Thứ Hai, 19 tháng 8, 2024

VĂN HỌC THIẾU NHI THẬP NIÊN 2020: XU HƯỚNG TRÊN THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM

 

Nổi bật nhiều chủ đề về văn hoá, sắc tộc, giới tính cho độc giả nhí

Văn học thiếu nhi ngày nay không còn giới hạn ở những câu chuyện cổ tích hay phiêu lưu đơn thuần như truyền thống mà đã mở rộng ra nhiều chủ đề mới mẻ và phong phú. Bộ phận văn chương này dường như chú trọng đến sự đa dạng về chủ đề và nhân vật, phản ánh một xã hội toàn cầu hóa và đa văn hóa. Điều này được nhìn thấy rất rõ thông qua các giải thưởng danh giá cho văn học thiếu nhi trên toàn cầu gần đây.

Cuốn sách “Big” (tạm dịch: “To béo”) của Vashti Harrison, đoạt giải Caldecott Medal năm 2024, kể về một cô bé đối mặt với những định kiến về ngoại hình khi lớn lên và học cách chấp nhận bản thân. Những lời nói của người khác đã ảnh hưởng sâu sắc đến cô, khiến cô cảm thấy vô cùng tự ti. Tuy nhiên, qua sự hỗ trợ và yêu thương từ gia đình và bạn bè, cô bé học cách yêu thương và chấp nhận bản thân mình.

Nhiều cuốn sách thiếu nhi tập trung vào các chủ đề như nhận dạng giới tính, sức khỏe tâm thần, và bảo vệ môi trường. “A Kind of Spark” (tạm dịch: “Một Loại Tia Lửa”) của Elle McNicoll (2020) đoạt hai giải thưởng danh giá của nước Anh là Blue Peter Book Award và Waterstones Children’s Book Prize. Truyện kể về Addie, một cô bé tự kỷ sống ở một thị trấn nhỏ ở Scotland. Khi Addie học về các phiên tòa xử phù thủy ở địa phương, cô quyết định đấu tranh để có một đài tưởng niệm cho những người bị xử oan. Cuốn sách nói về sự chấp nhận và thấu hiểu, cũng như cuộc đấu tranh cá nhân và xã hội của một cô bé tự kỷ. Bản thân tác giả Elle McNicoll là một nhà văn người Scotland, chuyên viết về các chủ đề liên quan đến tự kỷ và sức khỏe tâm thần. Bà cũng là một người tự kỷ và đã dùng trải nghiệm cá nhân để viết nên tác phẩm này.

Các tác phẩm như “Benita Y Las Criaturas Nocturnas” (tạm dịch: “Benita và Những Sinh Vật Ban Đêm”) của Mariana Llanos, một trong những tác phẩm đoạt giải Belpré Children’s Author Honor Book – giải thưởng văn học thiếu nhi của Mỹ Latin với lý do khuyến khích trẻ em tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau. Truyện kể về cô bé Benita rất thích đọc sách trên giường, nhưng sở thích đáng quý của cô  thường bị gián đoạn bởi những sinh vật huyền bí từ thần thoại Peru như Tunche (một hồn ma huýt sáo), Supay (một con quỷ đáng sợ) và nhiều sinh vật kỳ bí khác. Thay vì sợ hãi, Benita quá mê đọc sách đến nỗi cô bé không hề để ý đến sự hiện diện của các sinh vật này. Sự đam mê đọc sách của Benita đã biến những sinh vật đáng sợ thành những người bạn tưởng tượng vui vẻ và thú vị.

Các bộ phim thiếu nhi cũng phản ánh sự đa dạng này bằng cách giới thiệu những nhân vật và câu chuyện từ nhiều nền văn hóa và bối cảnh khác nhau. Điều này giúp trẻ em nhận thức và hiểu biết sâu sắc hơn về thế giới xung quanh. Bộ phim “Turning Red” của Pixar (2022) kể về một cô bé tuổi teen biến thành gấu trúc đỏ mỗi khi căng thẳng, phản ánh những thay đổi về cảm xúc và tâm lý ở tuổi dậy thì, đồng thời khám phá sâu hơn về văn hóa Á Đông và sự xung đột giữa truyền thống và hiện đại, một câu chuyện hấp dẫn​.

Tại sao lại như vậy? Một thống kê của publishersweekly[1] cho biết ngày càng có nhiều nhà văn da màu và các nhóm thiểu số tham gia viết văn học thiếu nhi và bày tỏ thông điệp của riêng họ thông qua các tác phẩm này. Theo số liệu từ Cooperative Children’s Book Center (CCBC), trong số 3.450 cuốn sách thiếu nhi được xuất bản vào năm 2022, 40% được viết, minh họa hoặc biên soạn bởi người da màu​.​Sự gia tăng đột biết ấy phản ánh xu hướng ngày càng tăng về sự đa dạng trong văn học thiếu nhi, với sự gia tăng đáng kể trong số lượng sách có nội dung liên quan đến các nhóm thiểu số.​

Các tác giả nổi tiếng như Alexander Chee, Roxane Gay, và nhiều người khác đã và đang nỗ lực thúc đẩy sự đa dạng trong xuất bản, tạo ra các học bổng và cơ hội hỗ trợ cho các nhà văn từ các nhóm thiểu số​. Những nỗ lực này, cùng với sự hỗ trợ từ các phong trào như “We Need Diverse Books” (tạm dịch: “Chúng em cần những quyển sách khác nhau”), đã góp một phần quan trọng vào việc tăng cường sự hiện diện và tiếng nói của các tác giả thiểu số trong ngành công nghiệp sách thiếu nhi.

Tuy nhiên xen kẽ với đó, không thiếu những giải thưởng lớn dành cho văn học thiếu nhi với chủ đề khuyến khích lòng yêu nước và tự hào về quốc gia, dân tộc. Ở Australia, CBCA Book of the Year Awards cũng đã vinh danh nhiều tác phẩm khuyến khích lòng yêu nước và niềm tự hào về quê hương. Cuốn sách thiếu nhi đoạt giải 2022 là “The March of the Ants” (Tạm dịch: “Tháng Ba của bầy kiến”) của Ursula Dubosarsky và Tohby Riddle, tác phẩm này đã được khen ngợi vì khả năng kết hợp yếu tố lịch sử và văn hóa Úc trong một câu chuyện hấp dẫn dành cho trẻ em. Tại Anh, giải thưởng UKLA Book Awards đã vinh danh nhiều tác phẩm dành cho trẻ em, trong đó có những cuốn sách khuyến khích tình yêu và sự tự hào về quê hương. Cuốn sách đoạt giải When the Stars Come Out” (Tạm dịch: “Khi những vì sao toả sáng”) của Nicola Edwards và Lucy Cartwright được vinh danh vì nghệ thuật miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên và di sản văn hóa nước Anh một cách vô cùng phù hợp với tiếp nhận của độc giả nhí, giúp trẻ em cảm nhận sâu sắc hơn về quê hương mình.

Các chủ đề môi trường và sinh thái

Một xu hướng nổi bật khác trong văn học thiếu nhi là sự chú trọng đến chủ đề bảo vệ môi trường và sự bền vững. Các cuốn sách thường khuyến khích trẻ em nhận thức và tham gia vào việc bảo vệ môi trường từ khi còn nhỏ. Ví dụ cụ thể: Cuốn sách “Cicada Symphony” (tạm dịch: “Giao hưởng ve sầu”) của tác giả Sue Fliess kể về vòng đời của loài ve sầu, giúp trẻ em hiểu về sinh thái học và tầm quan trọng của việc bảo vệ các loài động vật. Cuốn sách được Hiệp hội thư viện cho trẻ em của Mỹ vinh danh trong những cuốn sách xuất sắc nhất cho thiếu nhi năm 2024.

Một nhóm chủ đề khác khuyến khích trẻ em khám phá thiên nhiên và học hỏi từ những chuyến phiêu lưu, đồng thời nâng cao kỹ năng sinh tồn và lòng dũng cảm. Cuốn sách “Evergreen” của Matthew Cordell kể về cuộc hành trình của một chú sóc qua khu rừng để mang xúp cho bà, khuyến khích trẻ em khám phá thiên nhiên và học hỏi từ những chuyến phiêu lưu​. “Greta and the Giants” (tạm dịch: “Greta và những gã khổng lồ”) của tác giả Zoë Tucker – Lấy cảm hứng từ Greta Thunberg, cuốn sách này kể về một cô bé tên Greta sống trong một khu rừng đẹp nhưng bị đe dọa bởi những gã khổng lồ đang phá hủy cây cối. Cuốn sách đã được in trên giấy tái chế và một phần doanh thu được quyên góp cho tổ chức môi trường 350.org. Đây là một trong những cuốn sách được đánh giá cao về thông điệp bảo vệ môi trường dành cho trẻ em ở châu Âu​

“The Water Princess” (tạm dịch: “Công chúa nước”The Water Princess của Susan Verde dựa trên câu chuyện thật của người mẫu nước Bờ Biển Ngà, Georgie Badiel, cuốn sách này kể về hành trình của một cô bé mang nước sạch về cho cộng đồng của mình. Cách kể chuyện lôi cuốn, nhẹ nhàng, nhưng đã làm rung động nhiều bạn nhỏ trên khắp thế giới khi được chuyển ngữ qua 10 ngôn ngữ. “Pangolina” của Jane Goodall – Được viết bởi chuyên gia nổi tiếng về khỉ đột, Jane Goodall, cuốn sách này kể về một con tê tê bị bắt cho bọn buôn bán động vật hoang dã và sau đó được cứu. Cuốn sách này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn các loài động vật quý hiếm và chống buôn bán động vật hoang dã, và đã nhận được nhiều lời khen ngợi trong cộng đồng văn học thiếu nhi​.

Với sự gia tăng nhận thức về biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, giáo dục môi trường đã trở thành một phần quan trọng trong chương trình giảng dạy tại nhiều quốc gia. Điều này thúc đẩy sự phát triển của văn học thiếu nhi với các chủ đề môi trường, giúp trẻ em hiểu và yêu quý thiên nhiên từ khi còn nhỏ. Những phong trào xã hội như Earth Day (Ngày Trái Đất) và các chiến dịch bảo vệ môi trường quốc tế đã thúc đẩy nhu cầu về các tài liệu giáo dục, bao gồm cả sách thiếu nhi, để truyền tải thông điệp về tầm quan trọng của việc bảo vệ hành tinh.

Tuy nhiên, dường như có một sự tương đồng với xu hướng văn học hiện đại. Văn học dành cho người lớn trong hơn một thập kỷ gần đây đã tập trung vào các chủ đề môi trường và sinh thái, đặc biệt từ thời kỳ lãng mạn và sau đó với phong trào văn học tự nhiên. Các tác giả như Henry David Thoreau với “Walden” (Bản dịch tiếng Việt là “Một mình sống trong rừng”) và Rachel Carson với “Silent Spring” (Bản dịch tiếng Việt: “Mùa Xuân yên tĩnh”) đã đóng góp lớn vào việc nâng cao nhận thức về môi trường. Những tác phẩm này lan tỏa sang các nhà văn viết cho thiếu nhi, khuyến khích họ tích hợp các chủ đề này vào tác phẩm của mình.

Thẳng thắn nói về nỗi đau, những tổn thương tinh thần

Nhiều cuốn sách dành cho tuổi teen nổi bật trong những năm qua cũng thảo luận về các vấn đề gia đình, như bạo lực gia đình, ly hôn, và mất mát. Những câu chuyện này không chỉ giúp thanh thiếu niên hiểu và xử lý các cảm xúc phức tạp mà còn cung cấp cho họ hy vọng và cách để vượt qua, trong một bối cảnh xã hội hiện đại ngày càng phát sinh nhiều vấn đề tinh thần khó nhận dạng.

“The Invisible Boy” (tạm dịch: “Cậu trai vô hình”) của Alyssa Hollingsworth là một cuốn sách dành cho thiếu nhi mang đậm chủ đề nghiêm túc về buôn người và lao động trẻ em. Câu chuyện xoay quanh nhân vật Nadia Quick, một cô bé mê truyện tranh Superman và đặc biệt ngưỡng mộ Lois Lane. Nadia mơ ước trở thành một nhà báo giỏi và bắt đầu điều tra về người bạn hàng xóm bí ẩn của mình, người mà cô nghi ngờ có thể là một siêu anh hùng. Tuy nhiên, Nadia phát hiện ra sự thật đau lòng rằng cậu bé này thực sự là một nạn nhân của buôn người. Cuốn sách đã nhận được nhiều đề cử và giải thưởng quan trọng, bao gồm: đề cử giải Cybils Award 2020​, lọt vào danh sách rút gọn James Reckitt Hull Children’s Book Award KS3 vào năm 2022​.

 We Are All So Good at Smiling” (tạm dịch: “Ta đều ổn khi còn đây nụ cười”We Are All So Good at Smiling của Amber McBride là một tác phẩm đặc biệt sử dụng ngôn ngữ thơ để kể về câu chuyện của hai nhân vật chính, Whimsy và Faerry, gặp nhau trong quá trình điều trị trầm cảm. Cuốn sách không chỉ đơn thuần là một câu chuyện về cuộc đấu tranh với căn bệnh trầm cảm mà còn là hành trình khám phá và nhận ra sức mạnh bên trong của mỗi người. Thông qua các bài thơ đầy cảm xúc và sâu sắc, McBride tạo ra một thế giới nơi mà phép màu và thực tế giao thoa, giúp người đọc hiểu rõ hơn về những thử thách tinh thần mà nhiều người phải đối mặt hằng ngày. Cuốn sách là một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của lòng đồng cảm và một tuyên ngôn về sức mạnh bên trong của tinh thần, năng lực chữa lành… Cuốn tiểu thuyết này được chọn làm một trong những cuốn sách hay nhất năm 2023 (ở tất cả các thể loại văn học) và được đưa vào danh sách  kinh điển của Hiệp hội Thư viện Texas năm 2024.

Có vẻ ngoài là truyện kinh dị cho tuổi thiếu nhi, “A Guide to the Dark” (Tạm dịch: “Một chỉ dẫn đi vào bóng tối”) của Meriam Metoui là một tác phẩm kết hợp khéo léo giữa yếu tố siêu nhiên và các vấn đề tâm lý phức tạp. Câu chuyện xoay quanh Mira, một cô gái trẻ trải qua những ảo giác về người anh trai đã mất khi cô và người bạn thân Layla nghỉ chân tại một motel bên đường sau một chuyến đi không suôn sẻ. Các ảo giác này dường như liên quan đến những cái chết bí ẩn xảy ra trong căn phòng mà họ đang ở. Metoui sử dụng các yếu tố huyền bí để khắc họa sâu sắc nỗi đau và sự mất mát, tạo ra một bầu không khí u ám và căng thẳng. Cuốn tiểu thuyết không lấy giải trí làm trọng mà chủ yếu giúp bạn đọc trẻ tuổi hiểu rõ hơn về tác động của sự mất mát và cách đối mặt với những ký ức đau buồn. Cuốn sách được tạp chí School Library Journal bình chọn là một trong những cuốn sách hay nhất của năm.

(...)

Nhìn sang văn học thiếu nhi Việt Nam

Trong hai năm gần đây, văn học thiếu nhi Việt Nam đã có nhiều khởi sắc và đạt được những thành tựu đáng chú ý, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn học cho trẻ em. Những điểm nổi bật về xu hướng và thành tựu trong văn học thiếu nhi Việt Nam trong giai đoạn khoảng ba năm trở lại đây cho thấy Việt Nam đang sôi nổi không kém so với văn học quốc tế, nhất là ở sự quan tâm đầu tư, những phong trào sáng tác, một số thể nghiệm tuy còn hạn chế ở các mảng đề tài mới.

Văn học thiếu nhi Việt Nam đang chứng kiến sự đổi mới mạnh mẽ với nhiều tác phẩm mới được ra mắt. Các tác giả không ngừng tìm kiếm những đề tài mới lạ và phong phú, từ những câu chuyện cổ tích hiện đại đến những vấn đề xã hội đương đại. Tác phẩm “Sài Gòn sót mấy con ve” của tác giả Trung Dũng đã đoạt giải Hội Nhà văn TP.HCM năm 2023, là một minh chứng cho sự đổi mới trong việc khai thác đề tài và phong cách viết cho thiếu nhi. Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu đến thiếu nhi nhiều tác phẩm văn học Việt Nam của tác giả trong nước như: “Lạc khỏi ngân hà” (Yên Yên), “Bạn có thích làm mèo” (Đ.T. Hoài Thư), “Hải Âu đi tìm cha” (Nguyễn Thu Hằng), “Nết Na và Cù Nhây” (Yên Khương), “Những đám mây ngoan” (Vũ Thị Huyền Trang)

(...)

 Sự quan tâm của các Nhà xuất bản, các Cuộc thi và Giải thưởng

Các nhà xuất bản lớn như NXB Kim Đồng và NXB Trẻ đã có những nỗ lực đáng kể trong việc phát hành và quảng bá các tác phẩm văn học thiếu nhi. Số lượng đầu sách xuất bản tăng đáng kể, với nhiều thể loại đa dạng từ truyện ngắn, thơ, sách kỹ năng đến sách tương tác. Trong năm 2023, NXB Kim Đồng đã xuất bản gần 200 đầu sách văn học trong nước, với khoảng một nửa là các sáng tác mới. NXB Trẻ cũng chú trọng phát hành sách thiếu nhi đa dạng thể loại, hướng đến nhiều độ tuổi khác nhau​.

Các cuộc thi sáng tác văn học thiếu nhi đã tạo điều kiện cho nhiều tác giả trẻ thử sức và phát triển tài năng. Các giải thưởng như Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn đã tôn vinh nhiều tác phẩm xuất sắc, góp phần khuyến khích phong trào sáng tác văn học cho thiếu nhi: Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức mùa đầu tiên năm 2023 đã thu hút nhiều tác giả tham gia, với giải nhất thuộc về tác phẩm “Mèo sinh ra đâu phải chỉ bắt chụp” của tác giả Dương Thị Thảo Nguyên​. Tác phẩm này gây chú ý bởi tác giả khuyến khích cái nhìn cởi mở hơn của phụ huynh về trẻ em, rằng mỗi đứa trẻ đều có những đam mê, khuynh hướng và tài năng khác nhau, thậm chí cũng không nhất thiết phải phát triển theo sở trường của mình, một khi trẻ em không mong muốn.

Những thách thức sẽ cần được chinh phục

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, văn học thiếu nhi Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức như sự cạnh tranh từ các phương tiện giải trí kỹ thuật số và thiếu các tác phẩm đề cập đến các vấn đề xã hội nhạy cảm. TS. Nguyễn Thanh Tâm nhận xét rằng văn học thiếu nhi Việt Nam còn thiếu những tác phẩm về trẻ khuyết tật, tự kỷ, đồng tính và các vấn đề như bạo lực, di dân, dịch bệnh vẫn là những vùng mờ của văn học thiếu nhi. Sự kết nối giữa văn học thiếu nhi với độc giả và mở rộng thị trường vẫn còn nhiều hạn chế​.

So với sự vận động và phát triển của văn học thiếu nhi trên thế giới, văn học thiếu nhi Việt Nam vẫn chưa có sự đa dạng về đề tài. Trên thế giới, văn học thiếu nhi đã mở rộng và phong phú với nhiều chủ đề đa dạng như môi trường, quyền trẻ em, đa dạng văn hóa, và các vấn đề xã hội hiện đại. Trong khi đó, văn học thiếu nhi Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung vào các câu chuyện truyền thống và các giá trị đạo đức cơ bản, tình cảm gia đình hay sự tôn trọng yêu thương cha mẹ. Về hình thức, hầu hết các tác phẩm vẫn dừng lại mô típ câu chuyện ẩn dụ của những loài vật trong thiên nhiên, ít thấy những câu chuyện kì ảo, cập nhật các hình thức văn học đại chúng như kì ảo, kinh dị, trinh thám.

Nhìn chung, văn học thiếu nhi Việt Nam trong giai đoạn 2023-2024 đã có nhiều bước tiến quan trọng và đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Sự đổi mới trong sáng tác, hợp tác quốc tế, phát triển của các nhà xuất bản và các cuộc thi sáng tác đã góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn học thiếu nhi. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, văn học thiếu nhi Việt Nam cần tiếp tục đối mặt và khắc phục những thách thức hiện tại.

Đức Anh Kostroma

[1] https://www.publishersweekly.com/pw/by-topic/childrens/childrens-industry-news/article/92543-ccbc-releases-statistics-regarding-diversity-in-children-s-literature-published-in-2022.html

 ĐỌC ĐẦY ĐỦ TẠI: https://www.tapchisonglam.vn/van-hoc-thieu-nhi-thap-nien-2020-xu-huong-tren-the-gioi-va-viet-nam/, cập nhật ngày 1/8/2024.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét