Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2024

XOAY KHỐI VUÔNG RUBIC TRUYỆN ĐỒNG THOẠI







Tôi quen biết, gắn bó với nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học Lê Nhật Ký đã qua phần tư thế kỷ và xuân thu nhị kỳ lại gặp nhau đều đều qua các chuyến giảng dạy, hội thảo, khi thì ở Quy Nhơn, Hà Nội, khi thì ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Sài Gòn, Bến Tre, Đà Lạt… Đi nhiều, đọc nhiều, kiến văn rộng mở, văn ôn võ luyện, có thế mới viết được nhiều tác phẩm chất lượng.


Nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học Lê Nhật Ký, quê Quảng Trị, đã có gần bốn mươi năm là cán bộ giảng dạy tại Trường Đại học Quy Nhơn (Khoa Ngữ văn, 1987-1996; Khoa Giáo dục Tiểu học và Mầm non, từ 1986 đến nay).

Không chỉ là nhà giáo, nhà nghiên cứu, Lê Nhật Ký còn sáng tác cho thiếu nhi, cả văn xuôi và thơ, chẳng hạn Kỷ niệm về lớp học vùng cao, Tặng người hát dân ca, Cánh én mùa xuân, Mai em đi, Viết ở Thạch Bàn, Không đề…, trong đó tác phẩm thơ văn xuôi Tặng người hát dân ca được trao giải nhì Tác phẩm tuổi xanh (Tiền Phong, 1991). Thêm nữa, chuyên luận Truyện đồng thoại trong văn học Việt Nam hiện đại nhận Giải thưởng 5 năm Văn học, nghệ thuật của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định (2016-2020).

Vốn gắn bó với văn học trung đại Việt Nam, nhà giáo Lê Nhật Ký hoàn thành luận văn Từ láy trong Truyện Kiều (1991) rồi chuyển tới luận án Thể loại truyện đồng thoại trong văn học Việt Nam hiện đại (2011). Theo yêu cầu giảng dạy, nhà giáo Lê Nhật Ký đã cho xuất bản các sách Văn học cho thiếu nhi (viết chung với Châu Minh Hùng, 2003), Hệ thống thể loại trong văn học thiếu nhi (viết chung với Châu Minh Hùng, 2009), Truyện đồng thoại trong văn học Việt Nam hiện đại (2016)...

Được nâng cấp, hoàn chỉnh từ luận án Thể loại truyện đồng thoại trong văn học Việt Nam hiện đại (2011), chuyên luận Truyện đồng thoại trong văn học Việt Nam hiện đại, 2016) của Lê Nhật Ký thể hiện là công trình tổng kết, phát triển có ý nghĩa học thuật tầm cao về văn học thiếu nhi, tiếp nối xứng đáng thế hệ đi trước (chẳng hạn, với đóng góp tiêu biểu của nhà nghiên cứu Vân Thanh). Trong thời hiện đại, đồng thời với việc xuất hiện dòng văn học thiếu nhi (thể loại truyện đồng thoại nói riêng) thì liền đó cũng xuất hiện các công trình nghiên cứu, các tiểu luận, bài đọc sách, điểm sách, giới thiệu, phê bình, bình giảng, trao đổi, sơ kết, tổng kết, đúc rút bài học kinh nghiệm (kể cả các khóa luận, luận văn, luận án) về văn học thiếu nhi (và thể loại - thể tài - kiểu truyện truyện đồng thoại nói riêng). Đặt trong tầm quan sát chung, Truyện đồng thoại trong văn học Việt Nam hiện đại chính là công trình bề thế đầu tiên nghiên cứu chuyên sâu, hướng đến khảo sát toàn diện, hệ thống các tác phẩm thuộc kiểu truyện đồng thoại – một bộ phận sáng tác thuộc dòng chủ lưu văn học thiếu nhi và trong dòng chảy chung của tiến trình văn học hiện đại. Với cách lựa chọn và triển khai vấn đề chuyên sâu đã giúp cho đề tài vốn khá tản mạn trở nên tầm vóc và có “tính vấn đề” hơn. Điều này cũng giúp cho công trình có được tính tổng hợp cao, có hướng khai thác riêng và đưa đến những kết quả học thuật cụ thể, góp phần nhận diện một chặng đường sáng tác, nghiên cứu đồng thoại cũng như kịp thời rút ra những bài học kinh nghiệm cần thiết…

Nối tiếp con đường nghiên cứu, đến tập sách Từ bước chân Dế Mèn gồm 27 mục bài chọn lọc từ trên ba chục tham luận tại nhiều hội thảo quốc gia, quốc tế và tiểu luận từng công bố trên các tạp chí khoa học, Lê Nhật Ký chú trọng khảo sát các trường hợp tác giả - tác phẩm – thể loại – nội dung – nghệ thuật – chủ đề, chủ điểm – vùng văn học thiếu nhi – liên ngành văn học thiếu nhi và văn hóa, báo chí - văn học thiếu nhi và nhà trường – tiếp nhận văn học thiếu nhi… Khởi nguồn từ Dế Mèn phiêu lưu ký (1941) của Tô Hoài và vấn đề truyện đồng thoại, Lê Nhật Ký đi sâu nhận diện các tác giả Võ Quảng, Phạm Hổ, Võ Hồng, Trần Hoài Dương, Nguyễn Nhật Ánh…; mở rộng tìm hiểu các đặc tính truyện đồng thoại trong các tương quan cốt truyện và năng lực hư cấu, kỹ thuật kể chuyện và văn miêu tả, cái kỳ ảo và văn hóa tôn giáo, nhân vật con người và loài vật phiêu lưu, giả cổ tích và ngụ ngôn, kiểu truyện giả tưởng và viết tiếp, viết nối… “Có công mài sắt…”, trên nền tảng hệ thống tư liệu phong phú, Lê Nhật Ký xoay khối vuông rubic “truyện đồng thoại” với nhiều hệ quy chiếu, nhiều góc nhìn, nhiều cách hình dung khác nhau để có được những đóng góp mới mẻ. Với nhà nghiên cứu Lê Nhật Ký, chí ít có ba phương diện làm nên phát kiến và đóng góp sáng rõ về văn học thiếu nhi: Khảo cứu chuyên sâu về truyện đồng thoại (từ lý thuyết đến nhận diện tác giả, tác phẩm) – Vị thế chuyên gia về văn học thiếu nhi quê hương Bình Định và miền Trung (tập trung biểu dương các tác giả Pierre Lục, Nguyễn Vỹ, Võ Quảng, Phạm Hổ, Võ Hồng, Nguyễn Nhật Ánh và giảng dạy văn học vùng) – Góp công khai thác, xác định ý nghĩa văn hóa và văn học sử của loại truyện thiếu nhi chuyển tải cảm quan Công giáo và Phật giáo (trường hợp Pierre Lục với tủ sách Nước Mặn – Làng Sông và sáng tác của Phạm Hổ)… Chân dung nhà nghiên cứu bao giờ cũng hiện lên qua những đóng góp cụ thể, riêng biệt và khác biệt như thế.

Hy vọng với Từ bước chân Dế Mèn của nhà giáo, nhà nghiên cứu Lê Nhật Ký, những người yêu thích văn học thiếu nhi sẽ có thêm hiểu biết về các tác giả, tác phẩm và niềm tin về một chi lưu trong nền văn học dân tộc và hiện đại.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Hà Nội, ngày 2 tháng 2 năm 2023

PGS.TS. NGUYỄN HỮU SƠN

(Viện Văn học)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét