Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2024

SỰ HẤP DẪN CỦA "BƯỚC CHÂN DẾ MÈN"

 

"Và kể từ đó, không phải là sự “lạc lối” hay “lầm đường”, mà chính là sự hấp dẫn của “bước chân Dế Mèn” đã dẫn dụ anh có được câu thần chú “Vừng ơi hãy mở cửa ra” để tiếp cận, khai mở và đào sâu kho báu Văn học thiếu nhi!"




“TỪ BƯỚC CHÂN DẾ MÈN” không chỉ là tên của một tập sách mới của tác giả Lê Nhật Ký, tập hợp những tiểu luận về văn học thiếu nhi (27 bài), vừa mới xuất bản (Nxb. KHXH, 2024), còn thơm nồng mực in, giấy mới; mà còn là sự khái quát chặng đường đến với kho báu cực kì hấp dẫn văn học thiếu nhi của tác giả, bắt đầu “từ những bước chân Dế Mèn”.

Thật vậy!

Lê Nhật Ký vốn là giảng viên môn Văn học Trung đại của Khoa Ngữ Văn - Trường ĐHSP Quy Nhơn (nay là ĐH Quy Nhơn) với luận văn tốt nghiệp Đại học “Từ láy trong Truyện Kiều” (1991), đã được phân công sang giảng dạy ở Khoa Giáo dục Tiểu học và Mầm Non cùng trường mới được hình thành, đội ngũ giảng dạy còn mỏng. Anh được phân giảng dạy Văn học thiếu nhi. Và kể từ đó, không phải là sự “lạc lối” hay “lầm đường”, mà chính là sự hấp dẫn của “bước chân Dế Mèn” đã dẫn dụ anh có được câu thần chú “Vừng ơi hãy mở cửa ra” để tiếp cận, khai mở và đào sâu kho báu Văn học thiếu nhi! Kết quả là những tập giáo trình tiếp nối ra đời: "Văn học cho thiếu nhi" (2003), "Hệ thống thể loại trong văn học thiếu nhi" (2009) được viết chung TS. Châu Minh Hùng, người bạn đồng đồng hành cùng chuyên môn với anh.

Luận án “Thể loại truyện đồng thoại trong trong Văn học Việt Nam hiện đại (2011) và sau đó là sách “Truyện đồng thoại trong Văn học Việt Nam hiện đại” (2016) đã đóng dấu ấn, xác nhận tác giả của nó với tư cách như một chuyên gia trong giới nghiên cứu văn học thiếu nhi Việt Nam.

Và bây giờ, với tập sách “Từ bước chân Dế Mèn” đã càng khẳng định điều đó.

Đóng góp mang dấu ấn, bản sắc, bản lĩnh, bản tính riêng và khác biệt của Lê Nhật Ký là trong mảng nghiên cứu văn học thiếu nhi là ở phương diện nào?

Chúng ta dễ dàng thống nhất với PGS. TS. Nguyễn Hữu Sơn đã nêu ở Lời giới thiệu sách là “ba phương diện làm nên phát kiến và đóng góp sáng rõ về văn học thiếu nhi” của Lê Nhật Ký. Đó là:

+ khảo cứu chuyên sâu về truyện đồng thoại (từ lí thuyết đến tác giả, tác phẩm)

+ có vị thế chuyên gia về văn học thiếu nhi quê hương Bình Định và miền Trung

+ góp công khai thác, xác định ý nghĩa văn hóa và văn học sử của truyện thiếu nhi chuyển tải cảm quan tôn giáo (Phật giáo, Công giáo).

Có lẽ cần phải thêm một đóng góp nữa của Lê Nhật Ký vào việc tìm hiểu, xây dựng nội dung chương trình giảng dạy và phương pháp giảng dạy văn học thiếu nhi ở chương trình phổ thông và chương trình Đại học.

Đấy là nói về nghiên cứu!

Bằng sự hiểu biết và nhiệt huyết của mình, trong đời sống văn nghệ ngoài đời, Lê Nhật Ký đã góp phần phát hiện, nâng niu, chỉ bảo, khích lệ, quảng bá…, những tập sách thơ truyện thiếu nhi, những cây bút mới, cây bút trẻ và…già có viết/ chuyên viết về thiếu nhi. Nhiều cây bút cũng như tác phẩm văn học thiếu nhi, với sự chăm chút của Lê Nhật Ký, dần định hình và trở thành tác giả.

Giới nghiên cứu văn học thiếu nhi trong và ngoài nước, ít nhiều, đều tìm đến anh để tham vấn!

Nhận định của TS. Châu Minh Hùng rằng: Lê Nhật Ký luôn “đánh giá đúng, chuẩn xác những giá trị văn học đang hình thành, những giá trị bị bỏ rơi” là “chuẩn không cần chỉnh”!

Rất vui đón nhận tập sách mới của Lê Nhật Ký và trân trọng giới thiệu với quý độc giả, đặc biệt độc giả yêu quý, đã từng yêu quý “bước chân Dế Mèn”!

20-5-2024

TRẦN XUÂN TOÀN

(Khoa KHXH & NV, ĐH QUY NHƠN)

2 nhận xét:

  1. Dạ e chia sẻ bài bằng cách nào ạ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhìn lên phía trên một chút em sẽ thấy có các biểu tương Email, Facebook... đó.

      Xóa