Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2024

LÊ NHẬT KÝ VÀ NHỮNG BƯỚC CHÂN DẾ MÈN





Bài trên báo Quảng Nam cuối tuần, 26&27/10/2024.


Tiến sĩ Lê Nhật Ký được đánh giá là một trong những chuyên gia về văn học thiếu nhi hiện nay. Ông cũng là người có nhiều nghiên cứu nổi bật về văn học thiếu nhi Quảng Nam. Có thể thấy điều này phần nào qua công trình mới nhất của ông “Từ bước chân Dế Mèn” (NXB Khoa học xã hội, quý I năm 2024).

NẶNG LÒNG VỚI VĂN HỌC THIẾU NHI

Lê Nhật Ký đến với văn học thiếu nhi trong do đặc thù công việc dạy học. Năm 1987, tốt nghiệp đại học Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ông được phân công về công tác tại Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Quy Nhơn, giảng dạy bộ môn văn học trung đại. Năm 1996, Lê Nhật Ký được chuyển sang làm việc tại Khoa Giáo dục tiểu học và mầm non của trường. Từ đó, miệt mài theo đuổi văn học thiếu nhi, như tác giả vẫn tự ví là “theo bước chân Dế Mèn” (tên nhân vật chính của “Dế Mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài, một kiệt tác đồng thoại có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nền văn học thiếu nhi Việt Nam), ông trở thành nhà nghiên cứu văn học thiếu nhi hàng đầu hiện nay. Các công trình tiêu biểu của ông có thể kể ra như “Văn học cho thiếu nhi” (viết chung, 2003), “Hệ thống thể loại trong văn học thiếu nhi” (viết chung, 2009), “Truyện đồng thoại trong văn học Việt Nam hiện đại” (chuyên luận, 2016) và mới đây là Từ bước chân Dế Mèn (tập tiểu luận văn học thiếu nhi).

"Từ bước chân Dế Mèn" gồm 27 mục bài, phần lớn là những tham luận, bài báo đã công bố trong các hội thảo khoa học quốc tế, quốc gia và các tạp chí trong nước những năm qua. Có thể nói, mỗi tiểu luận trong tập sách này là từng bước chân lặng lẽ, kiên trì, đầy gian nan mà không kém phần say mê, ý nghĩa trên hành trình gần 30 năm nghiên cứu, giảng dạy văn học thiếu nhi của nhà nghiên cứu Lê Nhật Ký.

Với 27 bài viết dày dặn, Từ bước chân Dế Mèn mang đến cho độc giả một cái nhìn tương đối bao quát về nền văn học thiếu nhi dân tộc. Từ những vấn đề cụ thể như tác giả (“Phạm Hổ, viết cho thiếu nhi là một hạnh phúc”, “Trần Hoài Dương trên tiến trình truyện cổ tích hiện đại”), tác phẩm (“Giá trị truyện thơ Túi ba gang của Nguyễn Bính”, “Nhân vật con người trong truyện Dế Mèn phiêu lưu ký”), thể loại (“Truyện viết về loài vật của Võ Hồng”, “Truyện viết tiếp của Phạm Hổ và Võ Đức Thọ”), giai đoạn văn học (“Truyện đồng thoại Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI”), vùng văn học (“Nhà văn Bình Định với văn học thiếu nhi”) đến nghiên cứu liên ngành văn học thiếu nhi với báo chí (“Võ Quảng, cuộc song hành giữa báo chí với văn học thiếu nhi”), với tôn giáo (“Văn học thiếu nhi ở Làng Sông”, “Dấu ấn Phật giáo trong Chuyện hoa, chuyện quả của Phạm Hổ”), với nhà trường (“Truyện đồng thoại với rèn luyện kỹ năng làm văn miêu tả cho học sinh tiểu học”, “Xây dựng học phần văn học thiếu nhi trong chương trình đào tạo đại học, ngành sư phạm Ngữ văn”)…, cuốn sách mang đến cho người đọc những hệ quy chiếu từ điểm thấy diện, nhìn cây thấy rừng đầy hấp dẫn, thuyết phục.

KHẲNG ĐỊNH VỊ TRÍ CỦA VĂN HỌC THIẾU NHI QUẢNG NAM

Theo nhà nghiên cứu Lê Nhật Ký, Quảng Nam là địa phương có bề dày truyền thống và có nhiều đóng góp quan trọng cho tiến trình vận động, phát triển của văn học thiếu nhi dân tộc. Trong đó, Pierre Lục – người mở đầu cho tiểu thuyết thiếu nhi, Võ Quảng – nhà văn tiên phong dấn thân cho sự nghiệp giáo dục tuổi thơ và Nguyễn Nhật Ánh – người “giải cứu” văn học thiếu nhi khỏi cơn khủng hoảng những năm cuối thế kỷ XX là những tác gia người Quảng có tầm ảnh hưởng lớn. Người ra, Quảng Nam còn có nhiều cây bút khác đã và đang miệt mài cống hiến, ghi được nhiều dấu ấn trong đời sống văn học thiếu nhi hiện đại.

Trong “Từ bước chân Dế Mèn”, tác giả một lần nữa khẳng định Quảng Nam là một trong những vùng văn học thiếu nhi quan trọng của cả nước. Điều này được chứng minh xác đáng qua các tiểu luận “Nhà văn Võ Quảng với truyện đồng thoại”, “Giảng dạy và nghiên cứu tác phẩm thơ văn Võ Quảng trong nhà trường”, “Nguyễn Nhật Ánh và cuộc chiến không cân sức”, “Pierre Lục và sách cho trẻ em”…

Trong lời mở đầu tập sách, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn (nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu văn học) chỉ ra “chí ít có ba phương diện làm nên phát kiến và đóng góp sáng rõ” của nhà nghiên cứu Lê Nhật Ký là khảo cứu chuyên sâu về truyện đồng thoại, vị thế chuyên gia về văn học thiếu nhi miền Trung, xác định ý nghĩa văn hóa và văn học sử của văn học thiếu nhi từ cảm quan tôn giáo. “Từ bước chân Dế Mèn” xác quyết cho nhận định này. Đến với tập sách, độc giả sẽ nhận ra chân dung nhà nghiên cứu văn học thiếu nhi Lê Nhật Ký với những đóng góp riêng biệt. Trong tập tiểu luận này, vị trí của Quảng Nam đối với nền văn học thiếu nhi Việt Nam đã được làm sáng rõ và khẳng định một cách thuyết phục. Đây cũng là một đóng góp của tác giả.

PHẠM TUẤN VŨ
P/s: Tác giả cung cấp bản gốc

1 nhận xét: