nhất là
khi giao thông đường
bộ, đường sắt, đường hàng không chưa phát triển mạnh, khi việc xây kè đắp đập ngăn sông
làm thuỷ lợi chưa thịnh hành, thì sông nước đóng vai trò đặc biệt quan trọng
trong giao lưu kinh tế văn hoá trong từng vùng, nên văn hoá sông nước thăng hoa trên hai
phương diện hữu thể và vô thể.
Văn
hoá sông nước được tính từ thượng nguồn xuông hạ
bạn bao gồm: vùng khe suối ở
đầu nguồn, vùng ven sông và bàu đầm (do sông chuyển dòng để lại), vùng vũng vịnh
(do cửa sông hay biển ăn sâu vào đất liền). Trong tiến trình phát triển lâu
dài, văn hóa
sông nước không chỉ giao lưu, giao thoa mà còn
gắn bó với văn hoá núi ở thượng nguồn, văn hoá
châu thổ ở trung lưu, văn hoá biển
ở hạ lưu thành một thể thống
nhất văn hoá vùng miền Trung. Một nhà thơ đứng trước thắng cảnh đập Đồng Cam
trên sông Ba (Phú Yên) đã hình tượng hóa
mối quan hệ này:
Non giữ nguồn sông che
chở nước
Nước nuôi đồi đất điểm
trong non
Đúc chung một khối tình
non nước
Khó nỗi chia lìa khối
nước non.
(Huỳnh
Khinh - 1942)
2.
Văn hoá sông nước
Bình Định - Phú Yên tuy hai mà một
Mặc dầu có dãy Cù Mông làm ranh giới giữa
hai tỉnh, nhưng đèo Cù Mông chỉ
cao 245 thước.
Từ xa xưa, ngoài đường biển, đường đèo còn có đường bộ thoai thoải vòng qua La
Hai mà ngày nay đường sắt vẫn phải nương theo. Lằn ranh Cù Mông không là trở ngại
lớn cho giao lưu kinh tế
- văn hoá ở hai phía bắc và nam đèo.
- Về địa lý văn hoá,
Bình Định và Phú Yên cùng nằm trên vùng đất lồi nhô ra biển Đông của bán đảo
Đông Dương, thuận tiện cho việc đón nhận các luồng văn hoá nam - bắc, đông -
tây bằng đường thủy qua nhiều thời đại. Một học giả phương Tây đã cho đây là
"ngã tư đường của các văn hoá và các cư dân". Cù Lao Xanh (Poulo
Gambir) khi thuộc Phú Yên, khi thuộc Bình Định từng là ngọn tiêu phong của tàu
thuyền viễn dương ngày xưa.
- Về lịch sử văn hoá,
từ thượng cổ đến nay, các chủng người phương Nam, Inđônésien, Nam Á, Nam Đảo nối
tiếp nhau xây dựng nên nền văn hóa
bản địa trên đất Bình Định - Phú Yên, sáng tạo nên văn hoá Sa Huỳnh, văn hoá
Champa rực rỡ một thời trong cùng quản hạt Vijaya. Tới thời Đại Việt, Phú Yên nối tiếp Bình Định làm đất
trấn biên, sang thời Đại Nam hai tỉnh khi nhập làm một, khi tách làm hai.
Bối cảnh địa lý - lịch sử sâu rộng trên
đã làm cho văn
hoá - văn hoá sông nước Bình Định và Phú Yên cùng chung một cội
nguồn, có vốn
nội sinh và điều kiện tiếp biến nhân tổ ngoại sinh giống nhau, để từ đó tạo
nên nhiều dạng thức văn hoá tương đồng.
Các dân tộc thiểu số miền núi ỏ Bình Định - Phú Yên như Bahnar, H'rê, Ê Đê, Chăm H’roi dựa vào khe suối để
lập làng, theo tín ngưỡng đa thần, không biết đến đền chùa, nhà thờ, không chịu ảnh hưởng
Nho, Phật, Lão và Bàlamôn giáo. Trong nếp sống
thường ngày của đồng bào
còn lưu lại ít nhiều dấu vết người Nam Á, Nam Đảo. Điều đáng chú ý là ngày nay
tuy sống ở vùng rừng núi sâu nhưng trong huyền thoại và sử thi của đồng bào còn
kể lại: thời xa xưa, tổ tiên từ biển khơi vào đất liền nhưng thấy vùng hạ lưu,
trung lưu các dòng sông đã đông người
ở nên theo sông lên thượng nguồn lập làng, sử thi Bông Dyông
của người Bahnar Konkđeh ở
An Khê còn kể: xa xưa tổ tiên họ lập làng dưới đáy biển. Người Bahnar Tô Lô ở Đồng Xuân còn cho: vốn
xưa họ ở hải đảo và ven biển miền
Trung, do chiến tranh bộ tộc mà phải theo sông suối lên vùng núi cao. Những
câu chuyện trên đây phản ánh thuở
xưa ngươi Nam Đảo đã vượt biển khơi vào định cư ở Bình Định - Phú Yên. Đàn đá,
kèn đá tìm thấy ỏ Phú Yên, thành Tà Cơn hiện còn xếp bằng đá cao ngất bên thượng
nguồn sông Côn ở
Vĩnh Thạnh phải chăng là chế tác đá của người Sa Huỳnh để lại? Nằm giữa vùng
phân bố chủ yếu của văn hoá Sa
Huỳnh, nhiều di chỉ văn hoá Sa Huỳnh ven sông, ven đầm ở Bình Định - Phú Yên
cho thấy người Sa Huỳnh vừa giỏi nghề nông, nghề thủ công,
vừa giỏi nghề sông nước. Trong giao lưu văn hoá Sa Huỳnh với văn hoá Đông Sơn, trống đồng Đông Sơn đã
theo đường sông lên miền núi phía tây Bình Định - Phú Yên. Mây năm gần đây bảo
tàng Bình Định đã phát hiện ra nhiều trống
đồng ở thượng nguồn các dòng sông.
Tới thời Champa với kiến trúc điêu khắc
tuyệt mỹ, nhiều thành cổ, tháp cổ rêu phong còn đứng trầm mặc ven bờ sông Côn,
sông Ba mang theo biết bao huyền thoại, truyền thuyết về thời vàng son của người
Chăm, về kỹ thuật đóng thuyền và nghề sông nước, về những trận thủy chiến thư hùng thuở
trước.
Người
Việt di cư vào Bình Định - Phú Yên chủ yếu bằng đường thuỷ. Họ dong thuyền tới
các cửa biển rồi theo sông lan tỏa
sâu vào đất liền và lên tận miền núi. Tới địa bàn mới, tiếp biến văn hoá Chăm,
một nền văn hoá Việt mang sắc thái mới hình thành. Văn hoá sông nước của người
Việt ở Bình Định và Phú Yên về cơ bản là tương đồng.
Trước hết là tiếng nói, cả hai vùng đều
dùng chung một số
từ địa phương trong nghề sông nước như: nẫu, bậu, tui, qua, dã, xiết, trủ, ngao,
chồ, xúc, sáo đời, sáo đất, nghề nò, nghề đón, nghề chà, v.v.
Cách ăn mặc phải thích hợp với nghề sông nước
theo cách nói phóng đại trong ca dao ở cả hai vùng:
Quê
tôi chín áo một quần
Chân
phèn dầu rửa mười lần chưa trơn.
Cảnh làm ăn của gia đình ngư dân trên đầm
Thị Nại cũng như trên đầm Cù Mông tất bật quanh năm:
Cha chài, mẹ lưới, con
câu
Chàng rể xúc tép, con
dâu đi mò.
Thế mà vẫn:
Quanh năm ăn những ốc
sò
Cũng hoàn rách rưới chẳng
no ấm gì.
Ngày xưa, hằng năm vào dịp đầu xuân, cả
hai vùng bắc và nam đèo Cù Mông đều tổ chức lễ hội cầu ngư (tế thần cá voi) tiếp
biến văn hoá Chăm, hội lễ Chùa Bà (tế Thiên Hậu Thánh Mẫu) tiếp biến văn hóa Hoa và các tế lễ truyền
thống của người Việt như tế
cô hồn sông nước với chén nước sông linh thiêng, tế Hà Bá ở các bến sông để cầu
mong tai qua nạn khỏi, được mùa tôm cá. Cả
hai cùng đều có các hình thức dân ca trong hội lễ như: hát bả trạo, hô bài
chòi, vè các lái, vè con cá, vè con lươn, hò khoan, hò chèo thuyền, hò vãi
chài, hò kéo lưới, v.v.
Riêng truyện dân gian, cả hai vùng đều
có các típ truyện: Khổng Lồ, Chằn Tinh, Thần Rít, Hà Bá, Ngư Nữ, hòn Vọng Phu,
Cao Biền hoá phép, v.v.
Còn ca dao thì có chung rất nhiều mô
típ: chiều chiều, ngồi buồn, ra đi, anh đi, em về, ai lên, ngó qua, nghèo như
anh, nghèo như em, thuyền về, cầm chài, v.v. cùng đùng thủ pháp liệt kê để kể
tên các nghề sông nước,
các loại cá, tôm, cua, các vung, các dòng sông, các bến đò, v.v. Có khá nhiều
câu ca dao Bình Định và Phú Yên cùng chung cấu trúc ngôn ngữ chỉ thay đổi tên
người tên đất mà thôi. Thậm chí. có câu còn giống nhau hoàn toàn:
Chiều chiều ông Lữ đi
câu
Cá ăn mất nhợ, vễnh râu
mà ngồi.
Các mô típ “Ông Đô”, “Ông Đội”, “Ông Lũ” có tên mà không xác định
đều được sử dụng trong ca dao hai vùng với ý nghĩa trào phúng.
Từ những tương đồng văn hoá nêu trên cho
thấy lằn ranh Cù Mông chỉ phân chia về địa lý, mà không ngăn cách giao hòa văn hoá giữa hai vùng, nên có thể
nói văn hoá sông nước
Bình Định - Phú Yên tuy hai mà một.
3. Cùng
cội nguồn và dạng thức nhưng có biến đổi ít nhiều sắc thái
Về cơ bản, văn hoá sông nước Bình Định
- Phú Yên là giống
nhau, nhưng vì điều kiện tự nhiên xã hội của hai vùng có khác nhau, nên mỗi
vùng mang sắc thái địa phương của mình.
Sông nước mỗi vùng có vẻ đẹp
riêng.
Sông Côn còn vang vọng sóng thuyền binh
Tây Sơn và nghĩa quân cần Vương thuở trước:
Bóng
nghĩa kỳ chờn vờn mặt sóng
Trống
binh nhung đồng vọng lưng mây.
Thì sông Bàn Thạch lại
in bóng Thạch Bi Sơn hùng vĩ:
Sông
Bàn Thạch quanh co uốn khúc
Núi
Đá Bia cao vút từng mây.
Đầm Thị Nại lưu bóng bao trận thuỷ chiến
oai hùng làm nổi chìm thế sự mấy triều đế vương.
Non
mây nghi ngút nơi binh dữ
Biển
sáng chưa tan bọt máu hường.
Thì đầm Ô Loan lại tĩnh lặng, cô liêu
trước thăng trầm lịch sử:
Chơ
vơ như ngọn núi sầm
Thản
nhiên như mặt nước đầm 0 Loan.
Cảnh đời đổi thay, con người cũng có khác, ở Phú Yên con trai Ngũ
Thạch chăm lo đèn sách, con gái Bàu Hương đã đẹp lại ăn nói có duyên và đa tình
nên có câu:
Trai
Ngủ Thạch
Gái
Bàu Hương.
Ở
Bình Định con trai An Thái ham võ nghệ, giỏi côn quyền, con gái Phú Phong giỏi
nghề canh cửi, ngồi dệt lụa quanh năm bên sông Côn, nước da trắng ngần nên có
câu:
Trai
An Thái
Gái
Phú Phong.
Sắc thái địa phương còn thể hiện ở sản vật sông nước từng
vùng.
Bình Định có:
Gò
Bồi nước mắm thơm ngon
Ai
đi củng nhớ
cá tôm Gò Bồi.
Phú Yên có:
Cá
ngon là cá Cù Mông
Gạo
ngon là gạo ở
đồng Phú Dương.
Các chàng trai Đập Đá, Gò Găng ở Bình Định
sành nghề làm xa quay sợi, đóng khung cửi đã gieo vào lòng cô gái làm nghề canh
cửi thượng nguồn sông Côn nỗi nhớ
mong khi chàng mang bào,
đục trở về quê:
Anh về Đập Đá,
Gò Găng
Để em kéo vải đêm trăng
một mình.
Ngược lại, có chàng trai Phú Yên ở Tuy
An lại say đắm cô gái làm nghề chài lưới tận dưới xã An Vinh, để bạn cũ ở trên
nguồn phải than trách:
Anh về làm rể dưới Đăng
Để em kéo vải đêm trăng
một mình.
Cùng mô típ: mượn ngựa Ông Đô, mượn dù
chú xã (chú lính), ngựa ô đi trước ngựa hồng theo sau để rước dâu; nhưng ca dao
Bình Định là rước
dâu lên miền ngược nên có cảnh:
Cô
về cô đứng đầu truông
Ngựa
ô đi trước ngựa hường (hồng) theo sau.
Còn ca dao Phú Yên lại rước dâu ở miền xuôi theo đường cái quan ngày xưa mới
có cảnh:
Ngựa
ô đi đến Quán Cau
Ngựa
hồng đủng đỉnh đi sau Gò Điều.
Trong ca dao của cả hai vùng, thường gặp
những bài cùng một khung câu tạo, chỉ thay đổi một ít, một vài chi tiết cho
phù hợp với
từng vùng đã tạo nên hiện tượng "đại đồng tiểu dị".
Thuở
Bình Định mới trở
thành đất Trấn Biên, ở Đa Lộc huyện Đồng Xuân, vùng thượng nguồn sông Cái (Phú
Yên) và sông Hà Thanh (Bình Định) có bà Giác người Chăm H’roi đã cùng thị tộc
tiếp xúc với ba gia đình người Việt mới vào định cư ở
Diên Trì bên bờ sông Hà Thanh. Mối quan hệ ban đầu giữa người Chăm H’roi và người
Việt được huyền thoại hóa
thành câu chuyện "Con chó tinh khôn của Bà Giác và ba miếng trầu của người
Việt" còn được lưu truyền trong đồng bào Chăm H'roi ở Vân Canh đã mở đầu
quan hệ ngược xuôi mới.
Ai lên nhắn với nẫu nguồn
Măng le gửi xuống, cá
chuồn gửi lên.
Câu ca trở thành quen thuộc với người thượng nguồn
và hạ bạn ở cả hai vùng từ đó.
*
*
*
Cái "đại đồng" trong văn hoá - văn hóa sông nước
Bình Định và Phú Yên đã làm cho hai vùng là một, cái "tiểu dị" lại làm cho mỗi vùng có
sắc thái địa phương của mình.
Trước ngày vào kinh lý Phú Yên, Phù
nghĩa hầu Lương Văn
Chánh vốn là tri huyện Tuy Viễn,
Bình Định. Chắc hẳn khi ông đưa người vào khai phá ba vùng Bà Đài, Bà Diễn, Bà
Nông ở
Phú Yên đã có nhiều người
Tuy Viễn
vào theo. Mối quan hệ văn hoá
- văn hoá sông nước
giữa người Bình Định và Phú Yên
gắn bó từ đây. Cho nên câu hát mở đầu "Anh về Bình Định chi lâu" mới
được lặp đi lặp lại trong ca dao dân ca Phú Yên nhiều đến thế. Ông Nguyễn Đình
Tư đã dẫn nhiều câu hát mở đầu này trong hai trang đầu cuốn Non nước Phú Yên
cũng cốt để nhấn mạnh mối tình gắn bó giữa những người sinh sống bên này -
bên kia đèo Cù Mông:
Anh
về Bình Định chi lâu ?
Để
em kéo vải hái dâu một mình!
Nguồn: Văn hóa sông nước miền Trung, Nxb
KHXH, H.2006.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét