Thứ Tư, 26 tháng 5, 2021

ĐỘC ĐÁO NGHỆ THUẬT BÀI CHÒI CHIẾU





Nghệ sĩ Nguyễn Kiểm: "Tôi cố gắng đi sâu vào bài chòi, đi đến tận gốc để xác định những điều nghệ nhân xưa mở lối, để rút ra cái tính chất riêng của điệu bài chòi, xem thử đâu là điệu nguyên gốc, đâu là điệu vay mượn. Trong ca kịch bài chòi thì điệu bài chòi phải làm chủ sân khấu. Nó là cốt lõi để lý giải, cắt nghĩa cho cốt truyện. Nhưng bài chòi lại có khả năng dung nạp rộng rãi, có thế độc lập bởi tiết tấu độc đáo không thể hòa tan" (Báo Bình Định).


“Bài chòi chiếu” là thuật ngữ dân gian do các Hiệu (người trao tín hiệu) bài chòi ngày xưa đặt tên. Đó là hình thức hô bài chòi trên chiếc chiếu trải lên mặt đất ở chỗ thuận tiện để phục vụ người xem nên gọi “Bài Chòi Chiếu”.

Hoàn cảnh ra đời và vốn sáng tạo nghệ thuật cơ bản

Qua nhiều năm chơi trong hội, bài chòi đã phát triển từ tên mỗi thẻ bài được kết bằng văn vần lục bát dài, ngắn tùy nội dung mỗi câu chuyện và kết thúc về tên mỗi thẻ bài cho người chơi nhận biết. Theo thời lượng hô tên con bài có thể ít hay nhiều nên bài chòi cần có nhạc đệm giữ nhịp, đưa hơi dẫn điệu tạo sự hấp dẫn. Vậy nhịp điệu bài chòi từ điểm tựa nào để sáng tạo?

Về nhịp: Trong dòng ca hát nói chung, kiểu hô bài chòi nói riêng thì nhịp được xem như trái tim nhịp đập. Các hiệu bài chòi tựa vào bài trống nhịp I của hát bội làm nền, từ đó dùng mõ, hoặc bất cứ vật cứng gì gõ lên đều 3 tiếng, lặng 1 tiếng theo kiểu nhịp 4/4 phương Tây.

Ví dụ: Trống chiến trong “nhịp I” có 2 âm 3 tiếng: Cắc krup cắc - Cắc krup cắc (Cắc: gõ vành gỗ; Krup: Dập chụm 2 đầu dùi vào giữa mặt da trống; Cắc: trở về gõ vành)

* Ký hiệu: gõ: ; Lặng: o

Trống đi đều: cắc krup cắc o cắc krup cắc o...

Mõ: cốc cốc cốc o cốc cốc cốc o...

Mặc dù trống có đệm thêm hai âm như: tùng tùng tang krup cắc, hay rắc cắc tùng krup cắc cho sôi nổi chuyện kể, nhưng vẫn trong khung nhịp 4/4 tiếp nối để “Hiệu” bài chòi đưa nội dung qua văn lục bát, len lách theo kiểu phân nhóm tiết điệu sao cho hợp ý phải tình...

* Sinh thời từ trong hội bài chòi, Hiệu trình bày bám sát hình thức kể chuyện, nên tìm cho mình một loại hình tiết tấu (nhịp) rất linh hoạt và cơ động. Nội dung nhiều kể dài, ít kể ngắn, không lệ thuộc từng bản nhạc bao nhiêu câu, bao nhiêu nhịp. Có thể ví bài chòi như người tự do lao động sáng tạo nhưng trong vòng pháp luật.

* Vậy luật của nhịp bài chòi là gì? Từ xưa các Hiệu có quy ước để người (hô) hát và người chơi nhạc, trước hết là trống thống nhất tuân thủ. Đó là: Nhịp khởi - Nhịp đi và Nhịp kết.

- Nhịp khởi có 2 cách: Trống và đàn nhị dẫn nhịp 3 phách vào trước, người hát tiếp theo sau; hoặc người hát chủ động gài nhịp trước, nhạc theo sau.

- Nhịp đi (dẫn truyện): Người chơi luôn sẵn sàng thích ứng 3 trường độ: vừa - nhanh - chậm, tùy người hát chuyển động thái theo tình huống nội dung yêu cầu.

- Nhịp kết (còn gọi nhịp dứt): có 3 cách của vế 8 cuối cùng: Lặp lại từ thứ 7 và dứt đúng nhịp của từ thứ 8; Lặp lại từ thứ 6 và dứt đúng phách cuối trong từ thứ 8; hoặc dùng từ thứ 8 lặp lại vị trí thứ 5 và kết nhịp trong từ thứ 8.

Về điệu: Có thể nói các nghệ nhân xưa đã sáng tạo một loại hình tiết tấu (nhịp) độc đáo nói trên như mảnh đất màu mỡ vô tận để gieo điệu lên đó một cách đa dạng phong phú. Người chơi nhạc lúc ấy là các anh nhạc của sân khấu hát bội được mời tới “đàn tòng” (theo) bằng cách lấy bản nhạc Xuân Nữ chuyển đảo hợp lý hóa kéo dài qua văn lục bát và tên “điệu bài chòi Xuân Nữ” ra đời, mở ra điểm sáng mĩ cảm trong tiềm thức của người nghe. Từ đó cái (cầu) tương tác cái (cung), phấn khích các Hiệu bài chòi luôn sáng tạo đáp ứng từ điệu Xuân Nữ đến hai điệu “Xàng xê lụy” và “Xàng xê dựng” lấy âm hưởng của bài Xàng xê, nhạc tế lễ cổ truyền có 2 bậc “Hò - xự” (ré mi) giọng nữ, hoặc “Xàng - Xê” (sol - la) giọng nam để phân biệt Lụy - dựng và rồi tiếp tục chịu ảnh hưởng bài Nam Xuân hát bội tạo ra điệu “bài chòi Nam Xuân” v.v… Có thể nói tiết tấu (nhịp) bài chòi như một nhà máy chế biến tinh vi, sẵn sàng tiếp thu nguyên liệu, (điệu) hát nào hay cho vào lò 3 phách nghỉ 1 thì tất là Bài chòi.

Xưa có câu “không hô nhịp ba, không ra bài chòi”. Nhạc đệm theo chiếu chòi nhất thiết phải bộ 3, đó là: “cò” (nhị), trống chiến và mõ hoặc (sanh tre). Xưa nghệ nhân nói với nhau: “Có cò không lo trật bậc”. Hay: “Cò bám riết khó biết hô (hát) chính - (phô)”.

Trống, mõ được ví như: “Bà con xa không bằng láng giềng gần”, cò (nhị) được khẳng định như người bạn đời của bài chòi.

“Lăn xăn cuốn chiếu ôm rồi

Thằng “cò” không tới đành thôi ở nhà”.

Về phục trang: Có thể đủ màu sắc nhưng nam nữ đều dùng một kiểu bà ba truyền thống và khăn quấn tóc, vắt vai thông dụng để tự chuyển đổi qua lại vai diễn thuận lợi.

Về chiếc chiếu: Cói là một loài cỏ không đẻ nhánh trồng ruộng nước, có chiều cao trung bình đến 1,50m, đây là nguyên liệu duy nhất để dệt chiếu. Chiếu thường có hai cỡ “chiếu chiếc” và “chiếu đôi”.

- Chiếu chiếc rộng khoảng 0,80m, dài khoảng 1,80m, dùng trải giường một người nằm.

- Chiếu đôi rộng khoảng 1,40m, dài như chiếu chiếc, dùng trải giường hai người nằm và nếu cần “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” 3 hoặc 4 người cũng được.

Ngoài ra, chiếu còn dùng để tiếp khách có tuổi ngồi đàm đạo, trầu cau, trà thuốc, chơi bài hoặc bày mâm cỗ... Chiếu là mặt hàng gia dụng của nghề dệt thủ công bằng khung gỗ với những người thợ nghề truyền thống.

- Về mặt mĩ thuật hội họa: chiếu thường có 2 màu xanh và đỏ. 4 góc chiếu có nhiều kiểu hoa văn gấp khúc lớn nhỏ theo đường thẳng. Giữa lòng chiếu thường đặt vòng tròn cân đối, trong hình tròn viết chữ theo kiểu “Hán tự phá thể”: Phước - Lộc - Thọ, Song Hỉ…

Như vậy bản thân chiếc chiếu đã đánh thức cái đẹp và tạo một không gian vật thể riêng biệt, gợi cho “Hiệu” bài chòi tận dụng làm một sân khấu giả định, chia biên ranh giới tương đối giữa người diễn và người xem. Giờ đây “chiếu chòi” đã vượt qua chuyên dụng gia đình, bước lên vị trí “Bà đỡ” nhằm từng bước đưa cái hay cái đẹp đến với người xem. Trên chiếu có kẻ đi người lại, kẻ sống người chết, có người trung kẻ nịnh; từ vua đến người ăn mày, địa chủ đến nông dân, người hiền, kẻ ác v.v… qua những trích đoạn truyện dân gian như: Thoại Khanh - Châu Tuấn, Lâm Sanh - Xuân Nương, Phạm Công - Cúc Hoa, Lan Châu - Lý Ân, hay truyện dân gian phong kiến đương thời: Ông Xã - Bà Đội và hình thức diễn xuất thường, một người đóng 2 - 3 vai.

Ngoài ra, trên chiếu còn thể hiện tài độc diễn theo lối kể chuyện để phổ biến cập nhật kinh nghiệm ở đời, trong đối nhân xử thế, nêu gương người tốt, việc tốt, phê phán thói hư tật xấu như: rượu chè, cờ bạc, trộm cắp, bạo lực gia đình v.v… Đặc biệt bài chòi phát huy khả năng diễn hề hài gây những trận cười pháo nổ trong người xem. Có thể nói, từ khi bài chòi vào chiếu đã chứa bao chuyện nhân cách đạo lý truyền thống, lòng thủy chung son sắc, đủ các trạng thái tâm lý buồn vui, căm giận, cả sự da diết nhớ thương, mang đi khắp đường thôn, ngõ xóm, góc chợ, bến xe, hay những ngày mùa gặt hái... đâu đâu cũng được bà con ưu ái góp tay nuôi sống chiếu chòi.

Dân gian có câu: “Bước ra lại gặp chiếu chòi,

Tiền dành đi chợ phải moi cạn rồi”

Hay: “Êm tai gửi (cắc) thưởng (xu),

Gái trai, già trẻ đều bu chiếu chòi”

Như thế vượt ra ngoài 3 ngày hội xuân, các Hiệu đã lưu diễn quanh năm kiếm sống ở Bài chòi chiếu. Có thể nói từ lúc tạm rời hội xuân, bài chòi hành nghề trên chiếu là quá trình từ “Hiệu” đến nghệ nhân sáng tạo rất phong phú, cái hay cái đẹp đã trở thành vốn quý của nghệ thuật bài chòi dân gian còn lưu truyền đến ngày nay.

 NGUYỄN KIỂM
Nguồn: Văn hóa dân gian Bình Định, 2011 - 2020, sưu tầm và nghiên cứu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét