Thứ Hai, 16 tháng 9, 2024

CHIẾC CHÌA KHÓA VÀNG HAY TRUYỆN LI KÌ CỦA BU-RA-TI-NÔ - Chương 1 & 2





Cuốn sách "Chiếc chìa khóa vàng hay truyện ly kỳ của Bu-ra-ti-nô" của nhà văn Nga A.Tolstoy “mê hoặc” được rất nhiều thế hệ các em thiếu nhi. Với cuốn sách này, các bạn nhỏ sẽ thực sự cảm thấy hồi hộp, lạ lùng, hào hứng và phấn khích khi được dõi theo từng bước đi của chú bé người gỗ đáng yêu Bu-ra-ti-nô trước sự truy đuổi của cái ác…

Chương 1. Bác thợ mộc Giu-dép-pơ nhặt được một thanh củi biết nói tiếng người


Ngày xửa, ngày xưa, ở một thành phố nhỏ trên bờ Địa Trung Hải, có bác thợ mộc Giu-dép-pơ, tuổi đã già; người ta gọi bác là bác Mũi Xanh.

Một hôm, đi đường, bác nhặt được một thanh củi, một thanh củi thường thôi, vẫn dùng để đốt lò sưởi những ngày đông tháng giá.

Bác nghĩ thầm: "Hừ, mang về may ra được việc… Chẳng hạn, có thể đóng cái chân bàn..."

Bác Giu-dép-pơ đeo đôi mục kính buộc xoắn một sợi dây lên mắt - đôi mục kính cũng già nua tuổi tác lắm rồi. Bác cầm thanh củi lật đi lật lại, rồi lấy rìu đẽo cho vuông.

Nhưng vừa động đến thì bác nghe một tiếng kêu rất nhỏ nhẹ:

- Ái! Ái! Xin bác nhẹ tay cho!

Bác Giu-dép-pơ kéo đôi kính ra tận đầu mũi rồi nhìn khắp phòng mộc, - chẳng có ai cả.

Nhìn xuống gầm bàn; - chẳng có ai...

Nhìn vào bổ vỏ bào, - chẳng có ai.

Nhô đầu ra ngoài nhìn, - chẳng có ai...

Bác nghĩ bụng: "Có lẽ mình nằm mê chắc! Có quái ai đâu mà kêu!"

Bác lại cầm lấy cái rìu, vừa bổ xuống thanh củi thì lại nghe tiếng rền rĩ khe khẽ:

- Trời ơi! Đau quá! Tôi đã bảo bác rồi mà!

Lần này, bác Giu-dép-pơ mới hoảng lên thật sự. Bác phát nóng, phát sốt lên, hơi nóng bốc nhòa cả cặp mắt kính... Bác xem xét cẩn thận mọi xó trong buồng, chui cả tận vào lò sưởi mà nhìn. Bác vẹo cổ nhìn rõ lâu vào lòng ống khói xem có ai không.

- Không, chẳng có ai hết.

Bác đành bụng bảo dạ: "Hay là tại mình uống cái gì nặng quá, nên tai nó ù lên chăng".

Không phải, hôm nay bác chẳng uống gì khác mọi ngày cả. Bác hơi yên tâm, bác cầm lấy cái bào. Bác lấy búa gõ mấy cái vào lưỡi bào cho vừa khớp rồi đặt thanh củi lên bàn. Nhưng bào vừa đặt lên thanh củi thì bác lại nghe thấy tiếng kêu thất vọng khe khẽ:

- Ái! Ái! Ái! Bác ơi, bác đừng đâm cháu thế nữa, bác ơi! Bác Giu-dép-pơ vứt bào xuống đất, lùi, lùi mãi rồi ngã bệt xuống: bác đã đoán đúng, cái tiếng ấy ở thanh củi phát ra.


Chương 2. Bác Giu-dép-pơ cho bác Các-lô thanh củi biết nói

Vừa lúc ấy, bác Các-lô là người bạn già của bác Giu-dép-pơ bước vào nhà. Bác Các-lô vốn là một tay chơi đàn đại phong cầm.

Ngày trước, bác Các-lô đầu đội cái mũ rộng vành, lang thang tỉnh này sang tỉnh khác với một cái đàn phong cầm cực đẹp để kiếm ăn bằng tiếng đàn, câu ca.

Bây giờ, bác đã già lại yếu, đàn thì gãy đã từ lâu rồi.

Bác vừa bước vào vừa nói:

- Ấy, chào bác Giu-dép-pơ, bác làm gì mà bò lê bò càng thế?

Bác Giu-dép-pơ vừa đáp vừa lấm lét nhìn thanh củi:

- Bác ạ, mất cái đinh ốc nhỏ rồi, rơi chỗ quái nào chẳng biết nữa! Còn bác, dạo này, ra sao?

Bác Các-lô trả lời:

- Khổ lắm bác ạ. Đã nghĩ nát óc mà chẳng biết sống cách nào. Bác xem có cách gì giúp tôi, hay mách hộ ý kiến...

Bác Giu-dép-pơ nghĩ thầm: "Mình phải tống quách cái thanh củi đáng nguyền rủa này đi mới được", rồi vui vẻ bảo bạn:

- Khó gì! Khó gì! Đấy, bác cứ nhìn cái thanh củi trên bàn mà xem, đẹp tuyệt! Bác Các-lô ạ, bác lấy mang về mà xem...

Bác Các-lô buồn bã đáp:

- Được. Nhưng để làm gì? Cái xó nhà tôi, đến lò sưởi cũng không có mà đốt củi.

- Không phải nói bông đâu, bác về lấy con dao nhọn, gọt một con búp bê, rồi dạy nó nói mấy câu ba lơn, dạy nó hát, nó múa. Thế rồi bác đem nó ra phố làm trò, thế là bác có cơm ăn, rượu uống.

Lúc ấy, bỗng nghe thấy một tiếng reo vui vẻ, từ phía thanh gỗ ở trên bàn:

- Phải đấy! Ý kiến của bác Múi Xanh hay quá! Hoan hô!

Bác Giu-dép-pơ sợ run lẩy bẩy, còn bác Các-lô chỉ hơi ngạc nhiên, đưa mắt nhìn xung quanh. Tiếng nói ấy ở đâu? Rồi bác bảo bác Giu-dép-pơ:

- Được, tôi nghe bác. Bác đưa thanh củi tôi xem thử.

Bác Giu-dép-pơ cầm thanh củi, giúi vội vào tay ông bạn.

Không biết vì bác nhỡ tay, hay vì thanh củi tự nó nhảy lên một cái, mà nó cộc đánh chát vào đầu bác Các-lô. Bác cáu tiết:

- Cho cái kiểu ấy à?

- Xin lỗi bác, không phải tôi định va vào đầu bác đâu.

- Thế ra tự tôi làm cộc chắc!

- Không, không phải thế... chắc là tại thanh củi nó đập bác đấy.

- Láo, chính bác đập vào đầu tôi.

- Chẳng phải tôi…

Thoạt tiên, bác khắc mớ tóc, cái trán, rồi hai con mắt...

Bỗng nhiên hai con mắt mở giương ra, trừng trừng nhìn bác...

Bác Các-lô chả tỏ vẻ gì sợ hãi cả, bác dịu dàng hỏi:

- Hai con mắt gỗ kia, sao nhìn ta chằm chằm thế?

Con búp bê chẳng nói chẳng rằng. Chắc là tại chưa có miệng đây. Bác Các-lô khắc đến đôi má, rồi cái mũi, một cái mũi bé nhỏ như cái mũi thường...

Nhưng bỗng nhiên, cái mũi ấy cứ dài ra, dài mãi ra, đầu mũi thì nhọn hoắt. Bác không nhịn được, phải kêu lên:

- Không được, sao dài quá thế.

Bác muốn cắt đi cái đầu mũi, nhưng cái mũi co rúm lại, tránh bàn tay của bác. Mũi cứ giữ nguyên hình, vừa dài, vừa nhọn, đầy vẻ hiếu kỳ.

Bác Các-lô khắc đến cái miệng. Hai môi vừa thành hình, miệng đã mở to tướng:

- Hì hì hì! Hà hà hà!

Rồi một cái lưỡi đỏ, dài và nhọn, có vẻ láu lỉnh, thè luôn ra ngoài.

Bác Các-lô không chú ý đến những điệu bộ ấy nữa, cứ thế, bác bào, bác đục, khoét. Bác gọt cho con búp bê cái cằm, cái cổ, hai vai, cái mình, hai cánh tay...

Nhưng vừa gọt xong ngón tay út thì Bu-ra-ti-nô đã giơ hai nắm tay cứ thế đấm vào cái trán hói của bác Các-lô, cấu véo, cù bác. Bác ôn tồn bảo:

- Này, tao chưa gọt xong mà mày đã nghịch ngợm quá thể... Thế rồi ra mày nghịch đến đâu hả con?

Bác nghiêm nghị nhìn Bu-ra-ti-nô. Bu-ra-ti-nô cũng tròn xoe hai mắt như mắt con chuột nhắt, nhìn lại bác Các-lô.

Bác Các-lô lấy một miếng gỗ đẽo hai ống chân rõ dài và hai bàn chân rất to. Xong đâu đấy, bác đặt thằng bé xuống đất cho nó tập đi.

Bu-ra-ti-nô chập chững một lúc, bước một bước, hai bước, rồi đi ra phía cửa, bước qua ngưỡng cửa và…chạy một mạch ra ngoài đường.

Bác Các-lô lo lắm, liền chạy theo:

- Này, thằng ranh, có về ngay không?

Ai ngờ Bu-ra-ti-nô chạy nhanh như con thỏ, đôi giày gỗ cứ gõ "cách, cách" liên hồi trên mặt đường. Bác Các-lô kêu to:

- Bắt lấy nó! Bắt lấy nó!

Khách qua đường chỉ trỏ Bu-ra-ti-nô chạy trốn, phá lên cười. Một viên sen đầm to lớn, râu mép cong vút, đầu đội cái mũ ba sừng, đứng ngay ở giữa ngã tư đường.

Thấy chú bé gỗ chạy, lão liền xoạc hai cẳng ra, chắn ngang cả phố. Bu-ra-ti-nô định chui qua thì lão ta đã tóm lấy mũi nó, cứ thế giữ chặt cho tới khi bác Các-lô chạy đến nơi. Bác thở hổn hà hổn hển bảo:

- Rồi mày xem, rồi mày biết tay tao!

Nói rồi, bác định nhét Bu-ra-ti-nô vào túi áo...

Chẳng mấy khi được một ngày đẹp trời như hôm nay, lại trước mặt mọi người, đời nào Bu-ra-ti-nô chịu chui vào túi áo, đầu thì lộn xuống, chân chống ngược ra ngoài. Nó liền quay ngoắt lại, ngã xuống mặt đường, giả vờ chết...

Viên sen đầm thấy vậy bảo:

- Ái chà! Có chuyện rồi đây!

Khách qua đường xúm đông xung quanh. Họ thấy Bu-ra-ti-nô nằm sóng soài dưới đất thì lắc đầu. Có người nói:

- Tội nghiệp thằng bé, chắc là nó đói quá...

Người khác lại bảo:

- Bác Các-lô đánh chết nó rồi. Cái lão chơi đàn ấy làm ra vẻ ta đây phúc hậu, nhưng thật ra ác bỏ mẹ, tàn nhẫn lắm..:

Thế là viên sen đầm râu xồm túm lấy áo bác Các-lô, dẫn bác về sở Sen đầm. Bác Các-lô cứ lê chân trên đường mà rền rĩ:

- Trời ơi... Tôi đẽo với đục cái thằng nhãi này, chỉ tổ mang khổ vào thân.

Lúc thấy không còn ai ở ngoài khố nữa, Bu-ra-ti-nô mới ngóc cá mũi dậy, nhìn xung quanh và chạy tót về nhà, vừa chạy vừa nhảy…

A. TOLSTOY
(Nhà văn Nga)


ĐÓN ĐỌC: Chương 3,4.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét