1. Níu giữ những kí ức văn hóa
Trong “lời thưa” ngắn ngủi mở đầu Nơi con sông Côn chảy qua, tác giả Huỳnh Kim Bửu chia sẻ: “Do thời hiện đại, đời sống văn hóa lâu đời của một vùng đất vào một thời chưa xa đang mất dần, đang dần đi vào lãng quên. Tác giả viết tập sách này nằm níu giữ lại, ghi chép lại phần nào cái nền nếp nói trên”. Đây có thể xem như tôn chỉ sáng tác luôn được đề cao, xuyên suốt trong hành trình văn chương Huỳnh Kim Bửu.
Thực tiễn sáng tác của Huỳnh Kim
Bửu thể hiện rõ điều này. Văn hóa dân gian “của một vùng đất”, cụ thể là vùng
quê An Nhơn nói riêng, Bình Định nói chung, là đối tượng trung tâm, nổi bật
trong tản văn của ông. Nhà văn tìm về với văn hóa dân gian Bình Định với niềm
say mê, yêu quý lẫn trăn trở, thúc bách và dành rất nhiều tâm huyết cho mảng đề
tài này. Bởi đó, không hề ngạc nhiên khi trong vòng hơn hai năm, ông cho xuất bản
liên tiếp 2 tác phẩm dày dặn (Nơi con
sông Côn chảy qua, Nxb Trẻ, 2009; Trong
như tiếng hạc bay qua, Nxb Hội Nhà văn, 2011) với 102 tản văn mà hầu hết
trong đó là những sáng tác đặc sắc về văn hóa dân gian Bình Định. Càng ý nghĩa
hơn khi ta biết hai tác phẩm trên được hoàn thành trong quỹ thời gian cuối cùng
của cuộc đời ông (nhà văn mất năm 2013).
Tìm về với cội nguồn văn hóa dân gian quê hương, Huỳnh Kim Bửu tìm được ở nguồn cảm hứng bất tận, kho chất liệu phong phú để viết nên những tản văn sống động, đầy ắp giá trị thông tin và dạt dào cảm xúc về văn hóa dân gian. Lớn lên, được nuôi dưỡng trong cái nôi văn hóa Bình Định, đi qua những biến động của thời cuộc, chứng kiến những đổi thay của đời sống văn hóa quê hương, Huỳnh Kim Bửu có những trải nghiệm văn hóa quý giá. Đây chính là tiền đề để ông gắn bó với đề tài văn hóa dân gian Bình Định, đồng thời, ý thức rõ về việc “ghi chép lại”, “níu giữ lại” những giá trị văn hóa qua từng trang viết.
Để thực hiện tôn chỉ trên, tác giả Huỳnh Kim Bửu đã chọn thể tài tản văn. Không chỉ bởi đây là sở trường của ông (Huỳnh Kim Bửu là người viết nhiều, viết hay với thể tài này) mà quan trọng hơn, tản văn phù hợp với đề tài văn hóa, có khả năng phản ánh, truyền đạt văn hóa hiệu quả hơn so với nhiều thể tài/ loại khác. Khác với truyện ngắn, tiểu thuyết luôn coi trọng vấn đề tổ chức tự sự, thơ luôn đề cao yếu tố trữ tình, kịch xem xung đột là thuộc tính hàng đầu, tản văn có thể tự do hơn trong ghi chép, kể chuyện, thể hiện cảm xúc. Với tản văn, người viết có thể nói về nhiều thứ theo mạch cảm xúc mà hầu như không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì. Là người chuyên viết tản văn, Huỳnh Kim Bửu am hiểu về thể tài này và phát huy được những sở trường của nó trong việc tái tạo hình ảnh đời sống văn hóa dân gian Bình Định của “một thời chưa xa”. Chính sự lựa chọn đúng đắn này đã giúp ông thực hiện thành công tâm huyết của mình. Đọc tản văn Huỳnh Kim Bửu, người ta có thể cảm nhận được một diện mạo khá toàn diện của văn hóa dân gian Bình Định được thể hiện một cách sinh động, hấp dẫn qua những tản văn đầy lôi cuốn, cảm xúc. Có thể nói không quá rằng, Huỳnh Kim Bửu là nhà văn thành công nhất trong việc tái hiện diện mạo văn hóa dân gian Bình Định bằng thể tài tản văn. Đây chính là yếu tố quan trọng làm nên vị trí của ông trên văn đàn Bình Định.
2. Kho kí ức về văn hóa dân gian Bình Định
Viết về văn hóa dân gian Bình Định, Huỳnh Kim Bửu chọn góc đứng của một “chứng nhân” và góc nhìn từ hiện tại vọng về quá khứ. Ông gần như không làm công việc ghi chép, miêu tả văn hóa với tư cách là đối tượng dư luận quan tâm của một nhà báo. Ông cũng không làm công việc của nhà nghiên cứu, biên khảo khi miêu tả văn hóa như một thực thể khách quan, tách biệt. Ông viết về văn hóa bằng cảm hứng hoài niệm, bằng chính những trải nghiệm trong cuộc đời mình. Đây là yếu tố làm nên thành công cho các sáng tác cũng như định hình phong cách tản văn của ông.
Hoài niệm là cảm hứng chủ đạo trong thế giới tản văn Huỳnh Kim Bửu. Người đọc có thể nhận ra điều này ở ngay phần đầu tiên của tác phẩm: Nhan đề. Trong các nhan đề, ông thường dùng các từ/ ngữ mang hàm nghĩa chỉ quá khứ, hoài niệm như “ký ức” (Ký ức một ngôi thành cổ, Ký ức tiếng còi tàu, Ký ức phố Quy Nhơn), “kỷ niệm” (Kỷ niệm chiều), “năm xưa” (Người vẽ “bích họa” năm xưa). “quê xưa” (Thưa mẹ quê xưa, Trong các làng quê xưa), “xưa” (Những cuốn sách và nông dân xưa, Một thoáng Xuân Quơn xưa), “cũ” (Thị trấn trên đất kinh cũ, Thương về làng cũ, Hình bóng cũ), “nhớ” (Ngồi buồn nhớ những rạ rơm, Thương nhớ chợ quê, Nhớ giếng)… Đi vào tác phẩm, ta cũng thường xuyên bắt gặp những từ/ ngữ tương tự: “hồi xưa”, “thời xưa”, “hồi chín năm kháng chiến” (Chùa làng); “trong ký ức tuổi thơ tôi”, “hồi ấy” (Ký ức một ngôi thành cổ); “ở nông thôn xưa”, “của người xưa”, “của người thợ xưa” (Ở nhà mái lá); “ở các vùng quê Bình Định hồi xưa”, “hồi cách đây mấy chục năm về trước”, “ở vùng quê tôi ngày xưa” (Tản mạn tranh tết); “xã Đập Đá xưa”, “thuở còn bé”, “nhớ một thời”, “An Nhơn xưa”, “thuở nào” (Thị trấn trên đất kinh cũ); “Quy Nhơn ngày xưa”, “tôi còn nhớ”, “đường phố Quy Nhơn xưa”, “những dấu xưa tích cũ”, “ngày xưa” (Ký ức phố Quy Nhơn)’ “có một thời”, “những năm khan hiếm gạo”, “tương truyền” (“Bánh tránh bẻ giòn giòn”)… Rõ ràng, cảm hứng hoài niệm bao trùm thế giới tản văn Huỳnh Kim Bửu. Những từ/ ngữ như trên xuất hiện thường xuyên trong các tác phẩm là một dụng ý nghệ thuật của nhà văn. Đó là những tín hiệu mang chức năng dự báo, mở ra những không gian hoài niệm, đưa người đọc cùng trở về với quá khứ, gợi về những cung bậc cảm xúc nhớ thương.
Từ góc nhìn hoài niệm của một chứng nhân, tản văn Huỳnh Kim Bửu có thể tái hiện một cách sinh động, tương đối chân thực, đầy đủ về văn hóa dân gian Bình Định. Những thông tin, sự kiện văn hóa trong tác phẩm đều là những trải nghiệm trực tiếp trong hành trình cuộc đời của tác giả. Ông xưng “tôi” để đảm bảo tính xác tín và kể tường tận về những câu chuyện văn hóa mà mình từng chứng kiến, trải nghiệm. Thậm chí, ở nhiều đoạn, nhà văn bước ra khỏi dòng tâm tưởng để viết về các đối tượng văn hóa một cách tỉ mỉ, chính xác, nghiêm túc như một nhà biên khảo lịch sử, một nhà nghiên cứu văn hóa (như trong các tản văn Ở nhà mái lá, Phú Đa quê chàng, Nỗi niềm với nhà chữ Đinh, Ký ức phố Quy Nhơn, Thị trấn trên đất kinh cũ, Một thoáng Xuân Quơn xưa). Với tâm thế đó, diện mạo văn hóa trong tản văn Huỳnh Kim Bửu không chỉ hiện lên một cách chân thực, đáng tin cậy mà đầy ắp giá trị tư liệu, ngồn ngộn thông tin. Ở nhiều tản văn, người đọc có cảm giác Huỳnh Kim Bửu hơi ôm đồm, tham chuyện; nhiều đoạn khá nặng về miêu tả mà thiếu đi cảm xúc. Thật ra, cảm xúc trong trang viết của ông nhiều khi lặn vào những dòng ghi chép, mô tả, trần thuật. Đó là một thứ cảm xúc giấu mình. Nó xuất phát từ thái độ nghiêm túc, cẩn trọng trong miêu tả, tái hiện đời sống văn hóa trong quá khứ; đồng thời là sự thúc bách từ ý thức ghi chép, níu giữ như ông thổ lộ ở đầu tác phẩm Nơi con sông Côn chảy qua và hết lòng với nó trong suốt hành trình văn chương của mình. Đây là điều đáng quý, đáng trân trọng nhất của tản văn Huỳnh Kim Bửu.
Đọc Huỳnh Kim Bửu, người đọc không khó để nhận ra văn hóa dân gian Bình Định của một thời chưa xa là đề tài trung tâm, nơi quy tụ các tổ chức nghệ thuật và những cung bậc cảm xúc. Có thể xem tản văn của ông như một bảo tàng bằng ngôn từ, một kho kí ức sống động về văn hóa dân gian Bình Định. Ở đó, không gian văn hóa được tái hiện một cách sinh động từ diện đến điểm, cả trên bề mặt lẫn chiều sâu mà điểm nhấn là những nét đẹp, nét tiêu biểu trong phong tục tập quán, lễ hội, văn nghệ dân gian, nghệ thuật kiến trúc, truyền thống ẩm thực, làng nghề, văn hóa chợ, nếp sống nếp nghĩ… của người Bình Định.
Trong cảm hứng hoài niệm của tác giả, nhiều phong tục, lễ hội, đặc biệt là ngày Tết cổ truyền của người Bình Định xưa được tái hiện, phục dựng một cách cụ thể, chân thực. Rủ nhau đi hội đổ Giàn, Tháng giêng một sân ngò cúc, Tản mạn tranh Tết, Tết quê nhà, còn nhớ hay đã quên?, Tặng quà Tết… là những tản văn tiêu biểu. Ở đó, bằng nỗi nhớ niềm thương, tác giả đã kể chi tiết, hấp dẫn về nhiều phong tục độc đáo của người Bình Định trước đây mà nay đã đi vào quá vãng. Chẳng hạn, ở Tản mạn tranh Tết, ông cho biết người xứ Nẫu trước đây có tục chơi tranh ngày Tết và say mê với thú chơi tao nhã này: “Ở các vùng quê Bình Định hồi xưa, tranh Tết dân gian được bày bán ở các cửa hiệu buôn nơi các phố huyện và ở các chợ quê từ đầu tháng Chạp âm lịch”. Hoặc như với Rủ nhau đi hội đổ Giàn, ta được biết ở Bình Định trước đây nhiều nơi tổ chức lễ hội chùa Bà: “Lễ hội chùa Bà - An Thái không khác lễ hội chùa Bà nhiều nơi trong tỉnh Bình Định, như các lễ hội chùa Bà thôn Liêm Lợi (xã Nhơn Phong - An Nhơn), chùa Bà đường Bạch Đằng (Phường Trần Hưng Đạo - TP. Quy Nhơn). Trong không gian hoài niệm của tản văn Huỳnh Kim Bửu, lễ hội của các làng thường chiếm vị trí tâm điểm, bởi nó từng giữ vai trò trung tâm trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Bình Định trước đây: “Đình làng có “Xuân kỳ Thu tế”, miếu xóm có lễ “Thanh minh trong tiết tháng ba”, chùa Thiên An có lễ Vu Lan rằm tháng Bảy. […] Chưa tới ngày lễ hội, người ta đã náo nức trông cho tới ngày. Tới ngày lễ hội diễn ra, người trong làng hớn hở đi xem, người các làng khác cũng đổ về. Người ta dự cúng tế, ăn uống theo tập tục “một miếng thịt làng bằng một sàng xó bếp”, tham gia các trò chơi, các cuộc tranh tài “đô vật, kéo co, đánh đu…), được gặp gỡ, giao duyên, mời trầu… Người làng tôi còn đi dự các lễ hội ở nơi khác, như lễ hội Đổ giàn ở An Thái, lễ hội chùa Linh Phong - núi Bà, lễ hội chùa Bà - Cảnh Hàng, lễ hội chùa Kén (thờ vị Tổ nghề dệt) ở Phương Danh, lễ cúng Tổ nghề đúc đồng ở đình Bằng Châu… Và lễ hội Chiến thắng Đống Đa ở Tây Sơn, lễ hội lớn nhất trong năm” (Thương về làng cũ).
Gắn với các lễ hội là sinh hoạt văn nghệ dân gian. Bình Định là miền đất phát triển của nhiều loại hình văn nghệ dân gian đặc sắc, trong đó tuồng, hát bội, bài chòi là những đỉnh cao. Trong tản văn Huỳnh Kim Bửu, đời sống văn nghệ dân gian Bình Định một thời là những điểm nhấn để lại nhiều ấn tượng khó quên, những hoài niệm đầy tiếc nhớ: “Người làng thích xem tuồng, hô bài chòi, hát dân ca… Trong dịp Xuân kỳ Thu tế ở đình làng, thế nào cũng tổ chức hát bội. […] Tôi thường đi theo người lớn đến những buổi hò hát: Hò giã gạo, cấy lúa đêm trăng, hò kéo gỗ trên sông…” (Thương về làng cũ). Nhà văn có riêng một tản văn về hát bội với nhan đề ‘Tuồng Bình Định, rạp Phú Phong. Ở tản văn này, ông phục dựng gần như đầy đủ, trọn vẹn diện mạo của hát bội Bình Định với ngồn ngộn thông tin đan lẫn nhiều cung bậc cảm xúc: “Quê tôi “mạnh” về khán giả hát bội (vì hát bội vẫn được coi là món ăn tinh thần của mọi người, từ già trẻ gái trai), đồng thời cũng “mạnh” về đào kép, không hề ít những đào kép hát hay có tiếng. Thiết nghĩ, không có khán giả biết thưởng thức thì không có nghệ sĩ hát hay và chịu khó trau đồi tài nghệ”.
Huỳnh Kim Bửu sinh ra và lớn lên, gắn bó với An Nhơn, nơi đặt kinh đô của nước Chiêm Thành xưa và sau này là của vương triều Nguyễn Nhạc. Đây được xem là đất trăm nghề với những làng nghề nổi tiếng của Bình Định. Yêu quý, tự hào về quê hương, ông có nhiều tản văn về An Nhơn, nơi như ông nói, “một mảnh đất nhỏ mà trầm tích văn hóa không nhỏ”. Tiêu biểu là các bài Thị trấn trên đất kinh cũ, Chợ rượu - chợ phù hoa, Phú Đa quê chàng, Nơi con sông Côn chảy qua, Đường làng tôi, Ký ức một ngôi thành cổ, Quê nhà,… Ở những tản văn này, với vai trò một chứng nhân, ông thường kể tường tận về các làng nghề từng một thời phát triển rực rỡ của quê hương: “Người ta bảo, An Nhơn là đất của trăm nghề mà Đập Đá là trung tâm mạnh nhất. […] Nghề rèn ở Nam Tân, nghề bún tươi - Ngãi Chánh (Nhơn Hậu), nghề nón trắng - Gò Găng (Nhơn Thành), khảm xà cừ - Cẩm Tiên (Nhơn Hưng), rượu Bàu Đá (Nhơn Lộc), nhang thơm (Nhơn Thành)…” (Thị trấn trên đất kinh cũ). Xã hội ngày một đổi thay, phát triển, nhiều làng nghề dần mai một, mất đi. Nhà văn nhớ thương, tiếc nuối về những làng nghề truyền thống từng là niềm tự hào của quê mình. Đó là lí do mà Huỳnh Kim Bửu hay viết về các làng nghề một cách tỉ mỉ, chi tiết, đôi khi lặp lại trong các tản văn: “Thuận Thái có chợ Rượu, cho nên chuyên nghề bịt trống, nấu rượu bán, bán buôn nông thổ sản ở chợ; Thanh Liêm làm rèn, chống đò, chuyên chở trên sông Đập Đá, lập gánh hát; Háo Đức cẩn xà cừ, thợ mộc, thợ mái, làm tam ngũ (đồ thờ), pháo bông; Trung Định hàng xáo, bánh tráng, đánh tranh, bán buôn đậu đỗ, lập gánh hát; Dương Lăng đan nan tre; Tân Long, Tân Dân lập gánh hát, nấu rượu, làm chả nem, buôn bán ở chợ Phú Đa” (Quê nhà). Phải chăng, càng tiếc nhớ, càng sợ mai một, nhà văn càng cố gắng níu giữ bằng cách viết nhiều, viết kĩ, viết đầy đủ về các làng nghề. Ngày nay, phần lớn các làng nghề chỉ còn trong kí ức của lớp người lớn tuổi và gần như xa lạ với thế hệ trẻ, những trang viết đầy ắp hoài niệm và mang nhiều thông tin ấy của ông thật đáng quý biết bao.
Gắn liền với làng nghề là sản vật. Sản vật Bình Định hết sức phong phú, độc đáo, là bộ phận quan trọng cấu thành nên diện mạo văn hóa địa phương. Tản văn Huỳnh Kim Bửu thường nhắc đến các sản vật của quê nhà, trong đó phần lớn gắn với kỉ niệm tuổi thơ của tác giả. Nhà văn tự hào về người Bình Định “làm nên những món ngon nổi tiếng đâu cũng biết: cái bánh ít lá gai, nem chợ Huyện, rượu Bàu Đá, bún Song thằng…” (Thôn nữ). Ông say sưa kể về các sản vật như muốn giới thiệu cùng bè bạn bốn phương. Đây là những dòng ông viết về cốm Cát Tường: “Cốm Cát Tường (Phù Cát) đựng trong bầu nan, có đủ cốm nếp, côm ngô […]. Bầu cốm gánh đi đến đâu tỏa mùi thơm ngát đến đó” (Tháng ba nồm rộ). Còn đây là về rượu An Nhơn: “Rượu gạo Tân Dân ngon có tiếng như rượu Bàu Đá ở miền Tây, còn rượu cơm nếp Phú Đa thì được người khắp trong vùng An Nhơn ưa chuộng” (Phú Đa quê chàng). Ông còn có những tản văn viết riêng về một đặc sản như nón Gò Găng (“Qua cầu ngả nón trông cầu”), bánh tráng An Nhơn (“Bánh tráng bẻ giòn giòn”), võng Tam Quan (Nằm võng thì phải đu đưa)… Ở đó, các làng nghề, sản vật quê hương được tái hiện sinh động trong một không gian hoài niệm đậm sắc màu văn hóa.
Sản vật của mỗi địa phương ở Bình Định thường gắn liền với chợ. Chợ cũng là một nét tiêu biểu trong văn hóa dân gian người xứ võ. Trong các tản văn của mình, Huỳnh Kim Bửu thường nhớ về chợ quê và viết hay về văn hóa chợ của người Bình Định. Chẳng hạn, mở đầu Chợ quê, bài viết mang dáng dấp của một biên khảo, ông nói về văn hóa đặt tên chợ của người Bình Định: “Đa số các tên chợ, lấy tên làng đặt cho luôn […]. Cũng có chợ gần chùa, sẵn đó gọi chợ Chùa; chợ gần bóng cây cổ thụ, gọi tên chợ theo tên cây (chợ Cây Cốc ở Phú Phong- Tây Sơn; chợ Bồ Đề - Tuy Phước). Có chợ Dinh (phường Nhơn Bình - Quy Nhơn) vì gần dinh quan, có chợ Huyện (Tuy Phước) vì đóng trên địa bàn huyện lỵ, có chợ Bò (An Nhơn) vì chợ bạn gia súc…”. Ở Phú Đa quê chàng, sau khi phục dựng diện mạo chợ Phú Đa sầm uất một thời, ông đi đến kết luận ngôi ngôi chợ này “có nhiều đường nét văn hóa”. Đây cũng có thể dùng để nhận định về hầu hết các chợ ở Bình Định. Chợ của người Bình Định mang nhiều giá trị văn hóa. Đọc tản văn Huỳnh Kim Bửu người ta có thể dễ dàng cảm nhận được điều này.
Có thể nói, tái hiện đời sống văn hóa bằng hoài niệm của một chứng nhân văn hóa, tản văn Huỳnh Kim là kho kí ức chân thực, phong phú, sống động về văn hóa dân gian Bình Định của thế kỉ trước. Ở đó, người đọc có thể tìm về với một thời chưa xa để trải nghiệm một cách cụ thể, sinh động về đời sống văn hóa của người Bình Định trước đây. Trong thế giới tản văn Huỳnh Kim Bửu, hoài niệm chính là chất xúc tác của cảm xúc, là phương tiện để truyền tải văn hóa, là nhịp cầu nối đôi bờ hiện tại - quá khứ đưa độc giả hôm nay (và cả mai sau) có thể dễ dàng quay ngược thời gian trở về với kí ức của một nền văn hóa dân gian giàu có, đậm đà bản sắc người Bình Định.
Từ tản văn Huỳnh Kim Bửu, ngược đọc có thể trở về với người Bình Định của một thời chưa xa để hiểu hơn về nếp sống, nếp nghĩ của họ. Huỳnh Kim Bửu không đơn thuần chỉ mô tả, ghi chép, kể lại những câu chuyện văn hóa mà quan trọng hơn, từ những câu chuyện văn hóa ấy, ông cố gắng phục dựng một cách đầy đủ, trọn vẹn chân dung tinh thần của con người xứ võ. Nỗ lực ấy thể hiện ngay ở việc hướng vào đối tượng trung tâm là con người với những gương mặt tinh thần khác nhau dù các tản văn có những đề tài riêng biệt. Chẳng hạn, từ câu chuyện về kiến trúc nhà ở, nhà văn nói đến quan niệm văn hóa của người Bình Định trong việc lựa chọn kiến trúc nhà: “Người ta tin rằng cất nhà chữ Đinh thì chủ nhà sẽ sinh nhiều con trai để nối dõi. […] Dân gian kỵ không làm nhà “chữ Khẩu” vì tin rằng khẩu là miệng mà miệng thì ăn hết của cải, khiến nhà mạt đi” (Ở nhà mái lá).
Trong kể chuyện ẩm thực cũng vậy. Không chỉ mô tả chuyện chế biến, thưởng thức món ăn, tản văn Huỳnh Kim Bửu thường hướng về những ứng xử văn hóa. Ở “Bánh tráng bẻ giòn giòn”, tác giả đã nói rất hay về cách ứng xử với bánh tráng của người Bình Định: “Đi ăn giỗ, các bà, các thím vẫn mang theo vài ràng bánh tráng, cột chữ thập trong khăn xéo, làm phẩm vật dâng cúng. Ngồi trong cỗ giỗ, người bẻ bánh tráng chia phần phải đứng lên, đặt cái bánh tráng ngay ngắn trên đầu, rồi dùng hai tay bẻ một cách cung kính”. Đây là một thứ “văn hóa bánh tráng” độc đáo của riêng người Bình Định.
Một phương diện không thể bỏ qua trong chân dung tinh thần của người Bình Định là đời sống tín ngưỡng, tôn giáo. Trong nhiều tản văn, Huỳnh Kim Bửu thường kể về các kì tế tự, giỗ chạp ở xứ Nẫu. Chẳng hạn, ở Thương về làng cũ, ông miêu tả khá kĩ bàn thờ của người Bình Định và xem đây là một “không gian văn hóa” trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên: “Trong các gia đình, dù nhà nhỏ hay nhà to, cũng có một không gian thờ phượng, không gian văn hóa, thường bố trí ở nhà trên. Nơi đó, bài trí bàn thờ gia tiên với những đồ chân đèn, bát nhang, treo hoành phi, liễn đối, tranh tứ bình”.
Đặc biệt, không chỉ phục dựng bức tranh đời sống văn hóa như một chỉnh thể khép kín, tác giả Huỳnh Kim Bửu còn chú ý đến vấn đề giao lưu văn hóa. Bên cạnh những dấu ấn sâu đậm trong giao thoa văn hóa Chăm - Việt, tản văn Huỳnh Kim Bửu còn cho ta thấy những ảnh hưởng nhất định của văn hóa Pháp, Mỹ, Ấn, nhất là của người Hoa đối với người Bình Định trong các thời kì lịch sử. Ví như, ở Ký ức phố Quy Nhơn, giao lưu văn hóa Việt - Hoa - Ấn qua hoạt động giao thương tại Quy Nhơn những năm giữa thế kỉ trước được kể lại khá đầy đủ: “Cửa hàng với hiệu người Việt, người Hoa, người Ấn nối tiếp nhau […]. Các tiệm người Việt buôn bán tạp hóa, máy móc; người Ấn chuyên buôn bán vải (thường treo bảng đại hạ giá); người Hoa chế biến thực phẩm, mở quán ăn (cơm Dương Châu, mì hoành thánh), tiệm trà, tiệm thuốc bắc”.
Ngoài ra, tản văn Huỳnh Kim Bửu còn đề cập đến nhiều phương diện khác trong đời sống văn hóa của người Bình Định như kiến trúc (tháp, thành, đình, chùa, nhà ở, cổng ngõ), giao thông (văn hóa xe ngựa, ghe thuyền), giáo dục (truyền thống khoa bảng, tinh thần hiếu học), truyền thống võ thuật, thú chơi (chơi tranh, chơi chữ), thú đọc, thú ăn… Ở đó, mỗi đề tài đều gắn với những câu chuyện văn hóa thú vị được thể hiện bằng một lối văn đỉnh đạc, chỉn chu nhưng cũng không kém phần lôi cuốn, hấp dẫn.
Có thể nói, với 102 bài viết dày dặn, đề cập đến hầu hết các vấn đề văn hóa, tản văn Huỳnh Kim Bửu đã thành công trong việc phục dựng một cách tương đối trọn vẹn, sinh động bức tranh văn hóa Bình Định của một thời chưa xa. Với những trang viết sống động, đầy ắp thông tin, có thể xem tản văn Huỳnh Kim Bửu là một kho kí ức về văn hóa dân gian của quê hương xứ võ. Với điều này, tản văn Huỳnh Kim Bửu đã hoàn thành tôn chỉ “ghi chép, níu giữ” vốn quý của cha ông như ông luôn tâm huyết theo đuổi. Nhưng đó chưa phải tất cả. Đọc Huỳnh Kim Bửu, không chỉ được thỏa mãn với việc tìm về với văn hóa dân gian, người ta sẽ còn phải suy nghĩ, băn khoăn. Ở tản văn của ông, vẫn còn đó bao trăn trở về văn hóa.
3. Những trăn trở về văn hóa quê hương
Thông thường, càng trân quý các giá trị văn hóa bao nhiêu người ta càng lo lắng trước sự mai một, trăn trở cho tương lai của những vốn quý ấy bấy nhiêu. Tâm thế tản văn Huỳnh Kim Bửu không nằm ngoài quy luật tâm lí chung này.
Đọc tản văn Huỳnh Kim Bửu, dễ dàng nhận ra ở ở những suy tư, trăn trở của một người viết có trách nhiệm trước sự mai một của nhiều giá trị văn hóa trong đời sống hiện đại. Ngay từ nhan đề (Nỗi niềm với nhà chữ Đinh, Tết quê nhà, còn nhớ hay đã quên?, Nổi trôi đồ cẩn xà cừ), người đọc có thể cảm nhận được điều này.
Đi vào kết cấu tác phẩm, có thể thấy, hầu hết các tản văn của Huỳnh Kim Bửu đều được tổ chức theo kết cấu sóng đôi quá khứ - hiện tại. Các cặp từ “ngày xưa” - “ngày nay”, “hồi ấy” - “bây giờ” đi đôi với nhau, xuất hiện thường xuyên trong các tản văn là một tín hiệu nhận diện điều này. Người viết luôn đứng ở vị trí từ hiện tại hoài niệm về quá khứ, rồi từ quá khứ nhìn về hiện tại, đôi lúc vọng đến tương lai. Ở chiều quá khứ, cảm hứng chủ đạo là yêu quý, tự hào về văn hóa quê hương. Trong chiều hiện tại, cảm hứng chung là tiếc nhớ, trăn trở trước sự mất đi của nhiều giá trị văn hóa. Giữa hai chiều thời gian ấy có sự đan xem, đồng hiện, đi về, mang đến nhiều sắc thái cảm xúc khác nhau.
Là một chứng nhân văn hóa, bản thân nhà văn là người chứng kiến, trải nghiệm những đổi thay trong đời sống văn hóa của quê hương. Trong tản văn, bên cạnh đối tượng trung tâm là văn hóa của một thời quá vãng, ông còn viết về những biến đổi của đời sống văn hóa Bình Định những năm đầu thế kỉ XXI. Ở những trang viết ấy, ta có thể cảm nhận được nhiều nỗi niềm của một người có trách nhiệm với văn hóa quê hương. Chẳng hạn, ở “Qua cầu ngả nón trông cầu”, chứng kiến sự thất thế của nón lá truyền thống trước các loại mũ hiện đại, nhà văn thảng thốt: “Chao ôi! Nhìn nay tôi nhớ xưa quá, thương hoài cái ngày xưa nó đẹp như một bức tranh”. Ở Tản mạn tranh Tết, chứng kiến sự mất đi của thú chơi tranh tết của người Bình Định xưa, nhà văn cảm nhận rõ khoảng trống lớn mà tranh tết để lại: “Ở các vùng quê, cái thú chơi tranh Tết dân gian đã trở thành hoài niệm của lớp người cao tuổi. Có những nhà làm lịch ngày nay vớt vát bằng cách in tranh Tết trên những tờ lịch treo tường, thay cho tranh Tết truyền thống. Nhưng hình như cái khoảng trống “văn hóa tranh Tết dân gian” vẫn còn đó”. Ở Bà Bếp Nầy đọc sách, nhà văn xót xa trước sự sa sút của văn hóa đọc bởi sự lên ngôi của lối sống thực dụng tại quê mình: “Ấy vậy mà trong cả làng không có một tủ sách gia đình. […] Và nếu có tiếng đọc sách của trẻ con thì thường cũng bị tiếng ồn va chạm ly cốc, tiếng chửi thề, tiếng hát karaoke của những cuộc nhậu tràn lan át mất. […] Thế chẳng biết vong linh bà Tám Nầy đang viễn du nơi nào, có buồn lắm cho cái văn hóa đọc của làng An Định ngày nay nó giảm sút đến thế hay không?”.
Tuy nhiên, tản văn Huỳnh Kim Bửu hoàn toàn không phải là tiếng nói bảo thủ, khư khư níu giữ cái không còn, chán chường bởi cái “một đi không trở lại”. Cái nhìn của ông luôn tỉnh táo, biện chứng khi nhìn thấy được quy luật vận động phát triển của đời sống văn hóa. Với những vốn quý của dân gian đang dần mai một, nhà văn tỏ ra lo lắng, trăn trở. Với những đổi thay làm giàu đẹp quê hương, ông phấn khởi, hân hoan. Những trăn trở của ông, vì thế, không hề bi quan mà tràn đầy tin tưởng. Đây cũng là một nét đáng ghi nhận của tản văn Huỳnh Kim Bửu.
LÊ NHẬT KÝ - PHẠM TUẤN VŨ
Bài in trong sách Văn hóa dân gian Bình Định, 2011 - 2020.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét