Chủ Nhật, 17 tháng 12, 2023

TỪ THỨC GẶP TIÊN




(LNK). Bên cạnh tập thơ Bầu trời trong quả trứng, Xuân Quỳnh còn sáng tác nhiều truyện ngắn dành cho thiếu nhi. Truyện của Xuân Quỳnh được viết theo thể văn đồng thoại, sinh hoạt và cổ tích viết lại. Truyện Từ Thức gặp tiên là một cổ tích viết lại có những sáng tạo nghệ thuật thú vị, rất đáng tham khảo để phục vụ dạy học kể chuyện sáng tạo hiện nay...

Ngày xưa, ở vùng Tống Sơn có một chàng trai trẻ tên là Từ Thức. Chàng là người văn hay chữ tốt nổi tiếng khắp vùng. Chàng giao du nhiều. Trong số bạn bè của chàng cũng lắm người tài giỏi và đầy chí khí. Sống giữa những con người cực khổ, lại phải cam chịu nhiều nỗi bất công, các chàng trai đều khát khao, sau này mình sẽ làm được điều gì có ích cho bà con xóm làng đỡ bớt phần khổ cực.

Khác hẳn các bạn, Từ Thức cảm thấy bất lực, mặc dù lòng chàng luôn bị dày vò trước cảnh người già không có bát cơm ăn, trẻ thơ thiếu áo mặc. Khi thi đỗ rồi, chàng được bổ nhiệm làm tri huyện, cai quản một vùng đất ngoài Bắc. Dẫu làm quan, chàng vẫn là người tự do phóng túng, không buộc mình vào một khuôn phép nào. Chàng chán ghét cái thói nịnh trên nạt dưới của bọn quan lại hồi bấy giờ. Chàng chẳng để ý đến việc quan triều mà chỉ thích đi giao du ngâm vịnh ở nhiều nơi.

Nghe đồn gần vùng có một ngôi chùa lớn, trưóc sân và xung quanh chùa người ta trồng đầy những hoa mẫu đơn đỏ, hồng, vàng, trắng... Tháng giêng, mẫu đơn lại nở tung ra khoe màu rực rỡ. Ngôi chùa chìm ngập giữa rừng hoa mẫu đơn kỳ ảo. Thiện nam tín nữ các nơi đua nhau về lễ phật, xem hoa. Người ta gọi những ngày đó là ngày hội Mẫu Đơn.

Vào kỳ hội Mẫu Đơn, Từ Thức hành hương, ngắm cảnh. Muốn thoải mái tự do, chàng cải trang thành một người học trò, đi một mình, không để bọn lính hầu và lính canh đi theo.

Thời bấy giờ,các chùa chiền đều được triều đình vi nể, vậy nên có một số sư sãi ỷ thế lộng hành. Họ đặt ra nhiều thể lệ riêng trong các chùa chiền để chứng tỏ uy quyền của họ. Ở một ngôi chùa có nhiều hoa mẫu đơn, họ lấy cớ bảo vệ hoa, đặt ra thể lệ: "Hễ ai hái, hoặc vô ý làm gãy, dù chỉ một bông hoa cũng phải chịu phạt vạ một trăm quan tiền, hoặc phải làm nô lệ cho nhà chùa để đền nợ”.

Cũng như mọi năm, hội hoa Mẫu Đơn năm ấy, trai thanh, gái lịch nườm nượp kéo về vãng cảnh chùa, xem hoa và cũng là dịp cho họ làm quen với nhau. Có nhiều đôi đã nên vợ nên chồng từ đấy.

Trong hội hoa, có một cô gái rất đẹp đi thăm cảnh chùa. Xem cách ăn mặc và vẻ mặt ngơ ngác của cô, người ta đoán không phải là người vùng này. Bước chân cô mê mãi, ánh mắt cô bị cuốn hút bởi màu sắc của những bông hoa lớn rực rỡ. Mọi người xung quanh đều để ý đến cô. Cô gái thì lại chẳng để ý đến ai mà cũng không biết luật lệ của nhà chùa thấy hoa đẹp ngay sát cạnh lối đi, cô nhón tay ngắt một bông định cài lên mái tóc. Lập tức, có người chạy đến bắt giữ cô và đòi tiền bồi thường tức khắc.

Cô gái ngơ ngác sợ hãi, cô thú thực là không mang tiền đi theo, xin cho khất, mấy hôm sau sẽ nộp. Người trông hoa khăng khăng không nghe, bắt giữ cô lại. Người đi xem hôki xúm quanh, xem có gái bị trói, ai cũng mũi lòng thương mà không dám can ngăn. Vừa lúc đó Từ Thức rẽ đám đông xăm xăm bước vào, toan cởi trói cho cô gái.

Nhưng người trông coi hoa đã quát:

- Anh kia, nếu không đủ một trăm quan tiền chuộc thì đừng động vào mà mang vạ!

Nghe nói, cơn tức giận của chàng bốc lên như lửa, chàng định dùng chức vị của mình trị kẻ bất lương, nhưng rồi không muốn làm to chuyện, chang cởi phăng chiếc áo khoác quý giá của mình để chuộc cho cô gái.

Dây trói vừa cởi xong, cô gái vô cùng xúc động, cô chạy ngay đến bên chàng, nắm lấy tay chàng và nói lời cảm ơn tha thiết.

Thấy nàng xinh đẹp lại đằm thắm, dịu dàng, Từ Thức cũng muốn làm quen.

- Nghe giọng nói, tôi biết cô không phải người vùng này. Vậy quê cô ở đâu?

- Quê thiếp ở mãi tận Tống Sơn.

Ai ngờ người đẹp lại cùng quê, thật là sung sướng cho chàng. Lòng Từ Thức vẫn có đôi chút băn khoăn: "Các cô gái ở quê chàng ăn mặc cũng không hẳn như thế này". Men theo lối cổng chùa, hai người vừa đi vừa chuyện trò thắm thiết. Trước lúc từ giã, cô gái ngỏ ý muốn mời chàng về nhà cô chơi, nếu như chàng có dịp về quê. Mời về thăm mà chẳng chỉ rõ làng xóm, cửa nhà, nàng chỉ nói:

- Quê thiếp là một vùng có vẻ đẹp lạ lùng chả giống nơi nào. Nếu chàng có lòng mến thương thiếp, chàng sẽ tìm ra.

Nói rồi nàng cất bước đi ngay.

Nàng đi rồi, chàng mới hối tiếc đã không kịp hỏi tên nàng. Từ đấy chàng buồn vơ vẩn. Việc quan càng trễ nải, chàng luôn bị quan trên quở trách. Một lần để chậm trễ vụ thuế, chàng bị sỉ mắng nặng nề. Chàng than:

- Ta há vì mấy bồ thóc mà bị sỉ nhục thế này ư?

Trở về huyện lị, chàng treo ân tín trước công đường rồi bỏ ra đi. Lang thang tìm đến bạn bè. Bạn bè chàng lúc bấy giờ đã mỗi người một nghề, người đã tìm kiếm về một giống cây hoa, quả lạ, người đã học được cách dệt gấm, dệt the, về dạy lại cho bà con. Người đã biết đóng những con thuyền lớn cho dân chài ra khơi đánh cá... Ai ai cũng đều bận rộn với những công việc của mình, chả ai tiếp chàng, ngâm vịnh với chàng được lâu.

Trước bạn bè, nhìn lại mình, chàng thấy mình thật là vô ích. Chàng than rằng:

- Bấy giờ ta mới hiểu ra rằng: làm quan không phải là một nghề!

Chàng muốn tìm học một nghề nào đó nhưmg qua những năm dài làm quan, rong chơi nên bây giờ không sao còn đủ nhiệt tình và lòng kiên nhẫn để học được.

Lòng vô cùng buồn bã, chàng trở về quê thăm cha mẹ, họ hàng. Ở nhà được ít lâu, lại bồn chồn không yên. Nhớ lời mời của cô gái đẹp gặp ở chùa trong hội hoa Mẫu Đơn ngày trước, chàng lại ra đi. Chàng đi qua tất cả các vùng phong cảnh đẹp, tìm kiếm cô gái ở khắp nơi. Vùng Tống Sơn có bao nhiêu miền phong cảnh đẹp đều có dấu chân và thơ chàng để lại. Thế mà vẫn chẳng thấy bóng dáng người đẹp năm xưa! Mặc dù vậy, chàng vẫn đi tìm, đi mãi, đi mãi.

Đến một vùng cửa biển, chàng trèo lên một ngọn núi cao để ngắm biển... ỗng nhiên trước mắt chàng hiện ra một hòn đảo đẹp lạ lùng.

Hòn đảo như một đóa hoa sen xanh trôi nổi giữa trời nước mênh mang. Kiếm một con thuyền, chàng quyết định một mình vượt sóng ra thăm đảo. Kỳ lạ thay hình như chính hòn đảo trôi về phía chàng chứ không phải thuyền chàng đang bơi về phía dảo, Chẳng bao lâu hòn đảo đã gần kề. Thuyền chàng ghé vào chân núi ngay trước một cửa hang khá rộng. Càng đi sâu vào, hang càng mở rộng như một động lớn. Cửa động đầy những hoa mẫu đơn, đẹp hơn cả những bông mẫu đơn trong chùa ngày xưa. Chàng vừa bước tới xem hoa, thì những bông hoa rẽ ra cho chàng một lối nhỏ vào hang. Chàng đi theo đường hoa, càng vô trong hang chàng càng thấy nhiều hoa mẫu đơn màu sắc có sức quyến rũ lạ thường. Hoa mầu đơn đủ màu, có cả màu đen mượt như nhung, màu xanh như ngọc bích.. Những bông hoa tỏa ra mùi hương và ánh sáng huyền ảo. Hoa mẫu đơn đỏ như những ngọn đuốc rọi đường cho chàng suốt lối đi.

"Có hoa, ắt có người". Nghĩ vậy chàng cất tiếng gọi lớn nhưng không có tiếng trả lời ngoài tiếng vang vọng của chàng trong hang núi. Chàng lại tiếp tục đi, bỗng ánh sáng chói lòa trên đầu. Từ Thức ngẩng nhìn lên thấy núi cao chót vót. Bạt ngàn hoa mẫu đơn dâng đầy từ dưới chân lên đỉnh núi. Chàng lại theo đường hoa leo lên. Lên tới nơi thì thấy trước mắt hiện ra một tòa lâu đài lộng lẫy. Có hai cô gái mặc áo xanh đi ngang qua trước mặt chàng, nói với nhau:

- Chú rể nhà ta đã đến.

Chàng ngỡ ngàng nhìn quanh chẳng thấy ai ngoài chàng. Tò mò, chàng lẳng lặng đi theo hai cô gái xem sao. Đi một lát thì tới trước thềm tòa lâu đài. Trên thềm một người đàn bà tóc bạc, tươi cười niềm nở ra đón. Bà nói với chàng như nói với một người quen biết đã từ lâu:

- Đây là động thứ sáu trong ba mươi sáu hang động của cõi tiên. Ta cai quản thế giới này đã từ lâu. Nơi này cuộc sống yên tĩnh, cảnh đẹp tuyệt vời, nhưng chỉ hợp với những người lòng thanh thản, đã giũ sạch bụi trần rồi. Mà điều đó thì thật là khó, ví như con gái ta đây, sinh ra từ cõi tiên mà bỗng một hôm bị điều gì xui khiến đã trốn xuống cõi trần, suýt nữa thì mang tai họa, may mà được người tốt cứu giúp, nếu không thì không biết bao giờ mới được trở về. Cháu đây là người cõi trần làm sao mà dứt đi cho nổi?

Thưa tiên nnẫu, con đã chán cảnh đời lắm rồi, con chẳng có gì vướng víu ở cõi trần, không mắc công việc, chưa có vợ con, vậy con xin người cho con được nương náu ở nơi này.

- Điều con vừa nói cũng hợp với ý ta và con gái ta. Bây giờ cho con được gặp người quen cũ của con.

Bà nói đoạn, một cô gái kiều diễm thướt tha bước ra.

- A, hóa ra là nàng! Từ Thức reo lên. Người mà ta đã nhọc công tìm kiếm khắp nơi, không ngờ lại gặp ở đây. Thật khổ cho thân tôi, quen biết lâu rồi mà chả được rõ quê quán tên tuổi của nàng!

- Thiếp tên là Giáng Hương. Ngày ấy chỉ vì những bông hoa nổi tiếng ở vùng chàng trị nhậm mà suýt mang họa vào thân. May nhờ chàng cứu giúp, ơn ấy chẳng bao giờ dám quên, từ ngày ấy thân mẫu sai người đi khắp nơi tìm nhiều loài mẫu đơn quý về trồng khắp cõi này để cho thiếp không còn vương vấn trần thế nửa. Nhưng hoa cũng chẳng làm cho thiếp nguôi yên, lòng lúc nào cũng đau đáu nhớ thương chàng...

- Bây giờ con đã cất công tới đây, - tiên mẫu tiếp lời con - âu cũng là duyên trời đã định. Ta cho phép các con mở tiệc hoa, kết duyên chồng vợ.

Từ Thức vui mừng khôn xiết, chẳng nghĩ rằng mình đã tìm thấy niềm hạnh phúc vĩnh viễn của đời mình. T'rong bữa tiệc đêm ấy, các tiên nữ từ ba mươi sáu động về hội tụ để chúc mừng một người trần đã thoát tục nhập cõi tiên. Vũ hội tưng bừng, những tiếng sáo, tiếng đàn tưởng như không bao giờ dứt.

Sau khi cưới, Giáng Hương đưa chàng đi thăm thú các động trong cõi tiên.

- Đây là động Hoa Hồng. - Giáng Hương nói - Động này làm toàn bằng hoa hồng, con đường dưới chân là những hoa hồng màu nâu, tường nhà ken bằng hoa hồng xanh, đệm giường bằng hoa hồng trắng, các bộ đồ ăn cũng bằng cánh hoa hồng tùy theo to nhỏ khác nhau. Các cô tiên trong động này cũng nhỏ nhắn và xinh tươi như những bông hồng.

- Nêu như những bông hồng kia đều úa tàn cả thì động này sẽ ra sao? - chàng hỏi.

- Những bông hoa ở đây không bao giờ tàn - nàng nói - Cũng như các cô tiên kia mãi mãi trẻ trung, xinh đẹp.

“Trời ơi! Thế mà ở trần gian xa xôi kia, cha ta đang già và đi đến cõi chết". Chàng thầm nghĩ”.

- Nhưng cảnh vật cứ mãi như thế này mà không thấy chán sao? - Chàng hỏi.

- Không bao giờ, - nàng nói ở đây, người ta có nhiều cuộc tiệc vui, múa hát và khi muốn đổi thay màu sắc phong cảnh, các nàng tiên sẽ tưới lên hoa nột thứ nước nhiệm màu làm thay đổi các màu hoa theo ý muốn của mình.

"Nếu như làm thế được, ta sẽ thay màu tóc bạc của mẹ ta thành một màu đen nhánh".

Nàng đưa chàng đến thăm một động khác:

- Đây là động Suối Thơm, nàng nói các cô tiên ở đây nhờ có nước suối này mắt sáng như sao, da dẻ mịn màng như lụa. Hoa quả ở đây cũng có những vị ngọt mát và thơm ngon lạ kỳ.

Nàng phất tay áo vẫy gọi các nàng tiên tới. Các nàng tiên da trắng, mát sáng như sao, áo xiêm như mây.

Đoán biết được chàng con vương vấn chút bụi trần nên từ đó nàng tìm mọi cách làm cho chàng khuây khỏa. Nhưng đôi khi giữa yến tiệc cao sang, chàng lại thèm món dậu phụ chấm tương, trong tiếng ca nhạc du dương, chàng vẫn thấy thiếu tiếng lợn kêu, gà gáy.

Năm tháng trôi qua, Từ Thức sống ở coi tiên tính đã ba năm, trong tình yêu thiết tha của người vợ trẻ nhan sắc tuyệt vời. Chàng đi du ngoạn khắp ba mươi sáu cõi tiên, làm thơ ca ngợi phong cảnh đẹp và tình yêu kỳ diệu, nhưng lòng chàng lúc nào nguôi nỗi nhớ cõi trần. Bỗng một hôm thấy máy mắt, chàng chợt nhớ đến lời mẹ nói: "Nếu máy mắt tức là có người thân nhắc nhở tới minh". Chàng bồn chồn nghĩ là bố mẹ chàng đang mong nhớ chàng. Chàng nói với vợ:

- Xa cha mẹ đã lâu, tôi muốn về thăm một chuyến có được chăng?- Thấy vợ ngần ngừ, chàng lại nói thêm:- Tôi về gặp cha mẹ một lần chót rồi quay lại đây sống với nàng mãi mãi.

- Chàng nên từ bỏ ý định ấy đi. - Giáng Hương khuyên chàng - vì trần thế với cõi tiên là hai miền cách biệt, biết bao giờ mới lại gặp nhau. Xin chàng hiểu cho, có những điều thiếp không có quyền nói rõ cùng chàng, nếu lộ thiên cơ ắt là thiếp mang tội với trời.

Nghe vợ nói, chàng không còn nằng nặc đòi về nữa, nhưng nỗi nhớ nhà ngày càng đè nặng lên chàng. Chàng không ăn, không ngủ được, vẻ mặt âu sầu, hốc hác, thân hình héo hon như một cọng rơm úa. Giáng Hương đem việc này trình với mẹ. Bà than rằng:

- Ta tưởng chồng con đã hoàn toàn thoát tục rồi, ai ngờ vẫn còn nặng nợ cõi trần đến thế! - Nói rồi sai ngươi đẩy xe mây tới chở Từ Thức về. Chàng từ giã mẹ, vợ và các bạn tiên bước lên xe mây. Trong chớp mắt chàng đã thấy lại quê hương cũ. Những rặng núi, con sông thì không có gì thay đổi, nhưng nhà cửa ruộng vườn thì khác hẳn ngày xưa. Xe mây đỗ ngay ở bến Đá, nơi chàng đã tắm táp, bơi lội khi còn thơ bé. Chàng nhớ như in những bậc đá làm bằng những phiên đá đen phẳng và lớn.

Gặp người đi qua, chàng hỏi tên làng thì người ta lại nói hoàn toàn một tên mới lạ, không phải cái tên làng chôn rau cắt rốn của chàng ngày xưa. Mọi người mặc quần áo khác với chàng, họ nói với nhau những chuyện mà chàng không thể hiểu nổi. Chàng hỏi đến cha, mẹ, anh, em ai cũng lắc đầu không hay biết. Họ bảo rằng "Đó là tên các ông tổ đã tìm ra cách trồng một loài quả, cách đóng loại thuyền lớn, hoặc cách dệt một loại gấm quý..."

Chàng hỏi đến Từ Thức, ngày xưa làm quan tri huyện thì không ai biết là ai. Cuối cùng, có một cụ già nhất trong làng nói rằng:

- Lúc còn nhỏ tôi có nghe truyền lại là có cụ tổ lâu đời nhà tôi tên như thế. Trước làm tri huyện, sau treo ân từ quan trở về quê, một hôm đi chơi, lạc vào hang núi rồi biệt tích. Từ bấy đến nay có dễ gần ba trăm năm.

Nghe vậy Từ Thức mới hiểu điều vợ nói về sự khác biệt giữa trần thế và cõi tiên. Chàng vỡ lẽ ra rằng: "Ba năm cõi tiên bằng ba trăm năm trần thế". Chàng bùi ngùi nhìn cây đa mình trông ở đầu ngõ nay đã thành cổ thụ, cành lá ruờm rà, rễ buông chi chít. Chàng thẫn thờ, lạc lõng giữa đám người xa lạ vây quanh. Chàng thấy mình chẳng có gì gắn bó liên quan đến họ. Chàng đã ra đi vĩnh viễn không còn cả một cái tên trên loài cây, tấm vải như các bạn của chàng. Cõi trần này chẳng còn một dấu vết của chàng, vậy chàng còn ở lại làm gì! Chàng muốn mau chóng trở về với Giáng Hương cho khuây khỏa nỗi lòng. Nhưng khi quay về bến Đá thì xe mây đã biến mất. Lòng buồn vô hạn, chàng lại khăn gói lên đường. Lặn lội tới vùng cửa biển xưa kia, nhưng mịt mù cây đá, chẳng tìm đâu ra chốn cũ. Chàng lại đi, đi mãi. Và rồi chẳng ai gặp chàng đâu nữa.

Về sau người ta gọi hang núi đầu tiên chàng đã đi vào là động "Từ Thức". Có lẽ người đời đã thương chàng, lấy tên chàng đặt làm tên động để ghi lại dấu vết vĩnh viễn của chàng trên trần thế.


XUÂN QUỲNH





2 nhận xét:

  1. Em có thắc mắc, sao Từ Thức đã làm quan mà không giúp ích gì cho quê hương ạ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Câu trả lời có trong truyện rồi đấy em: "Khi thi đỗ rồi, chàng được bổ nhiệm làm tri huyện, cai quản một vùng đất ngoài Bắc. Dẫu làm quan, chàng vẫn là người tự do phóng túng, không buộc mình vào một khuôn phép nào. Chàng chán ghét cái thói nịnh trên nạt dưới của bọn quan lại hồi bấy giờ". Quan tốt cô độc quá!

      Xóa