Với hầu hết những người yêu thơ, Tam Giang là một cây bút hoàn toàn mới lạ. Trước khi tập thơ Viết cho con được xuất bản, tác giả này chỉ mới có thơ đăng báo Nhi đồng. Anh chủ yếu đăng tải trên trang Facebook cá nhân, giới hạn tương tác trong phạm vi người thân và bạn bè.
Tác giả Tam Giang tên
thật là Cái Quang Bình, quê quán tại Thừa Thiên – Huế, hiện đang lập nghiệp tại
Hà Nội. Anh yêu thích thơ ca, sáng tác đều đặn mỗi ngày, song tuyệt đối không
kiếm tìm danh lợi từ thơ ca. Với anh, thơ ca là một kênh giao tiếp thú vị, có
thể truyền đạt được một số vấn đề về giáo dục gia đình, kết nối tình cha con
thêm phần sâu đậm. Trên quan điểm như vậy, anh đã viết cho các con từ hết bài
này đến bài khác, đủ số lượng để lập thành một tập thơ đầy đặn, quy mô.
Ở Việt Nam, thơ viết
cho con hình thành từ rất sớm và được duy trì, phát triển liên tục qua các thời
kì lịch sử khác nhau. Với số lượng phong phú, thơ viết cho con tự mình thành một
dòng riêng, thành tựu gắn liền với nhiều tên tuổi lớn. Trong thơ ca hiện đại, những
bài thơ như Tiếng ru (Tố Hữu), Viết cho con mùa xuân thứ nhất (Bằng Việt),
Tôi ru con gái tôi (Đỗ Trung Lai), Nói với con (Y Phương)… luôn là niềm yêu
thích đối với nhiều thế hệ bạn đọc khác nhau. Thơ viết cho con, ngoài giá trị dưỡng
chất tinh thần nuôi lớn tâm hồn con trẻ còn là ngọc lấp lánh vẻ đẹp “phụ tử
tình thâm”. Bởi vậy, dòng thơ ca này lúc nào cũng thích hợp đối với cả người
thưởng thức lẫn sáng tác.
Sự tập trung vào một chủ
đề là đặc điểm nổi bật của thơ Tam Giang.
Theo đó, nội dung thơ Viết cho con được
triển khai theo mạch cảm hứng viết về con và viết cho con. Ở khía cạnh viết về
con, cảm hứng thơ Tam Giang nảy sinh từ việc quan sát, ghi nhận một số biểu hiện
cụ thể trong đời sống sinh hoạt, học tập hàng ngày của các con. Trong trường hợp
này, anh hay viết về các trải nghiệm cùng con cái, như: Đọc tích xưa cho con gái nghe, Đón
con tan trường ban trưa, Cùng con đi
sắm đồng hồ, Cùng con gái đi chơi
công viên… Ở khía cạnh viết cho con, số lượng thơ phong phú hơn, thể hiện
rõ nhất ở nhóm bài có nhan đề “Nói với…”, như đã dẫn ở trên: Nói với con về cỏ, Nói với con về thời gian, Nói
với con những điều không cũ… Ngay với những bài có đề tài xa như Lớp học ở Trường Sa, Những đứa trẻ trên đỉnh Mã Pí Lèng tôi gặp…
thì cái tinh thần “viết cho con” vẫn hiển hiện trên từng câu chữ của tác phẩm. Việc
tập trung vào một chủ đề như vậy là hiếm thấy trong hoạt động sáng tác của các
nhà thơ Việt Nam. Như vậy, ở vị trí nối tiếp, đóng góp của tác giả Tam Giang
chính là đã đem tới cho bạn đọc một tập thơ quy mô, đúng nghĩa là thơ Viết cho con.
Kinh nghiệm xưa nay cho
thấy, làm thơ cho con là một công việc sáng tạo đầy khó khăn. Bởi vì, người viết
là một nghệ sĩ, đồng thời còn là một người cha có bổn phận dạy con nên người. Nếu
thiếu hài hòa, bài thơ sẽ chỉ là một tổ hợp vần vè truyền đạt những nội dung
giáo dục khô khan, nặng nề. Tôi nghĩ, tác giả Tam Giang hiểu rõ thử thách này,
đã rất nỗ lực trong việc tìm kiếm các hình
thức nghệ thuật nhằm biểu đạt một cách thuyết phục nhất tư tưởng, tình cảm
của mình dành cho con cái. Trước hết, anh chọn “lời yêu thương ngọt ngào”(Ngày của cha, viết cho con gái) làm ngôn
ngữ, giọng điệu để trò chuyện với các con. Điều này không chỉ phù hợp với nhu cầu
giao tiếp của con trẻ mà còn tạo nên sự âm vang của cảm xúc. Đọc Tam Giang, tôi
cảm nhận rõ rệt rằng anh đã mang vào thơ cách nói, cách giao tiếp đậm đà bản sắc
văn hóa Huế. Nó nhẹ nhàng, trầm ấm, chứa đựng biết bao tình cảm yêu thương và sự
nghiêm khắc của người cha khi truyền dạy cho con những điều hay, lẽ phải trong
đạo lí làm người. Để bài học đến với con một cách tự nhiên, tác giả Viết cho con thường hay tựa vào các tình
huống đời sống cụ thể để dẫn dắt vấn đề. Chẳng hạn, khi cùng con học môn Sinh vật,
anh đã giúp con liên tưởng đến một số vấn đề nhân sinh từ chính những tri thức
khoa học mà sách vở cung cấp: “Khi con đau khổ/Hãy nghĩ về cánh én mùa Xuân”,
“Khi con ham chơi/Hãy nghĩ về con lạc đà băng qua sa mạc”… (Cùng con học môn Sinh vật). Hay như khi cùng
con đi mua sắm đồng hồ, anh khơi gợi tình huống để giúp con đạt tới một nhận thức
cần thiết về thời gian: “Con chọn chiếc vỏ làm bằng thiếc/Máy lên dây/Bố hỏi,
sao con lại chọn chiếc này?/Thưa ba, bởi thời gian như là cỗ máy/Bền bỉ và kiên
trì/ Nhẫn nại và khắc nghiêm/Thời gian là của riêng/Ai cũng có thời gian của
riêng mình, không ai nhận thay được” (Cùng
con đi sắm đồng hồ)… Hệ thống bài học trong thơ Tam Giang rất đa dạng, được
diễn đạt dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, có một số bài được viết theo
hình thức ngụ ngôn với sự tham gia của các nhân vật như Bút Chì, Bút Bi, Tẩy,
Viên Sỏi, Lật Đật, Mặt Trăng, Mặt Trời… Với những nhân vật quen thuộc này, anh
vẫn đạt được một số phát hiện thú vị về chân lí đời sống. Các bài Mặt Trăng và Mặt Trời, Hai số phận sỏi đá, Lật Đật là những ngụ ngôn thành công của anh.
Một đặc điểm khác của
thơ Tam Giang là dồi dào tính đối thoại. Biểu hiện của đặc điểm này là cấu trúc
hỏi – đáp vốn rất phổ biến trong thơ thiếu nhi. Trong Viết cho con, những bài thơ có cấu trúc hỏi – đáp chiếm tỉ lệ cao,
tiêu biểu có các bài sau: Bút Chì và Bút
Bi, Lời hoa lá, Cây lúa và cỏ dại, Cùng con lên chùa ngày Phật đản, Ông đi đâu hả bố?... Trong những bài như thế, câu hỏi có tác dụng
khơi gợi cảm xúc, cho phép triển khai các lớp nội dung một cách tự nhiên, mạch
lạc. Kết cấu hỏi – đáp còn có tác dụng làm cho “lời yêu thương ngọt ngào” được
biểu lộ thêm rõ nét qua cách xưng hô, diễn giải… Sâu xa hơn, đó là tấm tình, là
tâm thế ứng xử của người cha đối với các con trong mục đích gieo cấy niềm tin
yêu đối với cuộc đời, đối với con người và quê hương, Tổ Quốc.
Thơ Tam Giang không có
những bài toàn bích, nhưng hầu như tác phẩm nào cũng có câu hay, đoạn hay. Theo
tôi, đây là những câu thơ hay, không hiếm trong thi tập Viết cho con: “Lẫn trong lúa xanh những cây cỏ dại/Lẫn trong cỏ dại
những bông hoa” (Cây lúa và cỏ dại),
“Những đụn rác khô vật vờ lỗ chỗ/Con thuyền úp mặt nhớ những chuyến khơi xa” (Chủ nhật), “Lời ru thắm đượm quê hương/Nắng
vàng hạ trắng tình thương sinh thành” (Cho
phương xa)… Thơ Tam Giang mạnh về cảm xúc, hình và ý hài hòa, rồi đây sẽ nhận
được nhiều đồng cảm của bạn đọc gần xa.
Thơ Tam Giang ít có bài
ngắn. Anh thường viết dài – một phần, do nội dung cảm hứng quy định; phần nữa,
do tác giả chưa chủ động tiết chế câu chữ. Do đó, người đọc sẽ cảm thấy thơ Tam
Giang dàn trải, thiếu cô đúc vốn là một phẩm chất cơ bản của nghệ thuật thi ca.
Một số từ ngữ dùng chưa thật đắt, hoặc thiếu trau chuốt nên cũng đã ảnh hưởng
ít nhiều tới vẻ đẹp cấu trúc câu thơ, đoạn thơ…
Như đã nói ở trên, tác
giả Tam Giang là một người vì yêu thơ mà làm thơ, và mọi hứng thú sáng tác của
anh đều dồn hết vào sự trưởng thành của con cái. Thơ anh, do đó, là tấm lòng của
một người cha lúc nào cũng mong mỏi đem đến cho con “một ngày nắng mới”, “một
giấc mơ hồng”, và nhất là một “cuộc đời vời vợi tin yêu…”.
Chúc mừng anh về những
thành công rất quan trọng này!
Lê
Nhật Ký
Bài đăng trên NewZing.vn, ngày 3/2/2021.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét