Thứ Bảy, 5 tháng 6, 2021

VIẾT CHO THIẾU NHI - 09

 



Nhà văn VÕ QUẢNG

1. “Thiếu nhi chiếm non nửa dân số. Do đó, mọi vấn đề liên quan đến thiếu nhi đều mang tính chất đồ sộ. Thật không viễn vông, với số lượng thiếu nhi to lớn của ta, rất có thể ta xây dựng một tổ chức to bằng cả một Bộ chuyên lo các vấn đề văn hóa, văn học nghệ thuật cho thiếu nhi, trong đó văn học phải có một phần trách nhiệm to lớn. Nhà văn là kĩ sư tâm hồn. Tâm hồn là một việc ta thường ít chú ý, nhưng chính đó là nơi xuất phát mọi việc làm tốt đẹp và mọi hành động vĩ đại”.


2. “Văn học thiếu nhi có một số vấn đề khác với văn học cho người lớn, trong đó có vấn đề lứa tuổi. Tâm lí thiếu nhi khác tâm lí người lớn, trong đó có vấn đề lứa tuổi. Tâm lí thiếu nhi ở mỗi lứa tuổi cũng khác nhau. Thường lứa tuổi trên có thể hiểu được lứa tuổi dưới, nhưng lứa tuổi dưới không thể hiểu được lứa tuổi trên. Mọi sáng tác đều phải phù hợp theo từng lứa tuổi. Người viết văn phải đủ sự nhạy bén, mới có thể “phân thân”, mới có thể nhập vào đối tượng lứa tuổi, mới có thể làm cho sáng tác trở nên sinh động, chân thật đối với mỗi đối tượng”.

3. “Với các em, ngôn ngữ  cần chính xác, hình ảnh cần cụ thể, lời lẽ trong sáng, chưa quá đi sâu vào trong những ngóc ngách tâm lí mà nên thiên về hành động để tả nội tâm. Ở lứa tuổi các em, cách nhìn đang thiên về phía hiện tượng, chưa thể đi sâu vào nguyên nhân sinh ra hiện tượng đó”.

4. “Văn học thiếu nhi rất kị cái giả tạo, vì nó sẽ làm trẻ em hiểu sai bản chất sự sống”.

5. “Đọc sách không phải để tìm những chuyện lạ đọc ngốn ngấu để thỏa mãn tính tò mò. Đọc sách văn học cốt để tìm cái hay, cái đẹp trong mỗi trang sách – phải bắt gặp những tình cảm sau mỗi hình tượng. Người giáo viên dạy văn nên giới thiệu những sách tốt cho học sinh đọc, đồng thời cũng cần thảo luận về cách đọc, về nội dung cuốn sách ấy”.

(Rút từ các tiểu luận văn học của Võ Quảng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét