Thứ Hai, 28 tháng 10, 2024

PHÂN BIỆT CHUYỆN VÀ TRUYỆN



Nguồn: sưu tầm

 1. “CHUYỆN” và “TRUYỆN”

Học trò hỏi: - Ở trường, cô giáo dạy tác phẩm tự sự, nhưng em chưa rõ lắm khi nào gọi là “chuyện” và khi nào gọi là “truyện”. Thầy giúp em được không?


- Khi có một hay một loạt sự việc xuất hiện thì ta bắt đầu có “chuyện”. Đó là lúc dân gian hay nói “có chuyện”, “thành chuyện”, kiểu như: nhà hàng xóm có chuyện rồi, hai đứa nó thành chuyện rồi,… Như vậy, “chuyện” chỉ đơn thuần dùng để chỉ các sự việc, sự kiện hay tình huống xảy ra (chuyện đời, chuyện trường, chuyện lớp, chuyện nàng Kiều, chuyện Tấm Cám,…).

Khi có được “chuyện” rồi, người ta thường có nhu cầu, có mong muốn thuật lại. Vì nếu không thuật lại thì ấm ức lắm. Hành động thuật lại như thế gọi là “kể chuyện”.

Trong văn học, “kể chuyện” có thể bao gồm rất nhiều thứ, từ việc chọn một ngôi kể, người kể, xác định một điểm nhìn, lựa một giọng điệu, đến sắp xếp tổ chức lại các sự kiện thành một chuỗi có liên kết với nhau, rồi quyết định trình tự kể, xây dựng nhân vật, bối cảnh, vv… Kết quả của việc “kể chuyện” này là tạo ra một văn bản có mở đầu, có kết thúc, có các mối liên hệ, liên kết bên trong và mang một ý nghĩa. Văn bản này được gọi là “truyện”, chẳng hạn: “Truyện Kiều”, truyện ngắn “Lão Hạc”, truyện cổ tích “Tấm Cám”, truyện ngụ ngôn “Con cáo và chùm nho”, truyện cười “Tam đại con gà”, truyện kể về anh hùng Võ Thị Sáu,… Như vậy, “truyện” dùng để chỉ một văn bản hay tác phẩm văn học có cấu trúc hoàn chỉnh và nội dung cụ thể được viết ra hoặc kể lại theo cốt truyện, với các nhân vật và tình tiết, sự kiện trong một bối cảnh không gian và thời gian nhất định.

“Chuyện” có thể thực (chuyện có thật) hoặc hư cấu (chuyện bịa). “Truyện”, do tính tổ chức của nó, ở mức độ này hay mức độ khác, đều là hư cấu.

TRẦN THANH BÌNH, Fb ngày 24/9/2024



2. PHÂN BIỆT CHUYỆN VÀ TRUYỆN

Nhiều người nhầm lẫn giữa chuyện và truyện. Nguyên nhân của sự nhầm lẫn này có nhiều, nhưng dễ thấy là: 2 từ này có ý nghĩa và âm đọc rất gần nhau (/ch/ và /tr/ có thể chuyển hóa cho nhau, người miền Bắc không phân biệt được 2 phụ âm này).

Về từ nguyên, chuyện và truyện đều bắt nguồn từ một từ Hán là 傳 mà một trong các âm đọc phổ biến của nó hiện nay là truyện, nghĩa gốc là “sách của hiền nhân làm ra” (Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển).

Tuy nhiên, trong tiếng Việt hiện đại, chuyện và truyện hoàn toàn khác nhau. Theo Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên), chuyện có nét nghĩa đầu tiên là “sự việc được kể lại”. Còn truyện có một trong hai nét nghĩa là “tác phẩm văn học miêu tả tính cách nhân vật và diễn biến của sự kiện thông qua lời kể của nhà văn”.

Như vậy, có thể phân biệt 2 từ này ở một số phương diện sau:

Thứ nhất, truyện thuộc lĩnh vực văn chương, như trong các từ: truyện ngắn, truyện dài, truyện trinh thám, truyện tranh... Còn chuyện lại thuộc các lĩnh vực khác, như trong: chuyện vui, chuyện tình, chuyện đời, chuyện vẩn vơ, chuyện tầm phào…

Thứ hai, truyện tồn tại ở dạng văn bản, liên quan đến các hoạt động viết, xem, đọc, thưởng thức, như trong: tác phẩm truyện, văn bản truyện, viết truyện, đọc truyện, thưởng thức truyện… Trong khi đó, chuyện chủ yếu tồn tại ở dạng ngôn ngữ nói, liên quan đến các hoạt động nói, kể, nghe, như trong: kể chuyện, nói chuyện, trò chuyện, buôn chuyện, hóng chuyện…

Thứ ba, truyện thường cụ thể, chặt chẽ, có tính hệ thống, có thể định lượng (bao nhiêu chữ, câu, trang sách), có tính chọn lọc về ngôn ngữ. Còn chuyện thường mơ hồ, ít chặt chẽ, khó định lượng, ít chọn lọc về ngôn ngữ. Chẳng hạn, với khái niệm chuyện đời, ta rất khó để xác định đó là chuyện gì, có những nội dung gì, dài ngắn bao nhiêu.

Với trường hợp chuyện/ truyện cổ tích, chuyện/ truyện dân gian, có thể hiểu, khi là chuyện, đó là tác phẩm còn tồn tại trong dân gian. Còn khi đã là truyện thì những tác phẩm ấy đã được sưu tầm, cụ thể hóa thành văn bản hoặc in thành sách.

Ta cũng nên lưu ý: viết như các trường hợp: câu truyện, kể truyện, nói truyện, thưởng thức chuyện, sáng tác chuyện, tác phẩm chuyện… là không đúng.

PHẠM TUẤN VŨ








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét