Thứ Ba, 20 tháng 4, 2021

BÌNH THƠ: DUNG DĂNG DUNG DẺ

 



Bài đồng dao “Dung dăng dung dẻ” đậm chất dân gian với hình ảnh sống động cuốn hút người đọc từ câu đầu tiên cho đến khổ cuối cùng. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài đồng giao "Dung dăng dung dẻ" của Nhà thơ Bảo Ngọc qua lời bình của tác giả Nguyễn Văn Thanh.



DUNG DĂNG DUNG DẺ

 

Dung dăng dung dẻ          

Vui vẻ đi chơi                 

Đầu đội nắng trời           

Chân bơi mặt đất            

 

Gió choàng tĩnh giấc       

Đánh thức ngõ quê           

Chuồn chuồn ngủ mê      

Giật mình thấp nước       

 

Cá cờ bơi trước                

Tôm lướt theo sau           

Ai đào ao sâu                  

Cho cây mọc ngược         

 

Rặng tre vi vút

Gãy đàn trâu nghe

Chú nghé ngộ ghê

Nằm nhe răng sún

 

Vễnh tai cậu cún

Trông sân thóc đầy

Hương đồng ngủ say

Trên cành sen cạn

 

Em theo chúng bạn

Dung dằng dung dẻ

Lên tới cung trăng

Thì chơi đuổi bắt

                            Bảo Ngọc

 

LỜI BÌNH:

       Đã đọc nhiều bài đồng giao từ trước đến nay nhưng công bằng mà nói bài đồng giao “Dung dăng dung dẻ” trong tập thơ “Gõ cữa nhà trời” của nhà thơ Bảo Ngọc quê Hưng Yên hiện công tác tại báo Thiếu niên Tiền phong tôi yêu và trân quý nhất. Chỉ có những người nặng lòng với các cháu Thiếu nhi, những người yêu và nhớ thương quê hương đến da diết mới viết được những bài đồng dao hay đến vậy. Bài đồng dao “Dung dăng dung dẻ” đậm chất dân gian với hình ảnh sống động cuốn hút người đọc từ câu đầu tiên cho đến khổ cuối cùng.

       Mở đầu bài đồng dao ta như hình dung trước mặt mình những bước chạy dẻo quẹo chân nhón gót đạp nẫy cả người lên của đàn trẻ. Những bước chạy: “Đầu đội nắng trời/ Chân bơi mặt đất” mới cuốn hút người đọc làm sao. Nhà thơ Bảo Ngọc đã dùng động từ “bơi” trong khổ đồng giao đầu tiên của mình để chỉ mức độ chạy. Mặt khác hai câu đồng giao ấy đã vận dụng  thành ngữ “đầu đội trời chân đạp đất” cải biến nó để gián tiếp nói lên sự tự nhiên thoải mái của đoàn trẻ trong bước khởi đầu của trò chơi “dung dăng dung dẻ”. Và khi đoàn trẻ chơi trò chơi “dung dăng dung dẻ” đến đâu khung cảnh ồn ào náo nhiệt lai xuất hiện ở đó. Nó làm cho: “Gió” cũng “choàng tỉnh giấc/ Đánh thức ngõ quê.” Đến như con chuồn chuồn ngủ mê trên cọc rào giữa hồ nước cũng bừng tĩnh bay lên để rồi “Giật mình thấp nước” Chuồn chuồn thấp nước là một hình ảnh thường gặp mà những người thật sự yêu thiên nhiên, hiểu hết tập tính của muôn loài mới nắm bắt được hình ảnh hiếm hoi này. Với sự quan sát tinh tế, sử dụng ngôn từ hết sức chuẫn xác nhà thơ Bảo Ngọc thổi hồn vào những câu đồng giao cho nó thêm sống đông, đáng yêu hơn nhiều.  Và con chuồn chuồn thấp nước dưới ao đó lại dẫn dắt chúng ta về một miền sinh thái mới. Ở đó có “Cá cờ bơi trước/ Tôm lướt theo sau.”  

       Khi nhìn thấy bóng cây in dưới mặt hồ với tâm thế hồn nhiên của trẻ, nhà thơ trẻ của chúng ta đã vào trọn vai đưa ra nhận xét “Ai đào ao sâu/ Cho cây mọc ngược.” Chỉ chừng đó thôi cũng thể hiện rõ tài năng của nhà thơ Bảo Ngọc với những hình ảnh được cảm nhận bằng thị giác và sự liên tưởng từ những gì đã in sâu trong tâm trí của mình để viết nên những câu đồng giao cho các em thiếu nhi tài tình đến vậy. Và rồi: “Rặng tre vi vút/ Gảy đàn trâu nghe/ Chú nghé ngộ ghê/ Nằm nhe răng sún / Vễnh tai cậu cún/ Trông sân thóc đầy.”  Nghé thì răng sún. Tiếng kẽo kẹt của rặng tre luôn tựa tiếng đàn trời gẫy cho những con trâu đang nằm tránh nắng dưới gốc cây nghe. Còn chó thì dù còn rất nhỏ vẫn luôn vễnh tai lắng nghe từng tiếng động nhỏ bởi chú ta với bản năng giống loài của mình  đang được giao nhiệm vụ làm bảo vệ sân thóc.

       Ta có thể hình dung ra khi mùa vụ gặt hái đi qua nhưng vẫn còn đó những hạt thóc, những cọng rơm còn vương lại trên cây cảnh trước nhà để rồi trong một ngày vui chúng ta chợt nhận ra: “Hương đồng ngủ say/ Trên cành sen cạn.” Hai câu cực hay đầy chất trữ tình trong bài đồng giao hai mươi bốn câu đó là tài năng, là sự liên tưởng, với cảm xúc và kỹ năng thơ vượt trội nhà thơ Bảo Ngọc đã viết lên trong một phút xuất thần.

       Trong thế k 21 hiện đại đầy rẫy ti vi, láp tốp, điện thoại thông minh với những trò chơi điện tử hấp dẫn lôi cuốn gần hết bạn đọc nhỏ tuổi Nhà thơ Bảo Ngọc đã chắt lọc từ trong tiềm thức với một cảm xúc thơ căng đầy phong phú của mình đã cố gắng hết mình dâng hiến cho đời cho lớp độc giả nhỏ tuổi một “Gõ cửa nhà trời” với những chùm đồng giao ngọt ngào thấm đẫm hương vị quê hương, vần điệu vui tai và hình ảnh sinh động như “Dung dăng dung dẻ”. Sự cống hiến đó đáng trân quý biết nhường nào.

Nguyễn Văn Thanh 

Nguồn: http://vanhocnghethuathatinh.org.vn, ngày 19/4/2021.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét